Mỹ: Chiến lược robot hóa quân đội

Thứ Năm, 24/11/2011, 10:25
Trong tương lai phát triển của quân đội mình, Mỹ đang có xu hướng giao thêm nhiều nhiệm vụ tác chiến hơn cho các "chiến binh robot", không chỉ ở trên không mà còn trên mặt đất.

Washington đang triển khai một loạt các dự án chế tạo các phương tiện kỹ thuật tự động mới giúp cho quân đội có thể tác chiến một cách hiệu quả hơn, đồng thời giảm bớt đến tối thiểu những tổn thất về nhân mạng. Hiện đã có một vài mẫu robot mới đã được đưa vào trang bị cho lục quân, trong khi triển vọng sử dụng chúng vẫn được đánh giá là rất lớn - có thể hình dung trong tương lai không xa, các binh sĩ Mỹ có thể tác chiến với sự hỗ trợ của một loạt các loại robot do thám, công binh, vận tải và liên lạc v.v…

Triển khai và quan sát

Đầu tháng 10/2011, Bộ Quốc phòng Mỹ cùng các tướng lĩnh hàng đầu của lục quân và lính thủy đánh bộ đã đưa ra đơn đặt hàng về các loại robot mini có thể được sử dụng cho việc trinh sát, do thám và vô hiệu hóa các khối chất nổ tự tạo.

Những yêu cầu cơ bản về các robot-trinh sát được giới quân sự đưa ra là có trọng lượng nhỏ, độ bền cao, khả năng cơ động và làm việc lâu dài chỉ sau một lần sạc pin. Ngoài ra, robot phải được thiết kế sao cho có thể thả được nó từ trên cao, chẳng hạn từ cửa sổ tầng hai xuống phố. Những robot sau khi được triển khai cần phải có khả năng truyền về hình ảnh ngay tại vị trí đang có mặt.

Sau khi hoàn tất nghiên cứu các đề xuất, giới chức quân sự đã quyết định mua 50 robot mỗi loại để nhanh chóng bắt tay vào thử nghiệm trên chiến trường - các chiến binh người máy sẽ được gửi tới Afghanistan. Cụ thể, các binh sĩ Mỹ sẽ sử dụng các thiết bị trên khi tuần tiễu trên các đường phố tại Afghanistan. Sau đó, Bộ Quốc phòng sẽ thu thập các ý kiến phản hồi từ mỗi loại robot thử nghiệm, lựa chọn những loại tốt nhất để đặt hàng chính thức.

Robot "Rover" được sử dụng làm mục tiêu huấn luyện rất hiệu quả.

Việc mua robot quân sự sẽ được tổ chức theo hình thức mở không cần bỏ thầu, theo các nguyên tắc thủ tục gọi là "Nhu cầu tác chiến khẩn cấp" (UOR). Thủ tục này cho phép giới quân sự chỉ trong một thời gian ngắn có thể mua các mẫu trang thiết bị quân sự chế tạo sẵn có trên thị trường. Thông thường, việc mua trang thiết bị trong khuôn khổ UOR được phép triển khai khi quân đội cảm thấy có nhu cầu cấp thiết về một loại vũ khí, trang thiết bị nào đó mà trước đó không thể dự đoán được khả năng áp dụng. 

Đáng chú ý là trong số các đề xuất được giới quân sự nghiên cứu có các loại robot 110 First Look, Armadillo V2, Dragon Runner và XT Throwbot là sản phẩm của các hãng iRobot, MacroUSA, QinetiQ và Recon Scout. Tất cả những loại robot nêu trên đã được quyết định mua và gửi tới Afghanistan để thử nghiệm - là nơi chúng sẽ được dùng để tìm kiếm các tay súng trong những ngôi nhà, phát hiện các cơ cấu nổ tự tạo tại những nơi khó tiếp cận đối với con người. Một vài robot trong số này, chẳng hạn như XT Throwbot hiện đang được quân Mỹ sử dụng tại Afghanistan.

Tất cả những robot được Lầu Năm Góc xem xét đều được chế tạo theo sơ đồ khối, đồng nghĩa với việc có thể bổ sung thêm những trang thiết bị khác ngoài các camera đã có sẵn. Một đặc điểm khác là các robot có kích thước và trọng lượng rất nhỏ. Chẳng hạn như XT Throwbot chỉ nặng vỏn vẹn  544gr, chiều dài 18,7cm và đường kính bánh xe 7,6cm. Thân robot làm bằng titan cho phép nó có thể rơi tự do từ độ cao 9,1m mà không hề hấn gì. Thiết kế của robot giúp nó có thể hoạt động ở tầm xa tới 31,4m.

