Mỹ - Trung Quốc đối đầu thương mại

Thứ Sáu, 26/10/2012, 07:30

Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, sự cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt. Sau khi một công ty Trung Quốc bị phong tỏa dự án điện gió trên đất Mỹ, đến lượt hai tập đoàn viễn thông lớn cũng của Trung Quốc bị tố cáo hoạt động gián điệp và bị các doanh nghiệp Mỹ tẩy chay. Những diễn biến mới này cho thấy cuộc chạm trán giữa hai cường quốc thương mại vốn có nhiều xung khắc đang bước vào giai đoạn mới khốc liệt hơn.

Trước khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra báo cáo cấm hai tập đoàn điện tử viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia vào các cuộc đấu thầu tại Mỹ, đầu tháng 10 vừa qua, một công ty Trung Quốc đã kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tòa bởi lý do ngăn chặn giao dịch mua một số trang trại điện gió ở tiểu bang Oregon của công ty này, đồng thời cáo buộc rằng việc làm của ông Obama và Chính phủ Mỹ là “hành động phân biệt đối xử và cản trở đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ”.

Vụ này bắt nguồn từ việc ông Obama trước đó đã ngăn chặn Công ty Ralls Corp của Trung Quốc lắp đặt các tuốcbin điện gió gần căn cứ hải quân của Mỹ tại Boardman, tiểu bang Oregon, với lý do "giao dịch có thể làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ". Quyết định được đưa ra sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) xác định không thể giải quyết các rủi ro về an ninh quốc gia nếu Trung Quốc lắp đặt tuốcbin điện gió và cho rằng chỉ có... Tổng thống mới đủ quyền ngăn chặn giao dịch.

Theo luật pháp Mỹ, Tổng thống có quyền ngăn chặn giao dịch với nước ngoài, hay có thể đình chỉ hoặc cấm các doanh nghiệp Mỹ thực hiện giao dịch nếu có bằng chứng cho thấy giao dịch này có thể đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia.

Lý do được Wu Jialiang, Giám đốc điều hành chi nhánh Sany Group của Công ty Ralls Corp, đưa ra trong đơn kiện là dự án của công ty này không đưa đến bất cứ sự đe dọa nào đối với an ninh quốc gia Mỹ. Giám đốc Wu Jialiang cho biết, Công ty Ralls Corp có thể sẽ bị tổn thất khoảng 20 triệu USD trong thương vụ này. Việc ngăn chặn giao dịch của Chính phủ Mỹ là hành động phân biệt đối xử và cản trở đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Hậu quả của sự việc này là sẽ có những hành động trả đũa của Bắc Kinh chống lại các công ty Mỹ.

Chưa đầy hai tuần sau vụ việc trên, ngày 8/10, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố báo cáo cho biết, có bằng chứng rằng hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc - Huawei và ZTE - đang trở thành hiểm họa an ninh đối với Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, dân biểu Mike Rogers, thậm chí kêu gọi các công ty Mỹ ngưng làm ăn với Huawei và đề nghị cấm hai tập đoàn điện tử viễn thông Trung Quốc tham gia vào các cuộc đấu thầu tại Mỹ.

Đại diện điều hành của Huawei và ZTE tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 13/9/2012.

Huawei, do một cựu sĩ quan Trung Quốc thành lập, và ZTE khẳng định là nhà nước Trung Quốc chỉ nắm 16% cổ phần nên không thể chỉ đạo công ty có hành vi xâm hại an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề là rất nhiều tập đoàn, xí nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước hoặc có "quan hệ chặt chẽ" với nhà nước - như tiết lộ của phát ngôn viên David Dai Shu của ZTE. Vì thế, những báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nêu ra phải áp dụng cho tất cả các công ty hoạt động tại Trung Quốc. Đây không phải lần đầu tiên phía Mỹ cáo buộc Huawei tội đe dọa an ninh Mỹ.

Năm ngoái, nỗ lực của Huawei mua các tài sản của công ty Mỹ 3 Leaf đã bị Ủy ban Đầu tư nước ngoài ngăn chặn. Lầu Năm Góc lưu ý rằng, công ty này duy trì mối quan hệ thân thiết với quân đội Trung Quốc. Kết quả là, họ đề nghị hạn chế Huawei tiếp cận các mạng lưới truyền tải thông tin có tính chất nhà nước hay quân sự. Trước đó, những lời buộc tội tương tự cũng được đưa ra đối với Công ty ZTE.

