NSND Tào Mạt với “Bài ca giữ nước”: “Vỗ bờ xô lại sấm vang vang”

Thứ Ba, 10/05/2016, 17:25
Tên tuổi tác giả Tào Mạt đã đi vào lịch sử sân khấu chèo với bộ ba tác phẩm chèo mang đầy tính triết học và nhân văn sâu sắc về nhân tình thế thái - "Bài ca giữ nước".

Nhiều học giả đã nhận định, chỉ với bộ ba tác phẩm: "Lý Thánh Tông chọn người tài", "Ỷ Lan coi việc nước", "Lý Nhân Tông học làm vua" đã đủ khẳng định ông là tác giả ưu tú và tài năng nhất của bộ môn nghệ thuật chèo trong suốt mấy thập kỉ mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa có ai chạm đến được. Bộ ba tác phẩm chèo: "Bài ca giữ nước" không chỉ được sáng tác bởi con người đặc biệt Tào Mạt mà còn trong một hoàn cảnh đặc biệt. 

NSND Tào Mạt.

Nhiều người vui tính thường đùa: Tào Mạt là anh em hậu duệ của tác giả Tào Ngu bên xứ Tầu. Hoặc Tào Mạt vì yêu mến Tào Ngu mà nhận cái bút danh nghe vui tai và đặc sệt Trung Hoa. Thật ra không phải vậy, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn một đồng môn của Tào Mạt kể lại rằng: Tào Mạt - tên khai sinh là Nguyễn Duy Thục, sau đổi thành Nguyễn Đăng Thục. Năm 9 tuổi đến năm 12 tuổi cậu bé Thục đã theo cha  đến làm công cho một người chủ trông nom cả một dinh cơ tòa ngang dẫy dọc tới chục nóc nhà, sân trong sân ngoài của một quan lại phong kiến thời Pháp thuộc. Trong nhà đó có đầy đủ hoành phi câu đối, trướng vóc hồng, thơ khảm trai, đồ thờ tự uy nghi sơn son thiếp vàng của một gia đình danh gia vọng tộc.

Chính trong tháng năm này, cậu bé Thục được người cha của mình kể về những câu chuyện trong Đông Chu liệt quốc, Tây du kí, Thủy Hử, Hán Sở tranh hùng, Tam quốc diễn nghĩa. Một nhân vật trong Đông Chu liệt quốc đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn thơ trẻ của cậu bé Thục để rồi khi lớn lên đi kháng chiến, tên nhân vật ấy đã trở thành bí danh của một cán bộ quân đội, trở thành bút danh của một nhà viết kịch, của soạn giả chèo xuất sắc - Tào Mạt.

Truyện Đông Chu liệt quốc kể về Tào Mạt đại lược là: Tào Mạt làm tướng nước Lỗ, ba lần đem quân chống lại quân Tề đều bị thua để mất đất Vấn Dương, lấy làm hổ thẹn. Nhân khi Tề Hoàn Công có ý muốn giảng hòa, Tào Mạt đã xin theo Lỗ Trang Công đến đất Kha hội thề. Tào Mạt hộ vệ Lỗ Trang Công lên điện liền túm áo Tề Hoàn Công, rút gươm ra áp đảo rồi lấy lời phải trái  mà thuyết phục Tề Hoàn Công trả lại đất cho nước Lỗ.

Chịu lẽ phải và khâm phục khí phách của Tào Mạt mà Tề Hoàn Công đã thuận thời theo lời. Tào Mạt đã rửa nhục cho nước Lỗ và ba lần bằng cái tài và cái dũng của ông. Bút danh Tào Mạt của nhà viết kịch soạn chèo của Việt Nam có nguồn gốc từ lòng cảm phục và ý chí muốn theo gương người xưa của Nguyễn Duy Thục.

Và, có lẽ, bút danh ấy đã vận vào ông, để rồi cuộc đời ông và sự nghiệp sáng tác của ông có những lúc không hề yên ả mà tưởng như đi dưới mưa rơi, bão nổi, sóng gió thăng trầm, điển hình nhất là với bộ ba tác phẩm chèo: "Bài ca giữ nước".

Tác phẩm lịch sử: "Bài ca giữ nước" được ông sáng tác vào năm 1980, khi ông đã 50 tuổi. Ông sống rất giản dị, dáng người gầy, xương xẩu, đôi mắt sâu thăm thẳm, khuôn mặt lúc nào cũng ưu tư, trầm ngâm, hoài niệm. Ông sống trong căn nhà ở "phố nhà binh", dành cho những cán bộ quân đội.

Một số cảnh trong bộ ba tác phẩm “Bài ca giữ nước”.

