Mất mạng vì… mạng!

Thứ Sáu, 09/08/2013, 10:50

Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, mạng xã hội hay còn gọi là mạng xã hội ảo là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Định nghĩa thì khúc chiết, rõ ràng là vậy, song không phải ai bước chân vào mạng xã hội cũng ý thức được hết, để rồi có những sự việc ảo mà dẫn tới những bi kịch quá đau lòng!

Bi kịch từ những câu chuyện ảo

Câu chuyện buồn của nữ sinh Nguyễn Thị Chầm Linh (Thạch Thất, Hà Nội) còn chưa kịp nguôi ngoai thì mới đây, một tờ báo lớn của trung ương lại đưa thông tin về vụ việc một học sinh tự tử đau lòng khác mới xảy ra ở Đà Nẵng. Một nữ sinh của Trường THPT Trần Phú, Đã Nẵng sau khi bị nhục mạ, xúc phạm trên một trang mạng xã hội bởi những kẻ điều hành ẩn danh, đã muốn tìm đến cái chết bằng thuốc an thần. Những kẻ sử dụng trang mạng xã hội với ý đồ xấu đó đã dựng lên những chuyện tày trời đối với nữ sinh này như đã… sinh con ngay khi còn đang đi học và vu khống hàng loạt thói hư tật xấu cho nữ sinh như kênh kiệu, chảnh chọe, "rượu bia các kiểu, móng tay móng chân đủ màu…". Thật may là với sự quan tâm của gia đình, cô bé đã được đưa đi cấp cứu kịp thời và dần lấy lại được thăng bằng.

Trở lại với câu chuyện của Chầm Linh, em đã không được may mắn như vậy. Thậm chí, sau khi sự việc xảy ra, người thân trong gia đình Linh còn phải thốt lên rằng "Cứ tưởng trò đùa của mấy đứa học sinh, ai ngờ sự việc lại nghiêm trọng như vậy!".

Càng đau lòng hơn khi xem những dòng di thư mô tả lại tình huống đã khiến cho sự bồng bột của cô bé lên tới đỉnh điểm: "Hôm đi học thêm toán, thằng Hải nó lấy ảnh cháu, về nó ghép linh tinh, cháu bảo nó mà nó không bỏ, nó bảo nó sẽ đăng lên Facebook. Thế sau nó đăng lên Facebook của lũ con trai của lớp. Thằng Đạo thấy thế down về đăng lên Facebook của cả lớp. Cả lớp xem được. Cháu bực mình gây sự thế là cả lớp thích chí càng trêu hơn. Cháu dọa cho là cháu sẽ chết vì bức ảnh đó. Nó bảo cháu chết luôn đi, cho bọn nó ăn mừng…".

Thật là chuyện con trẻ mà làm đau lòng người lớn. Và có điều đáng chú ý trong cả 2 câu chuyện trên, đó là cả hai nữ sinh khi bị lâm vào tình huống bị xúc phạm đều bị rơi vào trạng thái cô độc tột độ. Như trường hợp của Linh, trong lá thư miêu tả lại tình huống của mình, Linh đã cho rằng "cháu bực mình gây sự thế là cả lớp thích chí càng trêu hơn". Rõ ràng lúc này các em cần hơn bao giờ hết sự chia sẻ kịp thời của những người xung quanh để vượt qua cú sốc tâm lý.

Như trong trường hợp của nữ sinh Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng. Sau khi sự việc xảy ra, trang mạng xã hội có tên "Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành" đã bị xóa. Một vài trang anti - chống trang mạng nói trên đã được các em lập ra để bày tỏ thái độ của mình. Thậm chí, sau đó vài ngày, một trang Facebook khác có tên y hệt lại được lập ra nhưng với nội dung khác hẳn. Một hacker mũ trắng với nickname - danh xưng là "Bmt Của Jav" cho biết đã "âm thầm điều tra và gặp khá nhiều trở ngại… tôi thừa cơ hội hack vào page và biết được sự thật, những thông tin trên đều có căn cứ, mọi người hãy cùng share (chia sẻ) để tống bọn nó vào tù, tôi sẽ gửi thư mật đến Công an thành phố ĐN (Đà Nẵng). Cảm ơn!".

Những thông tin mà hacker mũ trắng nói đến, chính là nickname, danh tính và tung tích của 3 nhân vật được cho là những kẻ điều hành trang mạng xã hội bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành có nội dung xấu trước đây. Rõ ràng các em không cô đơn trong mọi trường hợp bởi ít nhất, luôn luôn bên cạnh các em còn có bố, mẹ, ông, bà hoặc anh chị em, bạn bè thân và nhiều người tử tế khác. Mấu chốt là các em có còn đủ tỉnh táo để nhận ra là vẫn luôn có những người tốt bên cạnh mình hay không?

