Vợ chồng NSND Thanh Vân và NSND Nhuệ Giang:

Mây trời và sông nước

Thứ Hai, 21/03/2016, 14:35
Có mấy lần tôi qua Hãng phim truyện Việt Nam số 2 Thụy Khuê, Hà Nội, tìm gặp đạo diễn Thanh Vân, ông bảo vệ bảo hai vợ chồng rủ nhau ra ngoài cổng ăn sáng chờ chút họ sắp về.

Hoặc khi đi xem phim vào những buổi chiếu phim cho kì liên hoan phim ở phòng chiếu phim của Hội Điện ảnh Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo, lần nào cũng thấy vợ chồng đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang cùng tay trong tay đến xem phim, trông rất tâm đầu ý hợp. Ngay cả khi đã bước vào tuổi trung niên họ vẫn cứ ríu rít như đôi chim câu.

Đạo diễn Nhuệ Giang tại phim trường.

Ngay cả những lúc gặp đạo diễn Thanh Vân cũng vậy. Kiểu gì rồi anh cũng nhắc đến vợ - nữ đạo diễn điện ảnh Nhuệ Giang bằng tình cảm trìu mến, âu yếm. Còn Nhuệ Giang cũng vậy, trong câu chuyện của nữ đạo diễn dù nói về chủ đề gì thì cũng thấy nhắc đến chồng.

Đạo diễn Thanh Vân tiếp tôi trong một căn phòng đơn sơ ở nơi anh làm việc. Anh bảo: Từ khi tốt nghiệp Khoa Đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh (SK&ĐA) Hà Nội ra trường anh và vợ anh cùng về Hãng Phim truyện Việt Nam ở đây làm cùng nhau. Căn phòng anh làm việc chính là căn phòng mà khi xưa cha anh NSND Hải Ninh làm hậu kì bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Thanh Vân và Nhuệ Giang có xuất phát điểm giống nhau, họ đều được sinh ra và lớn lên trong các gia đình nghệ thuật đích thực. Thanh Vân là con của đạo diễn NSND Hải Ninh, Nhuệ Giang là con của đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa. Cả hai NSND Phạm Văn Khoa và NSND Hải Ninh đều là những đạo diễn đặt nền móng cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam ngay từ ngày đầu sơ khai, và cả hai đều là Giám đốc Xưởng phim truyện Việt Nam (sau đổi thành Hãng phim truyện VN).

Ngay từ khi thành lập Xưởng phim truyện Việt Nam năm 1953, NSND Phạm Văn Khoa đã giữ chức giám đốc, và qua vài nhiệm kì sau này là NSND Hải Ninh. Đây cũng là gia đình có lý lịch hi hữu trong làng nghệ thuật cả nước nói chung và điện ảnh nói riêng.

Trong gia đình ấy, cả bốn người, hai vợ chồng cùng bố chồng, bố vợ đều công tác tại một cơ quan và đều đạt danh hiệu cao quý nhất trong nghệ thuật, được Nhà nước phong tặng NSND. Hai đạo diễn kì cựu của điện ảnh Việt Nam, Phạm Văn Khoa và Hải Ninh đều được phong NSND ngay từ đợt phong tặng danh hiệu đầu tiên (1984).

Thanh Vân sống trong một gia đình êm đềm, không có sự xáo trộn, còn Nhuệ Giang sống trong một gia đình có phần phức tạp hơn, bố mẹ li dị nhau, ngôi nhà nhỏ phân một tấm vách, mỗi người ở một bên, trong tâm hồn mơ mộng đó cũng ít nhiều mang nỗi buồn man mác, riêng tư u uẩn.

Mẹ của Nhuệ Giang là nữ diễn viên kịch nói Bích Châu, bà sinh con tại trung tâm của thủ đô, đặt tên con gái là Nhuệ Giang, tên dòng sông quê hương của bà ở Hà Đông vùng giáp biên Hà Nội. Cả Thanh Vân và Nhuệ Giang từ bé đến lớn đều sống ở thủ đô Hà Nội, có hai người bố đều làm cùng cơ quan, và điều đặc biệt là họ cùng học tại Trường Đại học Kiến trúc nhưng lại không hề biết nhau. Vậy mà cho đến một ngày đáng nhớ đó là năm 1983, khi cả hai đều bước vào học cùng lớp đạo diễn Trường Đại học SK&ĐA HN.

Lúc này Thanh Vân là chàng trai trẻ 21 tuổi đang học dở năm thứ 4 của Trường Đại học Kiến trúc chỉ còn 1 năm nữa là ra trường. Còn Nhuệ Giang 26 tuổi là cô gái đã tốt nghiệp Khoa Xây dựng, trường Đại học Kiến trúc và cũng đã ra đi làm được 1 năm, giám sát thi công ở một số công trường, trong đó có Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô. Họ là những cử nhân kiến trúc rẽ bước sang ngang với điện ảnh để rồi tìm thấy nhau trong say mê nghệ thuật.

