Miền Trung mịt mờ trong mưa lũ

Thứ Hai, 19/12/2016, 16:10
Những ngày qua, tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đều phải chịu cảnh mịt mờ trong mưa lũ. Tính đến thời điểm ngày 16-12, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, tình hình lũ còn diễn biến rất phức tạp.

Lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế lên chậm; các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục lên nhanh; các sông ở Phú Yên lên lại. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng xảy ra tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông. Mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Từ đêm 11-12, mưa bắt đầu xuất hiện trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa rất lớn làm ngập lụt cục bộ, bên cạnh đó việc xả lũ với lưu lượng quá lớn từ các đập chứa nước, các công trình thủy điện đã làm cho người dân ở vùng hạ du không kịp trở tay để đối phó với tình hình ngập nước. Tại những vùng quê ven sông, người dân đã phải thức trắng đêm để di dời tài sản, con vật nuôi để chạy lũ, nhiều địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc xả lũ chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đã chìm sâu trong biển nước...

Lực lượng CSGT CA tỉnh Thừa Thiên Huế dầm mình trong lũ để giúp dân và làm nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ thủy điện, thủy lợi ở địa phương đều đã tích đầy nước. Trong lúc hạ du đang ngập, nhiều thủy điện ở thượng nguồn đã tăng lưu lượng xả lũ. Cụ thể, ngày 14/12, thủy điện Sông Bung 4 xả với lưu lượng từ 166-439 m³/giây; từ trưa 15/12, thủy điện này thông báo xả lũ với lưu lượng từ 300 đến 1.600 m³/giây. Thủy điện Sông Bung 4A tăng xả lũ từ 200-400 m3/giây lên từ 500-1.800 m³/giây. Thủy điện Sông Tranh 2 xả đến 2.200 m³/giây.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, cả ngày 15-12 có mưa rất lớn diễn ra trên diện rộng, cộng với việc xả lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện đã gây ra tình trạng ngập lụt khắp nơi. Trên các tuyến tỉnh lộ đi về vùng thấp trũng ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, nhiều điểm ở thành phố Huế đã bị ngập sâu, có nơi rất sâu làm chia cắt, cô lập với bên ngoài, làm cho đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng...

Do diễn biến mưa lũ phức tạp, nước các sông trên địa bàn tỉnh Thừa thiên - Huế đang ở mức cao và có thể tiếp tục lên. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 1.930 sân nhà bị ngập từ 0,2-0,3m, trong đó huyện Phong Điền 630 nhà; TX Hương Trà 1.000 nhà, huyện Phú Vang: 300 nhà. Hàng ngàn ngôi nhà bị ngập khoảng 0,2m, tập trung tại huyện Phú Lộc và Quảng Điền. Tại xã Phú Dương (huyện Phú Vang), 20 hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông chợ Nọ được di dời đến nơi an toàn.

Trước tình hình diễn biến  phức tạp của mưa lũ, ngày 15-12, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai ứng phó với mưa lũ. Theo đó, Công an các huyện, thị xã vùng thấp trũng như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Phú Vang tổ chức trực ban 24/24 theo dõi diễn biến mưa lũ, có kế hoạch, phương án di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở ở miền núi, vùng ven sông, suối, bờ biển do mưa lũ gây ra đến nơi an toàn. 

Nước lũ đã ngập tràn các vùng quê ở miền Trung.

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Giao thông đường bô å- đường sắt phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương cắt cử lực lượng ứng trực, tổ chức điều tiết giao thông tại những tuyến đường, ngầm tràn bị ngập lũ. Ngoài ra, lực lượng Phòng CSGT đường thủy cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thuyền trên sông Hương, sông Bồ... neo đậu nơi an toàn, để tránh bị lũ cuốn trôi.  