Trang xã hội "Bộ Mặt Thật Của Các Hot Teen Đà Thành" được một hacker mũ trắng dựng lại.

Nhấn chìm cảm xúc…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết, ức chế tâm lý khi tham gia mạng xã hội là kiểu ức chế tâm lý "thoái bộ" xét trên bình diện tâm lý tương tác. Việc cá nhân bị miệt thị do bị hiểu lầm, bị công kích, bị trêu đùa, bị những hành động xâm kích trên bình diện ngôn ngữ hay biểu tượng có thể làm cho cá nhân cảm thấy tức tối theo những diễn tiến khó kiểm soát. Lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì căng thẳng, lúc thì điên tiết, lúc muốn bỏ qua, lúc muốn trả đũa… Đây là kiểu ức chế tâm lý rất đặc thù khi sự đối mặt không diễn ra nên đối với đương sự thường xuất hiện những xung đột ngầm, xung đột công khai đan xen với nhau và làm cho người khác rất khó quản lý hành vi và thái độ ứng xử.

Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, đây là dạng ức chế đặc thù nên cách giải quyết cũng phải đặc biệt. Là vì trong trường hợp này, người bị xúc phạm không phải lúc nào cũng có thể trực tiếp gặp kẻ đưa lời xúc phạm, những cuộc trao đi đổi lại hoàn toàn có thể bị bóp méo, xuyên tạc dẫn tới hậu quả là xung đột khó được giải quyết. Bởi vậy, cách giải quyết phù hợp khi bị công kích hay xúc phạm trong trường hợp này, theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, là hãy thật bình tĩnh nhìn nhận vấn đề. Sau đó phân tích theo hai hướng: Phân tích cho chính mình và lưu giữ theo định hướng "nhấn chìm cảm xúc". Trong một vài trường hợp cụ thể, có thể phân tích cho chính mình và người kia theo hướng trao đổi nhẹ nhàng, sâu sắc…

Cuối cùng, cách giải quyết ức chế có thể chọn lựa theo hướng là không quan tâm, mặc kệ… theo hướng cho qua hay "cấm cửa" nếu như cảm thấy đó là phương án không thể cứu vãn… Nếu cần lời khuyên, trong trường hợp này nên trang bị kỹ năng theo hướng loại xung đột, trường hợp này là xung đột kiềm giữ, vì nhu cầu đối mặt không thể được thực thi. Có thể áp dụng xử lý xung đột như kỹ năng kiềm giữ cảm xúc, quản lý cảm xúc, chuyển di cảm xúc,… thương lượng theo hướng nhường bước, lùi một bước, cả hai cùng thắng.

… hay ức chế cần được giải tỏa?

Ở một hướng giải quyết khác, quan điểm cho rằng rất nhiều hành động mà chúng ta hay gọi là bột phát, thực ra lại cũng không hoàn toàn bột phát. Theo một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Thể - Tâm - Trí, ức chế tâm lý thường được bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ nhưng không được giải quyết triệt để. Thói quen là hay lý trí để lựa chọn cách giải quyết như bỏ qua hay coi như không có chuyện gì xảy ra hoặc lựa chọn phương án cố nhịn nhục, phải chấp nhận, phải cố gắng chịu đựng, kìm nén… Tuy nhiên, những loại cố gắng để "coi như không có chuyện gì xảy ra" này, tuy ban đầu tưởng như có thể giải quyết được vấn đề nhưng trên thực tế, đều là những tác nhân đẩy một cơ thể khỏe mạnh trở nên ốm yếu, từ hiền lành trở nên dữ dằn và thậm chí làm ra các việc vượt qua cả những đánh giá thông thường.

Nói cách khác, nó là một dạng phản ứng tự vệ nhưng lại nằm ngoài khả năng kiểm soát. Trong cả một chuỗi những ức chế, những dằn vặt, những cảm giác bị coi thường, sự chịu đựng… sâu thẳm trong tâm lý con người thì hành động bột phát như chán chường, mua thuốc độc để uống một cách tự nguyện như thế thực ra chỉ là sự kiện đỉnh điểm cuối cùng trong chuỗi ấy.

