Mitsubishi Motors và “lời nói dối” kéo dài 25 năm

Thứ Hai, 02/05/2016, 11:20
Khác hẳn với tuyên bố mà Chủ tịch Mitsubishi Motors, ông Tetsuro Aikawa đưa ra hôm 20-4 tại Tokyo rằng, hãng này đã sử dụng phương pháp thử nghiệm hiệu suất nhiên liệu sai từ năm 2002, thì hôm 26-4, Phó Chủ tịch của nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 6 Nhật Bản này, ông Ryugo Nakao lại thừa nhận, những hành động sai trái này đã diễn ra trong suốt…

25 năm qua, kể từ năm 1991. Bê bối gian lận nhiên liệu này của Mitsubishi Motors ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường xe của Nhật Bản, ảnh hưởng đến cả doanh số tiêu thụ xe của hãng ở nước ngoài và ảnh hưởng đến cả đất nước Nhật Bản, quốc gia tập trung nhiều thương hiệu mạnh trên thế giới.

Theo ông Nakao, các thử nghiệm do hãng thực hiện đã phóng đại mức hiệu quả nhiên liệu của xe từ 5% đến 10%, gây ảnh hưởng cho 625.000 chiếc xe. Trong số này có 157.000 chiếc Mitsubishi eK Wagon và eK Space. Thêm đó là 468.000 chiếc Nissan Dayz và Dayz Roox được sản xuất và cung cấp cho doanh nghiệp đối thủ Nissan Motors từ tháng 6-2013. Đó là chưa kể đến những xe được bán trên thị trường nước ngoài trong nhiều năm qua.

Và chẳng phải ai khác, chính Nissan là “người” đã “vạch trần” sự gian lận của Mitsubishi Motors. Các thử nghiệm những mẫu xe do Mitsubishi Motors cung cấp và các chuyên gia của Nissan thực hiện đã cho ra kết quả khác biệt giữa các số liệu thực tế với kết quả mà hãng xe Nhật Bản đưa ra trước đó. Nissan đã ra công bố về sự không đồng nhất trong những dữ liệu khí thải này.

Chủ tịch Mitsubishi Motors, ông Tetsuro Aikawa (giữa) cúi đầu xin lỗi trong buổi họp báo tường trình về hành vi gian lận của công ty hôm 20-4.

Từ công bố này của Nissan, Mitsubishi Motors đã thừa nhận sai trái và Chủ tịch Tetsuro Aikawa cùng các quan chức khác của hãng đã phải cúi đầu nhận lỗi trong cuộc họp báo hôm 20-4.

Chủ tịch Tetsuro Aikawa cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng Mitsubishi đã thay đổi tải trọng lốp của 4 dòng xe được kiểm định với mục đích khiến cho kết quả tiêu hao nhiên liệu của hãng xe này tốt hơn thực tế. Chúng tôi bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc đến tất cả các khách hàng và các bên liên quan trong vấn đề này”.

Bên cạnh đó, Mitsubishi Motors cũng đã mở cuộc điều tra chi tiết xung quanh vấn đề này. Hội đồng quản trị Mitsubishi Motors đã thành lập ủy ban bao gồm 3 cựu công tố viên nhằm điều tra vụ việc trong 3 tháng. Tới lúc đó, các khách hàng, nhà đầu tư của Mitsubishi Motors và đối tác Nissan Motor vẫn sẽ phải chờ đợi thông tin để đưa ra mức bồi thường chi tiết. Ngoài ra, Mitsubishi cũng như Nissan còn dừng bán và sản xuất những chiếc xe kể trên.

Tiết lộ đáng xấu hổ của Mitsubishi Motors đã khiến cổ phiếu niêm yết ở Tokyo của hãng, tính đến ngày 26-4, mất giá gần 50% và hàng tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường. Tuy nhiên, thiệt hại về danh tiếng mà hãng này phải chịu chắc chắn sẽ khó khăn hơn vấn đề tài chính đau đầu mà hãng này phải đối mặt.

Các hành vi sai trái này của Mitsubishi cũng đã làm sống lại ký ức về một vụ bê bối hồi năm 2004 sau khi có thông tin hãng đã che giấu các nhược điểm trên các sản phẩm của mình trong suốt hai thập niên. Vụ việc đã đẩy hãng tới bờ vực phá sản và phải rất lâu sau mới phục hồi lại danh tiếng của mình.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau vụ việc này, Mitsubishi sẽ đối đầu với nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt là khi quy mô của bê bối này đã bị lan rộng và khó có thể kiểm soát được chỉ trong biên giới đất nước hoa anh đào. Có nhiều nghi ngờ rằng, việc gian lận không chỉ được thực hiện trên 4 dòng xe của hãng.

Bê bối nối tiếp bê bối khiến tượng đài thương hiệu Nhật Bản thêm phần lung lay.

Tờ Sankei cũng cho biết rất có thể các dòng xe RVR, Outlander, Pajero cũng bị ảnh hưởng. Phía Mỹ cũng yêu cầu kiểm tra lại tất cả các dòng xe mà Mitsubishi đã xuất khẩu sang thị trường nước này. Chưa dừng lại ở đó, vụ bê bối của Mitsubishi còn đặt ra câu hỏi về cuộc chạy đua của các doanh nghiệp sản xuất ô tô Nhật Bản trong việc cải thiện mức tiết kiệm nhiên liệu sau khi chính phủ nước này đề xuất ưu đãi thuế cho các xe tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng Bộ Giao thông, đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản Keiichi Ishi nhận định rằng: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng có thể dẫn đến việc mất niềm tin trong ngành công nghiệp ô tô của nước ta”.

Ngoài ra, bộ cũng yêu cầu Mitsubishi giải trình chi tiết về vụ việc trên trước ngày 27-4, đồng thời chỉ thị các hãng sản xuất ô tô khác thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng các thử nghiệm tiết kiệm nhiên liệu và báo cáo trước ngày 18-5 tới. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, văn hóa kinh doanh của các công ty lớn tại Nhật Bản là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sai phạm của Mitsubishi cũng như những bê bối của Toshiba, Takata trước đó.

Ông Hideyuki Kobayashi, Giáo sư Luật kinh doanh đến từ Đại học Hitotsubashi nhận xét: “So với các công ty ô tô khác, Mitsubishi là một công ty Nhật Bản điển hình với những nhân viên làm việc suốt đời, họ luôn tuân thủ mọi quyết định, chính sách của lãnh đạo và không có động cơ để báo cáo về những điều bất thường trong công ty”.

Giáo sự Hideyuki cũng hy vọng vụ việc lần này của Mitshubishi sẽ được xử lý nghiêm khắc, tạo ra sự thay đổi thực sự đối với văn hóa kinh doanh tại Nhật Bản, tránh những bê bối tương tự có thể lặp lại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.