NSND Bùi Đắc Sừ vượt qua bạo bệnh: Nhọc nhằn nhưng đầy hy vọng

Thứ Năm, 26/11/2015, 15:00
Căn nhà yên tĩnh của ông ở ngõ Nghệ sĩ, con ngõ lạ mà quen bởi gắn liền với dấu ấn một đời làm nghề, cho dù ông, đã xa rời sân khấu chèo nhiều năm nay. Bùi Đắc Sừ là cái tên đã gắn liền với nhà hát Chèo Việt Nam khi nhiều năm liền ông làm giám đốc, là người đã góp phần lớn đào tạo, bồi dưỡng và nâng đỡ một thế hệ "vàng" của bộ môn nghệ thuật truyền thống đã và đang dần bị yếu thế trong thời đương đại.

Khi nói về một loại hình nghệ thuật đã gắn bó cả đời với mình, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bùi Đắc Sừ ví von: Nó phải chống đỡ với nhiều "phương thuốc" để mong được vực dậy, như chính cách mà ông đang ngày ngày chống đỡ lại căn bệnh ung thư vòm họng cũng như dăm ba loại bệnh khác trong con người mình: Thuốc đắng nhưng dã tật, nhọc nhằn nhưng đầy hy vọng...

200 vở chèo và sự lao lực của một nghệ sĩ

Cho đến nay, NSND Bùi Đắc Sừ không nhớ hết các vở mình đã làm đạo diễn. Ông tính trung bình và ra con số tương đương khoảng 200 vở cho các đoàn cải lương, các đoàn kịch trên toàn miền Bắc. Ở một số địa phương, như Đoàn chèo Phú Thọ chẳng hạn, một mình ông dựng tới gần 30 vở và hơn một nửa trong số đó đoạt Huy chương Vàng, Bạc, trong các hội diễn.

NSND Bùi Đắc Sừ chia sẻ: Ngồi bên trang giấy, ông dường như trở thành một người khác, say mê, đắm đuối với các nhân vật, lời hát, các đoạn, cảnh, các tình huống làm nên vở diễn. Dường như đó là một thế giới khác biệt mà ông được say mê với tất cả mọi khả năng, tài năng và vốn kiến thức của mình.

Có những câu hát phải dựng đi dựng lại cả dăm bảy lần mới chỉnh, có những cảnh huống phải đau đầu để nghĩ cho nhân vật của mình có một cái kết đẹp và thăng hoa. Người đạo diễn lúc đó phải làm nhiều phận sự, ngoài việc là một đạo diễn, thì cũng là một nhân vật, một phần của câu chuyện. Bởi yêu đến thế, say mê đến thế, nên đối với ông, công việc làm đạo diễn không đơn thuần chỉ là người chỉ trỏ, sắp xếp, dàn dựng trên sân khấu, mà là một người đầy trăn trở, đầy lo toan để có những vở diễn để lại dấu ấn.

NSND Bùi Đắc Sừ.

Ngay cả sau này, khi ông đã là một người quản lý, từ Trưởng đoàn, Phó Giám đốc, rồi Giám đốc của Nhà hát Chèo, thì con người đạo diễn trong ông vẫn thôi thúc đầy toàn bích. Ông lao động và nỗ lực gấp đôi thời gian mình có, ông thường xuyên thức đêm, dậy sớm, đi đến các vùng miền, tỉnh thành để đạo diễn, vừa làm công tác chuyên môn, vừa làm công việc của một nhà quản lý, lại cũng phải lo toan với tư cách là một người đàn ông trong gia đình, nên ông nhận lời làm việc cho rất nhiều "đơn đặt hàng".

Chính bởi sự nỗ lực, thậm chí là lao lực của mình, ông đã phải gánh chịu nhiều vấn đề về sức khỏe như thoát vị đĩa đệm, tim phải đặt hai cái stend, uống nhiều thuốc bổ trợ cho tim nên bị viêm loét dạ dày. Ông từng bị tai biến và hiện tại đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vòm họng. Sau nhiều đợt xạ trị, hiện tại miệng ông không có nước bọt, muốn nói chuyện ông phải thỉnh thoảng uống nước lọc để có nước bọt nhân tạo thì mới có thể tròn vành rõ chữ được.

