Môi trường văn hoá công sở: Vẫn còn quá nhuộm nhoạm

Thứ Năm, 15/07/2010, 18:30
Văn hóa nơi công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, mà còn thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người. Văn hóa công sở không đồng nghĩa với trình độ học vấn và đáng tiếc là, không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với học vấn. Bởi thế, số công chức, viên chức có trình độ học vấn chiếm tỉ lệ cao, nhiều người bằng cấp đầy mình, nhưng vẫn bị coi là "vô học" bởi thiếu văn hóa trong cách làm việc, cách ứng xử với đồng nghiệp, với người dân.

Thiếu tôn trọng người dân

Thay vì là những người có trách nhiệm phục vụ nhân dân, cái tư duy cửa quyền, phong cách "ban phát" khi tiếp xúc với người dân dường như đang "mặc định" trong đầu nhiều cán bộ Nhà nước. Vì thế, ở không ít nơi, những câu hỏi thiếu chủ ngữ như: "Có việc gì?", "Đi đâu?", "Gặp ai?"... luôn được phát ra từ những gương mặt thường thiếu vắng nụ cười. Thái độ kẻ cả, lạnh lùng, hách dịch, coi thường người dân đang diễn ra như "chuyện thường ngày... nơi công sở", nhất là ở những nơi thường xuyên giải quyết các công việc có liên quan đến người dân, như công chứng, bệnh viện, cơ quan công quyền...

Chả khó gì để chứng kiến cảnh công chức ngồi "bà tám" với nhau ngay khi giờ làm việc bắt đầu, khiến người dân phải dài cổ đợi chờ. Thậm chí, trong giờ hành chính, nhưng người dân đến để giải quyết các thủ tục cần thiết, thì không có người phụ trách, vì họ còn bận đi shopping. Lạ nữa là có đơn vị, mới 3 giờ rưỡi, 4 giờ chiều, đã kéo nhau đi đánh bóng, đánh cầu hết, mặc người dân mất công đến, chờ đợi rồi về không.

Hoặc có khi, vẫn còn 20-30 phút mới hết giờ, đủ để giải quyết công việc cho người dân, nhưng nhiều cán bộ vẫn viện đủ lý do, nào là "hết giờ", hay vặn vẹo "sao không đến sớm", để đẩy việc sang hôm sau, dù khi đó, họ chỉ "bận" uống nước chè và tán gẫu. Không ít người còn trả lời lãng xẹt là "không biết", để đùn đẩy công việc cho đồng nghiệp ở bộ phận khác, khiến người dân phải lòng vòng đi lại, mất nhiều thời gian.

Chị bạn tôi từng đến một bệnh viện đa khoa cấp cứu cậu con nhỏ vì uống phải thuốc hạ áp, nhưng nữ bác sĩ trực thản nhiên ngồi rán mỡ, mặc kệ nỗi lo lắng khôn cùng của người nhà bệnh nhân. Mãi sau, mới quay ra hoạnh họe giấy tờ, khiến gia đình lập tức bế cháu bé đi nơi khác. Giá như bác sĩ ấy chỉ cần giải thích đôi chút với một thái độ chia sẻ, đủ để làm yên lòng người nhà bệnh nhân. Có khi chỉ vì thái độ, mà xảy ra những vụ xô xát, khiếu kiện chứ không hẳn là vì chuyên môn.

Một chiều mùa đông rét mướt, rất đông bệnh nhân đã đứng chờ ở một khoa của một Bệnh viện Da liễu Trung ương từ 1h đến hơn 2h chiều, mà phòng làm việc của các y bác sĩ vẫn chưa mở, dù quy định làm việc bắt đầu từ 1h30’. Một người phải gọi cho Chánh Thanh tra Bộ Y tế phản ánh tình hình, khi đó, các thầy thuốc mới lục tục dậy. Hóa ra, họ còn mải... ngủ trưa. Để rồi, nhiều người bị thu tiền vì lý do "làm ngoài giờ". Cố tình làm muộn, để rồi ăn tiền "ngoài giờ" của bệnh nhân, cũng là một "mánh" của các "mẹ hiền"?

