Mỹ: Giám sát chặt chẽ khách du lịch

Thứ Bảy, 27/10/2007, 14:11
Thực ra không ai không biết chính quyền Mỹ giám sát chặt chẽ và lưu trữ khá nhiều thông tin về khách du lịch. Thí dụ người du lịch đi cùng ai, nghỉ ở đâu và họ thường mang theo những gì, kể cả loại sách mà họ ưa đọc.

Như cơ quan an ninh đã theo dõi John Gilmore, một thành viên thuộc nhóm bảo vệ quyền con người, đã ghi lại nhiều chi tiết, trong đó có cả những ghi chép đại loại như John đã mang theo một cuốn sách viết về cần sa với nhan đề “Drugs and Your Rights” (Chất kích thích và quyền của bạn).

Nhân viên an ninh thậm chí còn chú ý kỹ đến mức ghi cả việc trong túi hành lý của Gilmore có những đèn chớp nhỏ dán hình lá cần sa. Theo John Gilmore thì việc làm này là phi pháp.

Phát ngôn viên bộ này đã trả lời báo Washington Post rằng, nếu phát hiện dấu hiệu phạm pháp thể hiện qua hành động hoặc hành lý mà đương sự mang theo thì đương nhiên cơ quan an ninh sẽ theo dõi, kiểm tra kỹ.

Nhân đây, nhiều chuyên gia về quyền dân sự và bảo vệ dữ liệu cá nhân quan tâm đến vấn đề này đã phanh phui khá nhiều điều thật bất ngờ như: chính quyền Mỹ lưu trữ thói quen đi lại của hàng triệu người Mỹ bằng máy bay, ôtô kể cả những người đi làm ăn buôn bán.

Cơ quan an ninh ghi rõ các chi tiết như đi đâu, đi với ai, ngủ lại ở khách sạn nào hoặc ở nhờ nhà người quen là ai, hành lý cá nhân gồm những thứ gì và sách mang theo để đọc là loại sách gì? v.v...

Hệ thống theo dõi người đi lại ở Mỹ được đưa vào hoạt động từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Từ năm 2002, hệ thống này được tự động hóa và việc thẩm tra những người thuộc diện nghi vấn đã được mở rộng.

Chính quyền Mỹ giải thích việc theo dõi khách nhằm hạn chế rủi ro về an ninh vì số lượng khách du lịch vào Mỹ ngày càng đông và khẳng định hoạt động giám sát này không vi phạm pháp luật.

Theo báo Christian Science Monitor, Nhà Trắng đang đòi luật hóa vĩnh viễn quy định “Protect America Act”. Bộ luật này ra đời trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố sau vụ 9/11 và cho phép cơ quan an ninh ở Mỹ được giám sát các cuộc trao đổi điện thoại mà không cần xin phép cơ quan tòa án

V.P. (theo Spiegel)
.
.