NSND Lan Hương: Còn thương rau đắng mọc sau hè…

Thứ Năm, 03/10/2013, 07:30

NSND Lan Hương từ lâu đã tìm cho mình một con đường riêng, rất riêng. Mở màn, khai phá một môn nghệ thuật mới ở Việt Nam - xây dựng, tạo lập một đoàn kịch hình thể. Nhiều người vẫn nói, công việc chị chọn lựa là “húc đầu vào đá”. Vì, ở ta, nhiều người vẫn nghi ngờ sự hấp dẫn của bộ môn được xem là ít lời này.

Kể từ ngày tốt nghiệp đạo diễn sân khấu cho đến nay vừa vặn 10 năm,  Lan Hương đã có hơn chục tác phẩm nghệ thuật mang danh - kịch hình thể. Gọt giũa, nhào nặn, bồi đắp hình hài cho đứa con tinh thần yêu dấu, mỗi tác phẩm thể nghiệm đều mang đến cho khán giả cảm giác khác lạ về một món ăn tinh thần độc đáo.

Bạn đồng nghiệp và nhiều khán giả sau khi xem tác phẩm đều khẳng định: “Có một điều không thể phủ nhận, tố chất đạo diễn và sự thăng hoa cảm xúc trong từng tác phẩm của “em bé Hà Nội” làm nên sự cuốn hút trong tác phẩm”. Tuy vậy, nữ đạo diễn sân khấu đầy sáng tạo, vẫn không ngừng bị những lời gièm pha, chê trách từ những người được xem là “cầm cân, nảy mực” thành viên ban giám khảo của cuộc thi.

Trở về, sau Liên hoan Sân khấu kỷ niệm 25 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ, NSND Lan Hương như một cái cây đổ sau trận bão lớn, chị bảo: “Nản quá rồi và không biết tin vào đâu”. Thậm chí trong lúc quá phát “điên”, bức bối chị lên gặp lãnh đạo nhà hát để xin về hưu sớm. Khán giả thế hệ trẻ, công dân @ sau khi tận mục sở thị tác phẩm “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của đạo diễn Lan Hương đã không ngừng khắc khoải, ai nói gì mặc ai, nhất quyết khẳng định, kịch hình thể của chị chinh phục được giới trẻ.

Một ngọn núi lửa nham thạch trào dâng, một nhan sắc không bị mưa gió thời gian làm cho lu mờ, một cá tính sáng tạo độc đáo có một không hai, một bản năng nghệ thuật may mắn có được từ khi còn bé, không ngừng học hỏi và khám phá những miền đất hoang sơ trong lĩnh vực đạo diễn sân khấu, NSND Lan Hướng sống một cuộc sống không mấy bằng lặng mà như những đợt sóng ngầm, dữ dội nhất.

Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi các bạn đồng nghiệp trong cùng một nhà hát, toàn những tên tuổi đình đám cả, cùng ngồi bó gối, chả ai chịu là người "mở màn" cho chiến dịch "đại phá Lê Hùng", mặc dù, trưởng lão đạo diễn tuổi rồng hét ra lửa, trước lúc phải "gác kiếm" theo ngạch công chức đã khiến cho nhiều nghệ sĩ trong nhà hát cùng ấm ức, bực bội. Chỉ một mình Lan Hương tả xung hữu đột, thậm chí còn gửi đơn vượt cấp... Người điềm tĩnh và tự chủ chắc không ai làm như thế cả…

Tuy nhiên, rốt cuộc thì Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ đã không bị sáp nhập làm một. NSND Lê Hùng rời khỏi cương vị giám đốc theo đúng quy định của Nhà nước. Và đoàn kịch hình thể do NSND Lan Hương làm trưởng đoàn không bị giải thể. Trước đó, NSND Lê Hùng từng muốn cho giải tán đoàn kịch hình thể. Như giọt nước tràn ly, nhìn thấy bao tâm huyết của mình bị bóp nghẹt, phá vỡ, đạo diễn Lan Hương đã không đành lòng khoanh tay đứng nhìn mà đơn thân đi đòi công lý.

NSND Lan Hương đầy bức xúc giữa vòng vây báo giới.

Sau khi NSND Lê Hùng về hưu, một cơ cấu được thiết lập lại. Phó giám đốc Trương Nhuận lên làm Giám đốc. NSƯT Chí Trung đang là Trưởng đoàn Kịch 2 lên chức Phó giám đốc. NSND Lê Khanh lên Phó giám đốc Nghệ thuật Nhà hát. NSƯT Anh Tú điều sang Nhà hát kịch Trung ương giữ chức Phó giám đốc. Và, một vài đồng nghiệp lên phó đoàn, trưởng đoàn, thì NSND Lan Hương vẫn nguyên như cũ, trung thành với đoàn kịch hình thể. Ở con người chị, nấc thang chức phận chưa bao giờ chị màng đến, con người chị bản năng, đầy sáng tạo, chị chỉ thống thiết với con đường riêng mà mình đã chọn lựa - toàn tâm toàn ý vào kịch hình thể.

