Một nhà thiết kế thời trang phải sống trong “bong bóng” 26 năm

Thứ Ba, 10/10/2017, 18:54
Amelia Hill, 41 tuổi, phải sống trong “bong bóng” suốt 26 năm qua bởi vì cơ thể chị dị ứng với hầu hết mọi thứ trong môi trường thế giới hiện đại. Thế giới hiện tại của người phụ nữ bất hạnh này là căn phòng nhỏ “niêm phong” kín mít, hoàn toàn không có độc chất và phải ngủ trên sàn phòng tắm ở thành phố Adelaide miền Nam Australia.

Amelia Hill – được gọi là “người phụ nữ trong bong bóng” – hiện phải sống cuộc sống như một tù nhân ngay trong căn nhà riêng ở Adelaide và thường xuyên chiến đấu với tình trạng sức khỏe hết sức tồi tệ của mình.

Lúc 15 tuổi, Amelia Hill bất ngờ gặp phải một loạt các phản ứng giống như “dị ứng” kéo dài nhiều giờ cho đến nhiều tuần lễ sau khi hít phải hơi thuốc xịt diệt mối. Sau đó, sức khỏe của Hill trở nên tồi tệ và chị phải cố hết sức thanh toán rất nhiều hóa đơn bệnh viện đắt tiền.

Amelia Hill phải sống trong “bong bóng” suốt 26 năm qua bởi vì cơ thể chị dị ứng với hầu hết mọi thứ trong môi trường thế giới hiện đại.

Đôi khi căn bệnh lạ hành hạ Hill suốt 24 giờ với những triệu chứng như đau nhức mình mẩy, mệt mỏi, phát ban và thậm chí có lúc khiến chị bất tỉnh. Ngay đến thứ hết sức đơn giản như là chất tẩy rửa nhà vệ sinh cũng làm cho chị ngạt thở và suýt giết chết chị. Amelia Hill trải qua nhiều năm sống với đủ mọi triệu chứng không thể giải thích được trong khi các bác sĩ cho rằng chị… bệnh tưởng!

Cuối cùng đến lúc Hill 33 tuổi, các bác sĩ mới chẩn đoán chị mắc phải tình trạng nhạy cảm đa hóa chất (Multiple Chemical Sensitivity – MCS), Hội chứng mệt mỏi mạn tính (Chronic Fatigue Syndrome – CFS) và mẫn cảm với sóng điện từ (Electrohypersensitivity – EHS).

Amelia từng hành nghề thiết kế thời trang, hợp tác với các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và thậm chí được bổ nhiệm vào chức vụ giám đốc một tạp chí lúc chỉ mới 21 tuổi. Nhưng khi bước vào tuổi 30, tình trạng sức khỏe tồi tệ không thể chữa khỏi đã buộc Hill từ bỏ mọi giấc mơ và phải chấp nhận cuộc sống cách ly với xã hội.

Bất chấp mọi nỗ lực cách ly, môi trường thế giới bên ngoài vẫn thẩm thấu vào căn phòng bịt kín khiến cho Hill luôn cố hết sức để thở. Hill thường xuyên đau đớn khắp cơ thể và tình trạng mệt mỏi không hề dứt.

Trong một lần, mùi chất tẩy rửa vệ sinh từ nhà hàng xóm lan vào phòng của Hill qua khe hở cửa sổ đã khiến chị suýt ngạt thở đến chết. Mỗi khi sử dụng smartphone để viết blog, Hill cũng phải gõ ký tự thật nhanh hết mức có thể trước khi điện trường thiết bị tấn công cơ thể nhạy cảm của chị.

Do phải sống trong căn phòng được cách ly hoàn toàn với mọi chất độc của thế giới bên ngoài cũng như không thể tiếp xúc trực tiếp với bất cứ ai, Amelia Hill chỉ có thể sử dụng từ ngữ để giao tiếp với người khác. Chế độ ăn của Hill cũng chỉ bao gồm 7 loại thực phẩm được tiêu thụ luân phiên với nhau.

Bất chấp tình trạng luôn gây nguy hiểm cho tính mạng, Amelia Hill vẫn không thể nào đến bệnh viện.

Cơ thể siêu nhạy cảm của Amelia Hill không chấp nhận mọi thứ mà với người khác là hoàn toàn bình thường. Sức khỏe của chị sẽ ngay lập tức bị đe dọa nếu không có sự hỗ trợ y khoa thường xuyên. Tuy thể trạng luôn gây nguy hiểm cho tính mạng, Amelia Hill vẫn không thể nào đến bệnh viện và các hóa đơn thanh toán thuốc men chữa trị những triệu chứng của chị cứ ngày càng chất chồng gây kiệt quệ về kinh tế.

Người bạn Jenny Buttaccio quyết định  giúp Hill bằng việc tạo lập trang Gofundme để quyên góp tiền bạc chi trả cho những đợt chữa trị tại nhà cũng như thanh toán phí tổn sử dụng trang thiết bị y tế cần thiết. Kết quả: trang Gofundme quyên góp được hơn 12.000 USD hỗ trợ cho “người phụ nữ sống trong bong bóng”.

Amelia Hill ngủ trên sàn phòng tắm ở thành phố Adelaide miền nam Australia.

Amelia Hill thường xuyên kể chi tiết về bệnh tình của mình và sự tác động khủng khiếp của nó đến cuộc sống của chị như thế nào trên blog cá nhân. Cũng thông qua blog cá nhân, Hill mong muốn truyền đạt với mọi người về căn bệnh hiếm gây suy nhược cơ thể.

Amelia Hill viết: “Tôi nói chuyện với mọi người thông qua bức tường bằng kính. Từng ngày trôi qua, tôi bất động trên chiếc giường hay chiếc ghế. Mẹ tôi phải dành toàn bộ thời gian để chăm sóc tôi. Đó là sự tồn tại cực kỳ khắc nghiệt, giống như khổ hạnh”.

An An (tổng hợp)
.
.