NSND Vũ Thị Minh Huệ: Như cánh chim không mỏi…

Chủ Nhật, 22/12/2019, 13:53
22-12, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam nhớ về Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Minh Huệ, một sosilt chính hiệu của đoàn chèo Quảng Ninh. Chị vừa trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12-12 vừa qua trong vòng tay yêu thương của chồng con.

Con đường nghệ thuật của chị có nhiều kỉ niệm sâu sắc gắn liền với cung đường Trường Sơn tuyến lửa. Chị có 3 em trai làm bộ đội đặc công, trong đó 2 người đã hi sinh vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị, đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Mẹ chị được nhà nước phong là bà mẹ Việt Nam anh hùng đợt đầu tiên.

Và, trong nhật kí của người nghệ sĩ tài năng này còn có kỉ niệm đáng nhớ là 2 lần được vào Phủ Chủ Tịch ngâm thơ cho Bác Hồ nghe. Người nghệ sĩ đáng mến đã về với trời đất mênh mang theo lẽ tự nhiên, phiêu diêu cùng gió thoảng, mây ngàn, để lại nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi cho người ở lại.

Nữ nghệ sĩ đầu tiên đóng vai chiến sĩ anh hùng Mạc Thị Bưởi

Nói đến đất chèo Quảng Ninh, không ai là không biết NSND Minh Huệ. Thực ra chị không phải người quê gốc ở vùng than này. Cô bé Huệ được sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Cống, xã Hoàng Tiến, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Từ khi cất tiếng khóc chào đời ở vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ ảnh hưởng văn hóa làng xã nông nghiệp với những mái đình, giếng nước, gốc đa, bờ tre ruộng mật đã ăn sâu, tưới tắm vào tâm hồn nhạy cảm, đa mang cốt cách của người nghệ sĩ.

Chị yêu say đắm tiếng hát chèo, 16 tuổi đã vào Đoàn chèo Hải Dương. Làng quê ấy với những đêm trăng thanh tát gàu sòng, với 3 em trai vui đùa bên nhà tranh vách đất, ngày ngày cùng cha mẹ ra đồng cày cấy, đêm trải chiếu nằm dưới sân ngắm ánh trăng thanh, dưới rặng tre già.

Nghệ sĩ Minh Huệ đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2016.

Những năm còn ở đoàn văn công Hải Dương, chị đóng vai nữ chiến sĩ anh hùng Mạc Thị Bưởi trong vở chèo “Sóng Kinh Thầy”, phả vào đó hơi thở tình yêu quê hương đất nước, ý chí và lòng căm thù giặc ngoại xâm. Vai diễn thành công ngoài sự mong đợi, chính vai diễn này đã dấy lên trong thôn xóm, cùng với bao chàng trai trẻ ở vùng quê nghèo Hải Dương, hay những nơi chị theo đoàn văn công đi biểu diễn lòng yêu nước nồng nàn.

Chị cũng không ngờ, vai nữ anh hùng đó đã có tác động sâu sắc ngay cả với gia đình mình. Sau này, cả 3 cậu em trai, từng người từng người một, đủ 17 tuổi là tự nguyện đăng kí lên đường nhập ngũ. Ngày chia tay cứ bịn rịn mãi không rời. 

Ngay từ những năm đầu tham gia văn công tại Đoàn chèo Hải Dương, chị vốn là một đoá hoa sắc nước hương trời, nhan sắc rực rỡ kiêu sa với giọng ngâm thơ và là một văn công xuất sắc nên đã 2 lần được mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Bác Hồ xem. Khi chị ngâm thơ xong, Bác hỏi chị làm gì.

Chị thưa với Bác: “Cháu ở Đoàn chèo Hải Dương”. Bác ôn tồn bảo chị: “Cháu tên là Minh Huệ, minh có nghĩa là sáng, huệ có nghĩa là đẹp và thơm. Hát chèo là một nghề cao quý, cháu rất có năng khiếu nên dù thế nào cũng theo nghề này chứ đừng bỏ nhé”.

Nhớ lời Bác dặn, chị miệt mài trau dồi và chăm chút, xả thân với nghề. 2 lần được vào biểu diễn cho Bác càng tăng thêm động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho chị yêu chiếu chèo của quê hương như tình yêu máu thịt.

Kỉ niệm đầu đời tuổi ấu thơ cứ như nốt nhạc êm đềm và mượt mà. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vu, năm 1968 cũng là năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ngày càng ác liệt, chị chuyển về Đoàn chèo Quảng Ninh, cùng với các văn nghệ sĩ phục vụ bộ đội, thợ mỏ và bà con làng chài. Từ những vai diễn ngắn trong “Con gà chăm chỉ”, “Đường về trận địa” cho tới khi chị bùng nổ ở sân khấu với tiếng hát người Dao, tiết mục chị được Huy chương Vàng toàn quốc vai diễn xuất sắc nhất. Ngay sau đó là hàng trăm đêm diễn trên khắp các cung đường và tiết mục được thu thanh trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Kỷ niệm của người nữ văn công xung kích

Năm 1970, chị cùng đoàn văn công xung kích của Quảng Ninh đi 2 năm vào cung đường Trường Sơn, tham gia cấp dưỡng, cứu thương, trực tiếp hát, ngâm thơ, diễn chèo, quan họ phục vụ bộ đội và dân công hỏa tuyến...

