Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm sẽ trở thành di sản tư liệu của nhân loại?

Thứ Sáu, 29/04/2011, 20:35

Mộc bản triều Nguyễn tại Huế, tư liệu Hán Nôm trên văn bia tại Quốc Tử Giám đã được tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tôn vinh là di sản tư liệu của nhân loại. Tuy nhiên, có một kho tàng tư liệu Hán Nôm độc đáo và chứa đựng nhiều thông tin mà chưa được nhiều người biết đến, có niên đại trên trăm năm.

Đó là kho Mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) hiện đang trên hành trình để trở thành di sản của thế giới, khi được UNESCO đề cử và đã vượt qua vòng sơ thẩm.

Chỉ một vài năm gần đây người ta mới nhắc nhiều đến những tư liệu mộc bản quý giá tại chùa Vĩnh Nghiêm - một trung tâm Phật giáo lớn của nước ta vào thời Trần (thế kỷ XIII, XIV), nhờ vậy mà ngôi chùa cổ kính này cũng có dịp được ''vua biết mặt, chúa biết tên". 

Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc trên một vị trí đắc địa tại ngã ba Phượng Nhỡn (mắt con phượng) - nơi gặp gỡ của 2 con sông lớn (sông Thương và sông Lục Nam). Nhìn về phía bên kia sông trông rất rõ đền Kiếp Bạc - nơi phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, liền kề đó là núi Côn Sơn, nơi nhà thơ, nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi về mai danh ẩn tích, xa hơn chút nữa là danh thắng Yên Tử nơi được coi là vùng "đất thánh" của thiền phái Trúc Lâm.

Là trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng rộng rãi trong vùng, chùa Vĩnh Nghiêm được nhân dân tôn vinh làm một trong những "chốn tổ" của dòng thiền Trúc Lâm tam tổ - dòng thiền mang những đặc trưng riêng của Việt Nam do ba Tổ sáng lập là Điều Ngựu Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp loa Đồng Kiên Cương và Quốc sư Huyền Quang Lý Đạo Tái. Vị trí quan trọng đó của chùa Vĩnh Nghiêm còn được thể hiện qua câu ca: Ai qua Yên tử Quỳnh Lâm/Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành.

Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm.

Chùa Vĩnh Nghiêm có kiến trúc bề thế, khuôn viên chùa rộng và đẹp gồm: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Nhà Tổ đệ nhị, gác chuông, khách đường, tả hữu hành lang, vườn tháp... tất cả được bố trí hài hòa theo bố cục kiến trúc ''nội công, ngoại quốc". Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Vĩnh Nghiêm còn được xem như một bảo tàng văn hóa Phật giáo Đại thừa khá tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam, chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, chạm khắc, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc... đặc biệt là kho mộc bản chữ Hán Nôm được khắc ngược trên gỗ thị, loại gỗ được trồng nhiều tại vườn chùa Vĩnh Nghiêm.

Chính vì là nơi đào luyện tăng đồ, nên chùa Vĩnh Nghiêm còn là nơi tàng trữ nhiều bộ ván kinh quý giá. Đặc biệt là kho mộc thư với những bộ ván in kinh như: Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ, Yên Tử nhật trình, Bản Nguyện Chân kinh, Tỳ Khâu Ni Giới kinh, Khai Thánh Chân kinh, Tịnh Độ Sách nguyện, Thần Du Phương ký… Chùa còn giữ được 34 đầu sách với hơn 3.000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) bằng chữ Hán Nôm (đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới) gồm: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà Phật… Đó là một trong những di sản văn hóa đặc biệt quý giá ở Vĩnh Nghiêm.

Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50 cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20 cm..., một số ván in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt nhằm thể hiện những ý nghĩa triết lý riêng của đạo Phật.

Trải qua mấy trăm năm, đến nay những mộc bản kinh Phật này được lưu giữ cẩn thận tại chùa và được xem như một báu vật quốc gia, phản ánh những tư tưởng quan trọng trong triết lý Phật giáo Việt Nam. Nhằm bảo tồn, lưu giữ những giá trị của kho Mộc bản Kinh Phật quý giá này, từ năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã tiến hành tổng kiểm kê, đánh số và in dịch toàn bộ số ván kinh trên đồng thời tiến hành lập hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận là di sản tư liệu của thế giới.

Qua thẩm định ban đầu cho thấy kho mộc bản được các nghệ nhân ở nhiều vùng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương san khắc vào nhiều thời điểm khác nhau cụ thể: thời Vua Tự Đức các năm (1873, 1881, 1884, 1886); Vua Thành Thái (1907); Vua Bảo Đại thứ 7 và thứ 10 (1932, 1935)… Những giá trị quý báu này đã nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước… 

Ông Ray Étmonsơn - Trưởng ban Điều phối Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã về thăm tỉnh Bắc Giang và đến chùa Vĩnh Nghiêm xem xét kỹ bộ mộc bản Kinh Phật này. Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu, Vương quốc Bỉ và Công quốc Lucxembua, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa toàn cầu, tính độc đáo của bộ Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm.

Nếu kho Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận thì đây sẽ là dịp quan trọng để bạn bè quốc tế hiểu biết nhiều hơn về một di sản văn hóa đã lặng lẽ tồn tại chốn thiền môn mấy thế kỷ qua tại vùng đất Kinh Bắc này

Nguyễn Văn Hưởng
.
.