Ba chị em Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi – Qua lời kể của người cậu, NSƯT Lê Chức:

Máu chảy ruột mềm

Thứ Ba, 10/07/2012, 17:35

Người ta vẫn thường gọi ba cháu gái của tôi là Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi, mà thực ra là chúng mang họ bố. Họ Trần. Anh Trần Tiến hơi tự ái một tí, tự ái này đáng yêu lắm, anh bảo tôi: “Chúng nó có mang họ tôi đâu? Cô Lê Mai tự sinh ra chúng nó đấy chứ!”. Sau này tôi đã viết một bài: “Thì ra chỉ thiếu một chữ Trần” - Vì sao thế? Vì khi xưa lúc đi sơ tán, ông Trần Tiến đi theo nhà hát kịch thi thoảng mới đón Khanh. Nên ba đứa cháu tôi ở với mẹ Lê Mai là chính. Mẹ con quá gần gũi, mọi người mới gọi Vân Mai, Vi Mai, Khanh Mai… sau rút gọn lại thành nghệ danh Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi thôi.

Trong những năm tháng chống Mỹ, cả gia đình chị tôi phải đi tránh bom. Lúc bấy giờ chị Mai tôi có xe đạp thiếu nhi Liên Xô, nhưng phải được phân phối, nó chỉ là một khái niệm về phương tiện. Có những lúc giữa mưa mà chị Mai đạp xe đèo cả trẻ con và cả đồ ăn thức uống từ Phúc Thọ (bờ đê giáp Sơn Tây về Hà Nội, hoặc từ Hà Nội lên).

Có lần chị tôi kể, sao mà thấy cuộc đời nặng nhọc như thế này. Chị tôi lăn xe đạp ra đường, đặt trẻ con ngồi đấy giữa mưa và đón vẫy ôtô. Chị nói: "Cho chúng tôi lên hoặc là để cho chúng tôi được chết, tôi không còn sức nữa". Và người lái xe ôtô cho chị tôi và đám trẻ lên. Sau này gia đình chị tôi đã được giới thiệu trên truyền hình thì người đó tới với một đối thoại rất hay: "Cháu đến không phải là thấy người sang bắt quàng làm họ, cháu chính là người lái xe đêm hôm đó, hôm nay thấy cô chú các em trưởng thành cháu đến để nói rằng cháu chính là người lái xe ấy đây".

Anh Trần Tiến công tác ở Đoàn kịch Trung ương, chị Mai tôi ở Đoàn kịch Hà Nội. Hai người trùng lịch diễn thì lập tức chị tôi dắt díu Khanh, Vân lên tàu đi Hải Phòng về gửi bà ngoại. Bà ngoại cũng phải tập kịch, cuối cùng thực ra tôi phải trông lúc Vân, lúc thì Khanh. Nên trong cuốn truyện của Lê Vân có dành cho tôi chữ gọi là "Cậu bé" chính là tôi. Chị tôi diễn xong lại xuống đón Vân và Khanh về.

Cái nghèo đeo đẳng gia đình chúng tôi. Có những hôm muốn cho con mình được ăn những cái gì đó khá hơn, tôi đưa con đến nhà chị tôi cũng nghèo lắm ở Phan Đình Phùng. Khi thấy tôi, Lê Vân nó buột ra câu: "Ồ! Có người ăn đầu gà đến này". Vì gia đình Vân không ăn được đầu gà thì cậu lên. Nếu cậu có ở lại ăn cơm thì cậu sẽ ăn cái đầu gà. Mãi sau này, khi tôi ra nước ngoài công tác, tôi đón Vân ở Moskva trong một ngày băng tuyết. Tôi nói: "Ở đây có loại gà không có đầu và không có chân, cậu đưa cháu ra chợ, cháu ăn gì  thì cậu mua cho cháu thứ đó". Vân bảo: "Cậu mua cho cháu gà không chặt".

