Giám đốc LHP Quốc tế Venice, Marco Mueller:

“Một bộ phim có thể làm thay đổi cách nhìn trong 10 phút”

Thứ Năm, 28/10/2010, 04:30
Sau nhiều năm mong đợi, Việt Nam lần đầu tiên đã tổ chức Liên hoan phim Quốc tế từ ngày (17-21/10). 68 bộ phim tại 23 quốc gia tham dự về các thể loại, phim truyện nhựa, phim ngắn, phim tài liệu... Có 10 phim truyện nhựa đến từ các nền điện ảnh Trung Quốc, Nhật Bản, Philippiness, Singapore, Indonesia, Iran, Thái Lan và Việt Nam.

Cùng với 5 nhà điện ảnh danh giá trong ban giám khảo phim truyện nhựa, đặc biệt  có ông Marco Mueller, Giám đốc Liên hoan phim Venice (một trong 3 LHP Quốc tế lớn và uy tín nhất thế giới - Oscar, Cannes và Venice) đã được mời tới Việt Nam. Chuyên đề ANTG có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề nền điện ảnh non trẻ của Việt Nam sẽ bơi ra biển lớn để hội nhập với nền điện ảnh thế giới như thế nào?

Rất khó tìm lại những bộ phim cũ ở Hà Nội

PV: Rất hân hạnh được gặp ông. Xin lỗi, tò mò một chút, ông đã từng đến Việt Nam chưa?

Marco Mueller: Lần đầu tiên tôi đặt chân đến đất nước các bạn vào năm 1982, ngay sau đó, năm 1983, khi đang còn là nhà tư vấn cho LHP Venice tôi đã làm một chương trình lớn về phim Việt Nam ở Liên hoan phim châu Âu. Và, như bạn thấy đấy, suốt từ năm 1983 đến giờ, gần 30 năm tôi vẫn cố gắng duy trì mối quan tâm của tôi với nền điện ảnh Việt Nam.

PV: Quan sát nền điện ảnh Việt Nam trong suốt một chặng đường dài như thế, ông thấy có sự thay đổi lớn nào?

Marco Mueller: Tất nhiên rồi, có một sự thay đổi rất lớn, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng và có chút gì nuối tiếc. Tôi biết đến những bộ phim có thể được gọi là kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam được làm trong chiến tranh, và ngay sau chiến tranh. Việt Nam có truyền thống phim lâu dài và rất đáng tự hào.

Các tác phẩm điện ảnh của thế hệ đạo diễn đã nổi tiếng từ những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước, khi đề cập đến đề tài về chiến tranh Chị Nhàn, Cánh đồng hoang, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội... vừa đáp ứng được nhu cầu về chính trị vừa mang đậm tính nghệ thuật. Bây giờ tôi lại thấy một hiện trạng hoàn toàn khác.

Có rất nhiều nhà làm phim trẻ, đặc biệt những nhà làm phim trẻ trong TP HCM tự bỏ kinh phí ra làm phim nhưng lại hoàn toàn tách rời với kiểu làm phim truyền thống của quá khứ, và họ dựa nhiều hơn vào trào lưu của phim Thái Lan, Hồng Công... đó hoàn toàn là những bộ phim thương mại. Ngay những bộ phim đương đại gần đây kể cả những nhà làm phim đoạt giải cao thì vẫn có ảnh hưởng một chút về những tác giả trong khu vực. Nhưng, đáng tiếc, họ không có sự kết nối với thế hệ đi trước.

Trong mấy ngày qua, lúc nào có thời gian rảnh, tôi và Francois Catonne (người đã từng quay bộ phim Đông Dương tại Việt Nam, và bộ phim đoạt giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1992 - Ban giám khảo LHP Quốc tế Việt Nam) đi lang thang trên những con phố Hà Nội, để làm gì bạn biết không?

PV: Hai ông đã đi đâu?

