Mạo hiểm mạng sống với môn thể thao lặn sâu

Thứ Ba, 27/11/2012, 14:30

Blue Hole - Hố Xanh - ở Vịnh Aqaba trên bán đảo Sinai đặc biệt thu hút những du khách say mê môn lặn sâu. Hàng chục người thích phiêu lưu đã mất mạng ở đây trong nhiều năm qua. Vùng bãi biển giống như một nghĩa trang với 14 phiến đá tưởng niệm những người lặn sâu đã bỏ mạng ở Blue Hole - một hố xanh thẳm có hình phễu với đường kính khoảng 80 mét nằm phía trên vỉa san hô ngầm ngăn cách với bờ biển.

Ở độ sâu 52 mét của Hố Xanh có một miệng hang dẫn vào con đường hầm dài 26 mét chạy ngang qua rạn san hô và thông ra biển lớn. Phần sàn của đường hầm tuột dần từ độ sâu 102 mét xuống 120 mét. Khi thoát ra khỏi đường hầm, đáy biển sâu xuống dần - đầu tiên là 130 mét, rồi đến 150, 250, 300 và cuối cùng là 800 mét! Tarek Omar, người từng đưa xác của những du khách lặn sâu lên mặt nước nói, ông không nhớ chính xác có bao nhiêu thi thể đã được vớt lên.

Trên thế giới có nhiều điểm lặn sâu thu hút du khách hơn Blue Hole ở thành phố Dahab, với nhiều rạn san hô lóng lánh nhiều màu sắc, nhiều cá lạ hơn, những xác tàu đắm, hang động. Nhưng Blue Hole được coi là điểm lặn sâu nổi tiếng nhất thế giới bởi vì nó nguy hiểm nhất - yếu tố rất hợp với những người có máu phiêu lưu.

Không có danh sách nạn nhân chính thức, song Tark Omar ước tính có khoảng 130 người đã mất mạng ở Blue Hole trong 15 năm qua. Ông so sánh những thảm kịch xảy ra ở Blue Hole với những hành động điên rồ ở núi Everest. Có lẽ không ai biết rõ về Blue Hole hơn Tarek Omar. Ông là người đầu tiên thám hiểm Blue Hole, lặn xuống đến đáy và nhìn thấy những xác chết nằm yên dưới đáy biển. Thậm chí Tarek Omar còn giữ kỷ lục lặn sâu trong khu vực: 209 mét!

Tarek Omar, 47 tuổi, chào đời ở ngôi làng gần biên giới với Libya và là người Arập du cư thuộc bộ tộc Aulad Ali. Ông đến thành phố Dahab năm 1989 để tìm việc làm. Năm 1992, Omar học lặn sâu và 3 năm sau trở thành huấn luyện viên bộ môn thể thao nguy hiểm chết người này. Cũng kể từ đó, Omar gánh vác nhiều "sứ mạng" ở Blue Hole. Mang thi thể người chết đuối dưới đáy biển lên khỏi mặt nước là một "sứ mạng" của Omar.

Hàng chục người lặn sâu đã mất mạng ở Blue Hole, trong đó nhiều người cố chui qua đường hầm ở độ sâu 54 mét.

Phần lớn những thi thể mà Omar tìm thấy dưới nước ở độ sâu 100 - 120 mét. Khi tìm thấy xác chết, Omar chỉ mất 5 phút để buộc nó vào thân mình rồi trồi lên mặt nước. Khi cách mặt nước chừng 40 mét, Omar đưa xác lên bằng túi khí.

Blue Hole là vùng nước ấm, yên tĩnh và trong vắt. Khi xuống sâu dưới nước, ánh sáng và màu sắc dần biến mất - ban đầu là màu đỏ rồi đến màu cam và vàng. Cuối cùng chỉ còn màu xanh đúng như tên gọi Hố Xanh. Ánh sáng quay trở lại ở độ sâu khoảng 45 mét. Đó là thời điểm đẹp nhất vào buổi sáng khi mặt trời lên cao và rọi ánh sáng trực tiếp xuống Blue Hole. Dahab ngày xưa chỉ là làng chài bình thường nhưng ngày nay nó đã chuyển mình với những nhà hàng sang trọng mọc lên chào đón du khách từ mọi nơi đổ về. Những cửa hiệu phục vụ du khách lặn sâu, khách sạn và nhà hàng nằm san sát nhau ở khu vực bờ biển và không ai biết chính xác con số là bao nhiêu.

Trên thực tế có khoảng 52 cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn có những trường dạy môn lặn sâu hoạt động không giấy phép. Do cạnh tranh nên giá cả ở Blue Hole khá thấp. Giá cho học viên mới nhập môn lặn sâu là 200 euro (244 USD), còn lặn sâu ở rạn san hô có người theo hướng dẫn là 25 euro. Những du khách chọn mua 5 vé lặn sâu sẽ được... khuyến mại thêm một vé!

Giới hạn tối đa đối với lặn sâu với bình khí nén là 56 mét. Để tránh tai nạn, Hiệp hội Lặn sâu Ai Cập quy định không được lặn quá 40 mét với bình khí nén ở Hồng Hải. Tuy nhiên, ở Dahab, du khách có thể bỏ tiền ra để mua độ sâu! Chỉ cần bỏ ra 100 euro là dễ dàng tìm được một hướng dẫn viên sẵn sàng bí mật lặn theo du khách vào đường hầm đến bất cứ độ sâu nào để hỗ trợ mà không hề yêu cầu xuất trình thẻ chứng nhận lặn sâu hay sổ nhật ký lặn sâu trong đó ghi chép chi tiết về mỗi cuộc lặn của du khách.

Blue Hole nằm rất gần bờ biển nên người lặn không phải tốn công sức bơi ra xa.

Khi xuống đến độ sâu 30 mét, người lặn chưa có kinh nghiệm có thể rơi vào tình trạng gọi là "nitrogen narcosis", tức là hiện tượng rối loạn cơ thể do lượng nitrogen trong máu tăng lên dẫn đến việc đầu óc quay cuồng, mất khả năng phán xét hay thậm chí có những người gặp cảm giác như say thuốc. Một người khi đã chịu được độ cồn của rượu cũng giống như người lặn bắt đầu quen dần với độ tập trung cao nitrogen trong máu. Nhưng khi ở sâu dưới nước, oxygen có thể trở nên độc hại khiến cho người lặn nôn mửa, choáng váng, vọp bẻ (chuột rút) và cuối cùng là bất tỉnh.

Người lặn phải duy trì ở những độ sâu nào đó trong khoảng thời gian nhất định để cho cơ thể quen dần với áp lực đang tụt giảm. Theo quy định, người lặn không được trồi lên nhanh hơn 10 mét/phút. Bởi vì khi trồi lên quá nhanh, những bọt bong bóng khí sẽ hình thành trong máu gây đau nơi khuỷu tay, đầu gối và vai. Những bong bóng khí này có thể làm tắc nghẽn các mạch máu và mô trong não, tim, phổi và tủy sống. Những chặng 10 mét cuối cùng để ngoi lên mặt nước chứa đựng nhiều hiểm nguy đến tính mạng người lặn.

Heikai Tawab, Giám đốc Trung tâm Y tế điều trị oxy bội áp ở Dahab, khuyên những người lặn ngoi lên mặt nước quá nhanh cần được đưa đến phòng giảm áp ngay lập tức để khử những bong bóng khí trong máu

An Di (tổng hợp)
.
.