Manh nha cuộc chiến thương mại giữa EU, Indonesia và Malaysia

Thứ Năm, 11/04/2019, 07:54
Dầu cọ hiện đang là vấn đề nóng giữa Indonesia, Malaysia và Liên minh châu Âu. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi EU công bố chính sách quy định về việc sử dụng dầu cọ vào cuối tháng 3 vừa qua, đẩy châu Âu và hai quốc gia sản xuất dầu cọ lớn ở khu vực châu Á bước vào cuộc chiến thương mại gay gắt.

Đạo luật dầu cọ mới của EU cho rằng: đây là nguồn nhiên liệu sinh học không bền vững, là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng hàng loạt. Trước quan điểm của châu Âu, Indonesia và Malaysia đang lo lắng thị trường dầu cọ sẽ tiếp tục bị thu hẹp, sau khi gánh chịu áp lực giá dầu cọ suy giảm đến 15% vào năm ngoái.

Indonesia sẽ đưa vụ việc này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngay khi đạo luật của EU chính thức có hiệu lực. Phía Malaysia cũng lên tiếng đe doạ trả đũa bằng cách ngừng việc mua vũ khí của châu Âu. “Chính sách dầu cọ của EU có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ ngoại giao vốn tốt đẹp giữa Liên minh châu Âu và Indonesia”, ông Darmin Nasution, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia bày tỏ. Bộ trưởng Darmin cũng cho biết thêm: “Chúng tôi sẵn sàng mang vụ việc này ra trước WTO, vì chúng tôi không đáng bị đối xử như thế”.

Một bộ trưởng Indonesia hôm 27-3 thậm chí tuyên bố tại một diễn đàn về dầu cọ rằng Jakarta có thể rút khỏi Thỏa thuận về Khí hậu Paris 2015, nếu châu Âu vẫn duy trì dự án loại dầu cọ ra khỏi danh sách các thành phần dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học của châu Âu từ đây đến năm 2030. Lời đe dọa rời khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris là một áp lực mới với châu Âu trong hồ sơ nhiên liệu sinh học đầy gai góc.

Hợp đồng vũ khí bên bờ vực sụp đổ

Vào cuối tháng 3-2019, ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng Malaysia phát biểu: “Nếu châu Âu còn tiếp tục những hành động gây bất lợi cho việc xuất khẩu dầu cọ, chúng tôi sẽ huỷ bỏ các hợp đồng mua vũ khí từ EU và sẵn sàng mua vũ khí của Trung Quốc hoặc một quốc gia khác”.

Trước đó, Malaysia đã lên kế hoạch thay thế các chiến đấu cơ lỗi thời như máy bay tiêm kích Mig-29 của Nga bằng máy bay chiến đấu Rafale và Eurofighter Typhoon của EU.

Tại Indonesia và Malaysia, ngành sản xuất dầu cọ được coi như một lợi ích quốc gia, gắn liền với phát triển. Chính quyền Jakarta và Kuala Lumpur thường chống lại các tấn công nhắm vào ngành trồng cọ bằng mọi giá, hàng năm tạo ra hơn 30 triệu tấn dầu, chủ yếu tại hai đảo lớn Sumatra và Kalimantan (Indonesia). Jakarta và Kuala Lumpur cho rằng ngành công nghiệp dầu mang đến lợi nhuận cao, được nhiều tập đoàn lớn tài trợ và giúp hàng triệu nông dân thoát nghèo.

Tuy nhiên các chuyên gia về môi trường và sinh thái đang lên tiếng chỉ trích ngành công nghiệp này. Họ cho rằng việc sản xuất dầu cọ đã dẫn đến nạn phá rừng ồ ạt, gây mất cân bằng sinh học, đe doạ đến cuộc sống của các loài, đặc biệt là đười ươi. Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh việc sản xuất nguyên liệu trên tạo ra khí phát thải nhà kính, gây biến đổi khí hậu. Điều này hoàn toàn đi ngược với mục tiêu sử dụng nhiên liệu sạch và bền vững mà EU đang thực thi. Việc phá rừng được sử dụng như một luận điểm chính trong chủ trương gạt dầu cọ ra khỏi các thành phần chế tạo nhiên liệu sinh học tương lai của Liên minh châu Âu.