Đại úy Phan Bảo Trung, Trạm trưởng Trạm CSGT Phú Lộc còn cho biết, do mưa lớn nên những ngày qua, tuyến Quốc lộ 1A từ Km 866+200 đến Km 867 đoạn qua xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị ngập sâu 0,3 đến 0,5m. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, đơn vị đã huy động nhiều lượt cán bộ chiến sĩ ứng trực điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện khi lưu thông qua tuyến đường này.     Ngoài ra, công an các đơn vị, địa phương huy động cán bộ chiến sỹ cùng phương tiện ứng trực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra, kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. 

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Quảng Nam, trong đêm 15-12, mực nước trên sông Vu Gia đang ở mức trên báo động 3 là 0,2m. Mực nước trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy trên báo động 2, tại Câu Lâu và Hội An đang ở mức trên báo động 3 là 0,2m. Theo dự báo ngày 16-12, nước trên các sông sẽ tiếp tục dâng cao, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên trên mức báo động 3 hơn 1m, sông Thu Bồn tại Giao Thủy, Câu Lâu và Hội An tiếp tục lên trên mức báo động 3 là từ 0,2 đến 0,4m, cấp báo động lũ là cấp 2,3.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có hơn 700 ngôi nhà chìm trong biển nước; 3.397ha hoa màu bị ngập úng nghiêm trọng; hệ thống giao thông nhiều nơi bị chia cắt như ở đô thị cổ Hội An, huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Đại Lộc và thành phố Tam Kỳ...

Sau 3 ngày mưa liên tục, sáng ngày 15-12, nước lũ dâng lên rất cao khiến hàng loạt vùng dân cư ở tỉnh Quảng Ngãi bị ngập trong lũ; gây đảo lộn cuộc sống của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tại xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, nước lũ đã phong tỏa 5 khu dân cư, cô lập hàng trăm hộ dân. Chính quyền địa phương đang cấp tốc triển khai phương án ứng phó. Đến thời điểm này đã có trên 250 hộ dân bị nước lũ gây cô lập hoàn toàn. Hàng trăm người già, trẻ em trong vùng lũ đang được chính quyền địa phương hỗ trợ di dời.

Theo dự báo, ngày 16-12, nước lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Ngãi đang tiếp tục dâng cao rất nhanh gây cô lập nhiều khu dân cư. Hiện tại ở Quảng Ngãi vẫn đang tiếp tục có mưa lớn, mưa lũ đang rất phức tạp.

Hiện tại, nhiều tuyến đường ở thành phố Quảng Ngãi đã biến thành sông, việc lưu thông của các loại phương tiện rất khó khăn, có nơi nước ngập rất sâu nên lực lượng Công an đã được bố trí chốt chặn để hướng dẫn các loại phương tiện lưu thông theo tuyến an toàn... Nghiêm trọng nhất là tình hình ngập lụt đang diễn ra tại các huyện Ba Tơ, Minh Long, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tây, Bình Sơn...

Tại Bình Định, đã có 18 người chết, hàng chục người bị thương, 300 ngôi nhà bị sập, trên 14.000 ha lúa hư hỏng hoàn toàn. Hiện cũng đã có ít nhất gần 30 xã ở Bình Định bị lũ cô lập, do phải chống chọi với bốn đợt lũ lớn liên tiếp nên người dân các vùng này đang hết sức khó khăn, cần sự cứu trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm". Chiều 15-12, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tình hình mưa lũ ở tỉnh này đang hết sức nguy cấp.

Ông Châu thông tin trong hai ngày qua, tỉnh Bình Định đã cứu trợ 1.100 tấn gạo đến các hộ dân bị cô lập trong lũ. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương khẩn trương trợ giúp mỳ ăn liền, nước uống đến người dân các vùng không thể di chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, số hộ gia đình bị lũ cô lập ngày càng tăng nhanh do lũ bao vây khắp nơi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng đã có thư kêu gọi ủng hộ người dân vùng lũ bởi đời sống của hàng chục ngàn người dân vùng ngập lũ tỉnh Bình Định đang hết sức khó khăn, thiếu thốn, rơi vào tình cảnh màn trời chiếu đất.

