Campuchia, 40 năm sau họa diệt chủng:

Một lần đến thành phố ngã tư sông

Thứ Tư, 02/01/2019, 13:21
Nằm cách Sài Gòn 240 cây số, thủ đô Vương quốc Campuchia có những nét đặc sắc riêng của một vùng đất pha trộn tín ngưỡng Ấn Độ giáo và Phật giáo, nơi đã diễn ra nhiều biến động lịch sử kể từ khi vua Ponhea Yat dời thủ đô từ Angkor về đây, giờ đây Phnom Penh vẫn hấp dẫn du khách từng ngày…


Trung tâm lịch sử thời hậu Angkor

Là nơi hợp lưu của ba con sông Mekong, Tonle Sap và Bassac, một thời còn có tên Krong Chaktomuk (thành phố sông bốn mặt), Phnom Penh không rộng lớn và cũng không có nhiều nhà cao tầng nhưng đường phố rộng rãi, khang trang, không thấy hẻm nhỏ như ở Việt Nam, xe cộ lưu thông khá chậm và khí hậu tương đối mát mẻ. 

Mệt nhoài sau những ngày nắng nóng quần thảo với các đền đài cổ kính thuộc thời kỳ Angkor và trước đó ở Siem Reap, tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi xe qua cầu Monivong – nay đang hoàn thiện một cầu thứ hai song song với nó – tiến vào đại lộ Monivong rồi những đường phố nhộn nhịp với các công viên có hàng cây thốt nốt xanh ngắt và là biểu tượng tín ngưỡng riêng biệt của dân tộc Khmer.

Những mái chùa cao vút giữa thủ đô.

Trước Cung điện Hoàng gia, ngay sát bờ sông là Quảng trường Sông bốn mặt, được lát đá một phần trên những lối đi, phần còn lại là bãi cỏ xanh mướt. Trên quảng trường, hàng vạn chim bồ câu bay lượn và đậu trên bãi cỏ, trên đường đi bộ. Hoàng cung là địa điểm không thể không đến khi ghé qua Phnom Penh, ngoại trừ điện Khemarin là nơi hoàng gia ở, du khách được mua vé vào tham quan 23 khu vực khác trong quần thể rộng hơn 187 nghìn mét vuông này. 

Quay mặt về phía bờ sông Tonle Sap, giáp với đường Sothearos thênh thang, Hoàng cung trông thật vô cùng hoành tráng với những công trình kiến trúc đậm chất Khmer có mái hình chóp cao chót vót, bên ngoài có tường bao quanh tô điểm bằng những mảng điêu khắc tuyệt đẹp. Một công trình để lại dấu ấn của Việt Nam là Điện Phhochani hoàn thành năm 1912 do các nghệ nhân tỉnh Thái Bình thiết kế và xây dựng, hiện nay dùng làm nơi tiếp khách và hội nghị của hoàng gia.

Tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Quảng trường lớn bên hông hoàng cung có tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia xây bằng bêtông cao 11m sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng để thể hiện quan hệ mật thiết của hai nước láng giềng. Đỉnh của tượng đài xây theo kiến trúc mái chùa truyền thống vươn cao lên nền trời, bên dưới là bức tượng hai người lính của hai nước dang tay chở che cho một phụ nữ và đứa bé. Ở một số tỉnh cũng có tượng đài như vậy nhưng có kích thước nhỏ hơn như tôi đã thấy trên quốc lộ 6 ở Kampong Thom. Biết bao xương máu của nhân dân hai nước đã đổ xuống khắp đất nước Campuchia trước khi có được những tượng đài này.

Tôn giáo xếp thứ hai là Hồi giáo chỉ chiếm 2% dân số nhưng Phnom Penh vẫn có một thánh đường Hồi giáo tráng lệ do một thương gia Ả Rập tặng với giá thành xây dựng đến 2,9 triệu USD ở gần hồ Boeung Kak. Màu trắng tinh khôi bên ngoài thánh đường hai tầng xây theo kiểu Ottoman được trang trí hình hoa hồng và ngói màu lam ngọc do các thợ lành nghề Algérie thực hiện. Dưới ánh đèn đêm, thánh đường đẹp lung linh như trong truyện cổ tích. Không gian yên tĩnh, trong lành làm lòng người dịu đi bao nỗi mệt nhọc, muộn phiền. Tôn giáo nào cũng mang tính hướng thiện và nước nào càng nhiều tôn giáo thì càng giàu có về văn hóa.

Tuyến du lịch không dành cho những người yếu tim

Lịch sử cận đại của Campuchia đã trải qua một thời kỳ đen tối và bi thảm nhất dưới chế độ Khmer Đỏ. Một ngày sau khi tiếp quản Phnom Penh, Khmer Đỏ đã buộc toàn bộ dân chúng các thành phố phải rời bỏ mọi thứ họ có và đi về các vùng nông thôn để lao động như các nô lệ. Trong gần bốn năm cầm quyền của Khmer Đỏ, khoảng 1,7 triệu người đã chết, trong đó số bị giết khoảng 1,4 triệu, còn lại là chết vì kiệt sức, vì đói, vì khủng hoảng, vì cô đơn chiếm 1/5 dân số Campuchia lúc đó.