NSND Bùi Đắc Sừ chia sẻ: "Tôi biết ơn cuộc sống của mình, tôi sinh ra trong một gia đình bố mẹ là nông dân, nhưng tôi biết ơn cái làng đã sinh ra mình một lần thứ hai bởi làng Then, Thái Đào (Lạng Giang, Bắc Giang), làng mà người nông dân đi cày về là kéo đàn violin đã hun đúc tình yêu nghệ thuật từ khi mới chỉ là một đứa trẻ trong tôi. Khi đã ngấm ngầm yêu nghệ thuật, tôi lại có may mắn được tuyển về Nhà hát Chèo Trung ương để được vừa học vừa làm nghề. Con trai nông thôn mà, tôi khỏe lắm.

Dường như trong suốt cả thời thanh niên dù vất vả nhưng tôi chẳng biết đến đau ốm là gì. Có lẽ chính bởi vậy nên tôi lao động nhiều, lao động đến nỗi thành lao lực mà mình hoàn toàn không ý thức được. Biểu hiện của bệnh tật, chính vì thế mà mình cũng không để ý tới.

Năm 2013, khi đang đi khai diễn vở cho tỉnh Hải Dương, đang bình thường bỗng giọng của tôi bị ngọng, tưởng là bị tái phát tai biến, trở về Hà Nội chụp phim thì phát hiện ra một cái u vòm họng, đi sinh thiết thì nó là tế bào ác tính và trị xạ. Cho đến nay thì về cơ bản, bệnh đã được khống chế, nhưng hàng ngày phải uống một vốc thuốc đến cả chục viên và phải chia ra làm nhiều đợt khác nhau, chưa kể thuốc bổ, cho nhiều loại bệnh trong cơ thể mình.

Nói đúng hơn là tôi sống nhờ thuốc và có lẽ ngừng thuốc là không sống được. Nhưng hơi khỏe ra là lại muốn làm việc, muốn viết, muốn đi làm đạo diễn và dàn dựng chương trình. Biết tính tôi, nhiều tỉnh vẫn mời dựng vở và khỏe lên tôi vẫn đi làm. Mình phải làm việc để quên đi bệnh tật, quên đi nỗi đau về thể xác thì mới sống được. Một người quen sống dưới ánh đèn sân khấu, hóa thân cùng các vở diễn và có chặng đường mấy chục năm bươn chải như tôi ở mảnh đất này, thì bệnh tật dù thực sự phải lo lắng đấy, song nó sẽ không làm mình đầu hàng. Bao nhiều điều vất vả trong cuộc sống mình còn vượt qua được cơ mà.

Nói vậy để biết thôi và tôi cũng nghĩ mình không thể sống lâu, nhưng mà còn ngày nào thì tôi còn lao động nghệ thuật ngày ấy, đi lại giờ đây khó khăn, nói năng khó khăn và nhanh mệt, nhưng cái đầu của mình thì luôn tỉnh táo, vẫn có thể phân tích, lý giải vẫn có thể ngồi trước màn hình hoặc nghe đài được cả một chương trình, một vở kịch, thì có nghĩa là mình vẫn còn lạc quan với con đường phía trước.

Duyên nợ với chèo

NSND Bùi Đắc Sừ sinh ra và lớn lên tại làng Then, Lạng Giang, Hà Bắc (nay là Bắc Giang), một ngôi làng nổi tiếng với những nghệ nhân đi làm ruộng nhưng lại thuộc lòng các giai điệu nhạc Tây violin từ thời thơ bé. Bố mẹ ông là nông dân, nhưng do được nuôi dưỡng tại cái nôi âm nhạc, cả làng biết chơi đàn, nên ngay khi Đoàn Chèo Trung ương về Hà Nội tuyển người, ông đã được tuyển về làm diễn viên. Vừa học nghề của các bậc đàn anh, vừa được hóa thân vào những vai diễn chính trong các vở diễn nổi tiếng: vai anh Ba trong vở "Lọ nước thần" (Đạo diễn Trần Dân), chồng Thị Kính trong vở "Quan âm Thị Kính" (Đạo diễn Trần Bảng)... đã tạo bước đà để ông có những vai diễn thành công và nổi tiếng sau này.

