Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản:

“Một số nhà xuất bản núp bóng liên kết để bán giấy phép”

Thứ Hai, 15/12/2014, 17:25
Vừa qua, một loạt cuốn sách “có vấn đề” được nhân dân, báo chí, truyền thông phản ánh như bìa sách phản cảm của cuốn sách “Bộ luật Dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014” (của NXB Lao động - Xã hội), hay những cuốn sách tái bản cẩu thả, nội dung kém, tự tiện thay đổi tên sách so với tác phẩm gốc, bị xem là “ăn cắp bản quyền trắng trợn” như hai cuốn “Văn hóa tộc người Việt Nam” (tác giả Nguyễn Từ Chi), “Văn hóa Việt Nam” (của GS Trần Quốc Vượng) của NXB Thời đại. Xa hơn nữa là những cuốn sách “vấp” phải phản ứng gay gắt của độc giả như cuốn “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chip, hay vụ việc sách giáo khoa in cờ Trung Quốc, hoặc những bài toán “đánh đố”, “khó hiểu”, thậm chí đi ngược lại “thuần phong mỹ tục” của người Việt như bài về “tính tuổi của bố mẹ” hay bài toán về chặt ngón tay… nhưng vẫn được lưu hành đến tay các em học sinh đã làm dấy lên những lo ngại về việc buông lỏng quản lý xuất bản cũng như trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân làm việc trong lĩnh vực xuất bản đối với những ấn phẩm được xuất bản tới công chúng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông Chu Văn Hòa, năm 2014, hàng loạt vụ việc liên quan tới xuất bản đã bị phát giác như đã nêu ở trên thể hiện rõ ràng một vấn đề là dường như xã hội đang công khai đặt ra yêu cầu cao hơn đến chất lượng của ngành xuất bản. Với tư cách người đại diện cho cấp quản lý cao nhất trong lĩnh vực xuất bản, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Chu Văn Hòa: Tôi vẫn thường nói với các cán bộ nhân viên trong ngành của mình, xuất bản dù với phương thức nào, trên thẻ tre, thẻ nứa, trên giấy công nghiệp hay sản phẩm điện tử và dù ở Việt Nam hay thế giới, thì cuối cùng cái đích là để phục vụ yêu cầu cơ bản của cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, nó ngày càng đặt ra yêu cầu cao là một nhu cầu tất yếu. Ở Việt Nam, ngay từ thời kỳ đầu thành lập nước Việt Nam thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã quan tâm đầu tư lớn cho ngành xuất bản. Có một thời gian dài, nhà nước đã bao cấp hoàn toàn để đáp ứng đủ nhu cầu học tập sáng tạo và giải trí cho mọi người. Trong bối cảnh có chiến tranh nhưng nhân dân ta vẫn được tiếp cận những bộ sách có giá trị mang tính nhân loại, tạo ra một nền tảng tri thức cho nhân dân ta và điều này vẫn tiếp tục được phát triển cho đến ngày hôm nay. Có thể nói, ngành xuất bản cũng được coi trọng trong chính sách của Đảng và Nhà nước điều đó được thể hiện rõ trong các nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng, tiếp tục khẳng định và coi xuất bản là một hoạt động trung tâm trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng và không ngừng vươn lên trong xã hội phát triển hiện nay. Tôi cho rằng, một trong những yếu tố thuận lợi của ngành xuất bản hiện nay là nó đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đem đến những điều kiện phát triển cũng như yêu cầu mới cho ngành xuất bản. Đặc biệt là năm 2014, dư luận xã hội dành quan tâm nhưng sự quan tâm lần này thể hiện rõ nét, đặt ra yêu cầu cao hơn đối với ngành xuất bản, liên tục những cuốn sách sai sót được phát hiện… Có thể nói rằng, những sai phạm ấy không phải bây giờ có, nhưng trong những năm nay, vì cộng đồng xã hội quan tâm hơn, đặt nhiều kỳ vọng hơn cũng chính vì thế mà người ta yêu cầu chất lượng cao hơn.
Ông Chu Văn Hòa đang xem các bài báo viết về sai phạm xuất bản trong thời gian qua.

PV: Ông từng nói rằng, ngành xuất bản dù có gặp những khó khăn nhưng tổng kết bao giờ cũng thấy thành tích năm sau đạt được nhiều thành tựu hơn so với năm trước, các đầu sách, cuốn sách và các cơ cấu chủng loại sách đều tăng lên, nạn in lậu giảm… đó là một bức tranh đáng mừng của ngành xuất bản. Vậy tại sao, hầu hết các NXB vẫn "đói ăn" và cũng từ đó thì rất nhiều vấn đề nội tại đã xảy ra như những lùm xùm do liên kết xuất bản dẫn đến một loạt các sai phạm như báo chí vừa nêu?

