NSND Trọng Khôi: “Tôi là người như thế”

Thứ Hai, 14/06/2010, 22:20
Giữ chức Tổng Thư ký của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam qua hai nhiệm kỳ, giờ ông đã rời "chốn lao xao" lui về sống thư thái cùng hậu phương vững chắc, người vợ đảm, một doanh nhân đích thực tài ba và hai người con trai ngoan trong khu biệt thự xây kiểu cổ, rộng 300m2 nhìn ra hồ Ba Mẫu. Cá tính độc đáo của ông khiến “người yêu cũng lắm kẻ ghét cũng nhiều", nhưng, thật ra ông tính chiều người và trời cũng chiều ông.

Một đời nghệ thuật đầy say mê sáng tạo với hàng trăm vai diễn cả sân khấu lẫn trên màn ảnh, trong đó có hàng chục vai để đời. Người nổi tiếng thì thường sợ sự lãng quên. Ông thì không, ông hát: “Vua Ngô ba sáu tàn vàng. Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì. Chúa Chổm mắc nợ tì tì. Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô”. Chính những câu ca nghe lạ tai này đã đưa tôi tới gặp ông.

PV: "Kẻ nào ngắm hàng nghìn buổi bình minh mà không nhớ  buổi bình minh nào, nhìn hàng nghìn nụ cười  mà không giữ lại cho mình nụ cười nào, kẻ đó không thể là nghệ sĩ được". Câu nói mà ông tâm đắc đã rất ấn tượng với tôi. Vậy, người nghệ sĩ có tố chất đặc biệt gì khác người, thưa ông?

NSND Trọng Khôi: Người nghệ sĩ khi nhìn nhận, va đập với xung quanh mà không giữ lại ấn tượng gì thì không phải là nghệ sĩ. Nghệ sĩ là người luôn biết rung động, nhạy cảm, nước mắt có khi còn nhiều hơn nước mưa do tính đa sầu đa cảm, buồn vui bất chợt mang đến. Người nghệ sĩ thì hay lý sự, hơi ồn ào nhưng thực chất tâm địa không có gì đáng ngại. Còn người đáo để thật sự thì dù có bất bình, không đồng ý thì rất biết kiềm chế và không nói, trong giới nghệ sĩ người như thế hiếm lắm.

Nhà văn kín đáo, thâm trầm, sâu sắc bao nhiêu thì người nghệ sĩ lại dễ tính, ồn ào, thậm chí hơi khoa trương hơn. Có lẽ do đặc thù là luôn tiếp diện với đại thể công chúng, vì thế có cảm giác người nghệ sĩ rất dân dã. Tuy vậy cũng có hai loại nghệ sĩ. Một loại sống hồn nhiên như hơi thở của cuộc đời, khiêm tốn, tự tỏa sáng không cần phải thêm thắt gì vì bản thân đã là nghệ sĩ đích thực rồi. Còn một loại người nữa, cứ muốn cho mọi người biết mình là nghệ sĩ thì phải diêm dúa, thích yểu điệu, thích làm duyên làm dáng, thích gây ấn tượng, cứ phải làm ra vẻ biểu diễn, làm ra vẻ nghệ sĩ là cái anh nghệ sĩ rởm hoặc là người đấy chưa định hình thì mới có hành động kỳ quặc như vậy, chứ nghệ sĩ đích thực họ không thế.

PV: Đã qua hàng trăm vai diễn từ sân khấu đến điện ảnh, hàng chục vai diễn nặng ký, một NSND thuộc diện solist hàng đầu trong nghề biểu diễn, ông có cảm thấy cám cảnh cho phim truyền hình bây giờ không? Khán giả xem phim vẫn thường phàn nàn là kịch quá.