Theo Đài khí tượng thủy văn Phú yên dự báo, ngày 16-12, Phú Yên có mưa vừa đến mưa to, lũ trên các sông có khả năng sẽ lên lại và đạt mức báo động 3. Đến thời điểm này, Phú Yên có 6 người bị thương, 3 nhà sập hoàn toàn, 1 tàu cá chìm; cuốn trôi 2.415m3 đất đá công trình thủy lợi, sạt lở 850m kè, 875ha lúa vụ mùa chưa kịp thu hoạch bị ngập; 365ha sắn, mía ngã đổ… 

Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụt trượt. Nghiêm trọng nhất là quốc lộ 1 tại Km 1294 + 200 trên dốc Vườn Xoài, thuộc khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, TX Sông Cầu, điểm sạt lở trước đây đã ăn sâu vào nền đường hơn 8m, xuất hiện bốn đường nứt đất dài hơn 30m, rộng từ 20 đến 40cm, sâu hơn 2m, làm biến dạng mặt đường, sập một nhà dân và đe dọa bốn nhà khác. Tuyến cứu hộ cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hoà (ĐT643) tại Km3+500 thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, đất, đá từ mái ta-luy dương tràn xuống mặt đường với khối lượng gần 3.000m³, kéo dài hơn 100m; mặt đường bị sụt trượt, đứt gãy 30m bê tông, gây mất an toàn giao thông.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, ngoài nỗ lực các biện pháp khắc phục, các tuyến đường bị ngập, chia cắt được bố trí lực lượng kiểm tra, hướng dẫn giao thông, không cho người và phương tiện lưu thông qua lại những khu vực nguy hiểm, còn ngập lụt, các ngầm, tràn nước chảy siết… 

Các cơ quan, đơn vị theo dõi tình hình mưa lũ và thông báo kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và nhân dân biết; kiểm tra, rà soát các khu dân cư vùng ven sông, suối, trũng thấp và có kế hoạch di dời, sơ tán dân an toàn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng tham gia ứng cứu đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến việc xả lũ các hồ thủy điện để chủ động phòng, tránh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã gửi thư khen ngợi các cô giáo ở Trường mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) đã không quản hiểm nguy, bằng mọi nỗ lực đã bảo vệ 20 em học sinh trong lúc lũ về nhanh gây ngập trường. Trong thư khen ngợi của Thủ tướng có đoạn: "Tôi rất xúc động biết tin ngày 13-12 với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã cứu giúp, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho học sinh khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng. Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo “thà cô chết chứ không để trò chết".

Nhận được tin các cô giáo ở Trường Mầm non An Hiệp đã cứu 20 em học sinh bị kẹt trong lũ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tặng bằng khen cho các cô giáo vì nghĩa cử cao đẹp này.

Vào thời điểm hiện tại, trên địa bàn các tỉnh miền Trung mưa vẫn còn rất nặng hạt, nước từ các con sông vẫn đang lên và hàng vạn người dân miền Trung vẫn đang oằn mình đối phó với lũ lụt. Những cánh đồng màu, những cánh đồng trồng hoa chuyên canh chuẩn bị cho vụ tết giờ đây chỉ còn trắng xóa một màu nước bạc.

Rồi cũng sẽ như Bình Định, lãnh đạo của các địa phương khác trên dải đất miền Trung khốn khó cũng phải nói lời kêu gọi gửi đến bà con, đồng bào trong cả nước, Việt kiều ở nước ngoài, các tổ chức từ thiện xã hội, các nhà hảo tâm...hãy chung tay để san sẻ nỗi đau, chung tay để chia sẻ sự khó nghèo của người dân vùng bị ngập lũ trong những ngày sắp tới...

PV Miền Trung
.
.