Một thi sĩ bị kết án tử hình khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ

Thứ Tư, 09/12/2015, 08:00
Ngày 17-11 vừa qua, Tòa án Tối cao Arập Xêút đã ra phán quyết, tuyên phạt nhà thơ 35 tuổi Ashraf Fayadh người Palestine mức án tử hình bằng hình thức treo cổ, làm dấy lên sự phản đối sâu rộng trong công luận quốc tế nói chung, cũng như những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật nói riêng.

Hồ sơ vụ án cho thấy vào cuối năm 2013, A. Fayadh từng bị cảnh sát tôn giáo ở thành phố Abha, cũng là trung tâm văn hóa ở Arập Xêút nơi ông đang cư ngụ bắt giam về tội phỉ báng nhà tiên tri Mohammed, thánh Allah và tín ngưỡng Hồi giáo, sau đó được cho tại ngoại vì thiếu bằng chứng. Nhưng chỉ ngày hôm sau, A. Fayadh lại bị tống giam về một tập thơ do ông phát hành 6 năm trước, với nội dung truyền bá những tư tưởng vô thần.

Fayadh một mực phủ nhận tội danh nhưng năm 2014, Fayadh vẫn bị Tòa án Abha tuyên phạt đánh 800 roi và mức án 4 năm tù giam, đồng thời phải công khai xin lỗi tất cả những ai cảm thấy bị xúc phạm trước những vần thơ của ông.

Thi sĩ A. Fayadh (phải) cùng Giám đốc Tate Modern C. Dercon ở London.

Sau gần 2 năm thụ án tại nhiều nhà tù khác nhau, đột nhiên vào giữa tháng 11 vừa qua phạm nhân A. Fayadh phải đối mặt với phiên xử mới tại Tòa án Tối cao, chiểu theo kiến nghị từ Viện Công tố Abha yêu cầu xét xử lại với mức án nghiêm khắc ở cấp cao nhất để "làm gương" cho kẻ khác.

Ngoài những tội danh như phạm thượng và vô thần, cảnh sát tôn giáo còn trưng ra bằng chứng mới là một bức ảnh lưu trong điện thoại di động của nhà thơ, chụp cùng một nữ họa sĩ trong dịp khai trương triển lãm nghệ thuật do A. Fayadh đứng ra tổ chức tại thành phố Jeddah ven bờ biển Đỏ vào năm 2012, với chủ đề hậu thuẫn sự bình quyền cho phụ nữ Arập Xêút.

Dựa trên tình tiết mới, chủ tọa phiên tòa đã khép thêm cho bị cáo Fayadh tội quan hệ bất hợp pháp với phụ nữ, trở thành mối đe dọa làm băng hoại đạo đức xã hội(!).

Sau 2 ngày xét xử, Tòa án Tối cao Arập Xêút quyết định tước đoạt mạng sống của nhà thơ A. Fayadh bằng hình thức treo cổ. Khi được nói lời cuối cùng trước vành móng ngựa với mức án đã tuyên, tử tù A. Fayadh bộc bạch: "Tập thơ do tôi phát hành chủ yếu xoay quanh cuộc sống của một người tị nạn Palestine trên đất Arập Xêút, cũng như các khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực văn hóa và triết học. Nhưng những kẻ cực đoan tôn giáo lại quy chụp cho rằng ý tưởng trong thơ tôi nhằm chống lại đạo Hồi. Tôi bị sốc với bản án này, bởi mình không làm điều gì nên tội để bị buộc phải chết".

Tấm hình lưu trong điện thoại khiến A. Fayadh bị khép thêm tội ngoại tình.

Lên tiếng sau phiên tòa bất công, ông Chris Dercon, Giám đốc Tổ chức Sưu tập nghệ thuật quốc gia (Tate Modern), một tổ chức ở Anh chuyên sưu tầm và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại quốc tế, cho biết: "Thi sĩ A. Fayadh theo gia đình từ Palestine sang Arập Xêút tị nạn chiến tranh từ nhỏ, không lẽ gì lại đi báng bổ vùng đất đã cưu mang giúp mình trưởng thành trong sự nghiệp thi ca. Hiện thân A. Fayadh là một đại sứ không chính thức của nền nghệ thuật Arập Xêút đương đại, qua việc tự điều hành những buổi triển lãm, bình luận văn hóa, ngâm thơ... ở nhiều địa điểm khác nhau.

Ước mơ của ông thông qua cầu nối nghệ thuật nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa Arập Xêút và châu Âu. Sau những cuộc triển lãm tại Jeddah và Venice (Italia) năm 2013, Fayadh đã tiếp xúc với tổ chức Tate Modern để mở triển lãm giới thiệu nghệ thuật của quê hương mình với công chúng London, một việc mà đúng ra giới chức quản lý văn hóa Arập Xêút phải có trách nhiệm thực hiện. Do vậy tôi yêu cầu chính quyền trung ương ở Riyadh phải lập tức can thiệp, giảm mức án cho nhà thơ Fayadh hay tốt nhất là bãi bỏ bản án phi lý đó, tha bổng vô điều kiện để nạn nhân có thể tiếp tục theo đuổi hoài bão phát triển văn hóa của mình".

Khách xem triển lãm do A. Fayyad tổ chức ở Jeddah.

Tiểu thuyết gia Mona Karim người Kuwait, nhà hoạt động nữ quyền kỳ cựu trong thế giới Arập cho rằng: "Bản án nực cười này là lời cảnh báo cho các nhà hoạt động xã hội nói chung, nhất là những văn nghệ sĩ trẻ tuổi mà Fayadh là hình tượng tiêu biểu phải tuân thủ khuôn phép tín ngưỡng, nếu không sẽ mất mạng như chơi".

Ngày 30-11 vừa qua, Hiệp hội Văn bút Quốc tế (PEN International) trụ sở tại London với hơn 100 chi nhánh khắp các quốc gia rải khắp hành tinh, đã gửi đơn thỉnh cầu đến Chính phủ Arập Xêút đòi trả tự do cho thi sĩ Fayadh. Trước đó, Hiệp hội Các nhà phê bình nghệ thuật Quốc tế (AICA), một tổ chức phi chính phủ trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) cũng đã cử đại diện sang Riyadh, đệ trình lên Bộ Tư pháp Arập Xêút bản kiến nghị tương tự.

Trần Hồng (theo The Guardian)
.
.