Một góc nhìn về hát văn, hầu đồng

Thứ Ba, 13/10/2020, 12:26
Tín ngưỡng thờ Mẫu hay tín ngưỡng thờ “Tam Phủ”, “Tứ Phủ”, trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng hiện nay được tôn thờ nhiều trong dân gian tạo nên một bức tranh hết sức đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa tâm linh mang bản sắc riêng của Việt Nam.

Di sản văn hóa

Một thời gian dài, hầu bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu bị cấm đoán, chầu văn cũng mai một do bị đánh đồng với hoạt động mê tín, dị đoan. Còn ngày nay, với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, người theo tín ngưỡng thờ Mẫu được bày tỏ đức tin, được thực hành các nghi lễ thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo mà mình tin theo.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghi lễ chầu văn của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đạo Mẫu là tín ngưỡng tôn thờ Mẫu - Mẹ bản địa quan trọng của người Việt Nam, tồn tại bên cạnh các tôn giáo tín ngưỡng khác, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người. Đạo Mẫu được lịch sử hóa, gắn với chủ nghĩa yêu nước. Tích hợp tín ngưỡng, tích hợp văn hóa, tạo nên một loại hình “văn hóa đạo Mẫu”. Lâu nay, việc nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đã dày công tìm hiểu, sưu tầm, biên soạn tài liệu về tín ngưỡng thờ “Tam  Phủ”, “Tứ Phủ”, “hầu bóng” song hiện chưa thấy thỏa đáng. Bởi ngoài một số tranh thờ, sách cúng, các bài văn để hát trong “hầu bóng” thì chưa có tài liệu rõ ràng, đầy đủ về vấn đề này. Còn giáo lý, nghi lễ, niêm luật... hầu như chỉ được gìn giữ và lưu truyền từ đời trước sang đời sau bằng các hình thức truyền khẩu qua những “thanh đồng”.

Do đó có sự đa dạng tùy theo từng vùng, miền và được giải thích theo nhiều hướng khác nhau. Thậm chí, còn nhiều quan niệm chưa thống nhất về “Tam Phủ”, “Tứ Phủ”, Mẫu, Chúa...

Hệ thống đền, phủ thờ Mẫu ở nước ta được xây dựng từ lâu. Một số đền, phủ điển hình ở miền Bắc có hệ thống kiến trúc tôn nghiêm, quy chuẩn và không kém phần hoành tráng như: Quần thể kiến trúc Phủ Dầy ở Nam Định; phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng Sơn (Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Bảo Hà (Lào Cai) đền Đồng Bằng (Thái Bình), đền Chợ Củi (Hà Tĩnh), đền Suối Mỡ (Lục Nam)... Ngoài những đền to, phủ lớn còn không ít ngôi đền, từ, điện được nhân dân dựng lên để thờ Mẫu.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, từ xưa đạo “Tam Phủ”, “Tứ Phủ” được dân gian đưa về từ bên ngoài rồi sáng tạo và kết hợp với tục thờ Mẫu của Việt Nam thành tín ngưỡng của người Việt. Hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh đã được đưa lên tối thượng. Các nhân vật Thánh, Chúa, Thần, Tiên, được tôn thờ trong hàng Tứ Phủ cũng chính là các nhân vật lịch sử của dân tộc. Ví như, hàng ngũ vị Quan lớn: Quan lớn Tuần Tranh (có tên Quan Đệ Ngũ) chính là Cao Lỗ, một danh tướng thời An Dương Vương hay có nơi lại coi ông là một võ tướng nhà Trần.

Một giá hầu đồng.

Quan Đệ Nhị tương truyền là tướng Lê Sát đã từng chém đầu Liễu Thăng. Hàng Chầu Bà có Chầu Lục tương truyền là con gái Tản Viên Sơn Thánh. Ông Hoàng Bảy là quan triều đình trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái. Đền Suối Mỡ (Lục Nam, Bắc Giang) nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn, tương truyền đó là Quế Mị Nương - con gái vua Hùng có công mở mang khai phá vùng đất, dạy dân làm nông nghiệp để có cuộc sống ấm no. Xuân thu nhị kỳ, khách thập phương ở Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn và các nơi khác nườm nượp về đây để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh” cầu tài, cầu lộc, cầu bình an.

