Một trật tự đa cực trong lĩnh vực tiền tệ toàn cầu

Chủ Nhật, 22/11/2020, 21:15
Hệ thống tiền tệ quốc tế đã trải qua một số lần chuyển đổi trong vòng 2 thế kỷ qua, chuyển từ vàng sang cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hiện nay. Tuy nhiên, có một đặc điểm không đổi là hệ thống hầu như luôn bị chi phối bởi một loại tiền tệ duy nhất.

Cho đến Thế chiến 1, vị thế này vẫn thuộc về đồng bảng Anh. Và, sau một kỷ nguyên hỗn loạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, đồng USD cuối cùng đã chiếm ưu thế trong Thế chiến 2.

Mặc dù có thể tồn tại lâu dài nhưng phải thừa nhận rằng trật tự tiền tệ toàn cầu là một quá trình luôn xoay chuyển. Nói cách khác, không có thứ gọi là bá chủ vĩnh viễn, cả về địa chính trị hay tiền tệ. Do đó vị trí hiện tại của đồng USD thoạt nhìn có vẻ vững chắc nhưng không ít triển vọng và nguy cơ hiện diện của các nhân tố mới nhằm thay thế đồng bạc xanh đang được nhắc đến rất nhiều, nhất là trong bối cảnh đồng tiền quốc tế này phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu và là mục tiêu của hàng loạt đối thủ chiến lược với Washinton.

Sẽ là một trật tự đa cực mới trong hệ thống tiền tệ quốc tế?.

Vị thế lung lay?

Trong năm vừa qua, các hoạch định chính sách về tiền tệ kỹ thuật số tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - đã trở thành tâm điểm dư luận trong bối cảnh giới chức đẩy mạnh nỗ lực phát hành một đồng tiền kỹ thuật số. Với cuộc thử nghiệm mới đây tại Thâm Quyến, rõ ràng PBoC đang mạnh tay đầu tư cho đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (NDT số), vượt xa những nỗ lực tương tự tại nhiều nước phương Tây.

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ và châu Âu, dường như có một sự dè dặt nhất định về tầm quan trọng của tiền tệ kỹ thuật số, dù Bitcoin và nhiều đồng tiền ảo khác đã tạo ra những cơn địa chấn không thể phủ nhận, thậm chí là có khả năng đe dọa tiền giấy. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu Trung Quốc có thành công với nỗ lực đưa đồng NDT số trở thành đối thủ xứng tầm với vị thế của đồng USD và mở ra một thế giới tiền tệ đa cực mới hay không?

Những dự định của Mỹ về tiền kỹ thuật số vẫn khá thận trọng, bởi Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho đến nay vẫn khá thờ ơ trước ý tưởng phát triển đồng USD số. Chủ tịch FED Jerome Powell mới đây đã khẳng định trong một cuộc họp trực tuyến được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chủ trì rằng “vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cần nhiều cuộc tham vấn với tất cả các bên liên quan” trước khi thực sự bắt tay vào những quyết định này.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những lợi ích đã ăn sâu bám rễ của hệ thống ngân hàng được bảo hộ và ngành công nghiệp tài chính có nhiều lợi thế bị cho là những yếu tố đang ngăn cản những đổi mới và kìm hãm cạnh tranh. Tuy nhiên, việc tiếp tục từ chối để các nhân tố phi truyền thống, kể cả trong lĩnh vực công nghệ, phát huy năng lực về lâu dài sẽ làm mất đi sự ưu việt của đồng bạc xanh - dù là kỹ thuật số hay dưới các hình thức khác.

Dù chưa ai dám chắc điều gì có thể hay sẽ kế thừa vị thế của đồng USD hay không, viễn cảnh hình thành trật tự tiền tệ lưỡng cực hoặc đa cực là có thật. Trên thực tế, nhiều hơn một đơn vị tiền tệ đều có thể trở thành đồng tiền tệ dự trữ. Một tiền lệ có thể kể đến là đồng Byzantine và đồng dinar Hồi giáo từng cùng tồn tại như các loại tiền tệ dự trữ quốc tế trong vài thế kỷ suốt thời Trung cổ.

Cơ chế này đồng nghĩa với một sự phân chia trật tự tài chính và tiền tệ hiện tại thành 2 hoặc nhiều hệ thống cạnh tranh, mỗi hệ thống có loại tiền tệ thao túng riêng, có nguồn dự trữ vàng, cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng và cơ chế thanh toán. Điều này cũng sẽ dẫn đến sự xuất hiện của nhiều trung tâm kinh tế và địa chính trị. Nói cách khác, quyền bá chủ về tiền tệ hiện tại sẽ được thay thế bằng một cấu trúc phân mảnh hơn. Một trong những kết quả chính của việc này là một sự khu vực hóa rõ rệt. Các khối tiền tệ chung cũng có thể nhanh chóng tự hình thành khối thương mại khu vực.