Nhưng dường như, số phận đã trao cho ông một sứ mệnh để không an phận với tư cách là một diễn viên, đến năm 1980, ông được cử đi học lớp đạo diễn đầu tiên của Trường đại học Sân khấu điện ảnh, do thầy Đình Quang trực tiếp làm chủ nhiệm và giảng dạy. Ra trường, với những kiến thức học được, năm 1983, khi tốt nghiệp ông đã quay trở lại Nhà hát Chèo Trung ương, trực tiếp làm đạo diễn các vở chèo nổi tiếng thời bấy giờ như vở "Hoàng Tử có đôi tai bò" và trợ lý cho chuyên gia Đức vở "Vòng phấn Kapca", "Hoàng hậu Ba Tư" và nhiều vở diễn khác gây được dấu ấn trong lòng công chúng cũng như được bạn bè trong giới ghi nhận.

Đến năm 1988, ông đạo diễn vở "Hồ Xuân Hương" và giành giải Nhất Hội diễn Sân khấu tại Nam Định. Đây là sự kiện đánh dấu một tên tuổi của ông trong làng đạo diễn chèo, một lãnh địa không nhiều người xuất sắc. Ngay sau đó, hàng loạt các vở do ông làm đạo diễn đã ra đời và đã trở thành dấu ấn không thể phai mờ cho sân khấu Việt Nam như vở về Bác Hồ "Những vần thơ thép", vở về Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Mệnh lệnh thần kỳ"...

NSND Bùi Đắc Sừ chia sẻ: "Lần đầu tiên sân khấu chèo dựng vở về Hồ Chí Minh và nhiều người đã rất lo lắng, liệu ông có thể hoàn thành được nhiệm vụ chính trị và nghệ thuật? Khi vở được công diễn, tất cả mọi người vỗ tay và mừng vui thay cho ông bởi vai diễn về Hồ Chí Minh đã lấy được nước mắt, nụ cười cho khán giả và những nhà chuyên môn khó tính nhất.

Vở chèo này đã được công diễn rộng rãi, không chỉ trên sân khấu mà trong các kỳ Đại hội Đảng. Sau này, chính các vở do ông làm đạo diễn này ("Hồ Xuân Hương", "Những vần thơ thép", "Duyên nợ ba sinh", "Kính chiếu yêu") đã mang lại cho ông các danh hiệu lớn như NSƯT, NSND, giải thưởng Nhà nước. Với những thành tựu của mình, ông đã được đề bạt và giữ lại làm tới 3 khóa Ban chấp hành Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Gia đình là điểm tựa vững bền nhất

May mắn nhất đối với ông là có một gia đình ấm áp để nương tựa những lúc ốm đau tuổi già. Vợ ông, diễn viên Hoàng Tân, một người phụ nữ xinh đẹp, dịu hiền cũng là diễn viên của Nhà hát Chèo Trung ương, với các vai diễn nổi tiếng một thời như: Trưng Trắc trong vở “Tình ca giữ nước”, Xúy Vân trong “Xúy Vân giả dại”, mụ Cám trong “Tấm Cám”, mụ Kim trong “Xúy Vân giả dại”, bà Sùng trong “Quan âm Thị Kính”... Là người có khả năng, nhưng bà chấp nhận lui về hậu trường chăm sóc các con để chồng yên tâm lo sự nghiệp.

Hai con của ông bà giờ đây cũng đã theo nghiệp bố mẹ, đều làm những công việc liên quan đến nghệ thuật. Con trai ông, đạo diễn trẻ Bùi Tiến Huy của Hãng phim truyện Việt Nam (VFC) vừa qua đã thành công trong vai trò đạo diễn bộ phim liên kết với Hàn Quốc "Tuổi thanh xuân" được giới trẻ đón nhận.

