Mổ "phaco" đâu chỉ dành cho người giàu!

Thứ Bảy, 13/06/2009, 13:30
Từ khi việc mổ đục thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo bằng phương pháp “phaco” để chữa lành bệnh mù lòa được đưa vào ứng dụng ở nước ta, thì có quan niệm rằng đó là phương pháp chỉ dành cho người giàu bởi lẽ chi phí cho một ca phẫu thuật, thường từ  5 đến 6 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại Khu điều trị mắt kỹ thuật cao Ngô Quyền, rất nhiều người nghèo vẫn được thụ hưởng những tiến bộ của y học mà không phải tốn kém…

Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2009, Khu điều trị mắt kỹ thuật cao (KĐTMKTC) đặt tại số 76-78 đường Ngô Quyền, phường 7, quận 5, TP HCM, và được điều hành bởi Thầy thuốc ưu tú - bác sĩ chuyên khoa mắt cấp 2 Nguyễn Hữu Châu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP HCM, cùng bác sĩ chuyên khoa mắt cấp 2 Nguyễn Xuân Vũ - là 1 trong 3 bác sĩ đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ “phaco” ở Việt Nam, bác sĩ Lê Nhật Nam, bác sĩ Mai Anh Duy, cộng với đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên lành nghề, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2009, nơi đây đã mổ cho trên 3.000 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể bằng phương pháp “phaco” mà trong đó, có 1.391 người - nghĩa là gần một nửa được mổ miễn phí, và 284 bệnh nhân bị “mộng thịt”, cũng được mổ miễn phí hoàn toàn.

Chưa kể cuối tháng 4/009, kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Ngày Quốc tế lao động, KĐTMKTC Ngô Quyền đã phối hợp cùng Chuyên đề ANTG - Báo CAND, mổ “phaco” miễn phí cho 140 bệnh nhân nghèo ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Thật là một con số rất ấn tượng bởi lẽ hiện nay, ngành y tế quy định giá thống nhất cho 1 ca mổ theo phương pháp “phaco” là 3,5 triệu đồng, bao gồm tiền khấu hao máy móc, tiền vật tư tiêu hao, tiền công mổ, tiền mua thủy tinh thể nhân tạo... Tuy nhiên, lại còn tùy theo chiếc máy mổ “phaco” ấy sản xuất năm nào, hiện đại đến cỡ nào (mà có máy “phaco lạnh” giá thành lên đến cả trăm nghìn USD), và thủy tinh thể nhân tạo do nước nào sản xuất, nên một số khoa mắt ở các bệnh viện, các trung tâm y tế, công cũng như tư, tính giá cho một ca “phaco” từ 5 đến 6 triệu đồng.

Hơn nữa, một vài bệnh viện còn từ chối mổ “phaco” cho người nghèo, mà chỉ thực hiện “mổ tay” –  từ chuyên khoa gọi là mổ “ngoài bao”.

Đến đây, xin được nói qua về bệnh đục thủy tinh thể, thủy tinh thể nhân tạo, mổ ngoài bao và mổ phaco. Trong con mắt người ta, thủy tinh thể là một khối hình tròn, hai mặt hơi lồi lên, trong suốt và có thể ví nó như thấu kính của máy chụp ảnh. Hình ảnh đi qua thủy tinh thể, in lên võng mạc rồi được thần kinh thị giác truyền lên não, giúp ta nhận biết vật ta đang nhìn là vật gì.

Theo thời gian, tuổi tác hoặc do một số bệnh lý như đái đường, suy dinh dưỡng, do tác hại của hút thuốc lá,  thủy tinh thể dần dần mờ đục và hậu quả là người ta mù. Để chữa trị, các bác sĩ sẽ mổ lấy thủy tinh thể bị đục ra, rồi thay vào đó là một thủy tinh thể nhân tạo bằng loại chất dẻo đặc biệt.

Trước kia, khi chưa có máy “phaco”, phương pháp mổ “ngoài bao” buộc phải chích thuốc tê và đường mổ phải lớn hơn thủy tinh thể nhân tạo (10mm), thì mới lấy thủy tinh thể bị đục ra được. Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ giải thích: “Mổ ngoài bao có nhược điểm là có thể gây ra sốc phản vệ do thuốc tê, thời gian thực hiện phẫu thuật lâu, hồi phục chậm, bệnh nhân đau, dễ gây biến chứng loạn thị vì vết mổ rộng, dẫn đến khi lành, đường cong nhãn cầu không đều...”.