Mối lo ngại về nguy cơ an ninh đến từ doanh nghiệp Trung Quốc đã làm cho Mỹ phải phản ứng như vụ phản đối việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mua lại Công ty dầu mỏ Unocal của Mỹ vào năm 2005. Vụ Tổng thống Barack Obama cấm Công ty Ralls Corp của Trung Quốc đầu tư vào khu vực gần một căn cứ hải quân Mỹ hồi đầu tháng cũng là vì lý do an ninh này.

Trước mắt, ảnh hưởng từ bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ chưa lớn lắm vì thương vụ mà Huawei và ZTE thực hiện tại Mỹ chỉ giới hạn ở 5% doanh số. Tuy nhiên, theo Cơ quan thẩm định Fitch, về lâu về dài, thiệt hại cho doanh nghiệp Trung Quốc sẽ rất lớn, nếu có thêm nhiều nước nhân danh "an ninh quốc phòng" tẩy chay sản phẩm "nhạy cảm" của Trung Quốc.

Canada đã nhanh chóng cấm Huawei tham gia vào một dự án "mạng liên lạc" của chính phủ. Chính phủ Australia đã quyết định tương tự từ tháng 3/2012. Phía Trung Quốc sẽ còn bị thiệt hại nghiêm trọng hơn vì các quốc gia phương Tây bên cạnh lý do chính đáng là bảo vệ an ninh quốc gia, họ sẽ mở rộng lệnh cấm sản phẩm do Trung Quốc sản xuất sang nhiều lĩnh vực khác. Giáo sư John Lee, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Sydney, dự báo là nhiều nước phương Tây sẽ vin vào báo cáo của Hạ viện Mỹ để bảo vệ thị trường nội địa, tẩy chay hàng Trung Quốc một cách danh chính ngôn thuận, do nhu cầu an ninh quốc gia.

Việc Tổng thống Mỹ bị doanh nghiệp Trung Quốc kiện có thể coi là một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử thương mại và đầu tư Mỹ.

Cuối cùng, doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đánh mất cảm tình của thị trường Mỹ do chính lề lối kinh doanh của họ. Scott Harold, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Rand Corporation, cảnh báo doanh nghiệp Trung Quốc phải lựa chọn hoặc là ở Trung Quốc làm ăn theo kiểu Trung Quốc, hoặc phải tuân theo luật lệ của Mỹ khi đến Mỹ. Nói cách khác, doanh nghiệp Trung Quốc phải "nhập gia tùy tục" chứ không thể “chơi cờ tướng trên sân cờ vua”.

Những cách làm và hành động trên của Mỹ đang được phía Trung Quốc xem xét trả đũa và theo giới quan sát khi đó thiệt hại của doanh nghiệp Mỹ sẽ rất đáng kể. Trước hết bằng phản ứng ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi bình luận bản báo cáo Ủy ban Quốc hội Mỹ về vấn đề tình báo nói các công ty viễn thông Trung Quốc tiến hành hoạt động phù hợp với các nguyên tắc thương mại quốc tế.

Xiang Wenbo, một giám đốc của Sany Group nói: "Mỹ luôn luôn đối xử với Trung Quốc như một quốc gia thù địch. Tất cả những hành động của Bắc Kinh đều được xem là nhằm mục đích làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ". Rhodium Group, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại New York, cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ vẫn còn khá nhỏ, nhưng đang phát triển nhanh và năm nay đã đạt mức 22,6 tỉ USD. Trước đây, hầu hết các thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đều gặp rất ít những rắc rối. Tuy nhiên, trong hiện tại và tương lai, các công ty Trung Quốc hoạt động trong thị trường Mỹ sẽ ngày một khó khăn hơn bởi các lý do an ninh và nhiều rào cản khác.

Zhang Guoqing, một nhà khoa học chính trị tại Viện nghiên cứu các vấn đề về Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết: "Nếu chính phủ Trung Quốc có ý định can thiệp và thực hiện các hành động trả đũa đối với các công ty Mỹ như Apple và Cisco, cũng bởi vì những lý do an ninh quốc gia, thì điều này sẽ có những tác động nghiêm trọng đối với khả năng tái tranh cử của Tổng thống Obama". Theo ông, để mất thị trường Trung Quốc là một sai lầm lớn nhất của Chính phủ Mỹ trong lịch sử.

Ông Zhang đưa ra kiến nghị rằng, Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc có thể thực hiện biện pháp gây áp lực đối với các công ty lớn của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc, buộc họ phải có những hành động vận động can thiệp. Ông nói: "Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần gây áp lực với Hãng Boeing và Boeing đã có những hành động vận động ngược lại Quốc hội Mỹ"

M.T. (tổng hợp)
.
.