Mười năm ở phố…

Thứ Ba, 15/02/2011, 06:30
Mười năm lặng lẽ như sương khói, tôi vẫn không quen được sự vội vã ở Sài Gòn. Vẫn cảm thấy xa lạ khi lang thang trên con phố ít bóng cây, dài hun hút. Vẫn thảng thốt khi nghe tiếng sẻ nâu líu ríu trước sân nhà. Vẫn ngơ ngác khi nhìn màu tím nhạt của cây hoa súng ta trồng trong chậu bùn trước hàng hiên… Mười năm rồi có thể thêm mười năm nữa, tôi vẫn cứ hoang hoải giấc mơ về gốc rạ cụt trơ mình ở cánh đồng quê…

1. Tuổi thơ tôi in hằn dấu chân trâu trên con đường quê rợp bóng tre. Con đường luôn ươn ướt sương sớm, ít mùi người. Ở quê, những hàng dâm bụt xanh thẫm bên bờ rào đầy nụ hoa đỏ. Đám nhóc cùng thời với tôi, khi phởn chí vẫn ngắt một nụ hoa dâm bụt, vặt sạch cánh hoa, để nếm nhụy màu vàng bên trong. Ký ức của một thằng nhà quê, nhụy hoa không mùi vị, ăn mà như không, nhàn nhạt. Nhưng thích thú, cái thích thú của người nhà quê cũng ngộ.

Vẫn những ngày tóc cháy khét, chân lấm lem. Tôi thường ngồi một mình đợi đêm xuống, nghe tiếng con bìm bịp kêu vang vọng con suối trước nhà. Bìm bịp gọi nhau da diết. Loại bìm bịp to như con gà mái đang mùa nhảy ổ, không như loại bìm bịp thường được người ta mang xuống phố để bán với giá hơn trăm nghìn đồng. Con bìm bịp tội nghiệp ấy sẽ nhanh chóng được nhét vào bình thủy tinh, bình nhựa hay chai lọ gì ấy rồi đổ rượu vào, biến nó thành một món thần dược dành cho nam giới.

Anh thanh niên cùng xóm ngày bé loắt choắt, anh cao hơn tôi một cái đầu. Đến khi mình lớn lên, thấy anh vẫn vậy, người không dài thêm chút nào. Rồi anh yêu. Yêu cô gái ở xóm trên. Một cô gái bình thường, cao hơn anh đến mấy cái đầu. Tình yêu nhiều bất trắc.

Nhà cô gái ấy phản đối ghê lắm. Họ xuống nhà anh, đầu tiên là "mắng vốn". Tiếp đến là nói bóng gió, rồi không cần giữ gìn, họ chửi thẳng vào mặt anh những câu đại loại: "Thằng lùn không có lòng tự trọng". Nhà anh xấu hổ, đóng cửa câm lặng.

Anh buồn, chiều rủ tôi chạy ra lô cao su nhìn diều bay. Những con diều không có sáo trúc. Anh nằm dài trên đám lá cao su khô, hỏi: "Mày thấy anh có tội gì không?". Tôi không trả lời, vì đang bận vo mủ cao su khô thành một trái bóng nhỏ. Anh lẩm bẩm một mình, mắt ươn ướt. Tôi ngơ ngác trước giọt nước mắt của đàn ông. Mà cũng có thể, mình chưa đủ lớn để hiểu những rối rắm của tình ái. Sau này lớn lên, tôi mới biết đó là khi mình hạnh phúc nhất.

Rồi cô gái ấy đi lấy chồng. Ngày người trong xóm mặc những bộ áo quần đẹp nhất để đi dự đám cưới. Tôi sang nhà anh chơi, thấy anh đang úp mặt vào cái lu sành đựng nước mưa phía sau hè. Bong bóng nước trong lu sôi lên ùng ục. Anh khóc nấc.

Giờ, mỗi khi tôi về quê. Ngồi cà phê với nhau, anh vẫn cứ hắt hiu về mối tình xa xăm ấy. Người yêu cũ của anh vẫn ở xóm trên. Cậu nhóc con chị đã lớn, thi thoảng đi học ngang nhà anh, anh vẫn nhìn theo cho đến khi bóng cậu nhóc ấy khuất sau con hẻm nhỏ. Rồi buồn.