So với các bạn cùng lứa ở nhà hát như Lê Khanh, Chí Trung, Ngọc Huyền, Minh Hằng, Anh Tú… thì Lan Hương được khán giả cả nước biết đến từ rất sớm. Ngay từ thuở thơ bé, đôi mắt như một con ngõ sâu hun hút, đen thẫm như màn đêm và tròn xoe như trăng hôm rằm của cô bé đã xoay chuyển cả cuộc đời. Định mệnh. Cuộc gặp gỡ tình cờ mà như có bàn tay sắp đặt của số phận, NSND Hải Ninh sau cả tháng trời ròng rã tại các trường tiểu học vẫn chưa tìm ra diễn viên nhí cho bộ phim đầy tâm huyết của mình.

Một lần tình cờ, ông chạm phải đôi mắt biết nói, long lanh như hồ nước phủ màn sương mơ hồ huyền ảo của mùa thu bảng lảng. Cô bé còn có hai bím tóc rất đáng yêu. Thì ra, "em bé Hà Nội" là đây chứ đâu! Sau mấy lần đạo diễn đến tận nhà gặp gia đình cô bé thuyết phục bằng được và rồi cô bé - Lan Hương bén duyên với điện ảnh ở tác phẩm đầu tiên là nhân vật chính trong phim. Một tác phẩm điện ảnh mà suốt gần nửa thế kỷ trôi qua, tên tuổi của chị đã gắn chặt với nhân vật. Người ta gọi nữ đạo diễn, diễn viên là: "Lan Hương, em bé Hà Nội".

Có lẽ, cũng chính vì cái tên đó, mà chẳng hiểu sao cho đến tận giờ, Lan Hương dù trải qua bao nắng mưa của thời gian, đôi mắt ngút ngàn đó vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Hôm Liên hoan Sân khấu kịch kỷ niệm 25 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một nhà lý luận đã thốt lên: "Hãy nhìn vào mắt cô ấy, trong đôi mắt ấy là lửa, là trái tim ăm ắp máu. Lan Hương là người dũng cảm đã đi tiên phong vào một loại hình nghệ thuật mới. Bộ môn nghệ thuật mà trước đó, chưa từng có ai chạm vào và khai phá ở Việt Nam. Để rồi có người không ưa, thậm chí sổ toẹt công sức sáng tạo mà bao lâu cô đã dày công tạo dựng".

Nghệ thuật là khôn cùng, cũng chẳng có ba rem nào để cộng điểm. Làn ranh giữa thích và không thích thì khôn cùng. Đấy là chưa nói đến người ta đi xem nghệ thuật nhưng với một cái tâm không thiện chí.  Người đến với nghệ thuật là cảm nhận, có thể với người này là hay nhưng với người kia là dở. Lan Hương mặc kệ tất cả, chị vẫn thỏa thê để tung hứng với chính bản thân. Để cho cơn say nghệ thuật, khát vọng được cống hiến,  bung tỏa, lấp đầy trong con người ngút ngàn nhiệt huyết.

Khám phá, mày mò, chập chững từ những bước đi đầu tiên, NSND Lan Hương vẫn bay phiêu trong vòng tròn rộng lớn mà chị đã sáng tạo ra. Sau những năm đầu dựng kịch của tác giả đương thời, nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục. Rồi Liên hoan Hội diễn Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an, Lan Hương đã có tác phẩm đoạt giải xuất sắc: "Ở ngã tư đường phố". Dù gì, phải công nhận rằng, khán giả có thích hay không thì ở tác phẩm của chị vẫn là một cá tính sáng tạo không trộn lẫn, rất Lan Hương.

Những ngày sau đó, có một cái gì, điều gì đó đang cựa quậy trong con người chị, như một ngày mùa mới, một sự sang trang đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục của đạo diễn Lan Hương. Dữ dội, mạnh dạn đưa "Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du lên thể nghiệp kịch hình thể, rồi động vào mảng đề tài ẩn dụ, trừu tượng ở cõi niết bàn với trường phái "Tâm linh Việt" lên sân khấu. Vừa qua, nữ đạo diễn đã mạnh tay chọn một kịch bản được xem là hay nhất, nhưng cũng khó nhất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt" lên kịch hình thể.

Chị kết hợp cùng với múa đưa những vũ đạo của tuồng vào  tác phẩm khiến người xem lạ lẫm và hứng thú. Cách bài trí sân khấu kỹ lưỡng, trau chuốt, từng mảng miếng sáng tạo của đạo diễn khiến cho không ít khán giả tò mò và bị cuốn hút. Nhưng, sự thể ở đời không đơn giản. Một vài người cực lực chê bai.

Một nữ giám khảo với vai trò Tiến sĩ Nghệ thuật học đã thẳng thừng nói: "Đi tiên phong kịch hình thể có thể trúng hoặc không trúng…". Và đương nhiên, kết quả mà Ban giám khảo công bố vào ngày Lễ Tổ ngành Sân khấu đã giáng đòn chí mạng khiến cho Lan Hương choáng váng và không ít khán giả bất bình.

Vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Ấm ức vì đứa con tinh thần bị “đập” tơi tả, lại nhìn học trò của mình chịu cảnh thua thiệt (chỉ được Huy chương Bạc), trong khi đó, ở các vở diễn khác, Huy chương Vàng không hiếm. Lúc đấy, trong cơn bừng bừng tức giận, NSND Lan Hương đầy bản năng đã đứng giữa vòng vây của báo giới nói lên bức xúc của cá nhân. Truyền thông lại được một dịp ầm ĩ. Con người chị là thế! Yêu là yêu đến tận cùng. Ghét là ghét đến tận đáy. Cá tính quyết liệt, dữ dội đấy, cái chất nổi loạn bản năng của một người nghệ sĩ, một người làm nghề sáng tạo là nên nhưng sống trong cộng đồng xã hội, lắm lúc, đôi khi lại chịu thua thiệt.

Chiều hôm đấy, sau buổi sáng mệt mỏi với nhận xét của thành viên Ban giám khảo, nữ đạo diễn ngồi lắng lòng tại một quán cà phê nhỏ trước cửa nhà hát, chị trải lòng: Từ mấy năm trước, sau khi xảy ra sự cố với đạo diễn Lê Hùng chị đã cảm thấy nản lắm rồi. Giờ đây, bao nhiêu gắng gỏi, công sức, tâm huyết mình dành cho nghệ thuật mà không được Ban giám khảo công nhận chị chỉ muốn bỏ nghề. Chị nói, đến với nghệ thuật đã nghèo lắm, chẳng có tiền đâu, đến với nghề bằng tâm huyết, mà tâm huyết của mình lại không được ghi nhận mà bị nhìn cái nhìn không thiện chí thì chẳng muốn cống hiến gì nữa.

Nghệ sĩ là thế! Mạnh mẽ lắm. Cá tính dữ dội đấy. Nhưng ở trong một góc khuất nhỏ bé nhất vẫn yếu mềm. Những sợi tơ mỏng manh dễ đứt. Chỉ cần một cơn gió ầm ào thổi qua nó vẫn rung lên run rẩy đầy âm sắc.

Ở trong con người hừng hực sức sống này, người ta thấy toát ra một bản năng sống, yêu và ghét hết mình. Dù ngay cả khi có thất vọng với cuộc đời, có chán chường đến đâu, bản năng sinh tồn, bản năng đấu tranh vẫn âm ỉ, dai dẳng bùng phát. Dữ dội và nhiệt huyết, có thể nói trong công việc chị là người truyền lửa cho mọi người cùng làm việc với chị.

Ghé qua ngôi nhà của chị, chúng tôi như lạc vào một động tiên với rừng xanh, núi thẳm. Ở đó, hàng chục pho tượng mà hằng ngày chị tụng niệm. Nhiều lần trước đây, chúng tôi thấy "em bé Hà Nội" giản dị trong bộ nâu sồng trên hè phố. Lan Hương có một lòng tham vô hạn với đức tin. Chị tin vào những gì kỳ bí của thế giới vô hình, siêu thực. Nhà chị thờ cả Chúa trời, cả Đức Mẹ, cả Phật Tổ, cả Đức Thánh, cả các Mẫu, Từ mẫu Thiên Tiên, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải Phủ…

Với tính sáng tạo và thẩm mỹ cao, Lan Hương tạo dựng cho mình một tổ ấm mà ở đó, sau những ganh đua mệt mỏi, hỉ, nộ, ái, ố, chị trở về nhà an lành được bàn tay che đỡ nâng niu của thế giới siêu thực vô hình, mà rất hữu hình. Đạo diễn Tất Bình tất bật với những dự án phim mới, là người kiệm lời và khá điềm đạm, bản điện trái dấu với hiền thê của ông, NSND Lan Hương. Ông yêu chiều vợ mình, NSND Lan Hương sau những sáng tạo với nghề, sau những lúc tìm kiếm tri âm trong những pho tượng sống động, thi thoảng lại tìm đến với hội họa.

Ở con người chị quá nhiều năng lượng. Tung tẩy, thỏa thê với kịch hình thể để được giải thoát. Ngày ngày đến với cõi Trời, cõi Phật, cõi Thánh cũng là để giải thoát. Đu mình đến với hội họa cũng là để giải thoát. Nhưng, có lẽ, bản năng sống mãnh liệt, quá nhiều năng lượng ấy vẫn chưa giải thoát khỏi kiếp người sóng gió. Người đặc biệt sẽ cho ra những tác phẩm đặc biệt. Dù gì, những khán giả của chị trong đó không ít công dân thời @, thế hệ trẻ cũng trông chờ một ngày không xa đạo diễn NSND Lan Hương lại một lần nữa cho ra "Hàn Mặc Tử" mà theo cách cảm nhận của riêng chị, độc đáo, phiêu bồng, dẫn dụ…

Trần Mỹ Hiền
.
.