Vợ chồng NSND Thanh Vân – NSND Nhuệ Giang.

Nhuệ Giang nhớ về những ngày thơ bé, mê mẩn lắm mỗi khi được bố đưa đến trường quay, hay được xem những bộ phim ở Xưởng phim nhập về mà chỉ có người trong Xưởng phim mới may mắn được xem, đó chủ yếu là những bộ phim của Liên Xô. Ngay cả người cha của mình, khi ông gần 70 tuổi dòng nhiệt huyết cứ cuồn cuộn với điện ảnh. Khi làm phim, ông rất tâm huyết, nghĩ ngày, nghĩ đêm, say sưa quên đời. Được sống trong bầu không khí ăm ắp chất thơ của điện ảnh, cô gái với tâm hồn nhạy cảm, tình cảm đó đã bị dẫn dụ để rồi thi bằng được vào Trường Đại học SK&ĐA HN. 

Còn Thanh Vân một chàng trai 21 tuổi đầy hoài bão, ước mơ, và cũng say đắm với điện ảnh. Đang từ một sinh viên học sắp ra trường kiến trúc, anh bỏ luôn thi vào trường Đại học SK&ĐA HN để nối nghiệp bố. Anh vẫn nhớ như in, tuổi thơ của anh được bố đưa đến xưởng phim nơi ông làm việc và tiếp xúc với phim trường.

Hồi anh là cậu bé lên 10 tuổi, nghỉ hè 3 tháng, NSND Hải Ninh đưa anh vào miền Trung để quay bộ phim: “Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm”. Có những cảnh quay huy động hàng nghìn người, bối cảnh điện ảnh thật là hoành tráng và cũng thật đẹp đã tác động mạnh mẽ lên tâm hồn của đứa trẻ.

Rồi cả hai con người đầy khao khát say mê và hoài bão với điện ảnh cùng thi đỗ vào trường, cùng học một khoa đạo diễn. Họ mới biết ơ thì ra người này là con của người đạo diễn mà mình quý, trân trọng về tài năng. Từ lâu, Thanh Vân đã cảm phục đạo diễn Phạm Văn Khoa với những thước phim về người lính từ mặt trận trở về: “Lửa trung tuyến”, “Lửa Rừng”  (1966), “Lửa” (1968) hay phim truyền hình: “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”...

Còn Nhuệ Giang thì ngước đôi mắt trong veo nhìn Thanh Vân, ơ thì ra đây là con của đạo diễn mà mình vô cùng ngưỡng mộ, chú là đạo diễn bộ phim: “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Cả hai nhanh chóng hòa nhập, trò chuyện như thể với họ một ngày 24 giờ là quá ít để họ có thể kể cho nhau nghe những câu chuyện về điện ảnh. Ngay cái tên của cả hai đã là một cặp trời sinh, Thanh Vân - Nhuệ Giang là mây trời và sông nước.

Đạo diễn Thanh Vân kể thời sinh viên, trong lớp có bố của Nhuệ Giang là tính tình cởi mở nhất, ông hay cười và cảm thông với tất cả mọi người, chính vì vậy mỗi lần có liên hoan toàn tổ chức ở nhà Nhuệ Giang, mặc dù căn nhà cũng chẳng rộng rãi gì, xong cả nhóm lại nằm ngủ la liệt. Mỗi lần đi làm về, nhìn thấy cảnh đấy, ông chỉ cười hiền hậu. Ông không ngờ cậu thanh niên đó sau này lại là con rể của ông.

Nếu cha ruột anh - NSND Hải Ninh - làm phim về đề tài chiến tranh với sự đối đầu trực diện thì bố vợ anh NSND Phạm Văn Khoa lại có ba bộ phim về những người lính từ mặt trận trở về. Thanh Vân rất hợp với bố vợ, sau này anh làm phim về đề tài chiến tranh là những bộ phim về thân phận người bé nhỏ đằng sau cuộc chiến: Đời cát, Người đàn bà mộng du, Cây bạch đàn vô danh...  Giống như bố vợ anh - NSND Phạm Văn Khoa với những bộ phim tâm huyết về những người lính từ mặt trận trở về.

Những năm cuối đời, sức yếu, đạo diễn Phạm Văn Khoa không còn tự đạp xe để đến nhà bạn bè, anh đều tình nguyện chở ông cụ đi.  Dọc đường hai cha con cũng nói đủ thứ chuyện và đương nhiên là những câu chuyện xoay quanh đề tài điện ảnh.

Anh bảo anh thấy ở ông sự hồn hậu, giản dị, và vợ anh được kế thừa đức tính đáng mến ấy từ ông. Có một điều đáng tiếc là, ông mất năm 1992, khi đấy Thanh Vân và Nhuệ Giang cưới nhau được gần 4 năm thì anh mới được giao đạo diễn bộ phim đầu tiên “Chuyện tình trong ngõ hẻm”. Giang  đến năm 1996 mới làm phim đầu tay, phim “Bỏ trốn” dựa  theo truyện của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Ông mất khi chưa được tận mắt chứng kiến sự trưởng thành của con gái và con rể trong thước phim cá nhân.

