NSND Xuân Hoạch – Phiêu diêu với cây đàn dân tộc

Thứ Hai, 06/05/2013, 17:35

Ông đã chọn nghề hay nghề đã chọn ông? Duyên nợ vấn vương, hơn nửa thế kỷ gắn bó keo sơn với những cây đàn dân tộc, NSND Xuân Hoạch đã đóng tên mình lên dòng âm nhạc dân gian truyền thống như một nghệ nhân khó bề thay thế. Mỗi khi nghe ông tấu lên một giai điệu nào đó, tiếng đàn da diết gọi mời, ngân nga sâu lắng. Lúc thoảng trong như hồ thu, khi ầm ào dữ dội như thác đổ, lúc thánh thót mưa rơi, người nghe lại chếnh choáng men say, ngây ngất đưa hồn mình phiêu diêu, bồng bềnh vào cõi mộng…

Trên sân khấu nhỏ, cụ Kim Đức - một nghệ nhân ca trù nức tiếng đất Hà thành, người chân truyền duy nhất của loại hình âm nhạc độc đáo còn sót lại nay đã ngoài 80. Cụ được mệnh danh là người có tiếng phách trạng nguyên đang thảnh thơi cất giọng trời ban luyến láy. Bên cạnh, không ai khác là NSND Xuân Hoạch đệm đàn.

Bản hợp âm giữa hai nghệ nhân - một ca nương độc nhất vô nhị của dòng âm nhạc dân tộc ca trù, một lão làng của dòng âm nhạc dân gian truyền thống kết hợp như một sự hòa trộn giữa trời và đất, giữa âm và dương, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, hẳn là một tổng thể không thể tách rời.

Ma lực của giọng hát và tiếng đàn ma mị hòa quyện, quyến rũ khiến cho người nghe như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Người ta quên đi sầu muộn, quên đi thực tại, quên cả những buồn vui vu vơ bất chợt để đắm mình vào thế giới của thanh âm giai điệu.

Cụ Kim Đức xem ra nét mặt tỏ vẻ hài lòng khẽ đưa mắt nhìn về phía bạn diễn của mình - NSND Xuân Hoạch, cụ trìu mến bảo: "Ông Hoạch hôm nay chơi bốc quá!". "Ông Hoạch" so về tuổi thì ông thuộc thế hệ đàn em của cụ Kim Đức. Ông vào nghề khi mới lên 5, lên 6 tuổi. Nghĩa là khi ông bi bô đánh vần bảng chữ cái đầu tiên thì cũng là lúc ông làm quen với những cây đàn dân tộc. Quê ông ở Thái Bình, cái nôi của chiếu chèo đất Bắc.

Gia đình ông đông anh em, ông bà cha mẹ anh chị trong nhà ai cũng thuộc vài làn điệu chèo. Sinh hoạt văn hóa làng xã ngấm vào ông từ hồi thơ bé, cảnh quan thiên nhiên với những cánh đồng lúa bát ngát và đàn cò trắng bay, dòng sông đỏ nặng phù sa, như một bức tranh phủ màu lung linh gieo vào tâm hồn của cậu bé mơ mộng sự tưởng tượng của những âm thanh kỳ lạ. Mới 6 tuổi cậu đã ở trong đội văn hóa của làng. Khi ca hát, lúc đệm đàn, cậu bé này ngay từ nhỏ đã sớm bộc lộ tư chất của một nghệ sĩ tài năng.

Tuổi thơ gắn bó với làng xã chốn thôn quê mộc mạc, với cây gạo đầu làng trổ bông đỏ rực, cả những mái nhà tranh đơn sơ lẩn khuất sau bụi tre, hay đám chuồn chuồn rập rình trên bờ ao, rồi giàn hoa thiên lý trước hiên nhà, giàn bầu bí đua nhau đơm hoa kết trái, từ mái đình, giếng nước, cây đa… Cảnh quan thiên nhiên thân thuộc yêu dấu ấy như một thước phim quay chậm đã in đậm vào tâm hồn nhạy cảm và chính là tiền đề để con đường âm nhạc đậm chất dân gian của cậu bé thành công sau này.

NSND Xuân Hoạch đệm đàn cho nghệ nhân ca trù Kim Đức hát.

Năm 1966, Trường Âm nhạc Việt Nam tuyển sinh (nay là Trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), khi ấy cậu bé Hoạch vừa tròn 16 tuổi, trúng tuyển. Trường Âm nhạc Việt Nam mỗi năm tuyển sinh một lần, học sinh ở khắp vùng miền từ Quảng Bình đổ ra. Khóa học năm đó có khoảng 70 học sinh học nhạc cụ dân tộc truyền thống. Ông được nhận vào học lớp đàn nguyệt do cố NSND Xuân Khải,  tác giả của rất nhiều tác phẩm độc đáo cho đàn nguyệt) là người thầy đầu tiên chỉ dẫn.