Nghi lễ chầu văn trong đạo Mẫu, hay còn gọi là hầu đồng, hiểu một cách đơn giản là hình thức diễn xướng dựa trên cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời ca trau chuốt, cùng các nghi lễ nghiêm trang và hình thức múa để con người có thể giao tiếp với thần linh.

Trong nghi lễ này, người ta tin rằng, hình thức lên đồng có thể giúp con người giao tiếp được với các đấng thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Khác với hát ca trù, quan họ cổ hay hát xẩm - hát chầu văn hầu Thánh là sự kết hợp cả dân ca và dân vũ. Hình thức hát văn cũng rất phong phú, gồm hát thờ, hát thi, hát hầu (phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát nơi cửa đền. Để phục vụ nghi thức hầu bóng của các thanh đồng, nhiều địa phương phát triển đội hát văn, một số ca sĩ chuyên nghiệp và không chuyên cũng chuyển hướng đi sâu vào đề tài hát văn để mưu sinh.

Mỗi đội hát văn phục vụ hầu đồng có tới năm, bảy người, nhạc cụ để phục vụ hát văn rất phong phú; ngoài nhạc cụ cơ bản đàn nguyệt, trống, phách ra còn có sáo, tiêu, đàn thập lục, đàn nhị... cùng hệ thống âm thanh máy tăng âm, dàn loa hiện đại. Mỗi năm không biết bao nhiêu các “vấn hầu” được tổ chức ở các cửa đền, cửa phủ to, nhỏ khác nhau theo điều kiện của từng cơ cánh nhà đồng.

Tìm hiểu được biết trước đây, hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, vấn hầu của các thanh đồng đâu có khăn áo lộng lẫy, cầu kỳ như bây giờ! Chỉ một chiếc quạt, một chiếc khăn phủ diện, một vài gói kẹo bánh, trái cây, tổng chi phí tiền không nhiều với lòng thành tâm “bắc ghế hầu Thánh” họ cũng thỏa bóng vọng cầu. Cung văn hát phục vụ hầu chỉ cần một chiếc đàn nguyệt, một thanh tre gõ phách, một chiếc cảnh cũng đủ để nâng cho “bóng Thánh” về “xe loan giá ngự”.

Còn ngày nay, một số thanh đồng có điều kiện kinh tế khá giả sắm cho các giá “bóng Thánh” khăn áo đẹp lộng lẫy hàng vài chục bộ, mỗi bộ trị giá hàng chục triệu đồng. Đội hát văn phục vụ hầu Thánh có vấn hầu mời tới năm, bảy người, tổng chi phí mỗi vấn hầu tới hàng trăm triệu đồng; tất cả đều do “thanh đồng” lo liệu.

Gìn giữ bản sắc

Nhìn về góc độ văn hóa, “hầu bóng” là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tổng hợp mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam trong đó có âm nhạc, văn học, vũ đạo, kịch câm, mỹ thuật...

Chúng tôi đã có dịp thức trắng đêm để nghe và ghi lại nội dung các bài hát văn ở đền Suối Mỡ (Lục Nam) thấy rằng, về cơ bản, các bài hát văn đều có nội dung ca ngợi đất nước, quê hương, đời sống mới, với những chất liệu âm nhạc đặc sắc, tươi vui, sống động được chắt lọc từ âm nhạc cổ truyền. Còn hầu đồng cũng có những đồng cô, đồng cậu đôi khi hành lễ lệch hướng nhuốm màu “mê tín dị đoan”. 

Các cung văn tại một giá hầu đồng.

Một điều đặc biệt, các thanh đồng và cung văn không cần phải tập luyện để khớp với nhau mà hoàn toàn diễn theo ngẫu hứng. Có những giá hầu “bốc đồng” làm cho khán giả dự hầu cùng vỗ tay nhún nhảy vui nhộn như mình đang trong vai diễn.