Họ dư thời gian để làm các việc riêng trong giờ hành chính, nhưng khi người dân không hiểu các thủ tục cần thiết, đề nghị được giải thích, thì họ lại làm như thể thiếu thời gian lắm lắm, đến mức thiếu cả bình tĩnh. Chắc chắn nhiều người từng phải chứng kiến cảnh người tiếp dân khoa chân múa tay, nói sùi cả bọt mép và âm giọng thì chả dễ nghe tí nào, thậm chí ngắt lời khách một cách thiếu lịch sự. Có khi, trước đề nghị được giải thích của người dân, thì lại là một thái độ im lặng, khinh khỉnh.

Những hoạt động nghệ thuật sẽ góp phần gắn kết nơi công sở.

Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã quy định từ thái độ tiếp dân, đến việc bố trí nơi để phương tiện giao thông của người đến giao dịch, làm việc, mà không thu phí, nhưng không phải nơi nào và người nào cũng tôn trọng pháp luật, quy định của cơ quan, công sở, để là công bộc của dân đúng nghĩa. Thái độ ban phát không là "đặc quyền" của nhiều người có chức vị trong cơ quan Nhà nước, mà lây lan sang cả nhân viên bình thường.

Nhiều người đến làm việc tại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã rất khó chịu khi gặp phải thái độ của một số nhân viên trông giữ xe hay gác cổng. Tiếng là ở đơn vị văn hóa, nhưng bất kể người lớn tuổi hay không, họ đều nói trống không, hất hàm một cách xấc xược: "Đi đâu? Họp báo à?", "Cho xe vào đây!", "Đã bảo không khóa mà không nghe thấy hử?".

Dù Quy chế của Chính phủ cũng đã quy định, nhưng đa phần các cơ quan công quyền ở Hà Nội còn không bố trí nơi gửi xe cho khách đến liên hệ công việc, với cả ngàn lý do, hoặc nếu có, vẫn thu phí của khách. Trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, nơi có 7 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành nên hàng ngày, có rất nhiều người đến làm việc, là một nơi như thế. Còn ở nhiều đơn vị, chẳng những thu tiền, mà còn thu cao hơn quy định của TP Hà Nội.

Tùy tiện và duy tình

Sự tùy tiện nơi công sở của nhiều cán bộ thể hiện đầu tiên là đi muộn, về sớm. Có những người chả mấy khi không đi muộn với điệp khúc do "tắc đường", dù ai cũng biết mười mươi không phải thế. Để rồi, giữa lúc mọi người đang tập trung làm việc, thì bỗng lại bị xáo trộn vì cửa mở toang, mang theo sự ồn ào của một người đi muộn. Nhưng chính sự duy tình, xuê xoa theo kiểu "gia đình chủ nghĩa" trong thực thi kỷ luật là nguyên nhân để tình trạng này kéo dài ở một số đơn vị.

Người xưa nói, y phục xứng kỳ đức. Thế nhưng, ở nhiều cơ quan Nhà nước thường xuyên tiếp xúc với dân, có cán bộ nữ lại ăn mặc như đang dự dạ hội với váy ngắn hở hang, lòe loẹt, hay quần soóc quá ngắn, lại còn tua rua, lố lăng, không phù hợp chốn công sở. Bên cạnh đó, lại có nhiều người ăn mặc tùy tiện như ở nhà riêng, với áo quần nhầu nhĩ, đi dép lê, hay sơmi bỏ ngoài quần, luộm thuộm, thậm chí hôi hámv.v... Có khi, trong phòng họp, vẫn có những đấng mày râu phanh ngực áo, vắt chân chữ ngũ gãi khắp người, hay ngoáy mũi, chả cần biết như thế đủ làm người khác kinh dị.