Khi chiếc máy “phaco” ra đời, vẫn theo bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, thì: “Bệnh nhân chỉ phải nhỏ thuốc tê chứ không cần chích, vết mổ dài 3mm, mổ xong về ngay trong ngày, không cần phải nằm viện, thị lực phục hồi hoàn toàn và hạn chế được chứng loạn thị” bởi lẽ trong phương pháp “phaco”, thủy tinh thể thay vì gắp ra – thì bác sĩ sẽ dùng một thiết bị biến nó thành một chất dịch lỏng, rồi hút ra ngoài. Tiếp theo, thủy tinh thể nhân tạo được đặt vào và vì vết mổ rất nhỏ nên không cần phải khâu.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ cho biết: “Trung bình một ca mổ phaco chỉ mất từ 8 đến 10 phút nên với 4 bác sĩ, mỗi ngày KĐTMKTC Ngô Quyền có thể giải quyết cho từ 100 đến 150 người”. Chả thế mà khi Chủ doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi tài trợ cho 140 bệnh nhân nghèo được mổ miễn phí bằng phương pháp “phaco”, thì chỉ đến 15 giờ, bệnh nhân cuối cùng đã được KĐTMKTC Ngô Quyền giải quyết.

Trở lại chuyện mổ “phaco” miễn phí cho người nghèo, vì sao KĐTMKTC Ngô Quyền lại làm được? Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu, nói: “Bệnh nhân đến với KĐTMKTC Ngô Quyền gồm nhiều thành phần. Với những người khá giả, trong số chi phí của họ, chúng tôi trích ra một phần tiền công mổ, hạ mức tiền khấu hao máy móc xuống, rồi dùng tiền ấy mổ cho những người không đủ khả năng tài chính”. Như thế, cứ hai bệnh nhân mổ trả phí, thì KĐTMKTC Ngô Quyền lại có thể mổ miễn phí cho một người, chưa kể đến các nhà hảo tâm ủng hộ khi thì 50 ca, khi 100 ca, và hầu hết đều không muốn nêu tên tuổi.

Bác sĩ Châu nói tiếp: “Với chúng tôi, một trong những việc thiết thực nhất để góp phần xã hội hóa ngành y tế, là vận động những bác sĩ có tay nghề cao, mang kỹ thuật cao đến với người nghèo”, nên không chỉ mổ ở TP HCM, các bác sĩ KĐTMKTC Ngô Quyền còn mang máy móc, thiết bị đi mổ ở An Giang, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Quảng Bình, Đà Lạt...

Bác sĩ Nguyễn Văn Trưởng, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, cho biết: “Ngay từ khi chưa thành lập KĐTMKTC Ngô Quyền, trong suốt những năm 2005, 2006, 2007, năm nào bác sĩ Vũ cũng cùng các đồng nghiệp, đem máy “phaco” về Tân Châu  và các huyện ở đồng bằng sông Cửu Long mổ mắt miễn phí cho người nghèo với tổng số gần 1.000 ca”. Bác sĩ Minh, chuyên khoa mắt ở Đắk Lắk, nói: “Nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ Nguyễn Xuân Vũ, chúng tôi cũng đã giúp cho hàng trăm người mù nghèo sáng mắt”.

Tháng 7 tới đây, KĐTMKTC Ngô Quyền sẽ tổ chức khám miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại địa bàn quận 5 để từ đó, phân loại những người cần mổ đồng thời quyên góp kinh phí mua bảo hiểm y tế cho họ. Bác sĩ Vũ cho biết: “Thông qua ủy ban nhân dân các phường trong địa bàn quận, chúng tôi đang vận động những người trên 50 tuổi, mắt không còn nhìn thấy rõ, đến khám”.

Bên cạnh đó, cũng trong tháng 6 và 7/009, KĐTMKTC Ngô Quyền còn thực hiện mổ “phaco” miễn phí cho 100 người ở Bến Tre, đồng thời phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh, mổ miễn phí cho 200 người dân Campuchia theo yêu cầu của bạn.

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, xưa nay mù lòa vẫn là một nỗi đau cho bản thân, gia đình, cho xã hội. Bác sĩ Nguyễn Hữu Châu, nói: “Với sự đóng góp nhỏ bé, chúng tôi hy vọng sẽ phục hồi lại những sinh hoạt bình thường và sức lao động cho những người chẳng may bị bệnh đục thủy tinh thể, làm giảm tỉ lệ người mù trên địa bàn quận nói riêng và một số địa phương khác nói chung, giảm được công lao động dành ra để chăm sóc người mù”.

Cuối cùng, xin được kể thêm một chuyện: Đó là lúc chúng tôi đang lấy tư liệu để thực hiện bài viết này, thì có một vị sư, trụ trì một ngôi chùa ở Gò Vấp, đến gặp bác sĩ Vũ. Khẽ khàng đặt lên bàn một gói nhỏ, vị sư nói: “Đây là số tiền thiện nam tín nữ quyên góp được, nhờ nhà chùa mang đến để bác sĩ dùng nó mổ mắt cho người nghèo”.

Và bằng những tấm lòng hảo tâm như thế, sẽ lại có thêm hàng trăm người mù nghèo được sáng mắt...

Vũ Cao
.
.