Tương tự như vậy, Dragon Runner với kích thước 31x42x15 cm chỉ cân nặng 6,4kg. Độ bền vững của kết cấu cho phép nó có thể chịu đựng được bị quăng quật. Nhiệm vụ chính của nó là bí mật quan sát bên trong các căn phòng hay vô hiệu hóa cơ cấu nổ tự tạo. Dragon Runner có thể tự lên xuống các bậc cầu thang, trong tương lai có thể bổ sung thêm một loại cần đặc dụng để xử lý các đối tượng lên tới 4,5kg. Robot còn có thể mang những trang thiết bị bổ sung như camera quan sát, máy dò chuyển động và thiết bị nghe trộm.

Cần nói thêm, những robot trên đã được quân đội Anh sử dụng khá hữu hiệu tại Afghanistan. Bộ Quốc phòng Anh đã mua 100 robot Dragon Runner ngay từ tháng 11/2009.

Về phần mình, robot Armadillo V2 (chiều dài 28cm và chiều cao 26cm) cân nặng có 2,5kg. Cho dù nó chỉ chịu được cú rơi từ độ cao tối đa 2,5m, nhưng theo các nhà sản xuất, robot của họ có thể chịu được vài cú đánh liền mà vẫn duy trì được khả năng hoạt động. Armadillo V2 ban đầu chỉ được trang bị camera, dù nó có thể được bổ sung thêm một vài chân nhỏ khác giúp lên được cầu thang.

Tương lai "robot hóa" của quân đội Mỹ

Nói chung, quân đội Mỹ trong vài năm gần đây đã quan tâm rất nhiều đến các robot quân sự. Kế hoạch phát triển lực lượng vũ trang trong 30 năm được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đã nhắc tới mục tiêu tăng gấp 4 lần số lượng các máy bay không người lái so với con số hơn 6.000 đơn vị hiện nay.

Theo dự đoán của Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ, số lượng các thao tác viên điều hành hoạt động của máy bay không người lái trong vài năm tới sẽ nhiều hơn cả các phi công lái máy bay thông thường. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ bớt sử dụng các loại máy bay và trực thăng thông thường.

Lục quân và Hải quân Mỹ trong lĩnh vực tự động hóa cũng không chịu thua kém không quân. Hiện giới quân sự đã triển khai nghiên cứu một vài dạng robot giúp giảm bớt đáng kể nhiệm vụ cho người lính. Chẳng hạn như loại robot có tên gọi MULE của Lockheed Martin sẽ giúp mang vác quân trang, đạn dược và lương thực cho người lính. Hơn nữa, loại robot này còn được nghiên cứu chế tạo có thể hoạt động theo 3 chế độ: có người điều khiển, tự di chuyển theo lộ trình đã định và tự động đi theo hàng quân. Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ cũng có loại robot tương tự có tên GUSS.

Từ đầu những năm 2000, Hãng Foster-Miller của Mỹ bắt đầu sản xuất những lô nhỏ loại robot hiện đại có tên TALON Sword có trang bị nhiều thiết bị như cần gạt, camera, thiết bị nghe trộm và đế gắn súng (có thể gắn nhiều loại vũ khí khác nhau như súng trường M16, súng máy hạng nhẹ M249, súng máy M240, súng phun lửa M202A hay súng phóng lựu cỡ 40mm).

Loại robot này có thể tự động di chuyển, trong khi việc phát hỏa vũ khí sẽ do thao tác viên điều khiển. Giá thành một tổ hợp TALON Sword vào khoảng 230.000 USD. Còn để kiểm tra xe hơi chứa bom tại IraqAfghanistan, quân Mỹ đã sử dụng loại robot MARCbot có trang bị lăng kính gắn camera.

Từ giữa năm 2010, lính thủy đánh bộ Mỹ đã thử nghiệm loại robot-mục tiêu Rover (do Hãng Marathon Robotics của Australia sản xuất), dự kiến sẽ nhanh chóng được cung cấp cho các trung tâm huấn luyện. Những robot này đóng vai trò làm mục tiêu di động có thể tự động tránh vật cản, tìm kiếm nơi ẩn nấp nếu bị tấn công.

Một trong những đặc điểm quan trọng của loại robot này là khả năng tụ tập theo nhóm hay phân tán ra khi bị bắn. Phần trên của robot được làm theo dạng thân người có khả năng báo hiệu giúp binh sĩ tập luyện biết được mục tiêu này "bị thương nặng hay nhẹ".

Hiện khó có thể thống kê hết các loại robot đang được quân Mỹ sử dụng hiện nay. Không thể nói tất cả những robot này đều hoàn thành tốt những nhiệm vụ của mình theo đúng như dự định. Nhưng trong tương lai, khi tất cả các dự án đang triển khai sẽ hoàn tất, binh sĩ Mỹ chắc chắn sẽ có được những trợ thủ rất đắc lực khi thực thi các nhiệm vụ tác chiến

Linh Nga (tổng hợp)
.
.