Nhưng chính tình yêu và niềm đam mê điện ảnh, sự cảm thông và quý mến và tình yêu hồn hậu từ những người cha đã đưa Thanh Vân và Nhuệ Giang xích lại gắn bó với nhau như một bản thể không thể tách rời. Ngày NSND Hải Ninh còn sống, khi tôi sang thăm ông ở ngôi nhà Ngọc Thụy, Gia Lâm. Ngôi nhà đẹp với lối thiết kế toàn gỗ rất tinh tế, ông bảo: “Do một tay Nhuệ Giang làm đấy, Nhuệ Giang học kiến trúc mà...”.

Nói về con dâu, ông âu yếm và trìu mến lắm. Có lẽ, chính từ sự chu đáo của cả hai vợ chồng, Giang lo cho đạo diễn Hải Ninh như cha đẻ, và Vân lo cho đạo diễn Phạm Văn Khoa như người sinh thành ra mình mà tình yêu của họ lại thêm gắn kết, và trân trọng nhau hơn.

Cả hai vợ chồng ít có khi nào chịu rời nhau nửa bước. Anh bảo đa phần những bộ phim của vợ làm anh đều làm trợ lí cho vợ, hoặc những công việc gì đó ở bên cạnh. Ngược lại những bộ phim của anh thì Giang lại đi làm trợ lí cho anh. Giang rất giỏi trong việc chọn diễn viên. Họ cứ như vậy nhiều năm ròng qua nhiều tác phẩm điện ảnh.

Họ cùng nhau làm phim, cùng nhau bỏ công sức, rồi nhận thành quả. Cùng nhau nhận những lời khen hay những tiếng ỉ ôi chỉ trích. Họ chia sẻ với nhau tận cùng của đời sống.

Tôi hỏi anh: “Hai vợ chồng cùng làm đạo diễn thì cuộc sống có gì khác biệt với những cặp vợ chồng không làm nghệ thuật? Có cảm giác nghề đạo diễn cá tính mạnh 2 cá tính mạnh thì ở cạnh nhau sẽ như thế nào?”. Anh bảo: “Thì cũng có cãi vã, cũng có hờn giận, cũng có yêu thương như mọi người thôi, không có khác  biệt gì lắm đâu. Nhưng chỉ có điều thời gian với điện ảnh nhiều hơn, được nhân đôi...”.

Vợ chồng anh chị không có con nhưng cũng chẳng vì thế mà tình yêu bị thiếu lửa. Thuở xưa, Nhuệ Giang đã chứng kiến cha mẹ mình li dị, căn nhà bị ngăn đôi vách, nhưng ở cuộc hôn nhân của mình chị tìm thấy được tình yêu no đủ, tròn đầy với chồng, đạo diễn Thanh Vân. Họ yêu nhau, và hiểu nhau, thậm chí không cần nói gì, chỉ một cái nhìn cũng đã quá hiểu nhau. Chẳng rào cản nào có thể chia cắt hai người: Chênh lệch tuổi tác ư? Không hề. Không có con cái ư? Không phải? Bất đồng về quan điểm ư? Không đúng. Họ vẫn ríu rít với nhau suốt ngày nọ tháng kia triền miên như vậy. 

Vợ chồng anh chị vẫn sống trong căn nhà nhỏ trên gác 2 mà chúng tôi vẫn gọi là chuồng chim câu, chỉ khoảng 25m tại một con ngõ nhỏ trên phố Phan Chu Trinh nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Căn phòng này đã gắn bó với Nhuệ Giang từ thơ bé với biết bao kỉ niệm ăm ắp những buồn vui, những gương mặt nghệ sĩ lấp loáng, và thời gian là một tập nhật kí lưu giữ người ra đi và người ở lại. Ở đó có những bức tranh từ lâu đã gắn bó với gia đình, như một nhân chứng sống của thời gian.

Nơi đây, trên căn gác nhỏ, có đôi vợ chồng nhỏ nhưng tác phẩm điện ảnh họ đem đến cho đời thì không nhỏ. Những năm tháng miệt mài với môn nghệ thuật thứ 7, họ bấu víu, nương tựa, chia sẻ cùng nhau, người này chính là điểm tựa của người kia. Có lẽ hậu phương vững chắc ấy, điểm tựa ấy quá lớn mà đạo diễn Thanh Vân là một đạo diễn vô cùng hiếm hoi của giới đạo diễn điện ảnh được gắn mác cực kì chung tình với vợ. Người ta bảo với nhau: “Với Thanh Vân, không có người phụ nữ nào mà anh cần bằng vợ mình, đáng yêu hay hấp dẫn bằng vợ mình ngay cả khi anh có cơ hội để đi ra ngoài tung tẩy”.

Trần Mỹ Hiền
.
.