NSND Trọng Khôi: Cái lỗi này nhiều nơi mắc phải. Phim ta thì diễn viên đau khổ chuyện gì thì thở dài đánh thượt một cái, vui thú thì lại nhún vai, cười khúc khích, thậm chí là hét ré lên, tung tăng chạy... Cứ mẹ con gặp nhau là con lại ngả đầu vào lòng mẹ, cứ bạn bè hội ngộ là phải quàng vai bá cổ, rồi cầm tay nhau dắt đi dung dăng dung dẻ. Còn gặp người yêu là phải lúng túng, liếc lên liếc xuống, mắt chớp chớp, mồm miệng làm duyên làm dáng... Yêu nhau là phải rơm rớm nước mắt, yêu nhau là phải cắn môi, yêu nhau là phải xoắn gấu váy, yêu nhau là phải xoắn tóc, xoắn khăn.

Diễn viên cứ tưởng thế là hay. Hội thoại với nhau trên phim thì vừa gật vừa lắc, mà đặc biệt một số diễn viên cứ cười là từ cổ trở ra và ngoẹo đầu ngoẹo cổ. Đấy là thợ diễn ấy chứ nghệ sĩ gì đâu. Đi lồng tiếng bao giờ cũng thấy ừm ờ gật gù ra vẻ, tưởng thế là sâu sắc. Thế thì dễ lắm. Đi tìm cái dễ dãi mà chấp nhận vào đấy. Tất cả những diễn xuất như vậy là cách đóng đơn giản đi vào lối mòn rồi còn gì, diễn cho dễ. Đáng buồn là phim nào cũng bắt gặp những cảnh na ná như vậy.

Nghệ sĩ Trọng Khôi vào vai Trương Ba trong vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Sống để mà đóng, mà sống là phải sống thực, vì thế cho nên phải đóng rất tự nhiên như đời thường, đóng cứ như chơi ấy, thì người xem mới "vào". Kể cả phim Hàn Quốc loanh quanh nhàm chán môtíp quen thuộc, yêu đương không tự tử thì tình yêu tay ba, rồi sau này kiểu gì cũng có một trong hai người yêu nhau bị tai nạn ôtô, hoặc mất trí, hoặc vỡ tim, hoặc máu trắng... Mà cấp cứu vào bệnh viện thì chụp ống xông, cứ hễ thất tình thì lại là uống rượu, cáu tiết lên thì đập vỡ tan tành lọ hoa, cây cảnh gì đó... Đấy cứ thử nhìn lại mà xem toàn bộ phim Hàn Quốc đang chiếu trên truyền hình là như thế, không khác gì nhau. Đa phần đều rập khuôn cách đóng như vậy. Thật ra họ chỉ là thợ diễn chưa thể gọi là nghệ sĩ. Tất nhiên trong số ấy có người đóng rất hay, nhưng ít.

PV: Nghệ sĩ đòi hỏi phải tài năng, chính vì thế nên thi vào các trường nghệ thuật việc đầu tiên là người ta đòi hỏi phải có năng khiếu...

NSND Trọng Khôi: Tài năng thì không có trường nào đào tạo, có học hành đến nơi đến chốn xong thì cũng không trở thành một tài năng được. Nghề này không có tài thì khổ lắm. Nghề này không giống nghề khác, không có tài không ai phân cho vai chính. Nghề này sống lâu không lên lão làng. Nghề này không nói chuyện lớp 1 thì kém lớp 12. 

Nghề này có học sinh vừa mới vào học do có năng khiếu bẩm sinh được mời đi đóng phim, chả mấy chốc mà nổi tiếng còn có khi có những bác già suốt cả cuộc đời rồi chỉ đóng quần chúng, cho đến khi về hưu không làm vai gì khác. Dù có nhiệt tình thì cũng không đóng được vai chính, không đủ khả năng đóng vai chính, thế thôi. Năng khiếu bẩm sinh  là tối quan trọng với một người nghệ sĩ và là mầm mống, cơ sở để xuất hiện tài năng sau này cộng với lao động sáng tạo kiên nhẫn...

PV: Gần người sang thì cũng sáng ra, ở thời mới bước chân vào nghệ thuật ông đã có may mắn được tiếp xúc với cây đa cây đề, tên tuổi lừng lững của nền nghệ thuật nước nhà như cụ Nguyễn Đình Nghi, cụ Thế Lữ... Và ông đã học được gì từ những cây cao bóng cả đó?