Theo đó, cách giải quyết sai lầm mà không chỉ lứa tuổi học trò các em mới mắc phải, mà ngay cả đối với người trưởng thành không phải lúc nào cũng vượt qua được, đó là khi chúng ta bị ức chế tâm lý lại không giải tỏa mà cố kìm nén và coi như không có chuyện gì xảy ra. Tất cả suy nghĩ, hành động đều là một dạng của năng lượng. Đã là năng lượng thì phải được lưu thông, vận hành và giải phóng. Mỗi khi xảy ra một vấn đề, mặc dù là rất nhỏ nhưng nếu chưa tìm được cách để giải quyết thì năng lượng ách tắc ấy không được giải phóng, tiếp tục gây ức chế, cản trở sự vận hành của bộ não và cơ thể. Có nghĩa là nếu chúng ta muốn kìm nén một năng lượng thì không còn cách nào khác là cơ thể của chúng ta lại phải tự sản sinh ra một năng lượng tương đương để áp chế, không cho năng lượng kia bùng phát. Và như vậy vô tình chúng ta đã tự nhân đôi số năng lượng ách tắc ấy lên.

Lặp đi lặp lại nhiều lần, đặc biệt là trong thời gian ngắn sẽ khiến cơ thể và bộ não con người bị quá tải. Lúc này bản năng con người ta sẽ xuất hiện trình "chấp nhận chịu thua" để co mình lại, hay trình "tự phạt, tự hủy" để sinh ra ốm đau, hoặc lên tới mức tột độ, tìm đến cái chết - tự sát hoặc không thì sẽ là trình "chấp nhận trả giá" để giải phóng năng lượng, thể hiện ra ngoài bằng các hành vi bạo lực, đánh chém, trả thù, cưỡng hiếp…

Bởi vậy, lời khuyên trong trường hợp này lại là cần giải quyết vấn đề nếu có chứ không chỉ nên đơn thuần là cố gắng chịu đựng, bỏ qua để rồi tạo ra ách tắc năng lượng sinh học trong cơ thể, gây nên rối loạn, cản trở tới cả sức khỏe về thể lực, tâm lực và trí lực của chính mình.

Tự trang bị

Không chỉ bây giờ tại Việt Nam mà trên thế giới cũng đã có nhiều trường hợp học sinh, tuổi còn rất trẻ, đã tìm đường quyên sinh khi gặp phải những rắc rối tương tự. Jessica Laney, 16 tuổi, sinh sống tại Hudson, bang Florida, Mỹ đã chọn cách tự sát sau khi lên mạng xã hội Ask.fm chia sẻ về sự rối loạn, nỗi buồn khổ vì cuộc sống gia đình gặp trục trặc, những cuộc cãi vã nhỏ ở trường học và mối lo lắng về cơ thể mình bị các bạn bêu riếu. Hay như trước đó là trường hợp của Natasha MacBryde, một học sinh 15 tuổi ở Bromsgrove, Worcestershine, Anh đã lao vào tàu hỏa sau khi nhận được tin nhắn lăng mạ và những lời đe dọa từ trang mạng xã hội Formspring, nơi cô tham gia.

Chia sẻ quan điểm của mình, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng mạng xã hội không hoàn toàn xấu. Mạng xã hội mang ý nghĩa tích cực theo đúng tên gọi của nó khi những tính năng kết nối và trao đổi được thực thi. Đây cũng chính là kênh thông tin quan trọng để người dùng cập nhật, chia sẻ và tương tác mang tính trực tuyến hoặc gần như trực tuyến. Ngoài ra, nó còn là hình thức giải trí, cách thức thể hiện bản thân hay những khoản đầu tư mang tính cá nhân của mỗi người tham gia…

Tuy vậy, nguy cơ tiềm ẩn của nó cũng không thể loại trừ. Đây sẽ là "cửa" nguy hiểm cho những bạn trẻ thiếu kỹ năng, cũng là hình thức hoặc phương tiện gián tiếp mà người không đàng hoàng có thể sử dụng để câu dắt, phục vụ cho mục tiêu xấu. Ngoài ra, người dùng cần phải hiểu rằng đây là một dạng kênh thông tin thiếu chính thống và thiếu độ nhất quán cao. Đấy là chưa kể việc tham gia mạng xã hội sẽ dễ làm cho con người ta trở nên lạnh lùng và cô đơn, dễ huyễn hoặc về mình nếu thiếu sự cân bằng cần thiết.

Bởi vậy, ngay cả người trưởng thành, không nên quá chủ quan với khả năng giải quyết khủng hoảng của chính mình. Còn đối với lứa tuổi học trò, lứa tuổi còn nằm trong diện quản lý của cha mẹ, thì phải được trang bị đủ kỹ năng sống cần thiết cộng với sự quan tâm sát sao của người lớn có trách nhiệm. Đây sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo cho các em sự an toàn cần thiết, kể cả về thể chất lẫn tinh thần

Việt Ba (vietanhp@gmail.com)
.
.