Sự xuất hiện không thể cưỡng lại của các đối thủ cạnh tranh mới trong cuộc chơi tiền tệ toàn cầu có thể đem đến giải pháp cho cái gọi là sự bá quyền của hệ thống tiền tệ đơn cực trong dài hạn. Công bằng mà nói cạnh tranh có thể mang lại những lợi ích nhất định bằng cách làm cho hệ thống tiền tệ quốc tế an toàn và hiệu quả hơn, giải quyết tình trạng thiếu hụt những tài sản đảm bảo và hạn chế những đặc quyền hoặc những mức thuế quan cắt cổ.

Trung Quốc đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn dự trữ để giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD.

Đối thủ "mới nổi"

Việc Facebook giới thiệu Libra vào năm 2019 là một bước ngoặt đối với các ngân hàng trung ương, thậm chí là “phát súng” thúc đẩy nỗ lực số hóa nguồn cung tiền tệ. Dự án số hóa đồng NDT của Bắc Kinh đã có những thành công bước đầu với các cuộc thử nghiệm hồi tháng 5 ở Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Tây An.

Đáng kể nhất là chương trình diễn ra gần đây ở Thâm Quyến, nơi 50.000 cư dân được chọn ngẫu nhiên để nhận 10 triệu NDT số để chi tiêu ở hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ. Với cách làm này, chính phủ đã khéo léo kiểm soát các mạng thanh toán do Alipay và WeChat phát triển, một sự phối hợp và bổ sung giữa doanh nghiệp và nhà nước.

Để quốc tế hóa đồng NDT, Bắc Kinh cần triển khai các chương trình táo bạo hơn, hạn chế dựa vào các biện pháp chính sách để hướng đến những cải cách cơ cấu thực sự nhằm nới lỏng kiểm soát vốn. Trong khi thúc đẩy mục tiêu ấy, đồng NDT số hoàn toàn có thể tận dụng nguồn thương mại khổng lồ trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), kể cả các khoản vay bằng đồng NDT được đưa ra để phục vụ chương trình này.

Nguồn NDT số có tính thanh khoản cao, được PBoC và chính quyền hậu thuẫn, thậm chí có thể phục vụ nhu cầu tất cả các hoạt động phát triển xuyên biên giới của quốc gia này, như các dự án được Ngân hàng Phát triển mới (của khối BRICS) hay Ngân hàng Đầu tư cở sở hạ tầng châu Á (AIIB). Tiềm năng hợp tác với các thể chế cùng chí hướng khác như Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Phát triển châu Á có thể sẽ tạo ra thị trường rộng lớn hơn cho đồng NDT, tạo cơ hội để Bắc Kinh thúc đẩy mục tiêu quốc tế hóa đồng tiền này.

Công cụ thanh toán kỹ thuật số (DCEP) của Trung Quốc có thể trở thành đơn vị tiền tệ giao dịch trên thực tế cho các dự án ở nhiều quốc gia đang phát triển, mang lại cho các nền kinh tế địa phương cơ hội “đi tắt đón đầu”, hạn chế những tranh cãi liên quan đến những cơ chế thanh toán truyền thống, như gia hạn thanh toán hay chi phí giao dịch cao.

Việc triển khai sớm đồng NDT kỹ thuật số mang lại lợi thế tiên phong, với việc chia sẻ các nội dung chuyên môn kỹ thuật với các quốc gia khác và cả quyền lợi trong việc thiết lập các tiêu chuẩn. Trung Quốc đang trên đà kiến tạo một hạ tầng thanh toán mới cạnh tranh với Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) do đồng USD thống trị.

Đồng NDT kỹ thuật số có thể là cơ hội thuận lợi để chuyển đổi một số mặt hàng xuất khẩu bằng đồng USD của Trung Quốc thành NDT, tăng cường sự chấp nhận trên quy mô quốc tế đối với đồng tiền này, đồng thời giảm bớt sự thao túng của đồng bạc xanh trong thương mại toàn cầu.

