Máy đọc âm thanh trong não người

Thứ Năm, 15/03/2012, 15:10

Đây là thành công hàng đầu của các khoa học gia thuộc Trường đại học California ở Beverly (Mỹ): bằng những tiến bộ của khoa học thần kinh, họ đã thực hiện khả năng xuyên thủng được bí mật trong bộ não con người bằng một thiết bị nhỏ gọn.

Diễn giải tư tưởng bằng tái tạo âm thanh dựa trên những sóng điện phát ra từ não để xem con người đang suy nghĩ gì trong đầu, là điều có thể thực hiện được. Mỗi âm thanh các bệnh nhân nghe được có một điện thế phát ra tương ứng hoặc bộ các điện thế phát ra. Căn cứ vào đó, họ sử dụng máy tính để ghi nhận và tái tạo âm thanh hiện tại trong đầu họ.

Được biết, trong những năm gần đây, các khoa học gia đã nghiên cứu một số phương pháp để khai thác suy nghĩ của con người và họ đã tìm ra cách cấy các điện cực trực tiếp vào một phần của não bộ con người. Phương pháp này có thể làm bệnh nhân hôn mê, buộc phải ngừng trao đổi thông tin, giúp cho các chuyên gia thực hiện quá trình lập trình não.

Đầu năm 2012, một nghiên cứu liên kết não người với các thiết bị điện tử như máy tính của Giáo sư Jack Gallant Trường đại học California , có khả năng "đọc" sóng điện trong não để đoán được suy nghĩ của con người. Bệnh nhân tham gia có thể di chuyển con trỏ trên màn hình một cách đơn giản bằng ý nghĩ âm thanh.

Giáo sư Gallant cho biết rằng kỹ thuật hình ảnh cộng hưởng từ có chức năng theo dõi lưu lượng máu trong não để ghi nhận và giải mã những từ, câu, ý tưởng xuất hiện trong não một người nào đó. Sau thành công đó, Gallant cùng với Tiến sĩ Pasley và nhóm khoa học gia cộng sự của ông tại Trường đại học California đang thực hiện bước tiếp theo "kích thích tái tạo".

Tuy nhiên, họ vẫn còn lo ngại vì "Làm thế nào để có thể nhận được hệ thống phát sóng điện từ phát ra từ não bằng những cách tiếp cận giống nhau?". Song song đó, họ tập trung nghiên cứu khu vực vỏ não thái thùy dương vốn có nhiệm vụ phân tích và nhận biết âm thanh mà chúng ta nghe được.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi các sóng điện não của 25 bệnh nhân vốn đã trải qua phẫu thuật khối u ở não hay động kinh trong khi họ nghe những người khác nói. Kết quả họ thu được những tín hiệu âm thanh từ trung tâm thính giác ở vỏ não thái thùy dương của bệnh nhân. Để thực hiện điều đó, họ đã liên kết âm thanh, hình ảnh từ não đến máy tính để giải mã tần số cộng hưởng của vùng não.

Với thiết bị hiện đại này, họ có thể đoán chính xác những suy nghĩ của người tham gia trước khi diễn giải bằng ngôn ngữ. Các khoa học gia cũng có thể tái tạo những từ, câu, đoạn mà họ đã thu được tín hiệu thành âm thanh khi máy tính "đọc" được chúng và nhận biết ý nghĩa.

Đối với Giáo sư Knight, ông cho rằng những người bị rối loạn trung tâm thính giác ở vỏ não do bẩm sinh hay bị tai nạn bất ngờ, khi dùng thiết bị này, vẫn có thể diễn giải được những điều họ muốn nói bằng cách tưởng tượng nhờ thiết bị này hỗ trợ tích cực.

Qua thực tế cho một số bệnh nhân sử dụng thiết bị, ông xác định rằng các bệnh nhân đã cung cấp tín hiệu âm thanh rất tốt và điều này là tuyệt vời khi các thông tin được gửi lại vỏ não âm thanh của họ (không qua tai) cho mục đích giao tiếp. Sau khi chế tạo thiết bị thành công, một số khoa học gia cũng cân nhắc cho ý kiến rằng cần phải cải tiến một số chức năng trước khi đưa vào sử dụng đại trà phục vụ cuộc sống hàng ngày.

Theo bà Mindy McCumber - nhà ngữ âm nổi tiếng tại Bệnh viện Florida (Mỹ), thì sự phát triển theo dõi trực tiếp não là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin liên lạc - điều này có thể cải thiện chất lượng cuộc sống khó khăn cho những bệnh nhân bị rối loạn âm thanh bẩm sinh hay vì bị tai nạn bất ngờ, hoặc giảm kỹ năng giao tiếp với người khác vì bộ não đã bị tổn thương. Bà cũng có ý kiến cho rằng thiết bị đặc biệt này cần phải được các nhà khoa học nghiên cứu cải tiến hơn nữa khi đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.

Riêng các cơ quan tình báo Mỹ như CIA, FBI, Bộ An ninh nội địa Mỹ, bắt đầu từ đầu tháng 3/2012, đã có kế hoạch sản xuất hàng loạt để dùng trong việc tác động vào não những tù binh Al-Qaeda hay bất cứ tù binh thuộc các tổ chức, quốc gia chống đối Mỹ để khai thác tin tức phục vụ cho mục tiêu hòa bình của thế giới

Tường Quyên
.
.