Marco Mueller: Ồ! Chúng tôi đi tìm mua đĩa DVD, những bộ phim của nền điện ảnh Việt Nam cách nay hàng thập kỷ đã làm say mê biết bao nhiêu thế hệ, giờ người ta gọi là phim cũ ấy mà. Quả thật là khó quá, gần như không đâu bán, ngay cả Hàng Bài, con phố được coi là băng đĩa sầm uất nhất thành phố cũng không có nhiều phim lắm để mua. Và, tuyệt nhiên những bộ phim này không có phụ đề bằng tiếng Anh.

Nhờ một người quen tôi tìm đến địa chỉ 22 phố Hai Bà Trưng và mua được đĩa phim "Em bé Hà Nội". Tôi vẫn cho rằng, nếu ai muốn biết trải nghiệm chiến tranh về Việt Nam thì hãy xem bộ phim đó. Chúng thật sự là những thước phim vô giá. Đáng lẽ những bộ phim như vậy phải được làm thành đĩa DVD và có phụ đề để giới thiệu cho thế giới hiểu được điện ảnh Việt Nam từ nhiều thập niên trước và giờ đã khác nhau đến thế nào chứ?!

Lợi nhuận và doanh thu - bài toán khó giải

PV: Thời gian thay đổi, ngày hôm nay không giống như ngày hôm qua,  những nhà sản xuất phim trong nước cũng phải tìm đến xu hướng mới để bắt kịp với nhu cầu thị hiếu khán giả.

Marco Mueller: Đừng đổ lỗi cho khán giả, thị hiếu của khán giả không phải là một cái gì đấy cơ học. Khán giả không được lựa chọn nhiều, thử hỏi xem mỗi năm đất nước của các bạn có 10 phim truyện nhựa trên tổng số 86 triệu dân, thật là quá ít ỏi. Chỉ có mấy đầu phim sản xuất gần đây thôi. Trong mấy ngày qua, tôi cũng đi hầu hết các rạp chiếu phim ở Hà Nội, thì làm gì có mấy phim Việt Nam chiếu cho khán giả xem đâu mà bảo khán giả được chọn cái gì?! Hầu hết là phim Mỹ, Hồng Công, Trung Quốc... Nếu không thì cũng chỉ có phim giải trí.

Tôi vẫn nhớ cách đây hơn 20 năm, những rạp chiếu phim trong các thành phố lớn của các bạn rất nhiều phim nghệ thuật của châu Âu, nhưng bây giờ thì không có nữa. Đấy! Các bạn có thể tự tạo  ra những món ăn phong phú cho khán giả thì bây giờ đã biến mất. Tôi quá kinh ngạc khi thấy nền kinh tế công nghiệp của Việt Nam đã phát triển không ngừng.  Đấy! bạn thấy kinh tế mà phát triển thì hàng hóa phải phong phú. Trong khi đó điện ảnh và sản phẩm về văn hóa cũng phải phong phú thì mới thu hút được mọi người chứ.

PV: Đôi khi lợi nhuận của bộ phim mang lại không phải là thước đo duy nhất đánh giá thành công của nó?

Marco Mueller: Tôi biết nhiều bộ phim của nước bạn đã đạt thành công về mặt doanh thu nhưng chất lượng nghệ thuật thì họ làm rất cẩu thả. Nhưng cũng có những bộ phim rất tốt, ví dụ như "Chơi vơi", phim được coi là thành công vào năm ngoái  thì rõ ràng là doanh thu thấp, có rất ít người đến rạp xem. Những bộ phim như "Chơi vơi" hay "Cánh đồng bất tận" đó là những bộ phim tốt, và phải làm thế nào đó để ủng hộ tầm nhìn của những nhà làm phim này. Nếu muốn cho nền điện ảnh Việt Nam tiến lên  thì phải làm thế nào định hình được, tránh khỏi hoàn toàn những thị hiếu theo kiểu thương mại như một số phim của Hồng Công hay Thái Lan. 

Một cảnh trong phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, bộ phim được Marco Mueller đánh giá cao về tính nghệ thuật, tuy nhiên lại thấp về doanh thu.

PV: Có lẽ, làm thế nào vừa đạt được doanh thu lại vừa mang tính hàn lâm, học thuật là bài toán khó cho các nhà sản xuất phim trong nước. Giữa nghệ thuật và thương mại nhiều khi rất khó tìm được tiếng nói chung...