Trụ sở chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Sức vóc của đồng bạc xanh

Mỹ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Sức mạnh của Mỹ được thể hiện trong các lĩnh vực quân sự, địa chính trị, tình báo, công nghiệp, năng lượng, khoa học, văn hóa và công nghệ. Mỹ thậm chí còn được mô tả như một “siêu cường tài chính”. Ngay cả khi vị thế của quốc gia này đã bị xói mòn bởi những thất bại, mất cân bằng và yếu kém, có thể khẳng định rằng sức mạnh của đồng bạc xanh là thứ rất khó có thể bắt kịp.

Hơn nữa, không thể phủ nhận rằng về mặt chiến lược tổng thể, Washington đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để duy trì và nâng cao vai trò thống trị của đồng USD như một đơn vị quốc tế, kho lưu trữ giá trị và phương tiện trao đổi. Nhiều năm qua đồng USD vẫn là huyết mạch của thương mại, ngân hàng, kinh doanh và tài chính trên toàn thế giới.

Thực tế là việc nguồn dự trữ tiền tệ do các ngân hàng trung ương nắm giữ chủ yếu bằng đồng USD vô hình trung khiến các cuộc tấn công vào đồng bạc xanh không phải là điều được khuyến khích, bởi chúng có thể gây ra những bất ổn về tài chính, kinh tế và tài khóa với nguy cơ nhấn chìm chính những kẻ tấn công.

Nhiều quốc gia có thể sẵn sàng chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc làm phương tiện trao đổi vì những tiện lợi và trải nghiệm dễ dàng mà nó mang lại, song cũng sẽ có không ít quốc gia khác trì hoãn việc chấp nhận nguồn dự trữ ngoại tệ này. Đồng bạc xanh đã thống trị thương mại toàn cầu kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc và vị thế duy trì hàng thập niên là điều rất khó có thể bị loại bỏ, ít nhất là trong ngắn hạn. Đồng NDT - dù ở dạng kỹ thuật số hay tương tự - cũng sẽ không làm đảo lộn trật tự sẵn có bởi bản thân đồng tiền này cũng bị ràng buộc bởi các chính sách tương tự.

Các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và quản lý tỷ giá hối đoái chặt chẽ, vốn không có dấu hiệu sẽ được nới lỏng, sẽ cản trở việc sử dụng rộng rãi đồng NDT. Về lâu dài, các nhà đầu tư tìm kiếm một loại tiền tệ có thể tự do chuyển đổi, ổn định và có nền tảng là một nền kinh tế mạnh, phản ánh chính xác các điều kiện thị trường. Công nghệ tiên tiến mang lại sự thuận tiện, mặc dù là thứ được hoan nghênh và “thèm muốn”, không phải là yếu tố tạo nên hay đột phá đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và yêu cầu cao.

Niềm tin vào các loại tiền tệ hữu hình được chính phủ phát hành được xem là yếu tố tạo nên sự khác biệt đối với loại tiền dự trữ. Việc đi đầu trong việc phát triển tiền tệ kỹ thuật số giúp Trung Quốc có lợi thế song chưa rõ công chúng trên toàn thế giới sẽ có cái nhìn như thế nào về loại tiền này, nhất là khi ý tưởng về loại tiền tệ mới vẫn còn là thứ gì đó mới ở trong kế hoạch của nhiều ngân hàng trung ương. Ý nghĩa của tiền tệ kỹ thuật số cần phải được đặt trong nhu cầu và bối cảnh của nền nền kinh tế kỹ thuật số.

Một hệ thống tiền tệ quốc tế đa cực chắc chắn sẽ chưa thể sớm hình thành, dù nhiều quốc gia rõ ràng đang có những bước đi quyết liệt để tăng cường vai trò quốc tế của đồng tiền mà họ phát triển. Danh tiếng, uy tín và các thể chế không phải là thứ được xây dựng trong một sớm một chiều. Hơn thế nữa nhưng xáo trộn nghiêm trọng trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, khi đồng bảng Anh và đồng USD cùng nắm giữ vị trí bá quyền, phần nào cũng có thể báo trước nhiều bất ổn có thể nhen nhóm trong trung hạn.

Cũng có những ý kiến cho rằng quá trình chuyển đổi tiền tệ quốc tế có thể diễn ra tương đối hòa bình và từ từ. Tuy nhiên, vì những rủi ro và nguy cơ quá lớn, không thể không thừa nhận rằng kết quả của quá trình ấy sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định từ những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng trên thế giới. Thực tế là những cạnh tranh chiến lược đang diễn ra khá mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính và có lẽ cũng không quá khi cho rằng những phát súng đầu tiên có lẽ đã khai hỏa trong không gian này.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.