"Anh làm gì cho đời vui hơn đi", tôi nói. "Anh vỡ vụn một lần là quá đủ", anh trả lời. Khói thuốc bay váng vất quanh cái bàn gỗ nhỏ. Ngày chậm chậm qua. Tôi không biết nói thêm gì, anh cứ ngồi rỉ rả về những ngày thân ái. Tình ơi, buồn thế nhỉ.

2. Tôi tốt nghiệp phổ thông trung học, chưa một lần nắm tay con gái. Dẫu có ám ảnh những ánh nhìn. Tôi thích được ở quê. Sáng ra vườn làm cỏ, trưa nghe cải lương từ cái đài phát thanh có ăng-ten râu được nối lại bằng dây đồng đỏ, chạng vạng chiều nghe tiếng bìm bịp kêu và chuẩn bị mồi đi câu cá trê đen. Nhưng, ba bắt tôi thi đại học. Tôi quáng quàng xuống phố, phố xa lạ. Những tòa nhà cao tầng, những con đường rầm rập xe, những vỉa hè chật kín người... Ngồi sau chiếc xe Wave cũ của ba, tôi cứ thảng thốt về miền quê xa lắc của mình. Và, tôi đỗ đại học.

Đó là một sự kiện. Từ đầu xóm đến cuối xóm, người ta xôn xao bàn tán về chuyện tôi thành tân sinh viên. Cậu sinh viên đầu tiên của xóm. Tôi vẫn thích quê, nhưng âm ỉ tự hào. Ngày má đóng gói quần áo để tôi lên Sài Gòn, tôi chạy một mạch đến nhà nỗi ám ảnh trẻ trai, đứng trước cửa tần ngần không biết nói gì. Nỗi ám ảnh ấy đang băm thân chuối cho lợn ăn, nhìn tôi lặng im. "Đi học, nha", tôi hét lên. "Ừ", lại lặng lẽ. Từ ấy, bặt tin nhau.

Nghỉ hè năm thứ nhất, tôi về dự đám cưới của người ta. Cứ lặng lẽ buồn. Anh thanh niên trong hình dáng trẻ con hỏi tôi: "Hút thuốc không?". Tôi từ chối. Anh nhả khói mù trời, bảo: "Ngày xưa, anh cũng đau đớn thế". Thú thật, tôi chẳng đau đớn gì, chỉ có cảm giác xa vắng từ đây không về nữa. Những ám ảnh trước khi giấc ngủ ập đến trong tôi vỡ tan như ly thủy tinh bị đánh rơi. Tôi buồn, về nhìn con chó mực chạy lăng quăng trước sân nhà, nói rất khẽ: "Có bao giờ, mày thất tình chưa?". Và tôi lại về phố.

Tôi trọ trên căn gác xép trong một xóm chợ nhỏ ở quận Bình Thạnh. Sáng cuối tuần, tôi thích nằm nghe lao xao tiếng người đi chợ. Trăm lần như trăm, cứ nhớ bãng lãng tiếng cười nói của người đi làm đồng sớm. Tự dưng thấy mình xa lạ với Sài Gòn, tự tách mình ra ngoài cuộc sống phồn hoa ấy. Những cảm giác mà bạn tôi bảo, nhà quê vừa vừa để người ta sống với chứ.

Tôi có nhiều bạn ở Sài Gòn. Những cậu bạn đến từ Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận... Ngày ấy, chúng tôi la cà bông phèn mòn quán cà phê cóc. Cứ nghĩ mình là những người vĩ đại nhất thế giới. Rồi tập tành làm thơ, viết báo... Các bài thơ vật vã vì người con gái nào đó, nhưng đố thằng nào biết được.

Hải, con một nhà thơ nổi tiếng ở miền Trung thích chơi với tôi lắm. Hải nói giọng Quảng Trị đặc sệt, luôn cười phá lên khi nghe tôi đọc vài câu thơ ba lăng nhăng. Hết năm 3 đại học thì Hải nghỉ hẳn, Hải về quê chữa bệnh động kinh. Trước khi về, Hải mở ba lô của tôi ra, nhét vào đó một tờ giấy A4 trắng, nói: "Giữ cẩn thận. Quà lưu niệm là vô giá". Tôi mở ra xem, trên mảnh giấy A4 là những vòng tròn xoắn tít nhau từ nhỏ đến lớn.