Chỉ một vuông chiếu làm sân khấu với những đạo cụ đơn giản như đao, kiếm gỗ, mồi nến, quạt giấy, dải lụa, hương, nến... vậy mà hàng chục các bóng Quan lớn, Chầu bà, ông Hoàng, bà Chúa, Thánh Cậu, Tiên Cô được các thanh đồng thể hiện làm cho người dự lễ xem hầu bị mê mẩn hút hồn. Có những người nước ngoài không biết gì về tiếng Việt, văn hóa Việt nhưng khi tham dự một vấn hầu đều có những cảm xúc chung với người Việt. Như vậy có thể nói đi hầu Thánh chính là một cuộc chơi tao nhã mang đậm chất văn hóa, văn nghệ dân gian mà các bậc tiền bối đã sáng tạo ra để gắn với tín ngưỡng bản địa “tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Một vấn hầu Thánh có thể xem là chương trình biểu diễn nghệ thuật tâm linh, trong đó diễn viên là thanh đồng, các nhạc công là cung văn. Những người tham dự “hầu” được thưởng thức một buổi văn nghệ, thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Ngoài ra, đi “hầu” ở nơi xa mọi người được tham quan các danh lam thắng cảnh cho tinh thần thoải mái sau những ngày lao động vất vả.

Như vậy, có thể nhận định, “hầu đồng” chính là một cuộc chơi mang đậm chất văn hóa dân gian. Trong cuộc sống đương đại, hát văn hiện nay có lúc có nơi chỉ là do một người hát để phục vụ người nghe đơn thuần chứ không chỉ là phục vụ lên đồng. Nghĩa là hát văn hiện nay không chỉ là hình thức nghệ thuật gắn liền với nghi thức hầu đồng nữa. Nghệ thuật hát chầu văn vốn từ nơi thờ cúng, từ không gian tâm linh, được phổ biến rộng rãi trong đời thường, chính là từ cõi thiêng bước ra cõi tục như hát trong đám cưới, hội diễn, hội thi, trên truyền hình...

Để đánh giá khách quan về “hầu bóng” phải nhìn bằng góc độ văn hóa và khoa học, không nên nhìn phiến diện một chiều. Về giá trị tinh thần, mỗi lần tổ chức đi hầu Thánh, các “đồng anh, lính chị” trong cơ cánh nhà đồng có dịp được họp mặt, để cùng nhau dâng lễ gửi gắm nguyện ước của mình vào cõi tâm linh mong được giải hạn, trừ tai ương, cầu cho cuộc sống gặp vạn sự tốt lành.

Đối với những cuộc tổ chức đi hầu ở cửa Mẫu được cùng nhau du ngoạn thăm quan các di tích, danh lam thắng cảnh của đất nước; được trực tiếp nhận từ tay của bóng các bậc “thần tiên” ban cho “phẩm lộc”; được thưởng thức “văn nghệ tâm linh”.

Nghiên cứu về “hầu bóng”, phần lớn các nhà nghiên cứu đều công nhận đây là loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian bản địa cần được bảo tồn. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng một số hình thức đã bị biến tướng thành mê tín dị đoan, nặng về vật chất. Một số người dân thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu và giá trị đích thực của nghi lễ “hầu bóng” nên bị lợi dụng.

Việc hầu Thánh đôi khi đã trở thành miễn cưỡng so sánh “hầu to, hầu nhỏ” làm mất đi tính thiêng và những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có dẫn đến tốn kém, lãng phí. Đối với một số người làm nghề hát văn không còn giữ đạo như cổ xưa. Lời văn được sáng tạo thêm kiểu “mơi tiền” của các thanh đồng. Nếu giá hầu “ban khen, ban thưởng” nhiều thì văn hát càng “bốc”; ngược lại nếu tThanh đồng nào hầu “khiêm tốn” thì văn thường bị... “mất điện”...

Để góp phần định hướng bảo tồn nghệ thuật hát chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu và quản lý định hướng trào lưu sinh hoạt văn hóa tâm linh theo đúng đường lối của Đảng, ngành chuyên môn cần nghiên cứu biên soạn một số làn điệu cơ bản của hát chầu văn mời các nghệ nhân tham gia dạy trong trường văn hóa nghệ thuật. Tổ chức các câu lạc bộ ở một số địa phương có phong trào hát văn duy trì sinh hoạt thường xuyên.

Tiếp tục duy trì liên hoan diễn xướng chầu văn tại lễ hội có truyền thống gắn với nghi lễ này. Tổ chức các cuộc hội thảo, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu để họ tự điều tiết các hành vi của mình trong niềm tin thờ Mẫu, hạn chế những hình thức mê tín, dị đoan. Tiếp tục sưu tầm nghiên cứu các bài hát chầu văn để bổ sung vào kho tàng văn hóa phi vật thể. Tổ chức các chuyên đề tập huấn để định hướng nhận thức giữ gìn văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc ta đối với những thầy bói, thầy cúng, cung văn...

Đông Khánh
.
.