Tôi bảo chuyện đấy bây giờ đơn giản rồi. Tôi đưa Vân ra chợ, Vân chỉ gà Bulgaria cứ độ 1 cân, bọc trong tờ ni lông. Rồi cá thu 3 cân một con, không đầu, không đuôi. Tôi mua đồ ăn cho cháu… và nói: "Bây giờ cậu lại được đón cháu rồi". Tôi thật hạnh phúc khi đặt con gà nguyên con ra đĩa. Tôi được nhìn thấy cháu tôi sau rất nhiều năm gia đình cậu cháu đi qua những khó khăn. Vân nó có thể ăn hàng ngàn con gà sau này nhưng với tôi hình ảnh mà cháu tôi ăn hai cái đùi gà không chặt không bao giờ tôi quên.

Trước những năm 80, gia đình chị Lê Mai ở con phố Phan Đình Phùng diện tích còn chật hẹp chứ chưa được như bây giờ. Cả nhà chỉ có căn phòng rất nhỏ cộng thêm cái gác lửng. Sau này có tiền mới mua dần dần. Rồi nhà bị dột, khi chị Lê Mai và anh Trần Tiến chia tay, tôi đến vẫn thấy nhà được ngăn ra làm đôi, thương lắm. Anh rể tôi nửa ngoài, chị tôi và các cháu nửa trong. Có những lúc tôi đã dằn vặt, lên chơi với chị mình, anh rể mình, cháu mình hay không trong cái diện tích nhỏ hẹp ấy (?!)

Anh Tiến là người quảng giao, cánh nghệ sĩ kéo đến nhà ầm ầm. Vẫn có những bữa rượu, vẫn có những sự ồn ào của người hút thuốc rồi cả các hương vị của một bữa nhậu. Đã có những lần tôi vô tình lên và tôi phải dọn hậu quả của bữa nhậu đó để tôi bớt đi cái sự ngỡ ngàng đến sợ hãi của ba đứa cháu tôi, chúng vẫn còn chíp hôi lắm. Sau này cuộc sống thay đổi dần, có nhiều người giúp đỡ, rồi Vân mới có đất đai,  kinh tế của gia đình ngày một khấm khá lên.

Tôi không bao giờ quên được khi xưa để có tiền nuôi các con, chị Lê Mai ngồi dán những hộp diêm. Chị tôi đã từng đứng rạc cẳng ra để bán đồ Trung thu, đồ tết… Những lúc tôi từ Hải Phòng lên lại mang một chút gì đó của bà ngoại gửi cho các cháu, một ít tôm, một ít cá để đỡ đần nhau. Vì lý lịch chúng tôi có chuyện nên chị gái tôi và gia đình bị ảnh hưởng ít nhiều. Gia đình chúng tôi cảm nhận về cái nghèo rất sâu nặng.

Vân vào trường múa học khóa 7, Vi khóa 13. Chị Lê Mai, không phải định hướng, trong chúng vẫn có tố chất của ngôn ngữ nghệ thuật, nó nảy lên từ lúc nào,  trong Vân, Vi tố chất của một diễn viên múa, nhưng lúc bấy giờ vào trường múa lại là một tính toán khác. Tất cả chỉ đơn giản nếu thi đậu một người sẽ được nhà nước nuôi. Có thể thoát một khẩu ăn không? Đấy là mình nói hết chữ rồi đấy. Trong khi Vân bước chân vào múa đã được chọn là solist, vị trí đầu đàn thì Vi không phát triển, nhưng từ khi có được một người thầy từ Mônđavi sang, anh phát hiện ra tố chất ở trong Vi và anh đưa Vi vào những vị trí múa solist. Vi thực sự khởi sắc khi tốt nghiệp trường múa. Vân và Vi dù có múa trong một tốp múa chúng luôn là điểm sáng thu hút mọi ánh nhìn.

Từ trái qua phải: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi.

Tôi học ở Trường Sân khấu Điện ảnh, Vi học ở trường múa, lúc ấy còn đói lắm, những năm trước 80, và có những lúc, tôi phải tiếp tế đồ ăn cho Vi. Hai cậu cháu giữa hai con đường hẹp. Tôi tìm cách đưa cho cháu một ít lạc rang, một vài con tôm. Tôi đi diễn, tôi đi đọc lời cũng phải chắt bóp mà nuôi nhau. Vân, Khanh, Vi và tôi cũng có kỷ niệm rất riêng. Sau anh chị tôi gặp tình huống ly hôn. Tôi phải nói: Tôi vô cùng cám ơn anh Trần Tiến, với tất cả những gì đã có, dù anh chị tôi đã ly hôn hay điều này điều khác nhưng ít ra anh ấy đã cho gia đình chúng tôi, họ tộc chúng tôi ba người con, ba nghệ sĩ của một gia đình nghệ sĩ. Gần đây có sinh hoạt nghề nghiệp, có người hơi "tị hiềm" tại sao tôi lại chăm sóc anh Trần Tiến đến cái mức mọi người phát tị lên.