NSND Trọng Khôi: Kể cả cụ Nghi và cụ Thế Lữ đều chỉ bảo tận tâm cho các vai diễn của tôi, có được thành công trong vai diễn là nhờ cả vào những người thầy đầu tiên ấy dìu dắt. Thầy Nguyễn Đình Nghi khuyên tôi nhiều lắm. Ông bảo: "Mỗi ngày em hãy cố gắng đọc 100 trang sách".  Tôi vốn ham đọc sách từ nhỏ, thói quen cho đến tận bây giờ. Tôi  đọc nhiều và tự mình cảm thấy nhiều chuyện. Ví dụ như tự dưng ngơ ngẩn, thấy gai gai người mỗi khi nghĩ tới nhiều văn tài trên thế giới và Việt Nam chết năm 27 tuổi, những cái chết đột tử, chết oái oăm, chết rất trẻ.

Ở Nga có Puskin, Lermantov. Việt Nam có Vũ Trọng Phụng và Hàn Mạc Tử cũng đều đi ở cái tuổi 27. Việc đọc nhiều và quan sát cuộc sống tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm cho riêng cá nhân mình. Tôi tâm đắc câu của Lão Tử "Kẻ biết mình thì chỉ là người khôn, nhưng kẻ biết người thì mới là người sang". Một câu như thế này tôi cũng tâm niệm "Biết nói đến đâu là đủ, biết nói đến thế nào là dừng. Nói nữa là tự đưa mình vào chỗ chết". Muốn thế thì phải biết khôn hơn người một chút, đồng thời cũng phải biết ngu hơn người một chút".--PageBreak--

PV: Người ta bảo nghệ sĩ thì thường khác người không phải ở hình thức thì cũng ở tư duy. Cuộc sống hằng ngày của ông bây giờ có điều gì đặc biệt so với mọi người không?

NSND Trọng Khôi: Điều này không biết có ai làm giống mình hay không thì chưa biết. Không cần phải cứ rằm hay mồng một, ngày nào tôi cũng đến bên bàn thờ cha mẹ và em gái tôi thắp hương hai lần. Bao giờ cũng hai nén một ngày. Buổi sáng thắp một nén với nội dung chính là cầu bố mẹ cho con hôm nay làm những điều tốt, và tối trước khi đi ngủ thắp một nén. Nén hương buổi tối, nếu như trong ngày hôm đấy làm được điều gì tốt thì tôi nói: "Hôm nay con đã làm được điều tốt, bố mẹ và em hài lòng nhé".

Còn trong ngày hôm đấy có làm điều gì xấu, cáu gắt hoặc mình ứng xử hơi ác với ai thì về thắp hương thú tội bảo: "Bố, mẹ ơi cho con, và em cho anh giấc ngủ ngon lành, ngày mai hứa sẽ không làm thế nữa...". Chuyện thắp hương thành thói quen, thói quen đó tưởng như bình thường nhưng khi làm mãi thì thành nếp.

Một câu chuyện ngày xưa của thời Trang Tử: Nhà nho tự răn mình. Ông có hai cái hũ đựng hạt đỗ, nếu làm điều gì xấu thì bỏ vào cái hũ bên kia một hạt đỗ đen và bớt đi cái hũ bên này một hạt đỗ trắng. Ngược lại mỗi lần làm được điều gì tốt thì ông cho hạt đỗ trắng và vứt đi hạt đỗ đen, cuối cùng chỉ còn đỗ trắng không còn đỗ đen. Tôi đọc truyện đời xưa rồi cũng tự răn mình theo cách mà mình đã chọn. Vợ và con không hiểu, tôi cũng chả giải thích, mãi về sau hai con trai tôi cười bảo: "Bố buồn cười thật, ngày nào cũng thắp hương".

