NSND Trọng Khôi: Trọn đời dâng hiến…

Thứ Hai, 19/03/2012, 15:45

Nhẹ nhàng từ giã cõi đời, NSND Trọng Khôi gửi hồn nơi chín suối. Vậy là từ đây giới sân khấu và điện ảnh đã mất đi một người con ưu tú. Người con mà trong cuộc sống của đời mình đã nắn nót đóng góp cho nghệ thuật sân khấu và điện ảnh những nhân vật tiêu biểu, lừng lẫy sống mãi với thời gian. Và, cũng từ đây, những người bạn nghề, những người thân, những người dân sẽ mãi mãi không còn thấy bóng dáng thân thương của ông, nhưng trong họ ký ức về ông vẫn được lưu giữ trở mình thức dậy, như một kỷ niệm sâu lắng.

Với nhiều người, NSND Trọng Khôi là một người nghệ sĩ đích thực, cho dù sau này ở cương vị lãnh đạo làm Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân Khấu Việt Nam trong nhiều khóa, thì ông vẫn nguyên tư chất của một người nghệ sĩ thực thụ, thân thương, dễ gần, dễ mến. Những ai đã được tiếp xúc với ông, bao giờ cũng ấn tượng về dáng vẻ khoan thai, tiếng nói từ tốn, những câu chuyện hóm hỉnh, và ông cũng luôn chu đáo, tận tình với mọi người.

Trong nhiều năm tôi may mắn được tiếp xúc với ông vì làm việc ở Tạp chí Sân khấu nơi ông lãnh đạo. Khu đất 51 Trần Hưng Đạo, chỉ trong vòng 10 năm đến giờ, nơi chứng kiến sự ra đi của nhiều người con ưu tú của nghệ thuật: nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Phạm Tiến Duật, họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm… và đến hôm nay lại là sự từ biệt của NSND Trọng Khôi, kỷ niệm về chú Khôi trong tôi lại len lỏi ùa về. Chuyện của ngày nào mà như mới hôm qua, tất cả, tất cả cứ lần lượt hiện ra, rõ ràng vừa gần gũi vừa xa xăm mờ ảo.

Có một lần ông và tôi trò chuyện, tôi hỏi ông rằng: "Thưa chú, người nghệ sĩ có tố chất đặc biệt gì khác người?". Ông chậm rãi bảo: "Người nghệ sĩ dù nấp dưới vẻ ngoài rất bình dị nhưng thực chất là con người luôn dễ cảm xúc. Cái anh nghệ sĩ là tuy vẻ ngoài điềm tĩnh nhưng thực ra bên trong là con người vô cùng nhạy cảm. Người nghệ sĩ phải như thế, nếu không nhạy cảm thì rất khó nắm bắt về người khác. Và, nhạy cảm đôi khi làm cho người ta đãng trí…".

Rồi ông nói: "Người nghệ sĩ như chú thì hay lý sự, hơi ồn ào một tý nhưng thực chất tâm địa không có gì đáng ngại vì cái nghề của bọn chú là trước sau đều bị kiểm duyệt cả. Còn cái anh gọi là đáo để thật sự thì dù có bất bình, không đồng ý thì anh cũng rất biết kiềm chế và không nói gì". Ông bảo, người nghệ sĩ có gì đấy dễ tính hơn, tính gần gụi với công chúng hơn. Ông giải thích có lẽ là do đặc thù luôn tiếp diện với đại thể công chúng chứ không phải tiếp diện với loại người cố định  tri thức cao, mà đại thể công chúng thì mặt bằng văn hóa là trung bình, đối tượng rộng lớn hơn. Vì thế có cảm giác người nghệ sĩ rất dân dã.