Anh Tiến sống một mình ở phố Nguyễn Thái Học. Tôi hiểu Vân, Khanh hàng tuần hoặc vài hôm có một chút thực phẩm lại mang đến cho bố. Ông có giận Lê Vân không? Rất giận. Sau cuốn sách của Vân ra,  tôi và anh Trần Tiến đã ngồi với nhau. Tôi hỏi: "Anh đang ở trong tình huống nào sau cuốn sách của Vân?" Ông nói: "Anh đang trầm cảm, nhiều chuyện lắm em ạ!". Tôi bảo: "Em lên nhé" thế là tôi lên Thụy Khuê. Tôi và ông ngồi trên gác. Vân để cho ông diện tích rất đẹp thì tôi cứ tưởng Vân lo cho ông điều kiện như thế nhưng trong cuốn sách thì nó lại viết về bố mình như vậy. Mình là cậu về phía mẹ, mình phải giữ lại một cái gì đó, kể cả những lúc tình cảm mong manh nhất.

Vân và tôi có kỷ niệm là sau khi cuốn sách của Vân ấn hành, tôi là người có cuốn sách rất chậm. Tôi ra phố Đinh Lễ mua, họ hỏi: "Cậu Lê Vân đi mua sách của cháu à?". Tôi bảo: "Nó định tặng tôi nhưng mà tình huống tặng không có". Tôi mua và chậm mấy chục ngày mới đọc. Tôi đọc xuyên đêm. Ơ! thế thì Vân nó thế nào đây nhỉ? Sau đó rất nhiều chuyện… Một thời gian ngắn sau, cậu cháu tôi vô tình chạm trán nhau tại một phòng tập nghệ thuật. Tôi gọi Vân, Vân bảo: "Cháu biết là cậu ở đây, nhưng bây giờ cháu phải về vì khuya quá rồi". Hai cậu cháu tinh tế đến mức không nói một câu nào. Tôi chỉ hỏi Vân: "Trẻ con đâu?", Vân nói: "Các cháu ở Thụy Khuê, khi nào ông lên nhé". Tôi ôm lấy Vân và nói: "Về đi con nó đợi". Thế thôi.

Sau ồn ào về cuốn sách của Vân, có một nhánh muốn lấy ý kiến của tôi. Tôi nói: Muốn lấy ý kiến của tôi về cuốn sách này thì phải trao đổi với tôi về định mệnh đã. Lê Vân đang chịu một định mệnh chứ mọi người tưởng Vân sung sướng à? Định mệnh của nó thì nó mới làm cái việc như vừa rồi. Cuốn sách. Chúng ta không quen với dạng sách kiểu này. Không quen những sự thật được nói ra một cách thật kỹ như thế này. Thậm chí, có cả những lời trách oan. Họ ăn tiệc xong rồi, họ đang ăn tiệc rồi đến vũ nữ chúng ta. Đó là sự thật.

Có một lần tôi phải ra khỏi phòng ăn, trong phòng ăn có múa, hát, trong đầu tôi hiện lên Vân và Vi. Nếu sân khấu kia là hai đứa cháu mình thì sao nhỉ? Nghĩ đến đấy tôi không chịu được. Vậy thì Vân viết đúng chứ. Ông ăn, ông uống có ông nào xem. Bản thân tôi, cậu của cháu là một thứ ca công, cháu là ca nương. Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Chấp nhận thôi. Nhưng giới hạn của tình huống rất khác nhau, Vân không chịu nổi sự phá vỡ của giới hạn ấy. Và phải bảo vệ, Vân chọn bằng cách... chào nghề nghiệp nhé.

