Một số quốc gia tăng cường ngăn chặn tiêu cực từ “văn hóa mạng”

Thứ Năm, 05/07/2007, 09:45

Đằng sau những hoạt động phạm tội bạo lực của thanh thiếu niên hiện nay hầu hết đều có hình ảnh của "net". Chính phủ một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu triển khai kế hoạch để nhanh chóng kiểm soát và giảm thiểu các vụ bạo lực do tiêm nhiễm từ các trò game online.

Mỹ: Chế định Luật hạn chế cấp độ phần mềm

Tên sát thủ người gốc Hàn Quốc - kẻ đã gây ra vụ thảm sát tại Trường đại học Công nghệ Virginia, Mỹ ngày 16/4/2007 - là một “tín đồ cuồng nhiệt” của bạo lực trên Internet, hắn thích súng đạn và chơi những trò game online mang nặng màu sắc chém giết. Một vài người quen biết Cho Seung-hui, cho biết, ngay từ khi học trung học, y đã nghiện nặng trò chơi bạo lực “Strike” (lực lượng chống khủng bố). Trong những trò chơi hư cấu này, người chơi có thể sử dụng nhiều loại súng và “bắn giết” tùy thích.

Theo một bản báo cáo điều tra năm 2005 của Trung tâm kiểm soát game online của Mỹ, thì có tới 87% số học sinh từ 12-17 tuổi sử dụng Internet. 81% thanh thiếu niên khi lên mạng là chơi game online.

Các nghiên cứu cho thấy, những con nghiện game online kia rất dễ bị tiêm nhiễm và kích thích tính bạo lực từ các trò chơi.  Trước tình trạng đó, nước Mỹ đã có những biện pháp để phòng ngừa ảnh hưởng xấu từ các trang web bạo lực và đồi trụy đối với thanh thiếu niên này.

Từ năm 1996 đến nay, chính quyền liên bang Mỹ đã nhất trí thông qua 4 bộ luật liên quan, bao gồm: “Luật chỉnh đốn nội dung thông tin”, “Luật bảo vệ trẻ em trực tuyến”, “Quy tắc riêng tư của trẻ em trên mạng” và “Luật bảo vệ trẻ em trên mạng” (trẻ em được xác định là những người chưa đến tuổi vị thành niên, dưới 18 tuổi).

Xuất phát điểm cơ bản nhất của những bộ luật trên ở chỗ nó tách bạch trẻ em và người lớn, nghiêm cấm trẻ em không được tiếp xúc với những nội dung chỉ có người lớn mới có quyền được tiếp xúc.

Biện pháp nữa là chế độ phân cấp phần mềm. Chế độ này được chế định ra bởi Ủy ban định cấp phần mềm vui chơi giải trí của Mỹ, gồm hai phần: Một là những sản phẩm được phép dùng những từ ngữ đặc biệt để miêu tả những cảnh bạo lực, đẫm máu và những câu đối thoại mang tính thô tục giữa các nhân vật trong trò chơi; phần thứ hai là tiêu chí cấp độ của những trò chơi được đánh dấu trên mỗi sản phẩm, bao gồm có 7 cấp độ, cơ bản được chia theo độ tuổi, và được đặt tên theo các chữ cái tiếng Anh theo từng nhóm tuổi.

Hàn Quốc: Tổng động viên ngăn chặn văn hóa xấu độc hại trên mạng

Hiện nay, tại Hàn Quốc có đến 30% thanh thiếu niên “mắc nghiện” Internet, trong đó có đến 14% đã rơi vào tình trạng “nhiễm độc ở mức cực kỳ nguy hiểm”. Dưới sự kêu gọi của các giáo sư, học giả và chuyên gia trên cả nước, Bộ Văn hóa - Thông tin Hàn Quốc đã kết hợp với Ủy ban Lý luận thông tấn thông tin và Viện Chấn hưng văn hóa thông tin phối hợp soạn thảo một bộ giáo trình mang tên “Cùng xây dựng thế giới mạng vui tươi, lành mạnh” dành riêng cho các đối tượng thanh thiếu niên, và phân phát về các trường tiểu học, trung học trên toàn quốc, trong đó chủ yếu giới thiệu cho thanh thiếu niên tính nghiêm trọng và nguy hiểm của việc tiêm nhiễm văn hóa xấu độc hại trên mạng cũng như những ngôn từ bạo lực, đồng thời trang bị cho họ những phương pháp đối phó trong trường hợp có ai mắc phải.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc gần đây còn thành lập một trung tâm ngăn ngừa văn hóa xấu độc hại trên mạng, ra quy định cho các phòng kinh doanh Internet công khai ở nước này không được phép cho thanh thiếu niên vào chơi. Chính phủ Hàn Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác game online phải tạo ra một thời gian “nghỉ ngơi giữa hiệp” trong mỗi một game, có như vậy mới khắc phục được tình trạng nghiện net nghiêm trọng.

Nhật Bản: Cảnh sát  kiểm soát các trang web có nội dung độc hại

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Văn hóa Nhật Bản thì trong số thanh thiếu niên sử dụng Internet ở Nhật hiện nay, có 46,2% học sinh trung học nam và 51,1% sinh viên nam chủ yếu truy cập vào các trang web có hình ảnh khiêu dâm. Năm 2005, tại Nhật đã xảy ra 1.581 vụ án bắt cóc liên quan đến các trang web kết bạn trên mạng, trong đó có 98 vụ án giết người, hiếp dâm. Cùng năm đó, số nạn nhân trong các vụ án dạng này lên đến 1.267 người, trong đó 824 người là học sinh trung học.

Truy cập vào một số trang web kết bạn của Nhật có thể phát hiện thấy, nhiều nữ sinh trung học đã tự quảng cáo và “đánh bóng” hình ảnh của mình trên mạng bằng những lời lẽ và hình ảnh rất chuyên nghiệp. Điều khiến nhiều người lo lắng là, có đến 49,2% những người giám sát thanh thiếu niên trả lời rằng không can thiệp đến việc con trẻ của họ lên mạng.

Từ ngày 13/9/2003, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực hiện “Luật hạn chế các trang web kết bạn”. Theo đó, Luật quy định việc lợi dụng các trang web này vào mục đích kiếm tiền, dụ dỗ trẻ vị thành niên quan hệ tình dục là cùng một hành vi phạm tội; bất cứ cá nhân nào lợi dụng những trang web này để phát tán những thông tin đồi trụy, dụ dỗ đối với trẻ vị thành niên đều bị phạt 1 triệu yên.

Luật cũng nghiêm cấm sử dụng hình ảnh trẻ em đối với các trang web này khi tiến hành quảng cáo. Các trang web cũng có nghĩa vụ tuyên truyền thông tin cấm trẻ em sử dụng và áp dụng biện pháp yêu cầu phụ huynh học sinh giám sát, cần phải có hiểu biết về những phần mềm có nội dung độc hại, và quan trọng nhất là phải giữ mối quan hệ giao lưu, thấu hiểu tốt đối với trẻ.

Cùng với đó, cảnh sát Nhật cũng công bố những cuộc điện thoại tố cáo và thực hiện việc kiểm soát mạng. Dưới sự giúp đỡ của các đoàn thể được cảnh sát ủy quyền, việc kiểm soát mạng được tiến hành dễ dàng hơn. Nếu phát hiện thấy trên bất kỳ một trang web nào có chứa những thông tin phạm pháp hay độc hại, cảnh sát có thể yêu cầu nhà cung cấp trang web đó ngừng hoạt động, thậm chí xử phạt nghiêm khắc

Anh Tiến (Tổng hợp)
.
.