NSND Phùng Há: Ngày về viên mãn

Thứ Sáu, 10/07/2009, 08:35
Sự ra đi của NSND Phùng Há đã để lại khoảng trống không thể san lấp đối với sân khấu cải lương, đặc biệt là khu vực Nam Bộ. Cả một đời theo nghiệp tuồng tích, có lẽ, phần thưởng lớn nhất dành cho vị tổ nữ của bộ môn nghệ thuật này không phải là danh hiệu NSND, những bằng khen, huân chương trong và ngoài nước,  mà chính là tấm lòng của khán giả và sự kính trọng của lớp nghệ sĩ hậu bối dành cho bà…

Cải lương xuất hiện ở Nam Bộ vào những năm đầu của thế kỳ XX, cái thời mà nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển viết: “Nghe hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm". Và cải lương xuất hiện với tiếng đờn ca réo rắt để thay thế cho cái "tai thét hóa nhàm" như cụ Vương đã viết.

Thời đó, như nhiều nghệ sĩ cải lương thành danh mà tôi may mắn được tiếp xúc kể lại, theo nghiệp hát là theo nghiệp "ăn quán ngủ đình". Hát để làm vui, mấy ai mong cầu ở cái sân khấu dựng vội giữa chợ quê hay bãi đất trống đầu làng sẽ mang lại cho mình tiền bạc hay tên tuổi. NSND Phùng Há theo nghiệp cải lương trong bối cảnh như vậy.

Bà sinh ngày 30/4/1911 ở làng Điều Hòa, Châu Thành, Mỹ Tho (Tiền Giang) với tên khai sinh là Trương Phụng Hảo. Những biến cố của đời sống ghép vào tuổi thơ bà như là một định mệnh, nhất là từ khi bà theo cha về lại Trung Hoa cố quốc. Năm lên 10 tuổi, trong lần theo mẹ trở lại Việt Nam định cư bằng đường biển, bà đã suýt bị thủy thủ đoàn ném xuống biển bởi những nốt chấm đỏ trên khuôn mặt khiến người ta ngại bà mắc phải một căn bệnh có thể lây lan.

3 năm sau ngày trở về, bà chính thức chọn cải lương làm nghiệp. Có nhiều giai thoại xung quanh chuyện Phùng Há theo nghiệp đờn ca. Giai thoại được nhiều người biết đến là chuyện khi học tại Mỹ Tho, giọng ca của bà đã quyến rũ tất cả học sinh cùng lớp, khiến thanh tra trường buộc phải đuổi học bà vì cái tội... gây mất trật tự lớp học.

Bị đuổi học bởi giọng hát, bà trở thành công nhân của xưởng đóng gạch gần nhà. Tiền công in 100 viên gạch được 3 xu. Trong lúc làm việc, Phùng Há vừa làm vừa hát. Những nhân công khác cùng xưởng nghe giọng hát của bà đâm mê, họ quyết định trả "thù lao" cho giọng hát của bà bằng cách đóng gạch hộ. Có lẽ, đó là khoản cátsê đầu tiên của nữ nghệ sĩ tài hoa này.

Ông bầu Hai Cu ngày đó là chủ gánh hát Tái Ðồng Ban, nghe tiếng đồn về giọng ca của Phùng Há nên tìm tới. Ngay trong lần đầu tiên nghe cô bé 13 tuổi này hát, ông đã quyết định ký hợp đồng với Phùng Há bằng cách cho cô mượn trước 50 đồng lo chuyện gia đình, lương chính thức của Phùng Há tại gánh hát Tái Đồng Ban là 8 cắc mỗi suất diễn, hai mẹ con theo gánh hát được nuôi cơm và có chỗ ở. Thầy tuồng dạy bà là Nguyễn Công Mạnh và nghệ sĩ Năm Châu dạy bà hát, nhạc sĩ Tư Chơi dạy bà ca.

Từ gánh hát Tái Đồng Ban này, những vai diễn của bà trong các vở Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Tái sanh duyên, Tỉ Can mổ tim... nhanh chóng hút hồn khán giả mê cải lương Nam Bộ. Cô đào nức tiếng tài sắc trở thành người thương của Bạch Công Tử tức Phước George, một trong hai công tử giàu có và quyền thế nhất miền Tây Nam Bộ lúc bấy giờ. Thương bà, Bạch Công Tử lập hẳn gánh hát Huỳnh Kỳ để bà làm đào chánh. Nói là làm đào chánh, nhưng một tay bà quán xuyến toàn bộ gánh hát, gần như vừa là đào vừa là bà bầu.

Mối lương duyên giữa bà và Bạch Công Tử kéo dài được 7 năm, kịp có với nhau hai mặt con thì kết thúc. Đó là vào năm 1933, hai người con của bà và Bạch Công Tử cũng đều yểu mệnh. Mà cũng như định mệnh, sự tài danh của bà được đánh đổi bởi những trúc trắc trong đời sống riêng, những hạnh phúc dường như không trọn vẹn.

Ngoài giọng ca và phong thái diễn xuất xuất thần, nghệ sĩ Phùng Há còn được kính trọng bởi lối sống ngoài sân khấu. Đau đáu với niềm đam mê tuồng tích, cái thời công tác ở Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn vào năm 1963, bà đã tham gia giảng dạy và đào tạo nên một lớp nghệ sĩ cải lương tài danh như Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Sang...

Về sau, NSND Phùng Há và các nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu, Ba Vân đã làm cố vấn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, đồng thời đã tạo nên lớp nghệ sĩ kế cận rất ưu tú như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Mỹ Hằng...

Trong gần một thế kỷ đã sống, NSND Phùng Há dành nhiều thời gian cho các công việc thiện nguyện. Không chỉ làm một mình, bà còn kiên tâm kêu gọi lớp nghệ sĩ kế cận, những tiểu thương, các công ty kinh doanh... cùng làm từ thiện chung với mình. Chùa Nghệ sĩ rồi Nghĩa trang Nghệ sĩ, như minh chứng cho tấm lòng của bà đối với những người đồng nghiệp nghèo khổ xung quanh, là nơi đi về của những con người chọn nghiệp tuồng tích làm cõi sống.

Nguyện vọng cuối đời của bà là lập một nhi viện cho con em các nghệ sĩ. Bà thường nói, đã có chùa nghệ sĩ như một viện dưỡng lão, đã có một nghĩa trang để lưu giữ khói hương nghệ sĩ, nếu giờ có thêm một nhi viện nữa, đã là sự mãn nguyện của bà trong cuộc đời này.

Tôi vẫn nghĩ, khi người ta nằm xuống, tình cảm của những người còn sống sẽ là câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi "Người ấy đã sống như thế nào?". Và sự tiếc thương vô hạn của mọi người dành cho sự ra đi của NSND Phùng Há đã có thể nói lên tất cả về tài danh, nhân cách và tấm lòng của bà. Một sự ra đi viên mãn

N.N.Hữu (Bài viết có sử dụng tư liệu của Soạn giả Nguyễn Phương)
.
.