Hơn năm sau, Hải vào Sài Gòn. Chạy sang nhà trọ, chở tôi đi dạo phố trên chiếc xe gắn máy màu đỏ, cũ. Sài Gòn hôm ấy mưa, Hải tấp vào cây xăng mượn… bật lửa để châm thuốc hút. Nhân viên cây xăng cáu tiết, mắng Hải như hát hay. Hải bặm môi trợn mắt chạy ra xe nơi tôi đang đứng chờ, văng tục lung tung để xả giận. Tôi cười cười: "Chúng ta lưu lạc chốn này/ Vui buồn cứ để cỏ cây lặng nhìn". Hải nghe, im lặng. Ngay thời điểm ấy, tôi biết Hải đã không còn là người bình thường. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau.

Những đêm ngồi quán cóc khuya, nhìn xe tải chạy rần rần trên phố, chúng tôi hay huyễn hoặc chính mình vào câu chuyện của tương lai. Đều đặn đêm nào cũng thế, quán nhỏ, bàn nhỏ, số tiền trả cho thức uống cũng nhỏ. Tôi sẽ có Thục Linh, Hoàng Quỳnh, Duy Linh và đôi khi là Đăng Khoa. Những thằng về sau đều theo nghề báo, mỗi thằng một mảng.

Thêm nữa, tôi tập tành làm quen với bia hơi vỉa hè lúc tang tảng sáng. Những bình bia có giá 5 nghìn đồng, có thêm đậu phụ chiên ăn kèm mắm tôm, rau muống xào chấm chao... Và những câu chuyện bạt mạng.  Mà lẩn khuất đâu đó, vẫn có những ánh mắt ám ảnh chính mình. Tôi mải mê cao giọng, quên bẵng mình có lúc phải ân cần.

Những năm học đại học, tôi cứ sống cố cho trọn vẹn với thời sinh viên. Cái thời thần thánh mê mải vốn dĩ chỉ biết qua sách vở, báo chí. Những thằng sinh viên chỉ thừa thãi lời nói, còn luôn thiếu thốn mọi thứ.

Rồi, tôi ra trường.

3. Tôi ít về quê hơn, mải miết những chuyến đi dài. Hưng phấn với cuộc chơi lớn hơn, nhưng tôi lại dại dột hồn nhiên bước đi. Những va vấp vạ vật bên vệ đường khiến mình lớn hơn đôi chút. Dẫu vậy, tôi vẫn thích cánh én chao trên cánh đồng quê.

Về quê, tôi không phải kè kè máy ảnh, máy ghi âm, sổ ghi chép và những thứ vụn vặt khác. Tôi sẽ khóa máy điện thoại, chọn một góc suối vắng và buông cần câu. Những con cá suối trắng bạc, bé bằng hai ngón tay sưởi ấm tôi suốt một ngày dài.

Những anh bạn ở quê đã lớn, thích uống rượu hơn những cuộc trò chuyện lông bông. Thế nên, tôi vẫn thích ngồi bó gối với người đàn ông duy nhất một mối tình. Những câu chuyện được lặp đi lặp lại và bao giờ cũng là "Anh làm gì đó, cho đời vui hơn đi". Vậy rồi thôi.

Mười năm ở phố, tôi giải khuây bằng cách chọn cho mình một góc quê. Ngôi chùa nhỏ nằm bên dòng kênh nhỏ... Mỗi khi ngang qua hoặc ghé vào, tôi vẫn đi rất chậm để nghe tiếng tụng kinh ê a, để ngửi nốt mùi nhang khói chốn thiền tâm. Để xa vắng bớt thôi thúc trong ký ức.

Cuối năm, những con đường gió tản mát... Sài Gòn vắng tênh, sót lại một tôi nhiều hoài niệm.

Mười năm vắng xa...

N.K.L.
.
.