Cảnh những cán bộ Nhà nước, kể cả người có chức vị, ngồi chồm hỗm trên ghế, hay vắt 2 chân lên bàn, chả có gì là khó tìm! Trong giờ hành chính, các "công bộc" vẫn thản nhiên mang quà bánh ra ăn, uống, chuyện trò rôm rả, rồi cắt móng tay, móng chân, kẻ lông mày, tô son, đánh phấn, cứ như thể ở phòng riêng, bất chấp thái độ của mọi người xung quanh. Một bộ phận công chức còn sử dụng chính phòng làm việc có máy lạnh của cơ quan để quây quần "sát phạt" bài bạc hay chơi điện tử ăn tiền.

Dẫu quy định của Chính phủ về việc cấm uống rượu bia, hút thuốc lá nhưng không ít nơi, công chức vẫn uống say bét nhè trong giờ làm việc, lết bết không làm việc được, hoặc là tiếp dân với thái độ do "con ma men" điều khiển và người thì nồng nặc mùi rượu! Cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các vị cán bộ Nhà nước, kể cả người lãnh đạo, vẫn thản nhiên thả khói, kể cả trong phòng lạnh kín mít, hay nơi đông người.--PageBreak--

Cách ứng xử giữa các đồng nghiệp nơi công sở cũng còn nhiều điều đáng phải quan tâm. Hình như, nhiều cô, cậu trẻ không được giáo dục tử tế, nhất là bài học lễ phép, nên khi gặp người lớn tuổi trong cùng cơ quan, vẫn không chào, cứ như thể không quen không biết. Chẳng nói đâu xa, ở một số cơ quan báo chí, nơi được coi là có tầm văn hóa, nhưng vẫn có một số phóng viên trẻ "làm lơ" khi gặp các vị cao niên ở phòng, ban khác, kể cả chạm mặt trong thang máy, khiến không ít người phải lên tiếng phàn nàn về sự vô lễ. Có khi, họ còn thản nhiên sai phái các đồng nghiệp lớn tuổi đóng cửa, lấy ghế, hoặc rót nước cho họ.

Không ít vị công chức complê, càvạt trông cực kỳ lịch sự, nhưng cứ mở miệng là nói bậy, chửi thề, văng tục không biết ngượng mồm. Những từ "cám ơn", "xin lỗi", "làm ơn" trong giao tiếp với đồng nghiệp, đặc biệt là với nhân dân, dường như là điều quá xa xỉ với họ. Lối sống ích kỷ cũng xuất hiện nhiều trong một bộ phận cán bộ. Có những người cứ công việc dễ ăn thì làm, còn việc khó khăn, xa xôi thì tìm mọi cách để "nhường" người khác. Thế nhưng, khi có chút công lao hay lợi nhuận, thì vơ lấy vơ để, thậm chí, sẵn sàng làm... Lý Thông. Khi điện thoại của phòng làm việc đổ chuông, mọi người làm ra vẻ bận rộn để đùn đẩy nhau nhấc máy. Cái thói nịnh trên nạt dưới có vẻ như đang phát triển mạnh. Với cấp trên thì xun xoe, bợ đỡ, nhưng với cấp dưới thì hống hách, chuyên quyền và dọa nạt, trả thù vặt.

Hình ảnh những nhóm người túm năm tụm ba trong phòng làm việc, không phải để trao đổi chuyên môn, mà là nói xấu người này, moi móc đời tư người kia, gây mất đoàn kết, chẳng phải của riêng đơn vị nào. Tệ hơn nữa là không ít người còn nhằm vào khuyết tật cơ thể bẩm sinh của người khác, hay những vấn đề về dân tộc, tôn giáo để làm trò cười. Cũng từ những cuộc "buôn dưa lê" kiểu này, mà không ít tin đồn nhảm được đưa ra (có thể là vô tình nhưng cũng có cả sự cố ý) từ sự suy diễn chủ quan, thiếu hiểu biết, gây tổn hại cho người khác. Chỉ vì thấy anh trưởng phòng hay nói chuyện với một nữ đồng nghiệp, hay một vài lần đi công tác cùng nhân viên ở bộ phận khác, cũng dễ được họ suy diễn thành một câu chuyện rất "hot" là cặp "bồ". Hành vi bè phái, hại nhau, tranh quyền đoạt chức cũng diễn ra ở không ít đơn vị.