Vở chèo “Cầu Phúc”, nghệ sĩ Minh Huệ vai nhũ mẫu, Huy chương vàng Hội diễn Sân Khấu năm 1988.

Giữa đại ngàn xanh ngút của núi rừng, chứng kiến những đợt bom dội, pháo rơi, cây cối đi qua một trận càn quét, thân cháy nham nhở, đứt gãy, mùi khói súng khét lẹt, giữa biết bao đau thương mất mát sự hi sinh của những người lính trẻ mãi mãi nằm xuống nơi ấy, tiếng hát của chị càng thêm nồng nàn, da diết.

Giọt nước mắt khóc cho những người đồng chí, đồng đội đã hi sinh như thấm vào đất, như tiếp thêm sức mạnh cho chị và đồng đội. Cũng trong 2 năm đi chiến trường, vừa làm cấp dưỡng, cứu thương, chị vừa để ý đi tìm đơn vị của 3 người em trai đang đóng quân ở quanh đây.

Rồi đến một ngày, ngày đáng nhớ nhất trong kỉ niệm chiến trường của chị. Đó là một ngày định mệnh, sau khi nỗ lực cống hiến cho chiến trường, chị nhận được Huân chương Kháng chiến Hạng 3, số phận run rủi cho chị được gặp 3 người em trai là bộ đội đặc công vào mùa hè năm 1971.

Giữa rừng xanh xào xạc lá, giữa tiếng gió hun hút của núi rừng Trường Sơn, những kí ức ùa về với cả 4 chị em. Niềm vui và cả những giọt nước mắt, sự nhớ nhung. Họ nhớ về thuở ấu thơ là những đứa trẻ mò cua bắt ốc, cắt cỏ chăn trâu tại quê nhà, nơi cánh đồng thẳng cánh cò bay, với đêm hè râm ran tiếng ve và ngày đông buốt giá sưởi ấm bên ánh lửa bập bùng.

Tiếng con chẫu chuộc với những ngày mưa lấy chậu ra hứng nước chảy tong tong, gió mùa đông bắc ập đến, mấy chị em co ro trong cái lạnh đợi khi mẹ lót thêm ổ rơm vàng cho ấm. Trong căn nhà tranh ở mái quê nghèo đấy, mấy chị em chia nhau từng bắp ngô, củ khoai, miếng sắn. Kỉ niệm dạt dào thương nhớ cứ réo gọi nối đuôi nhau ùa về ngay giữa nơi đạn bom ác liệt...

Cả 4 chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi, họ kể cho nhau nghe về những câu chuyện ở quê nhà và cả chiến sự ngày càng ác liệt ra sao, những trận đánh, những chiến công của đơn vị.

Và cả câu chuyện về những người lính trẻ đến từ khắp các miền quê của đất nước cùng có chung một lí tưởng, một con đường. Họ mong có ngày chiến tranh sớm kết thúc để sớm trở về quê nhà gặp lại cha mẹ. Cuộc gặp gỡ định mệnh của 4 chị em giữa cánh rừng xanh bao la, chị cũng không ngờ sau cuộc gặp gỡ ấy, chỉ có một người em quay trở về.

Hai người em của chị đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường xa xôi. Hai người em trai trẻ tuổi đã hi sinh cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Có thể họ nằm lẫn ở đâu đó cùng những ngôi mộ tập thể của hàng trăm, hàng nghìn người lính Trường Sơn đã hi sinh. Ở nơi đại ngàn ấy còn biết bao nhiêu ngôi mộ của những người lính trẻ chưa xác định danh tính, mà có lẽ mãi mãi không thể xác định được.

Khi đất nước không còn chiến tranh, đã lặng yên tiếng súng, mẹ của chị được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người mẹ tảo tần ấy vẫn luôn đau đáu nhớ về hai con với tình yêu thương thiết tha và đau đáu trăn trở không biết các con của mình nằm ở đâu! Gia đình đã đi tìm nhưng vẫn bặt âm vô tín.

Mối tình kì lạ

Người con gái đất chèo Hải Dương lúc về với đoàn văn công đất Mỏ khi 28 tuổi và đã qua một lần đò. Là một sosilt chính của đoàn, chị nổi lên với một seri những vai diễn ấn tượng, thành công như: Xúy Vân, Kiều, cô Tấm, Thị Kính... Vẻ đẹp dịu dáng của nữ diễn viên tài sắc làm cho chàng diễn viên trong đoàn ngây ngất. Năm đó nữ nghệ sĩ Minh Huệ đã 34 tuổi, còn chàng diễn viên trẻ Bằng Thái trong đoàn văn công mới 23 tuổi.