Ông Chu Văn Hòa: Đó là do yêu cầu quan tâm của xã hội cao hơn đối với ngành xuất bản. Những năm qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã tập trung cao độ để hệ thống lại Luật Xuất bản, kế thừa tất cả những thành tựu trước kia, đồng thời bổ sung nhiều điểm để phù hợp với tình hình mới của ngành xuất bản, có những chương đã tiên liệu những cái mới của xuất bản trong thời gian tới. Luật 2012 nội dung thay đổi nhiều nhưng tập trung 3 hướng chính: Một là đưa liên kết xuất bản thành một chương (trước đây chỉ có thông tư liên bộ), thông qua quản lý xuất bản đưa ra liên kết xuất bản với mọi hạng mục và luật hóa nó. Thứ hai là tiên liệu đưa vào chương xuất bản điện tử, và rõ ràng bây giờ chúng ta bị động nữa để đón nhận nó. Và thứ 3 là việc nâng cao trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập các biên tập viên. Xưa nay, nhiều người cứ nhầm tưởng các nhà xuất bản thì xuất bản còn Cục thì kiểm duyệt, nhưng hoàn toàn không phải thế. Bởi vì muốn đọc 30 nghìn đầu sách, 300 triệu bản sách mỗi năm thì hơn 30 con người ở Cục không làm được mà phải cần tới 3.000 người để làm việc đó. Vì vậy quyền xuất bản đó được giao cho các giám đốc, tổng biên tập NXB với những chức năng nhiệm vụ riêng và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân. Khi có sai phạm thì Cục Xuất bản giám sát và xử lý. Mỗi năm Cục đã xử lý, phát hiện, đình bản, ngừng phát hành, tiêu hủy hàng trăm cuốn sách có sai phạm (năm 2014 hơn 200 vụ).

Bìa sách sai phạm.
Trong vấn đề này, thì phải nói thật là cần những vị giám đốc, tổng biên tập có tài, có tâm, cần những biên tập viên có nghề, biết nghề, hiểu về nghề, hiểu biết luật để đủ tư cách, phẩm chất mới làm được việc thay mặt nhân dân để làm bộ lọc tinh nhạy trước khi cho sản phẩm ra với công chúng. Chứ nhiều anh giám đốc NXB giờ hỏi về Luật Xuất bản cũng chưa nắm rõ thì tránh sao được sai phạm! Tôi cho rằng, một trong những điều sai phạm dễ dàng được phát giác là vì trong những năm qua Bộ Thông tin Truyền thông đã ra nghị định tạo ra một hành lang pháp lý để phục vụ ngành xuất bản, in, phát hành rất rõ ràng, vì vậy xã hội đã "lắp kính" để nhìn nhận nhanh hơn hệ thống quy phạm pháp luật để phát hiện ra những sai phạm. Chứ lâu nay lưới rách, cá bị cất lên thì chui xuống, nhưng giờ lưới đã được vá thì cá không chui đi đâu được và bị lộ diện ra ánh sáng hết. Điều này rất tốt và chúng tôi có căn cứ để xử lý hơn, vừa tạo điều kiện phát triển nhưng cũng chặt chẽ hơn.

PV: Rõ ràng, liên kết xuất bản tạo điều kiện để ngành xuất bản phát triển nhưng nó cũng tạo ra nhiều hệ lụy rất xấu. Quan điểm của ông về vấn đề liên kết xuất bản như thế nào?

Ông Chu Văn Hòa: Tôi cho rằng liên kết xuất bản là tốt và tạo cơ hội để xã hội hóa nhằm tạo sự đa dạng cho ngành xuất bản. Cũng chính vì vậy nên đây là thời điểm đặt ra những thách thức và cũng là thời cơ của ngành xuất bản, không có đất cho kiểu làm ăn chụp giật, ẩu thả. Lâu nay một số NXB núp dưới bóng "liên kết" nhưng thực ra là bán giấy phép lấy tiền và không thèm nhìn mặt "con" mình đẻ ra, cho nên có nhiều ông giám đốc NXB khi bị phát hiện sai phạm mới tá hỏa hỏi: Có phải sách của "nhà" tôi không"? Bởi vì trước đó họ có xem kỹ đâu. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, trách nhiệm phát triển ngành xuất bản và quản lý xuất bản không phải duy nhất một cơ quan là Bộ Thông tin Truyền thông mà đó chỉ là cơ quan trực tiếp tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc này… Cục Xuất bản cũng không thể quản lý hết được, mà phải cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và hệ thống ngành dọc bao gồm Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan phải phối hợp với nhau, các địa phương thì phải quản lý trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ quan chủ quản là nơi được Nhà nước cho phép thành lập các NXB phải đầu tư con người, đội ngũ chứ hầu hết là bắt tay ngang, thậm chí như tôi đã nói, có người là giám đốc mà không thạo luật, chứ không phải là thạo kinh doanh đâu.