Ngay cả vợ cũng nói: "Sao anh kỹ lưỡng thế ngày nào cũng phải 2 lần nhang khói?". Tôi nói với con: "Hai con sinh ra cho đến tận bây giờ  các con không thể nhớ mặt được ông bà. Cu thứ hai, ông bà chăm đến khi con 3 tuổi thì ông mất. Thế thì con làm sao nhớ được mặt ông bà, đúng không? Làm sao nhớ được cô Phương thế nào? Nhưng mà bố đây này, các con cứ bảo bố thắp hương lẩm cẩm nhưng bố nói cho các con biết ngày nào bố cũng nhìn thấy ông bà và cô Phương, thế có hơn các con không?". Hai thằng ngồi ngẩn, không biết nói gì được nữa. Đúng quá rồi còn gì. Mỗi lần thắp hương là nhìn thấy mặt người đã khuất chứ mình giải thích nhiều cũng khó, giải thích đơn giản thế là xong.

PV: Hẳn là ông cũng hay đi lễ lắm?

NSND Trọng Khôi: Đi đâu mà qua chùa chiền thì tôi cũng ghé vào thắp hương và để tiền vào hòm công đức. Có những ngôi chùa tôi đến và thấy lòng mình rất thư thái. Như sang chùa Bồ Đề ở Gia Lâm, nơi mà sư nữ, sư thầy nuôi hàng chục trẻ em cơ nhỡ. Tôi thấy tấm lòng của những người tu hành ở đấy hơn hẳn mình. Nhiều ngôi chùa khác cũng nuôi rất nhiều trẻ nhỏ không nơi nương tựa, tôi nói chuyện với nhiều nhà sư, họ không uyên bác nhưng tâm họ đẹp đến mức độ là bản thân họ chả nghĩ gì, thậm chí họ ăn uống kham khổ, ăn chay niệm Phật, họ nhường cho các cháu bé, chăm các cháu như người ruột thịt của mình. Họ hơn hẳn mình.

Tại sao lại không trông thấy đó làm gương để mà chịu học tính thiện. Tôi là người như thế. Tất nhiên tôi có bản lĩnh, thứ hai nữa tôi làm cán bộ nên có những khi cần cương quyết là tôi kiên quyết được, khi cần dứt khoát là tôi dứt khoát được. Nhưng bao giờ tôi cũng phải ôn hòa trước, khi cực chẳng đã rồi thì mới nổi nóng sau. Cũng như gặp một cô gái nào mà cô ấy làm cho mình đau khổ và có lúc mình mềm yếu phát khóc lên thì cái giọt nước mắt ấy cũng là nước mắt bất lực. Bởi vì mình là nam giới tại sao mình đa cảm. Tôi nhiều khi khóc chứ chả đùa đâu. Người ta khóc khi người ta bất lực, đau đớn chứ khỏe mạnh, tươi vui người ta không khóc bao giờ.

PV: Một diễn viên danh nổi như cồn lại từng giữ trọng trách cao ngất ngưởng của ngành sân khấu, bây giờ về thành một NSND giữa đời thường, ông có đúc kết kinh nghiệm gì trong bao năm thăng trầm của cuộc đời...?!

NSND Trọng Khôi: Thôi đừng có nghĩ là mình ghê gớm mà thấy mình dân dã bình thường và sống với nhau trên đời từ từ vững chắc đi xuống Văn Điển. Mà xuống dưới đấy thì không cãi nhau bao giờ, hòa bình vĩnh viễn. Cuộc sống thế thôi chứ làm gì mà ra oai, tác quái chứng tỏ hơn người. Tôi luôn luôn răn mình là đừng cảm thấy mình ghê gớm, bình thường như bao người thôi.

Cuộc đời này sống gửi thác về, cuộc sống hữu hạn nhưng nó hay ở chỗ là anh hãy sống đi, cái điều mà anh làm được tốt nhiều hơn xấu thì càng tốt chứ còn chả có ai là không có khiếm khuyết. Thế bây giờ mình nhìn lên thì bằng ai đâu mà ra vẻ ta đây, nhìn xuống thấy người khác không bằng mình thì lại kiêu căng, thế còn ra cái gì?!...

PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông tiếp tục có những vai diễn mà độc giả đang chờ đợi

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.