Marco Mueller:Venice các nhà làm phim cũng luôn luôn đặt ra vấn đề giữa nghệ thuật và thương mại. Và, họ như những nhà làm xiếc trên dây. Đôi khi họ đặt chân được xuống mặt đất, rồi lại nghiêng quá nhiều về nghệ thuật chứ không phải là thương mại. Suy cho cùng, bộ phim càng đi vào cội rễ bao nhiêu, vào nỗi sâu kín nhất của tâm hồn con người thì lại càng dễ phát hành hơn.--PageBreak--

PV: Vâng, nhiều người nghĩ như vậy, nhưng để làm được điều như ông nói không phải là đơn giản...

Marco Mueller: Tôi sẽ đưa cho bạn một ví dụ về một câu chuyện cách đây hơn 10 năm. Đó là vào năm 1999, khi làm giám đốc LHP Lucats ở Thụy Sĩ thì tôi đã sáng lập ra một quỹ điện ảnh để ủng hộ những dự án phim quan trọng mà không phải ở châu Âu. Tôi được xem "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, đấy là bộ phim rất độc đáo, thông qua bộ phim người nước ngoài chúng tôi hiểu một cách rõ rệt về cuộc sống gần đây nhất của dân tộc Việt Nam.

Và, tôi đã quyết định chọn phim "Mùa ổi" của đạo diễn Đặng Nhật Minh để chiếu trên một màn hình lớn ở bên ngoài của LHP năm đó. Và, 8.000 người đã xem bộ phim ấy, thế là thay đổi cách nhìn trong 10 phút. Tôi nghĩ đất nước bạn rất tự hào với bộ phim ấy.  Phải thấy rằng những phim như "Mùa ổi" rất xứng đáng để cùng sánh bước với các phim khác trên thế giới. Nhưng, không may, sự tiếp nối của "Mùa ổi" không có nữa. Phải đến 10 năm sau, tôi mới gặp lại được đó là bộ phim "Chơi vơi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, hay "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Phan Quang Bình...

Bây giờ, với sự ra đời của LHP Quốc tế Việt Nam lần đầu đã tạo ra nền tảng rất quan trọng cho một sự thay đổi. Tôi có thể nói LHP Quốc tế Việt Nam lần này là bước ngoặt cho nền điện ảnh Việt Nam.

Tôi đang chờ nền điện ảnh Việt Nam nổi bật lên

PV: Hiện nay có hơn 100 LHP quốc tế được tổ chức khắp các quốc gia trên thế giới, vậy với một nền điện ảnh mới mẻ và non trẻ như Việt Nam lần đầu tiên tổ chức LHP quốc tế cần phải yếu tố nào để trở nên đặc biệt hấp dẫn, và có màu sắc, cá tính riêng biệt, không lẫn lộn, thưa ông?

Marco Mueller: Bạn biết đấy, tổ chức một LHP quốc tế ở Việt Nam những người tâm huyết với điện ảnh trong nước đã khao khát và có dự định từ lâu rồi. Ở Philippines thử với LHP quốc tế nhưng không có kết quả gì. Thái Lan cũng đã thử thì có khi lại ra một cơn ác mộng, khủng hoảng. Ở Indonesia thì cũng lâm vào tình trạng tương tự, khi đưa ra những phim giải trí, thương mại. Rất nhiều nước đã cố thử tổ chức LHP quốc tế nhưng đã trở thành không tưởng. Cuối cùng Việt Nam đã bắt đầu lấy đà khởi động.

Một LHP quốc tế thành công là dựa trên truyền thống của nước đó, văn hóa điện ảnh của nước đó. Điện ảnh Việt Nam rất đa dạng về mặt diễn giải đất nước, và con người của dân tộc mình. 6 ngày đầy sự kiện vừa qua sẽ là cỗ máy khởi động cho sự lan tỏa của văn hóa làm ra những bộ phim nghệ thuật cao. Nhờ vào Liên hoan này, các nhà điện ảnh châu Âu cũng có thể đến đây để tìm thị trường này. Và, họ hiểu rằng mối quan tâm về thương mại đang hiện hữu nơi đây.