Khi ông nói vậy, tôi thấy cũng đúng nhưng cũng chưa đúng hẳn, vì nhiều nghệ sĩ họ cũng lạnh lùng, cũng xa cách với công chúng lắm. Lần này, ông đã xóa tan hết nghi ngờ trong tôi, ông kể: Tuy vậy, cũng có hai loại nghệ sĩ. Người nghệ sĩ biết yêu nghệ thuật trong bản thân thì họ dân dã, khiêm tốn. Còn người nghệ sĩ yêu bản thân mình trong nghệ thuật thì bao giờ cũng thích chưng diện, khoe mẽ ghê gớm. Thậm chí có rất nhiều người chưa phải là nghệ sĩ đích thực đi ra ngoài đường cứ muốn cho mọi người biết mình là nghệ sĩ thì thích diêm dúa, thích yểu điệu, thích thể hiện… chứ người nghệ sĩ đích thực họ không thế. Người nghệ sĩ đích thực hồn nhiên với cuộc đời,  không cần phải thêm thắt gì cả.

Vai diễn của NSND Trọng Khôi trong vở kịch nổi tiếng "Hồn Trương Ba da hàng thịt" .

Trong những lần gặp gỡ khác với ông, khi được hỏi về nghề nghiệp, ông trở nên hào hứng và sôi nổi hẳn. Con người nghệ thuật trong ông vẫy vùng như bản năng, như chảo lửa sôi sục. Niềm đau đáu của nền điện ảnh kịch trường, hay sân khấu nước nhà khiến cho ông không hết day dứt và mạch cảm xúc tựa hồ như một cơn sóng lớn cứ thế tuôn trào trong câu chuyện. Có lẽ, khi sinh ra ông đã có một sứ mệnh đặc biệt, sứ mệnh đó không gì khác là hóa thân, nhập vai vào nhân vật kịch, hay phim trường. Những nhân vật đã được NSND Trọng Khôi nhào nặn, thêm da đắp thịt thành một hình tượng sân khấu. Năm 1970, NSND Trọng Khôi khi đấy còn là một chàng trai trẻ, 27 tuổi với vở "Đôi mắt" và từ vai diễn đầy ấn tượng này chàng thanh niên Trọng Khôi điềm nhiên bước chân vào ngôi nhà nghệ thuật như một sự khẳng định vị thế riêng biệt.

Nhưng, để đến được "Đôi mắt" là một câu chuyện của những người tài, mà ông chia sẻ với chúng tôi. May mắn khi đấy chàng trai trẻ Trọng Khôi được dịp gần những tên tuổi lớn trong làng sân khấu là đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi và cụ Thế Lữ. Sau khi giao vai trong vở "Đôi mắt" cho chàng trẻ tuổi, Nguyễn Đình Nghi nói: "Hôm nào tôi dẫn Khôi về gặp ông bố tôi để xem ông cụ có góp ý được thêm cái gì không vì ông cụ là người rất hiểu biết. Biết đâu lại góp được cái gì nó hay chăng?"

Thế là NSND Nguyễn Đình Nghi dẫn chàng trai trẻ về gặp cha mình là cụ Thế Lữ. Chẳng hiểu lúng túng do đâu mà chàng trai trẻ Trọng Khôi khi đấy lại chào cụ Thế Lữ là: "Em chào anh ạ!". Cụ Thế Lữ nhìn ngạc nhiên và sau đó cụ cười, nói: "Nhớ lần sau đến gặp tôi vẫn phải chào bằng anh nhé chứ không được chào bằng bác đâu. Vì nếu chào bằng bác thì tôi chỉ hơn em ở tuổi tác, còn chào bằng anh thì tôi hơn em ở nhiều phương diện, điều đó làm tôi thấy thú vị hơn chứ". Nói rồi, cụ Thế Lữ còn bảo: "Chưa kể rằng tôi thấy tôi trẻ hơn tôi vui".

NSND Trọng Khôi nhớ lại, là chào thầy Nghi mà lại gọi bố của thầy bằng anh. Hai "anh em" mới nói chuyện về vai diễn sắp tới, chàng trai trẻ hóa thân thành anh thương binh bị mù hai mắt. Cụ Thế Lữ hút thuốc lào xong rồi rì rầm trò chuyện. Cụ Lữ bảo: "Nếu là người bị mù đã lâu thì người ta "nhìn" bằng tai chứ không nhìn bằng mắt. Người mù lâu nhìn ở đâu, nghe ở đâu, người ta hướng ta về hướng đó nhưng em lại mới bị mù, vậy  chắc chắn có lúc "nhìn" bằng tai, nhưng có lúc em quên mất em nhìn bằng mắt mặc dù mắt bị bịt kín".