Những năm học Trường Âm nhạc là giai đoạn Mỹ bắn phá miền Bắc. Trường nhiều lần phải đi sơ tán. Ông theo lớp học tản cư lên Hà Bắc. Mỗi chuyến đi, người bạn đồng hành thân thiết của ông là cây đàn nguyệt, đàn tứ và cả đàn bầu. Lớp học trong những năm tháng chiến tranh vất vả nhưng lại rất đầm ấm. Lớp được dựng từ một hầm trú ẩn dưới lòng đất. Cuộc sống khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng niềm đam mê với loại hình nghệ thuật mà mình chọn chưa bao giờ nguội.

Trái lại, chính trong mưa rơi đạn lạc, tinh thần lạc quan của một sinh viên nhạc viện bao giờ cũng có thừa sự mơ mộng lãng mạn đã thổi bùng lên trong tâm hồn cậu một sức sống mãnh liệt với niềm đam mê âm nhạc. Bầu, nguyệt, tứ, nhị… như những người bạn tri kỷ, tâm giao mà bất cứ giờ rảnh rỗi nào cậu cũng ở bên để "thổn thức và xao xuyến cõi lòng". 

Mỗi một cây đàn là một dáng điệu và âm thanh khác nhau. Bầu như người con gái nỉ non da diết, sầu buồn, lắng đọng. Nhị như người đẹp thướt tha mong manh, dịu dàng. Nguyệt lại là cô nàng đỏng đảnh khó đoán khôn lường vì ở cây đàn này thể hiện được rất nhiều cung bậc tâm trạng tình cảm khác nhau, lúc thoắt vui khi chợt buồn, lúc rộn ràng tưng bừng náo nhiệt, khi ai oán não nùng…

Chàng trai trẻ lòng tràn trề nhiệt huyết say mê khám phá những "cô bạn". Càng đi lại càng ngỡ ngàng. Càng bước đến lại càng si mê. Quả thật, dù gì đi chăng nữa cả khóa học khi ấy gần 70 người nhưng để chung tình đi đến cuối chặng đường với các "người đẹp" như cậu thì quả thật hiếm thay. Sau này, chính Xuân Hoạch đã dành tâm huyết cả đời để tìm những phương thuốc thần bí quyết phục dựng lại "nhan sắc" cho các "người đẹp".

Sau 4 năm học tại nhạc viện, Xuân  Hoạch được Đoàn Ca múa Trung ương chấm, và ngay sau khi ra trường ông đã về đây công tác. Thời kỳ đó, Đoàn Ca múa Trung ương là cái nôi của rất nhiều ca sĩ nghệ sĩ nức tiếng như Tân Huyền, Thu Hiền, Kiều Hưng, Vũ Dậu, Mạnh Hà, Quốc Hưng, Trần Hiếu…Về sáo có Đinh Thìn, đàn nguyệt có Bá Phổ, đàn bầu có Đoàn Anh Tuấn… Họ đều là những nghệ sĩ gạo cội, tên tuổi trong làng âm nhạc.

Sống trong môi trường âm nhạc như vậy nên con người nghệ sĩ trong Xuân Hoạch cũng được nuôi dưỡng và trau dồi. Vốn có năng khiếu và niềm đam mê say đắm với âm nhạc dân tộc, ông  mày mò tự học rồi đúc kết kinh nghiệm từ các đồng nghiệp và cả những người đi trước. Văn ôn, võ luyện, tiếng đàn của ông ngày một đằm hơn, sâu lắng hơn. Cuộc đời người nghệ sĩ của ông thăng trầm cùng với biến cố lịch sử của đất nước. Trong những năm tháng chiến tranh, ông cùng đoàn đi lưu diễn cho các đơn vị bộ đội từ nơi đèo heo hút gió tới khắp lượt mỏ than tại vùng Quảng Ninh…

Mỗi hành trình trong chuyến đi là một kỷ niệm. Đến giờ khi người nghệ sĩ đã có tuổi, chân bắt đầu yếu thì người ta sống bằng ẩn ức hoài niệm. Ông Hoạch vẫn nhớ như in những tháng ngày xưa xa lắc đó. Khi cùng đoàn văn công đang diễn cho một đơn vị bộ đội thì máy bay địch vèo qua, có khi đang hát, đang đàn lại phải chạy ngay xuống hầm trú ẩn. Rồi khi trời quang mây tạnh, máy bay địch rút đi rồi, các văn nghệ sĩ lại lồm cồm bò ra khỏi hầm, lại tiếp tục ca hát tưng bừng như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra. 