“Đạo luật mới về dầu cọ chỉ hướng đến việc ngăn EU dùng nguồn nguyên liệu gây hại cho môi trường, do quá trình sản xuất tạo ra nhiều khí nhà kính không kém nhiên liệu hoá thạch”, ông Vincent Guérend, đại sứ EU tại Indonesia nói với AFP.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change, Indonesia là một trong ba lá phổi của hành tinh, cùng với Brazil ở châu Mỹ Latinh và Congo ở châu Phi, nhờ có diện tích rừng nhiệt đới phủ lên 60% lãnh thổ. Nhưng chỉ trong hơn nửa thế kỷ qua, các chính quyền liên tiếp tại Jakarta đã dễ dàng hy sinh nguồn tài nguyên đó để phát triển công nghiệp gỗ và công nghệ sản xuất dầu cọ.

Thủ tướng Mahathir Mohamad khẳng định, nếu châu Âu còn tiếp tục những hành động gây bất lợi cho việc xuất khẩu dầu cọ, Malaysia sẽ huỷ bỏ các hợp đồng mua vũ khí từ EU.

Indonesia phá rừng nhiệt đới nhanh hơn Brazil. Ảnh vệ tinh của Cơ quan không gian NASA cho thấy 840 ngàn hecta diện tích rừng nguyên sinh của Indonesia bị phá hủy để lấy đất trồng cọ. Cùng thời điểm diện tích đốn rừng của Brazil chỉ bằng phân nửa so với tại Indonesia. Còn theo thẩm định của nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, thì mỗi năm có từ 40 ngàn đến 200 ngàn hecta rừng Indonesia bị xóa sổ. Kèm theo đó một số sinh và thực vật bị khai tử.

Tuy nhiên, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải Indonesia cam kết: “Chúng tôi đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải CO2, và tạo môi trường bảo vệ loài đười ươi”. Để thể hiện thiện chí, năm 2018, Jakarta đã ban hành lệnh cấm xây dựng đồn điền dầu cọ mới trong ba năm.

Indonesia và Malaysia liên kết chống lại chính sách của EU

Năm ngoái, EU bắt đầu đề ra chỉ thị hạn chế sử dụng dầu cọ làm nguyên liệu thô trong sản xuất nhiên liệu sinh học, và sẽ cắt bỏ hoàn toàn vào năm 2030. Trước tình hình đó, Indonesia và Malaysia đã liên kết chặt chẽ cùng lên tiếng chống lại quyết định của EU.

Đạo luật dầu cọ mới 2019 được Ủy ban châu Âu thông qua ngày 13-3-2019, nhưng văn bản vẫn phải chờ Nghị viện và các nước thành viên thống nhất. Nếu sau hai tháng Nghị viện không phản đối, đạo luật sẽ chính thức có hiệu lực.

Jakarta và Kuala Lumpur đồng kêu gọi mọi người dân lên án sự phân biệt đối xử của châu Âu đối với ngành dầu cọ của nước mình, đồng thời tố cáo châu Âu tạo nên “hành lang bảo vệ quyền lợi” cho những nhà sản xuất nhiên liệu sinh học của mình.

“Nếu tình hình phân biệt thương mại vẫn tiếp tục diễn ra, thì mọi thứ cần được minh bạch trước WTO”, ông Vincent Guérend nói. Indonesia cũng ám chỉ nước này có thể tạm ngưng đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại, Đại sứ châu Âu tại Indonesia cho biết: “Cuộc chiến thương mại không phải là điều mà EU mong muốn. Chúng tôi đang cố gắng hạn chế tình trạng tồi tệ đó”.

Châu Âu vốn không có ý định cấm nhập khẩu dầu cọ, vì đây là nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong ngành thực phẩm và mỹ phẩm của châu lục. Eu vốn là nhà nhập khẩu dầu cọ đứng thứ hai toàn thế giới. Tuy nhiên, một nửa lượng dầu cọ nhập khẩu (tương đương 4 triệu tấn) được dùng làm nguyên liệu trong việc chế tạo nhiên liệu sinh học, đây mới là phần EU muốn ngăn cản.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.