Sọ người trong tháp tưởng niệm ở Trung tâm diệt chủng Choeung Ek.

Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng nguyên là Trường Trung học Toul Svay Prey. Sau khi cầm quyền Khmer Đỏ đã biến nó thành nhà tù lớn nhất Campuchia với tên gọi S21 (Security Office 21 – Cơ quan An ninh 21). Phía ngoài là hàng rào dây thép gai dày đặc và hai lớp tôn dập sống. Tất cả bốn tòa nhà ba tầng của trường học dùng để giam giữ, xét hỏi và tra tấn một cách tàn nhẫn các nạn nhân sau đó đưa đi hành hình ở Choeung Ek cũng thuộc sự quản lý của S21. Các tài liệu cho biết khoảng 20 ngàn người đã bị giết ở những nơi này, đến lúc Phnom Penh được giải phóng tại đây chỉ còn bảy người sống sót.

Tại các phòng này còn có hình chụp những nạn nhân cuối cùng đã chết ngay tại phòng xét hỏi, trong số đó có một người là nữ giới. Các bức ảnh được ghi chú là tác phẩm của “Vietnamese photographer Ho van Tay” (nhiếp ảnh gia Việt Nam có lẽ tên là Hồ văn Tây hay Tày?) chụp vào ngày 10/01/1979, ba ngày sau khi Khmer Đỏ chạy khỏi Phnom Penh.

Trong khoảng sân trước tòa nhà này có 14 ngôi mộ vô danh, đó là mộ của những người bị giết cuối cùng tại nhà tù này. Tòa nhà thứ ba còn nguyên dây thép gai giăng từ nóc nhà xuống đất, ở một số phòng có treo rất nhiều hình ảnh của các tù nhân, trong số đó có những người còn rất trẻ, mỗi người mang một số hiệu riêng và có cả hình ảnh những người đã chết vì bị tra tấn, tầng trên cùng dùng làm phòng chiếu phim phục vụ du khách có nhu cầu (vé vào cửa nếu có cả xem phim phải thêm 3 USD). Ở khoảng sân trước tòa nhà thứ tư có đài tưởng niệm các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ và các tấm bia đá khắc tên từng nạn nhân, trong tòa nhà trưng bày nhiều sọ của các nạn nhân, dụng cụ tra tấn và những hình ảnh giam giữ, tra tấn…

Tên chính thức của khu vực hành hình các tù nhân từ Toul Sleng đưa đến là Trung tâm diệt chủng Choeung Ek (The Choeung Ek Genocidal Center) nhưng người ta quen gọi là Cánh đồng chết dựa theo tựa đề bộ phim “The Killing fields” đoạt giải Oscar năm 1984 kể lại câu chuyện về nhà báo Campuchia Dith Pran đã trốn thoát ra nước ngoài từ nhà tù Khmer Đỏ. Một bản đồ chính thức mô tả có hơn 300 Cánh đồng chết ở Campuchia, nhưng Choeung Ek nằm cách Phnom Penh 15 cây số về phía đông nam là lớn nhất. Nguyên là một nghĩa trang của người Hoa trước năm 1975 kề bên một vườn nhãn. Tại đây các tù nhân bị hành hình rồi chôn trong các ngôi mộ tập thể.

Giường tra tấn trong nhà tù Toul Sleng.

Khi chuẩn bị khởi hành từ Phnom Penh đi Choeung Ek, bác lái xe tuk tuk dặn dò chúng tôi phải mang túi xách vào người và giữ chặt để phòng cướp giật, tôi nghĩ là chỉ áp dụng khi đi đường thôi, nhưng trong khuôn viên tham quan vẫn thấy những bảng nhắc nhở bằng tiếng Anh “Please care for your belongings” thì tôi mới giật mình. Thôi thì cẩn thận vẫn hơn.

Cách bên trong cổng vài chục mét là khu vực trước đây dùng làm nơi đỗ của các xe tải chở tù nhân từ Toul Sleng và các nơi khác đến để giết. Thời ấy mỗi tháng có hai hoặc ba đợt xe đến, có khi 3 tuần một lần, mỗi xe chứa từ 20 đến 30 tù nhân. Khi xe đến, các tù nhân được đưa ngay đến các con mương và hố để hành hình ngay lập tức, trường hợp số nạn nhân vượt quá 300 người mỗi ngày, những kẻ hành hình không thể thực hiện kịp - vì giết người bằng phương tiện thủ công, từng người một – thì họ giam lại để hành hình vào ngày hôm sau.

Nơi giam giữ làm bằng gỗ với vách làm bằng hai lớp gỗ phẳng để làm cho tối cũng như để ngăn các tù nhân nhìn thấy nhau và có mái làm bằng tôn mạ kẽm. Những kẻ hành hình cũng có trụ sở làm việc riêng, trong đó có bảng phân công, danh sách nạn nhân. 

