Một môi trường y tế bình an: Tại sao không?

Thứ Sáu, 27/04/2018, 13:52
Trong danh sách theo dõi trên mạng xã hội Facebook của tôi có khá nhiều bác sĩ, tham gia ở khía cạnh công việc viết báo. Việc đọc và hiểu biết thêm những vấn đề được cho là khó hiểu về y tế thì đây là nguồn tin khá tin cậy. Có thể sẻ chia và tạo những đồng thuận trong môi trường y tế.

Có một điều thật ngạc nhiên là những thông tin, giải thích cặn kẽ, chi tiết, khoa học về y khoa từ chính những người hành nghề y lại thường lọt thỏm, ít tương tác so với nhan nhản mẩu tin “đâm bị thóc, chọc bị gạo” một chiều về y tế trên mạng xã hội. Điều này quả thật rất đáng buồn.

Ví dụ cách đây vài tháng, một tài khoản Facebook ra rả chê bai y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) xung quanh chuyện đưa người nhà vào bệnh viện rồi bị gây khó dễ trong chuyện chụp phim X quang. Bệnh nhân cấp cứu sau khi thăm khám được chỉ định đưa đi chiếu chụp 2 lần vùng ngực, vấn đề xảy ra khoảng cách thời gian mỗi lần chụp là vài giờ đồng hồ thay vì “choạch choạch” liên tiếp 2 kiểu như chúng ta vẫn thường đi chụp hình lưu niệm.

Câu chuyện như quả bóng bổng được tâng lên cao và đón nhận những cú đập bằng ngôn từ mạt sát kinh khủng từ đám đông.

Một bác sĩ trong nhóm viết “Bác sĩ nội trú” sau khi đọc y bạ, phim X quang và trao đổi với chính đồng nghiệp nắm thông tin vụ việc, đã viết trên mạng lý giải rõ vấn đề là bệnh nhân kể trên do phải sử dụng thuốc cản quang trong quá trình chụp phim, vậy nên cần khoảng thời gian nghỉ ngơi phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho lần chụp tiếp theo.

Lời giải thích này nhận được sự đồng thuận cao từ những người trong nghề hoặc có hiểu biết y khoa, nhưng không, dường như đám đông hung hãn ngôn từ thích mạt sát, chửi rủa hơn là tiếp nhận thông tin hữu ích bù đắp khoảng hụt kiến thức cần trau dồi.

Đây chỉ một trong rất nhiều ví dụ về vấn nạn góp gạch đập vỡ toang niềm tin, tạo cảm xúc ác cảm có khả năng gián tiếp thay đổi công năng biến thành bạo lực dành cho y, bác sĩ, nhân viên y tế.

Đưa vợ đi sinh bị kíp mổ cấp cứu nhắc nhở về hành vi trèo qua hành lang chụp ảnh, anh chồng gọi người nhà tới đánh vỡ đầu bác sĩ. Đưa người nhà vào bệnh viện, hùng dũng xách theo con dao dài trên tay gây sức ép hoặc cho rằng bác sĩ giải thích lằng nhằng, cứng nhắc, ông bố trẻ Trương Văn Thanh không ngần ngại vả thẳng vào mặt người giúp con trai mình...

Không dừng lại ở hành vi sai trái kể trên, camera an ninh Bệnh viện Xanh-Pôn còn ghi lại diễn biến tiếp theo của Thanh khi ném ví, rải tiền mặt lên bàn làm việc tại đây khi không có người. Hành vi này có được hiểu là dựng hiện trường để hợp lý hóa việc đánh người trước đó nếu bị truy xét với lý do bị vòi vĩnh và đã thỏa mãn điều kiện đó? Vụ việc này đã được cơ quan chức năng khởi tố liệu có đủ sức răn đe hay bác sĩ vẫn sẽ phải tiếp tục sống trong sợ hãi, một tay cứu người một tay ôm đầu đầy máu?

Bác sĩ nội trú Hùng Ngô, tác giả cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền” đã tới tay người đọc hơn 20.000 cuốn trong lần xuất bản đầu tiên, cay đắng viết trên Facebook cá nhân: “Điều gì đang xảy ra thế này. Tội ác là điều đương nhiên ư? người ta đang tìm cách hợp lý hóa bạo lực ư? Tại sao lại thế, hả báo?

Cuốn sách phát hành vào đúng thời điểm các vụ bạo hành y tế gia tăng đến mức khi xem lại video về các vụ việc, không ai tưởng tượng được tại sao con người có thể tàn ác đến vậy, tàn ác ngay với những người đang cứu chữa cho người nhà mình. Những người làm ngành y như mình tự hỏi, với tình trạng như hiện nay, liệu rằng chúng ta có thể hiền được không?

Câu hỏi cũng chính là câu trả lời”. Bác sĩ Hùng Ngô viết vậy bởi không ít tờ báo đã có lời bênh vực và đổ lỗi ngay lập tức cho vị bác sĩ Vũ Hồng Chiến, nạn nhân mới nhất của nạn bạo lực bệnh viện.

Trong buổi ra mắt cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền” có sự góp mặt của rất đông bạn đọc, sinh viên y khoa, y bác sĩ đồng nghiệp với tác giả Hùng Ngô. Họ đã trao đổi, trò chuyện khá nhiều về các bất cập, thiệt thòi, tâm sự cay đắng, chân tình với người hành nghề y. Tôi rất chú ý tới một nữ sinh viên năm cuối Đại học Y.

Em đứng dậy run run cầm micro và mất khá lâu mới bắt đầu câu hỏi của mình. Nước mắt tuôn rơi, trong lời nói đứt đoạn trình bày về những trải nghiệm kinh khủng của mình khi phải đối diện với vấn nạn bạo lực bệnh viện. Nữ sinh viên nói phải xin lỗi khán phòng rằng cô ta đang tuyệt vọng và đôi khi có cảm giác căm phẫn bởi phải chứng kiến sự quay lưng bội bạc và muốn bỏ nghề, người bác sĩ trong tương lai mong muốn nhận được lời khuyên.

Tháng 4 của năm 2018 mới đi được hơn một nửa nhưng đã có tới 3 vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế. Từ bệnh viện tỉnh đến bệnh viện Trung ương, từ tỉnh nghèo Bắc Kạn, Hà Tĩnh đến Thủ đô Hà Nội đều có chuyện đánh bác sĩ. Chắc chắn rằng đã đến lúc cần một hiệu ứng truyền thông mạnh hơn cùng với các biện pháp xử lý pháp luật để giữ vững sự bình an cho y, bác sĩ hành nghề.

Phải làm gì đó như một cú "sốc điện" mà bác sĩ phải sử dụng khi tính mạng người bệnh ngàn cân treo sợi tóc.

Mất niềm tin là mất tất cả, vì lẽ đó, rất cần chúng ta cùng nắm tay nhau trên đường để bảo vệ một môi trường y tế bình an!

Minh Trí
.
.