Mỹ cải cách Luật Nhập cư để thu hút chất xám

Thứ Năm, 14/02/2013, 16:55

Tăng trưởng kinh tế kiểu sên bò của Mỹ hiện nay sẽ được cải thiện nếu Tổng thống Barack Obama và các nghị sĩ của hai đảng thành công trong cuộc cải tổ hệ thống quy định nhập cư lớn nhất kể từ năm 1980.

Tổng thống Obama đã lên kế hoạch sẽ khởi động nhiệm kỳ hai của mình bằng chính cuộc cải cách nhập cư này trong cuộc viếng thăm bang Nevada vừa qua và sẽ dành ưu tiên hàng đầu để chiến dịch này có thể được Quốc hội thông qua. Cuộc cải cách này bước đầu đã giành được hậu thuẫn lớn của nhiều nghị sĩ ở cả hai đảng khi đồng tình với kế hoạch khung rằng sẽ giúp khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ.

Các bản dự thảo cũng bao gồm cả các phương tiện và cách thức họ sẽ thực hiện để giữ chân và thu hút nguồn lao động, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cao, kỹ sư và toán học. Chiến dịch này sẽ nhằm vào các lưu học sinh đang sống và học tập tại Mỹ cũng như các lao động có tay nghề cao ở nước ngoài.

Hiện tại theo ước lượng, có khoảng 40% các nhà khoa học tại Mỹ là người nhập cư. Theo Raul Hinojosa-Ojeda, chuyên gia về các chính sách nhập cư tại Đại học California, việc hợp pháp hóa sự di trú cho người lao động tại Mỹ sẽ đem về cho đất nước này khoảng 1,5 nghìn tỉ USD trong vòng 10 năm tới. Việc làm này cũng sẽ đem lại tăng trưởng thêm 0,8% mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ vốn dậm chân tại chỗ ở mức 2% trong những năm gần đây.

Trước đó, kế hoạch năm 2011 của Tổng thống Obama đã bao gồm cả một chương trình tạo cơ hội cho lao động nhập cư tiếp cận với nhu cầu việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Hơn nữa, năng suất lao động cao do lao động trí thức nhập cư tạo ra cùng với việc tăng lương cho những người mới được nhập cư hợp pháp sẽ trở thành những nhân tố thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn.

Các nhóm vận động cải cách cho biết hiện có khoảng 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ.

Theo báo cáo của Trường đại học California, một cách khác nữa để tăng doanh thu cho quốc gia đó là tiến hành mua bán thời hạn visa. Cụ thể là chính phủ có thể tổ chức đấu giá một số visa còn thời hạn giữa những người về nước trước thời hạn và những người muốn ở lại. Nhóm các chuyên gia nghiên cứu của dự án Hamilton cho biết đây sẽ là một hệ thống nhập cư hiệu quả, minh bạch và linh hoạt hơn, qua đó sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng và tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ.

Tuy vậy, vấn đề gây tranh cãi lâu nay xoay quanh việc nhập cư là vấn đề về dân số. Bên cạnh đó còn là vấn đề chính trị nhạy cảm khi mà các chính sách thu hút dân nhập cư đang nhằm vào những đối tượng có học thức, tay nghề cao và nhất là giới thương nhân chứ không nhằm vào các mối quan hệ họ hàng thân thích. Cái khó ở đây chính là làm sao để cân bằng trạng thái nhập cư theo định hướng giữ lại và thu hút nhân tài cho nước Mỹ.

Giới học thuật tại các trường đại học như Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vẫn thường than thở rằng, rất nhiều lưu học sinh của họ sau khi học xong đã trở về quê hương chỉ vì visa của họ hết hạn. Giáo sư William Kerr của Đại học Harvard cho biết: "Chúng tôi có rất nhiều nhân tài đang ở ngay trong các trường đại học và học viện. Tôi thấy rất khó chấp nhận được rằng chính chúng ta lại gây khó khăn cho quyết định ở lại của họ".

Các chuyên gia nhấn mạnh: Bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng cần tạo điều kiện cho lao động nước ngoài làm việc tại Mỹ, đây cũng là cách để tránh hình thành một thế hệ những người nhập cư trái phép mới.

Một ví dụ chân thực nhất đó là việc siết chặt quy định nhập cư trong những năm gần đây ở bang Arizona đã tạo ra những hậu quả tiêu cực đối với việc sản xuất nông nghiệp, gia tăng gánh nặng đối với giới tài chính dịch vụ và khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều chuyên gia và chính khách đã tiếp tục vin vào đó để khẳng định rằng hệ thống quy định cũ không còn hiệu quả nữa và đã đến lúc nước Mỹ cần phải thay đổi

Hoàng Cúc (theo Reuters)
.
.