Cụ Thế Lữ đã thị phạm cho chàng trai trẻ khi ấy. Và với sự tìm tòi của riêng mình người nghệ sĩ khám phá: "Người bị mù thường đi rờ rẫm, việc đi lại sẽ thạo nhất là trong căn phòng của riêng họ. Người mù đi đến đích bao giờ cũng đi chậm lại và rờ rờ…". Sau đó, hàng chục đoàn nghệ thuật trên cả nước, hàng chục diễn viên đóng "Đôi mắt" nhưng quả thực không ai có thể bước qua vai diễn của chàng trai trẻ Trọng Khôi khi ấy.

Trong hành trang nghệ thuật sân khấu hàng chục năm của mình, ông đã đi qua nhiều vai diễn, nào Trương Ba trong vở "Hồn Trương Ba da hàng thịt" của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Nào, Ê-rốt-tơ-rát. Nào vua Bảo Đại trong "Lịch sử và nhân chứng". Nào Đờ Cát trong "Bài ca Điện Biên". Rồi vua Lia… Hàng chục nhân vật qua tay người phù thủy điêu luyện đã biến bùa, làm phép để mê hoặc, dẫn dụ công chúng khán giả. Không có phần thưởng nào cao quý hơn cho người nghệ sĩ là lời khen tặng của người thầy xuất phát từ cảm phục, mến yêu.

Một lời khen của đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức mà cho đến năm tháng cuối đời NSND Trọng Khôi vẫn còn nhớ: "Khôi nó đóng vai này chả giống một NSND nào cả nhưng mà nó là thằng Khôi đóng vua Lia. Không ai đóng giống Khôi cả, chính vì thế cho nên tôi rất thích". NSND Trọng Khôi tươi cười bảo với tôi rằng: "Đóng không giống ai thì đấy mới là tư chất người nghệ sĩ, họ không bao giờ chịu lập lại".

Khoảnh khắc hạnh phúc của NSND Trọng Khôi bên những người bạn nghề trên sân khấu: NSƯT Lê Mai, NSND Lê Khanh, NSND Phạm Thị Thành…

Đạo diễn NSND Dương Ngọc Đức khi sống đã từng nhận xét về người học trò của mình: "Trọng Khôi diễn dung dị, trí tuệ, khái quát mà không giống ai". Với cái sự đóng không giống ai này trong sự nghiệp điện ảnh của mình, ông đã để lại ấn tượng sâu sắc vai Nghị Hách trong phim "Giông tố". Quả thật, sau bộ phim hàng chục năm người ta vẫn trìu mến gọi ông là Nghị Hách. Ông Nghị trong phim "Giông tố" đã để lại một ấn tượng đặc biệt và cho đến giờ khi nhắm mắt lại người ta vẫn thấy thần thái ấy, động tác ấy hiển thị rõ mồn một khi nhớ đến vai diễn trong phim của NSND Trọng Khôi.

Và trong khi chúng tôi được trò chuyện với ông về nhân vật đặc biệt này, ông hào hứng kể: “Khi đóng Nghị Hách, chú nghĩ mãi không ra cách gì để diễn đạt rồi một ý nghĩ lóe lên: Nghị Hách là một kẻ háu gái, láu cá láu tôm thì giọng cười phải khác. Tên này thuộc nhóm máu dê, nhìn thấy gái thì như quạ sa chuồng lợn, khi đấy chú bật nghĩ sao tiếng cười lại không giống dê nhỉ? Thế là từ đó chú mới nghĩ là nếu hoàn toàn cười như con dê thì lại áp đặt mà hơi khô cứng, vậy phải cười như dê mà lại là người cười. Tiếng cười nghe dâm đãng, mà nó ẹ ẹ như tiếng con dê thì ra Nghị Hách. Chả có ai cười như vậy, chỉ có Nghị Hách mới cười như thế”.