Có một phòng chứa hóa chất như DDT và tương tự để những người hành hình rắc các hóa chất này lên các thi thể nạn nhân ngay sau khi hành hình nhằm hai mục đích: loại trừ mùi hôi thối từ xác chết có thể gây ra sự nghi ngờ của những người làm việc gần đó cũng như để giết những nạn nhân còn sống sau khi được chôn. Ba nơi này đã không còn hiện vật, chỉ có bảng thuyết minh dựng trên khu vực ngày xưa là các phòng. Phòng chứa dụng cụ giết người gồm có cùm, thép, cuốc, rìu, các loại dao, trục bánh xe bò, gậy gỗ… Một số dụng cụ đã mất.

Khu vực hành hình cùng các mộ tập thể được ngăn cách với lối đi lát gỗ bằng dây thừng và có nhắc nhở du khách không đi lấn vào ranh giới thiêng liêng, phía tiếp giáp với đồng ruộng có một con đê được xây dựng để bảo vệ di tích khỏi ngập lụt. Khu vực chính này xen lẫn với các hố chôn đã khai quật vẫn còn đọc rõ một số bia mộ của người Hoa trước năm 1975, một tủ kính đặt dưới mái che trưng bày những mảnh quần áo của nạn nhân trồi lên từ dưới mặt đất khi trời mưa sau cuộc khai quật những mộ lớn năm 1980, một ô vây quanh bằng trụ gỗ có mái che ghi chú đó là mộ của hơn 100 phụ nữ mà đa số là trần truồng và các đầu lâu trẻ con nằm chung, có một tủ kính bên đường trưng bày những mảnh xương còn sót lại sau khi khai quật.

Một cây lớn mang tên Cây giết người (Killing tree) là nơi những kẻ hành hình cầm chân trẻ con quật đầu vào để giết chết, cây này và các trụ vây quanh của ngôi mộ hơn 100 phụ nữ được treo đầy những vòng chỉ đủ màu như để cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân. 

Chính lãnh đạo khét tiếng của S21 là Kaing Guek Eav, được biết nhiều dưới tên Duch, đã thú nhận động cơ cũng như cách giết trẻ con như vậy trước phiên tòa xét xử tội diệt chủng của Khmer Đỏ rằng khẩu hiệu và chỉ đạo của Khmer Đỏ là nhổ sạch cỏ, đào cả rễ của nó lên; không có lợi ích gì trong việc giam giữ trẻ con, và nó sẽ trả thù chúng ta. Các tội danh: tội phạm chiến tranh, tội ác chống lại loài người, tra tấn và giết người có kế hoạch là xứng đáng cho vai trò của ông ta. Có một cây to khác gọi là Cây ma lực (Magic Tree) dùng treo loa phóng thanh công suất lớn để át tiếng kêu van của các nạn nhân khi đang bị hành hình.

Tháp tưởng niệm trung tâm được xây dựng để bảo quản 8.985 sọ người và một số xương đã được khai quật trong 86/129 ngôi mộ tập thể tính đến cuối năm 1980 cũng như để tưởng niệm cái chết của người dân Campuchia dưới chế độ Pol Pot. Nhiều sọ có vết nứt dài, vỡ, vết thủng, các hình chụp thể hiện nạn nhân bị giết với vết tích trên sọ tương ứng với dụng cụ đó một bên như giết bằng lưỡi lê, que sắt, dao, gậy gỗ, cuốc, rìu, mác… Có ô chứa khăn bịt mắt và quần áo của nạn nhân là trẻ con. Tiếng kinh cầu hồn trầm buồn trong không gian ảm đạm làm tôi thoáng rùng mình.

Trước cửa Trung tâm diệt chủng Choeung Ek tôi thấy chiếc xe buýt chở khách đi theo tour nửa ngày đến đây và nhà tù Toul Sleng, khách chủ yếu là người nước ngoài đã đứng tuổi hoặc thanh niên. Tuyệt nhiên không có trẻ con, và dĩ nhiên không có những người có vấn đề về sức khỏe, bởi lẽ con tim nhỏ bé của họ sẽ không chịu nổi sự xao động trong lòng trước những hình ảnh đau thương và tàn bạo của chế độ diệt chủng Pol Pot. 

Trong sổ ghi cảm tưởng ở Toul Sleng vào ngày tôi đến, một du khách người Australia đã viết: “ There are no words to say how sad I am that this could occur. Thank you for your bravery in showing stories. All my love to your Cambodia” (Không có lời nào nói hết nỗi buồn của tôi về những điều đã xảy ra. Cám ơn các bạn đã dũng cảm kể lại các câu chuyện. Xin gửi trọn vẹn tình yêu của tôi đến đất nước Campuchia của các bạn). Rất nhiều những dòng cảm tưởng đầy xúc động và đó cũng là những sẻ chia để người dân Campuchia vượt qua quá khứ đau thương trên con đường xây dựng tương lai.

Nguyễn Thanh Phong
.
.