Đảm nhận công việc của Nhà nước, nhưng không ít công chức tự cho mình quyền không tuân theo các quy định của Nhà nước, khi đặt chữ "tình" lên trên chữ "lý" trong giải quyết công việc. Ở một phòng khám trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), mặc dù người đến khám đã được phát số thứ tự, nhưng người cầm phiếu số 1 vẫn phải chờ đợi sau rất nhiều người. Hóa ra, những người này là người quen của bác sĩ, nên "được quyền" chen ngang (!). Cung cách này có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ nơi nào như phòng bán vé ở nhà ga, bến xe, nhất là vào mùa cao điểm tàu xe. Hay có người bị giữ vì vi phạm giao thông, là gọi hết cho người này đến người kia nhờ vả, và đáng tiếc là không ít người có chức quyền cũng vì nể, mà gọi điện xin xỏ cho người vi phạm không bị xử phạt.

Cán bộ Công an đang tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú.

Văn hóa điện thoại là điều đã rất nhiều người lên tiếng, đến nỗi, cứ nhắc đến là ai cũng muốn thốt lên: "Biết rồi khổ lắm nói mãi"! Thế nhưng, sự thiếu ý thức trong việc sử dụng điện thoại nơi công sở vẫn diễn ra, dù ai nấy đều hiểu, đó cũng là một nét văn hóa của môi trường công sở. Người viết bài này từng phải chờ đợi rất lâu mới được người phụ trách công việc giải quyết, chỉ vì người này mải "buôn" điện thoại đến mức gần như quên là có người đang chờ mình. Không ít người phàn nàn về việc, khi gọi đến một cơ quan xin gặp một người, thì người cầm máy buông gọn lỏn "đi vắng" rồi cúp máy luôn, không để cho người gọi kịp hỏi thêm câu nào.

Trong phòng làm việc đông người, hay khi làm việc, tiếp dân, điện thoại di động thay vì để chế độ rung, nhiều công chức vẫn thích "thể hiện cá tính" bằng để chuông với âm lượng lớn, thậm chí, còn đặt nhạc chuông "kinh dị" như "Lạy cụ, có điện thoại ạ!", "Ông ơi! Có khách" hay "Chờ em trong phút giây!" v.v... Khi có điện thoại thì nói chuyện oang oang như chỗ không người, gây phiền hà cho những người đang làm việc xung quanh.

Viên thuốc nhiệm màu?

Chắc chắn, văn hóa công sở sẽ thay đổi khi tư duy thay đổi. Bằng chứng là ở các doanh nghiệp, các khách sạn, nhà hàng, nơi khách hàng thực sự được coi là thượng đế, thì luôn được đón bằng nụ cười và thái độ ân cần. Vì thế, các "công bộc" cần phải hiểu đúng quan niệm: Không phải người dân nhờ vả mình, mà cán bộ Nhà nước ăn lương bằng tiền thuế do dân đóng góp nên có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Việc giáo dục văn hóa ứng xử, cần phải được xác lập lại ở cả nhà trường, lẫn gia đình với tiêu chí truyền thống "tiên học lễ, hậu học văn", làm cơ sở để triệt tiêu sự vô cảm với đồng loại, khơi dậy sự tự trọng ở mỗi con người.

Đặc biệt, để làm tròn nhiệm vụ, mỗi cán bộ cần trang bị những kiến thức cơ bản về lĩnh vực mình đảm nhận, để dễ dàng đưa ra được cách giải quyết tốt nhất cho người dân, mà không mất thời gian, thay vì đùn đẩy trách nhiệm. Có lẽ, mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần có chế tài phù hợp để xử lý với những người vi phạm Quy chế văn hóa công sở, mới mong xây dựng môi trường văn hóa công sở ngày càng trong lành. Chúng ta đều hiểu rằng, ở những đơn vị có nền tảng văn hóa tốt đẹp, sẽ có sự đoàn kết, gắn bó và lao động hiệu quả

Thanh Hằng
.
.