Còn với Lê Khanh, tôi biết rằng, nếu nói về một tình huống, trong lúc diễn cháu tôi sẽ nằm xuống sân khấu và không trở dậy được. Khi Lê Khanh đã hết mình cho một tình huống diễn nào đó, nếu chúng ta xem Lê Khanh đóng. Sự linh lợi, sự tinh khôn của Khanh ở trên sân khấu, thì tôi tưởng nhìn thấy ông Trần Tiến trong hình hài Lê Khanh. Những ánh mắt, cười mỉm, tinh khôn. Và bản lĩnh làm chủ sân khấu. Số phận dường như phải đợi lúc.

Khi Khanh chưa được phong NSƯT nhưng đạo diễn người Pháp nói Lê Khanh đủ phẩm chất diễn viên quốc tế rồi. Trong sự nghiệp điện ảnh, Vân có "Bao giờ cho đến tháng 10", "Những con đường". Vân và Khanh có "Chom và Sa", Khanh có "Săn bắt cướp", Vi có "Cây bạch đàn vô danh". Định mệnh hay tài năng? Hay trong tài năng có định mệnh để 3 chị em đều nhận 3 giải nữ xuất sắc nhất của 3 kỳ liên hoan điện ảnh. Và trật tự đi rất đúng, Vân, Khanh rồi Vi. Mặc dù có chuyện này chuyện nọ nhưng cả ba chị em rất yêu thương nhau.

Bây giờ Vân sống rất đơn giản chăm con và có chồng bên cạnh. Chồng là người tốt, người Indonesia nhưng quốc tịch Hà Lan, trước làm việc ở Tổ chức Lương thực quốc tế. Họ có hai cậu con trai ở trên phố Thụy Khuê. Sự nghiệp sân khấu và điện ảnh của Vân là xong rồi. Đời sống của Vân giờ quá đầy đủ, có nhà cho thuê, có nhà để ở. Vân giờ đã ngoài 50 và vẫn đẹp nhưng sự nghiệp này không còn là nơi để cho Vân bị hấp dẫn nữa. Vì trong tập sách của mình Vân đã lộn trái ra rồi. Vân cứ nuôi hai người con của mình trưởng thành là đã quá đủ một sứ mệnh rồi. Khanh còn đi tiếp. Khanh bảo vệ thạc sĩ. Tôi hỏi Khanh: "Có làm tiến sĩ nữa không?". Khanh bảo: "Thôi thế là đủ rồi cậu ạ".

Vi về quê chồng ở Pháp. Cậu con cả nay đã 17 tuổi cao hơn mẹ. Vi có ba người con. Đứa út của Vi trông rất xinh xắn và tất cả những gì dịu dàng của Vi thì lại xuất hiện ở ba đứa con. Đứa con thứ ba được nhận của nhà nước Pháp 500 euro một tháng. Vì đã sinh cho nước Pháp người con thứ 3, họ chu cấp cho đứa trẻ cho đến năm 18 tuổi. Vân sẽ hơi vất vả vì nuôi hai đứa con trai có những biến động. Một đứa hơi bị trầm tính, một đứa hơi hoạt náo. Tôi đã nói với Vân: "Vân ơi! Cháu sẽ rất vất vả vì hai đứa này. Nhưng nếu cháu vượt qua được. Đương nhiên cháu phải vượt vì đến một lúc nào đó thì trời đất lại cho chúng nó một sự bình tĩnh. Trở lại bình thường nhất, thì cháu sẽ "vĩ đại" đấy".

Người ta vẫn nói về gia đình của chị Lê Mai tôi, có 3 người con gái như họ thì gia đình nào cũng không cần nghĩ đến sinh con trai, nhưng tôi lại nói có ai biết những câu chuyện riêng của gia đình này thì sẽ bảo: "Ồ! chưa hẳn như mình nghĩ". Nhưng mà cái chưa hẳn đó mới tạo ra gia đình riêng biệt.  Nên mới có câu rằng "Chỉ có ở trong cuộc mới có thể hiểu hết được". Đừng sợ những nỗi buồn và  thậm chí cả những nỗi đau. Vì khi hiểu được thêm cả những cái đó chúng ta mới hiểu được giá trị của hạnh phúc.

* Ghi lại theo lời kể của đạo diễn NSƯT Lê Chức - cậu út của ba chị em Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi

Trần Mỹ Hiền
.
.