PV: Tại sao ông lại nhận lời làm ban giám khảo của LHP quốc tế Việt Nam lần đầu tiên này, và trước khi đặt chân đến đất nước chúng tôi ông có kỳ vọng điều gì không?

Marco Mueller:  Lý do mà tôi ở đây hôm nay vì tôi được biết Việt Nam ở vào độ tuổi rất trẻ, sự phát triển của đất nước này còn vượt quá tầm nhìn của chúng tôi. Và tôi cũng chờ đợi rằng Việt Nam sẽ đưa ra được những điều đáng ngạc nhiên trong văn hóa nghệ thuật chứ không chỉ trong kinh tế, trong khoa học, công nghệ...

Tại Venice chúng tôi có một đội ngũ tư vấn cho nền điện ảnh Đông Nam Á. Những nhà tư vấn đó đã sang Việt Nam hai lần trong một năm, xem tất cả những phim ngắn, phim truyện nhựa, phim tư liệu, và theo cảm nhận của chúng tôi bằng con mắt nghề nghiệp biết điều gì sắp sửa xảy ra. Vì vậy, tôi rất thú vị  để mà thấy rằng cuối cùng cái viễn cảnh ấy nó đã xảy ra và thực sự chuyển biến thế nào. Tôi đang chờ nền điện ảnh của nước bạn nổi bật lên.

PV: Trong những thập niên đã qua, có nhiều phim Việt Nam làm về đề tài chiến tranh đoạt giải khi tham dự LHP quốc tế tại nước ngoài. Sau đó nền điện ảnh truyền thống, thiên nhiều về nghệ thuật này đã bị  chững lại thời gian khá dài. Hiện nay, các nhà làm phim trẻ đang cố gắng hết sức để cạnh tranh với thế giới, nhưng xem ra điều đó rất xa vời...

Marco Mueller: Vấn đề là làm thế nào để có kinh phí đầu tư. Các bạn thường thương nhớ Hồng Sến, và bản thân tôi, khi xem phim  "Cánh đồng hoang", của đạo diễn Hồng Sến vào năm 1982 thì tôi đã thấy tác phẩm điện ảnh này đáp ứng được tính chính trị và cũng rất nghệ thuật. Không ai có thể quên được cảnh trực thăng, nó mạnh như bộ phim Ngày tận thế.

Hồng Sến đã có sự giúp đỡ và khuyến khích rất nhiều của chính phủ thì mới sản xuất ra được một bộ phim như thế. Dù như thế nào đi chăng nữa thì một nghệ sĩ  phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà nước thì mới nổi lên được. Những đạo diễn này thông qua tác phẩm điện ảnh của mình không chỉ trao đổi với khán giả Việt Nam mà cũng có thể vượt qua biên giới của đất nước để đi ra các nước khác.

Marco Mueller sinh ra ở Rome. Từ năm 1978 ông hoạt động trong lĩnh vực tổ chức liên hoan phim. Sau khi cộng tác với  một số liên hoan phim ở châu Âu, ông sáng lập và điều hành liên hoan phim lớn nhất đầu tiên tại Turin. Ông tham gia chọn phim cho liên hoan phim Venice từ năm 1980 đến 1994 (đặc biệt trong việc lựa chọn phim châu Á). Từ năm 1991 đến năm 2000, ông điều hành liên hoan phim quốc tế Locarno. Từ năm 2004, ông trở thành Giám đốc hạng mục Điện ảnh (Cinema Section) của Venice Biennale Foundation và Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Venice (Một trong 3 LHP lớn và uy tín nhất thế giới).

Ông đã nhiều lần nhận giải thưởng cho những đóng góp trong việc phát hiện ra những nhà làm phim, những nền điện ảnh tiềm năng để giới thiệu ra thế giới. Ông nhận giải Nhân vật của năm do Cetenario Foundation trao tặng năm 2007 và giải thưởng Nghệ thuật và Văn hóa của Japan Foundation năm 2008.

Trần Mỹ Hiền
.
.