Với vai diễn nào, người nghệ sĩ tài hoa trong ông vẫn tìm được cho mình một lối biểu đạt riêng giàu ngôn ngữ truyền cảm. Trong gia đình ông, ngoài ông ra không ai theo ngành nghệ thuật. Cả hai cậu con trai của ông cũng không có thiên hướng nghệ thuật, NSND Trọng Khôi chẳng lấy đó làm buồn vì ông nghĩ: Người nghệ sĩ phải có khả năng thiên phú. Tài năng bắt nguồn từ khả năng thiên phú bẩm sinh, cộng với sự lao động kiên nhẫn và sáng tạo khôn cùng. Các con đi con đường nào thì mình cũng ủng hộ. Không vì mình thích mà bắt các con phải theo ý thích của mình.

NSND Trọng Khôi là người có tiếng là thương người, gặp những chuyện bất công trong xã hội, ông thường ra tay cứu giúp hoặc can thiệp. Nhiều câu chuyện về sự nhân nghĩa với cuộc đời đã được đăng tải trên các trang báo viết của Chuyên đề ANTG. Rất đỗi dịu dàng với bạn bè nhưng ông cũng vô cùng thẳng tính trong công việc. Chuyện là, một người bạn nhờ uy tín của ông để xin cho con họ vào làm diễn viên của một nhà hát. NSND Trọng Khôi khẳng khái bảo với bạn: "Tốt nhất hãy đưa cháu đến để tôi kiểm tra…". Bằng con mắt tinh tường, lão luyện hàng chục năm trong nghề, NSND dễ dàng nhận ra đứa trẻ này hoàn toàn không có năng khiếu, ông liền nói với người bạn của mình: "Cháu nó rất khó tiến vào nghề này, tốt nhất là đừng cho cháu vào ngành học này bởi vì nếu cứ cố thì dù cháu nó có học đến nơi đến chốn xong cũng không thể trở thành tài năng được. Mà khi không tài năng thì cháu nó khổ lắm".

Ông chia sẻ với người bạn của mình: Nghề này không giống như nghề khác. Nếu không có tài không ai phân cho đóng vai chính. Nghề này sống lâu không lên lão làng. Nghề này không nói chuyện lớp 1 thì kém lớp 12. Nghề này có học sinh vừa mới vào học thậm chí có năng khiếu thì vừa mới đi đóng phim đã nổi tiếng, còn có khi có những bác già suốt cả cuộc đời cũng chỉ đóng mỗi vai quần chúng. Vì có nhiệt tình thì cũng không đủ khả năng đóng được vai chính.

Ông lúc nào cũng trung thực với nghề, cho dù có người không mấy ưa ông vì không chịu được cái sự từ chối thẳng thừng với sự thật trần trụi như vậy. Mặc kệ, NSND vẫn thẳng thắn với nghề, không né tránh cũng không thêm đường vào thuốc cho bớt đắng. Có nhiều người yêu quý, tôn trọng, thậm chí nể trọng ông về cái sự tài hoa trong nghề nghiệp, cái sự hết mình vì bè bạn, cả gần gụi, dễ mến ở nơi ông lan tỏa. Cho dù thế nào đi chăng nữa, ông vẫn mãi là người nghệ sĩ đích thực. Ngay cả khi người nghệ sĩ ấy trút hơi thở cuối cùng, khi người thân và bạn bè rơi những giọt nước mắt tiếc thương, người nghệ sĩ ấy trên khuôn mặt phúc hậu vẫn nở một nụ cười ngọt ngào và đi vào cõi vĩnh hằng với một niềm thanh thản. Rằng khi sống ông đã từng giây, từng phút dâng hiến hết mình cho cuộc đời, thì có chi khi nằm xuống mà phải hối tiếc, vấn vương.

* Ảnh trong bài: Nguyễn Đình Toán

Mỹ Trân
.
.