Những cây đàn dân tộc do chính NSND Xuân Hoạch tự tay làm.

Khi tôi đến nhà ông - nghệ sĩ Xuân Hoạch, ấn tượng đầu tiên là cả chục cây đàn dân tộc mang dáng vẻ vô cùng độc đáo. Thì ra, ông tự tay làm cả đấy; chỉ có số ít trong đó là mỗi lần lưu diễn ở nước ngoài ông thấy một cây đàn bắt mắt mua mang về chơi. Thú chơi giản dị mà tao nhã thường chỉ có ở các nghệ nhân. Những cây đàn được treo trên tường chật kín phòng khách. Cái hay và độc đáo của người nghệ sĩ tài hoa này không chỉ dừng lại ở mức một nhạc sĩ, một nhạc công mà ông còn là một người thợ thủ công lành nghề chế tạo những món đồ tinh xảo.

Người nghệ sĩ tài năng này được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo và luôn hoài niệm về quá khứ. Ông đã chế tạo ra những nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, sáo… bằng chính những chất liệu dân gian như tre, trúc, bầu, tơ… Chế tác ra một loại nhạc cụ dân tộc quả là một nghệ thuật. Ông đặt mua bầu tận ở miền trong, rồi dây đàn nguyệt hay đàn đáy, đàn tứ được làm bằng tơ kén của con tằm.

Ông cặm cụi, tỉ mỉ tết bện những sợi tơ mỏng mảnh nhỏ xíu vào thành một sợi to để làm dây đàn. Dây đàn được làm bằng tơ thay cho dây đàn được làm bằng nylon nghe thanh âm khác hẳn, nó ngọt ngào, sâu lắng và ấm áp hơn nhiều. Không chỉ làm ra những cây đàn có âm thanh tinh khiết mà ở đó ông còn muốn chúng phải mang đậm dáng vẻ, hồn cốt Việt Nam.

Ngắm mỗi cây đàn do ông tự tay làm là một nghệ thuật của sự sáng tạo. Ông đã gửi biết bao tình cảm của mình vào đó. Điểm xuyết họa tiết con chuồn chuồn xinh xinh đậu trên đỉnh đàn là một ý tưởng độc đáo của ông. Con chuồn chuồn tre vừa ngộ nghĩnh, bắt mắt lại rất Việt Nam mà trên thế giới không nơi nào có được. Trên hành trình dài bất tận về các chuyến đi lưu diễn của ông ở nước ngoài, các bạn bè quốc tế vô cùng lạ lẫm vì không hiểu: Tại sao một loại nhạc cụ có hình dáng vô cùng đơn giản thế này lại tạo ra những thanh âm hay đến vậy?

Mặc dù năm 2007 ông được phong danh hiệu NSND, nhưng không phải ông không có  trăn trở suy tư với nghề, với đời. Người nghệ sĩ nào cũng vậy, đã trót mang nghiệp ca cầm thì ít nhiều tâm hồn cũng bão bùng, giông gió. Mặc dù người đời nhìn vào ông, con đường ông đi được trải thảm đỏ của hoa hồng. Tuy nhiên, sự thực thì hơn 50 năm chứng kiến các bước thăng trầm lịch sử, chứng kiến từng bước chuyển mình của đời sống văn hóa, xã hội, người nghệ sĩ trong ông luôn đau đáu với âm nhạc truyền thống, với những người bạn nghệ nhân.

Âm nhạc truyền thống là vốn văn hóa phi vật thể của đất nước và con người Việt Nam. Phi vật thể đấy không thể mất đi, không thể thất truyền cho dù cũng đã có giai đoạn không được coi trọng đúng nghĩa. Đã có không ít những nghệ nhân không được may mắn như ông, họ lưu lạc tha hương khắp nơi cùng chốn. Cuộc sống đàm đạm trôi qua một kiếp người. Người nghệ sĩ dân gian ấy cho đến khi sức tàn lực kiệt mới được vinh danh hai chữ "Nghệ nhân".

Bây giờ đây, dù rằng thời đại mở cửa giao lưu, hội nhập của những máy tính bảng và siêu điện tử, dance, hiphop… của cả các thứ âm nhạc hỗn độn quay cuồng, cũng may còn một số lớp trẻ vẫn có sự say mê với dòng âm nhạc dân gian truyền thống. Thôi thì, cầu toàn làm chi, nản chí làm gì. Tuy rằng mỗi thời một khác, người ta thể hiện cách yêu nghệ thuật theo những cách khác nhau. Nhưng nghệ thuật đích thực không bao giờ mất đi, nó vẫn lung linh tỏa sáng và đương nhiên bất biến

Mỹ Trân
.
.