NSND Bùi Đắc Sừ tâm sự: Thường thì gia đình tôi là nơi hội tụ của cả hai họ nên ngay khi biết tôi bị ung thư,  người nhà gọi điện hỏi thăm, rồi từ quê đi xuống, đầy một nhà, cứ như là đi... đám ma tôi vậy (cười), nhưng mà quý lắm. Tình cảm của họ đã là động lực cho mình vươn lên, không đầu hàng số phận. Mình sống thế nào để sau tất cả những hào quang, danh vọng, ngoảnh lại vẫn còn có một gia đình là bệ đỡ của mình những lúc hoạn nạn đó mới là điều tiên quyết. Bởi không ai khác, ngoài gia đình có thể nâng mình dậy, chở che mình, không ai khác ngoài vợ con có thể cho mình một tình cảm vô điều kiện để có thể yên tâm về mặt tinh thần để chống lại bệnh tật.

Và tôi, sau tất cả những danh vọng, hào quang, bây giờ ngồi đây chơi với hai cháu nội, nhìn cậu con trai làm việc như hình ảnh của mình đầy đam mê thuở trước, thấy vững lòng bởi tất cả mọi sự ở đời, ngoài sự an bài của số mệnh, còn là do bàn tay mình gìn giữ".

NSND Bùi Đắc Sừ và vợ, diễn viên Hoàng Tân trong một vở diễn.

Đối với ông bây giờ, niềm trăn trở đối với nghề vẫn còn là một mối bận tâm lớn. Thế hệ ông đã có một thời vàng son với nghệ thuật chèo, nhưng hiện nay, các đoàn, các nhà hát vắng hiu hắt. Khán giả không mua vé đến rạp, các diễn viên bỏ nghề, chạy sô với cái nghèo, cái khó của mình, biết đó mà không làm gì được. Bởi xã hội hiện đại kéo theo nhiều thứ quá thu hút, nên nghệ thuật truyền thống như một chiếc áo cũ lỗi thời người ta không mặn mà để khoác nó nữa. Vì không có khán giả, nên diễn viên không tâm đắc, ít nhà viết kịch cho chèo, ít đạo diễn được đào tạo bài bản và có nghề để có thể theo đuổi đến cùng với đam mê của mình.

Ông cho rằng, một vở chèo thành công cần có nhiều yếu tố như: phải có tích, trò, phải vừa diễn hay vừa hát giỏi, nhuần nhuyễn cùng âm nhạc. Diễn viên phải tự trau dồi cho mình có một phông nền tốt vai diễn. Ngoài ra cũng cần sự hỗ trợ của truyền thông để có thể giúp lớp trẻ tìm đến các môn nghệ thuật truyền thống. Tôi cho rằng, cần thiết đưa chèo vào học đường để các em, các cháu có được những trải nghiệm thực sự, từ đó các cháu sẽ yêu nghệ thuật truyền thống. Về điều này, ở Thái Bình đã giáo dục cho các em từ trong nhà trường về nhạc dân tộc, nên mảnh đất đó vẫn là nơi tạo nguồn nhiều diễn viên, nghệ sĩ hát chèo cho các đoàn, các nhà hát hiện nay.

NSND Bùi Đắc Sừ chia sẻ, trong những lúc nằm trên giường bệnh, kể cả bây giờ, chân đi không vững bởi những di chứng của bệnh tật, thuốc thang. Ông vẫn thường dành cho mình nhiều tiếng trong ngày để nghe đài, có thời gian và sức khỏe thì đi xem các vở mới công diễn ở các nhà hát, thậm chí vẫn nhận lời làm đạo diễn cho một số đoàn, một số vở mà ông tâm đắc. Bởi vì ngừng làm việc đối với ông đồng nghĩa với ngừng thở, như là căn bệnh ung thư tâm hồn.

Phòng làm việc của ông vẫn treo những tấm bằng khen, giải thưởng đã úa vàng cùng thời gian: Giải Đạo diễn xuất sắc Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp năm 1999 và 2005, 9 HCV trong các kỳ hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp, 4 HCV Truyền hình Trung ương, 2 giải của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước... Vì thế mà ông vẫn cảm ơn số phận bởi đã cho ông gắn với nghiệp chèo. Nếu được sinh ra một lần nữa và được chọn lựa, ông vẫn chọn chèo làm nghề nghiệp của đời mình. Bởi vì niềm đam mê này đã mang lại cho ông tất cả mọi duyên nợ ở cuộc đời...

Thiên Kim
.
.