Nặng hơn nữa đó là chỉ đầu tư cái ban đầu, tượng trưng sau đó không cấp ngân sách cho NXB, trong khi bị nạn lậu sách, cạnh tranh chèn ép thì một số NXB rơi vào khánh kiệt và họ buộc phải "năng động" để nuôi bộ máy. Do không được rót vốn vào kinh doanh và không đứng được, vì thế từ được giao nhiệm vụ cao quý thành trở thành dịch vụ cho tư nhân và trên thực tế thì ai có tiền thì người đó cầm quyền trong tay. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nhiều nhà sách làm việc lành mạnh để làm lợi cho đất nước, nhiều người kinh doanh nhiều sản phẩm văn hóa đóng góp cho xã hội, tự bỏ tiền và công sức ra làm những cuốn sách có ý nghĩa cho xã hội. Đội ngũ tâm huyết ấy rất đáng trân trọng, cần ghi nhận công bằng, tôn vinh một cách công bằng, còn lại bên cạnh đó chuyện lẩn khuất một đội ngũ "hút máu" của ngành xất bản bằng việc in lậu, làm dối, lợi dụng kẽ hở của xuất bản, bằng việc lợi dụng sự chưa vào cuộc đều tay của các địa phương, bằng việc lâm bệnh yếu thế của các nhà xuất bản để trục lợi vào một ngành cao quý, ngành đem lại tri thức cho cộng đồng, nhân loại để lợi trục lợi

PV: Vâng, như ông nói, dù gì  việc liên kết xuất bản cũng tạo ra động lực phát triển cho xuất bản cũng như tạo ra được sự đa dạng trong ngành xuất bản. Tuy nhiên nó cũng tạo ra một thị trường sách với "thiên hình vạn quyển tạp-pí-lù" cứ thế lần lượt có mặt trên giá sách, và nếu cứ thế này thì còn có rất nhiều cuốn sách sai phạm xảy ra chứ không dừng lại ở những cuốn sách vừa qua. Tới đây, Cục Xuất bản sẽ có những biện pháp mạnh tay như thế nào để đẩy lùi những tệ nạn này, thưa Cục trưởng?

Ông Chu Văn Hòa: Thì rõ ràng tất cả sách vi phạm vừa qua thì không có cuốn nào của NXB làm cả, mà là do liên kết. Người ta thường đổ cho liên kết, những không ai hiểu rằng, để có thành tựu của xuất bản hiện nay, thì có thành tựu rất lớn của việc mở rộng liên kết, liên kết chính là một bước đi mang tính tất yếu cho hoạt động xuất bản, vì chúng ta không thể bao cấp toàn bộ cho ngành xuất bản được mà phải huy động nguồn lực xã hội trong phát triển. Việc chúng ta có 30 nghìn đầu sách mỗi năm, 300 triệu bản sách một năm có công lao phần lớn là sách liên kết. Vì thế không thể phủ nhận vai trò của họ trong vấn đề này. Việc của chúng ta là nâng cao công tác, chất lượng quản lý nhà nước để liên kết đúng và lành mạnh như bản chất của nó. Còn bây giờ gọi đó là dịch vụ giấy phép. Như các ông xe ôm cạnh tranh khách nhau vậy. Giấy phép đang từ 5.000, có thể giảm giá còn 1.000 hay 500 đồng để bán cho dễ. Nhìn ở phía này chúng ta thấy rất thảm hại, vì các giám đốc nếu không làm thế thì không lấy tiền đâu trả cho nhân viên. Do đó, việc các giám đốc để sai phạm là điều tất yếu xảy ra. Một cơ quan chủ quản không thể hiện hết vai trò trách nhiệm đối với một NXB được thành lập thì đồng nghĩa với việc đưa đến cho xã hội những người làm công tác xuất bản làm việc với mọi giá. Lỗi ấy một phần do cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, chỉ đạo với các NXB, họ không thể không nhìn nhận trách nhiệm của mình. Tới đây, khi có sai phạm, ngoài việc xử lý tập thể thì chúng tôi sẽ xử lý tới từng cá nhân. Đây cũng là dịp các cơ quan nhà nước có cơ hội để xử lý các NXB làm ăn gian lận, người ngay bị kẻ gian ăn cắp (nạn in lậu).

Lâu nay có một nghịch lý là người tử tế luôn thua trên lĩnh vực xuất bản, thì đây là cơ hội cho những người tử tế. Tôi cho rằng, đây cũng không phải là năm hạn mà là năm cơ hội của ngành xuất bản, đây là thời điểm cho những người làm ăn chân chính. Tôi cũng sẽ tiếp tục đề nghị xã hội giám sát chặt chẽ hơn nữa. Chứ thanh kiểm tra là một giải pháp quan trọng nhưng không phải tất cả, không phải là một liều thuốc tiên. Giải pháp quan trọng hơn là xây dựng những NXB đủ tiềm lực để chịu trách nhiệm của mình. Và Cục Xuất bản sẵn sàng ủng hộ, tiếp thu và kiên quyết đẩy lùi từng bước đối với hiện tượng tiêu cực xưa nay trong ngành Xuất bản. Chúng ta đã để nạn bán giấy phép tràn lan, cho phát hành bừa, xuất bản bừa, ăn cắp bản quyền và chất xám của xã hội quá lâu rồi đến nỗi mọi người tưởng là việc nhỏ, nhưng đến nay đã là việc lớn rồi và phải xử lý nghiêm minh và mạnh tay.

PV: Xin cảm ơn Cục trưởng Chu Văn Hòa!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.