Vở chèo “Sóng Bạch Đằng”, nghệ sĩ Minh Huệ vai bà cụ ở Bến Rừng, Huy chương Vàng Hội diễn Sân Khấu năm 1984.

Một ngày đẹp trời, ông bố của cậu đang ở nhà thì thấy con trai của mình chạy về hớt hải nói: “Bố ơi, con muốn cưới vợ”. Bố quay sang hỏi: “Thế nó là đứa như thế nào?”. Cậu trả lời: “Là diễn viên chính trong đoàn hơn con 11 tuổi, tên là Minh Huệ”. Bố bảo: “Thế có xinh không?”, cậu không ngần ngại, đáp ngay: “Xinh lắm bố ạ và còn diễn hay nữa”. Bố liền bảo: “Xinh thì được, đồng ý cho cưới”. Không lâu sau đó đám cưới nhanh chóng diễn ra.

Minh Huệ đến với Bằng Thái khi chị đã qua một lần hôn nhân nhưng vẻ đẹp chín đằm, ngọt ngào của người đàn bà mang đến cho người trai trẻ rạo rực khi bước vào vườn yêu. Họ cùng nhau thăng hoa trong bến bờ tình yêu và cả cảm hứng trữ tình nghệ thuật.

Còn nhớ Ngày Quốc tế thiếu nhi mồng 1 tháng 6 năm 1975, ngay sau khi đất nước khi thống nhất, hai miền Nam Bắc sum họp một nhà, Trại hè Thiếu nhi toàn quốc được tổ chức ở Bãi Cháy. Lúc này nghệ sĩ Minh Huệ đang mang bầu đứa con đầu tiên cho nghệ sĩ Bằng Thái ở tháng thứ 8, sắp đến ngày khai hoa nở nhụy. Vì bầu to nên chị không thể đảm nhận vai diễn  nhưng nhất quyết muốn đóng góp cho trại hè. Chị cùng đoàn văn công đến trai hè và chị hát cho các cháu thiếu nhi nghe.

Sau đêm diễn, chị lên cơn đau bụng, Bằng Thái sợ xanh mắt, luống cuống chở vợ ra phà để về trạm xá. Trên chuyến phà đêm ấy, chị lên cơn đau đẻ, các anh bộ đội cuống lên, người đun nước, người trải chiếu. Và ngay sau đó, không thể đợi lên được trạm xá, Minh Huệ đã hạ sinh một tiểu công chúa, đứa bé khóc vang cả chiếc phà.

Kể cũng vui, ngày đó chẳng có siêu âm như bây giờ, chỉ khi đứa bé sinh ra mới biết là trai hay gái, ông bố trẻ lần đầu làm bố luýnh quýnh như gà mắc tóc. Lúc trước, anh cứ đinh ninh đứa bé này là trai, sẽ đặt tên là Nguyễn Bằng Phà, vì lấy họ mình, tên ghép lại và đứa bé đẻ ở chuyến phà đêm.

Nhưng, đứa trẻ sinh ra lại là gái nên các anh bộ đội trên chuyến phà đó nói đừng đặt tên cô bé là Phà, nghe nó trúc trắc, sợ sau này khó lấy chồng. Các chú bộ đội lại bảo: “Hay đặt tên là Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Anh, có nghĩa là viên ngọc sáng, đẻ ở chuyến phà giữa vùng biển vịnh Hạ Long”. Nữ nghệ sĩ Minh Huệ lúc đó mệt quá, chỉ biết đến khi thấy bụng mình nhẹ bẫng và đứa trẻ tuột ra, cất tiếng khóc oe oe, chị mới biết mình đã vượt cạn thành công...

Những năm cuối đời, nữ nghệ sĩ nhân dân Minh Huệ phải ngồi xe lăn nhưng tinh thần vẫn luôn lạc quan và có niềm tin vô biên vào Phật pháp. Ở ngôi nhà của mình, mỗi khi bật ti vi xem vở diễn sân khấu chèo, tình yêu nghề lại trỗi dậy như những đốm lửa nhỏ trong lòng người nữ diễn viên gạo cội nức tiếng một thời.

Thi thoảng là tiếng kinh tiếng kệ đều đều phát ra từ cái đài nhỏ trên đầu giường. Giờ thì nữ nghệ sĩ nức tiếng một thời đã từ biệt chúng ta vi vu tới miền đất khác, để về với cỏ cây hoa lá, với đất trời rộng mở, để lại nỗi niềm thương nhớ ở lại cho bao người.

Trần Mỹ Hiền
.
.