Những ai quen biết Tào Mạt đều thấy cuộc sống của ông rất tùng tiệm, thậm chí thiếu thốn, nhưng ông lại là người hào phóng, sẵn sàng cho đi ngay cả đồng xu cuối cùng, hoặc thậm chí khi vừa lĩnh lương hoặc nhuận bút mà có người bạn đến kể khó khăn thì ông sẽ cho sạch số tiền vừa mới có được. Hào phóng lại là người có sự chiêm nghiệm sâu sắc và cá tính sáng tạo độc đáo thế nên nhân vật trong tác phẩm của ông cũng vô cùng khác biệt. Ông bắt đầu sáng tác khá sớm nhưng chỉ đến khi bước vào tuổi 50, một mình đóng cửa trong căn phòng làm việc của mình ở phố Lý Nam Đế miệt mài viết bộ ba: "Bài ca giữ nước" thì thực sự tên tuổi của ông mới nổi bật, tiếng tăm mới lẫy lừng và cùng theo đấy là những hệ lụy mà khi đặt bút ngồi viết ông không hề nghĩ đến.

Nếu ở những vở chèo trước đấy, NSND Tào Mạt đi thực tế khắp nơi để sáng tác, còn khi bước vào bộ ba tác phẩm để đời này, ông đã vào độ tuổi nghề và tuổi đời đủ độ chín đằm. Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn kể rằng: Ở trong ngôi nhà của ông, ông thường ngồi tập trung nhiều tiếng liền miệt mài đọc sách lịch sử, tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư.

Tào Mạt là người ham học hỏi, ông tìm đến nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ và những tên tuổi lớn của làng sân khấu như NSND Song Kim và NSND Nguyễn Đình Nghi. Tào Mạt vốn là người trọng người tài, và rất ưa học hỏi, ông tìm đến nhà văn hóa lớn Đặng Thai Mai. Chính trong những buổi đàm luận và trò chuyện với bậc thầy này ông đã khai ngộ về một nhân sinh quan để rồi sau đó làm tiền đề sáng tác những tác phẩm lưu hành mãi với thời gian.

Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn kể lại, NSND Tào Mạt luôn ghi nhớ công đức của những bậc thầy của mình. Khi còn sống trên dương thế, NSND Tào Mạt vẫn thường nói: "Cách mạng dạy tôi cách làm người, thầy Mai dạy tôi nhân cách làm Văn, thầy Thế Lữ dạy tôi nhân cách làm nghệ sĩ sân khấu". Từ mối quan hệ với Giáo sư Đặng Thai Mai, Tào Mạt được gần gũi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người sáng rỡ về trí tuệ và nhân cách.

Trò chuyện với vị tướng tài của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tào Mạt càng chắt thêm được suối nguồn tinh túy trong cuộc sống và có sự chiêm nghiệm sâu sắc cho cuộc đời. Chính vốn phong phú của những nhân vật hằng ngày đi và gặp để rồi khi bước vào tuổi 50 tuổi, tuổi chín đằm của sự chiêm nghiệm ngòi bút của ông trở nên đanh thép và thấm đẫm nhân tình thế thái và trăn trở đau đớn với cuộc đời, tác giả Tào Mạt đã một mạch viết như lên đồng bộ ba tác phẩm của: "Bài ca giữ nước".

Trong "Bài ca giữ nước" với bộ ba tác phẩm tiêu biểu kịch bản về đề tài lịch sử và ở đó ta thấy nhân vật có những số phận lịch sử và cả thời cuộc lịch sử. Ở trong chèo, nhân vật hề thường được xem như là nhân vật phụ  có chăng chỉ là để mua vui nhưng khi rơi vào tay Tào Mạt thì nhân vật hề hoạn lại là tiếng cười thương tâm đầy bi phận, lột tả sâu sắc nhân tình thế thái và phơi bày mặt trái, ngõ ngách đen tối của cuộc sống xã hội.

Trong vở chèo của mình, cái chết của Hề Hoạn khiến cho người xem nhức nhối về một xã hội đầy bất công. Đó là cái chết tức tưởi thương tâm. Có nhiều màn nhiều lớp trong chèo của Bộ ba “Bài ca giữ nước" nhưng người ta ấn tượng nhất là cảnh có nhân vật hề. Ở "Ỷ Lan coi việc nước" nhân vật Hề hoạn tâu mới vua: "Hề thì phải làm trò, vừa làm quan vừa làm hề mà không phải bậc đại tài thì quan dở, hề nhạt. Cho nên tài hèn sức mọn như thần thì đã làm quan thì thôi làm hề, mà đã làm hề thì xin đừng cho làm quan."

Ở vở "Lý Nhân Tông học làm vua" có cảnh chôn sống Hề hoạn được cho là ngọc sáng nhất, tinh túy nhất, thăng hoa nhất của NSND Tào Mạt. Vở diễn có đoạn, Hề hoạn hỏi người đem ông đi chôn sống vì tội gì thì được bốn tên lính trả lời: "Tội của ông: Một là ông quá tin yêu người, hai là ông không biết uốn lưỡi. Những việc như thế mà ông lại đi nói với quan Thái sư. Chết là đáng rồi! Kiếp sau lại được làm người thì phải tập cho cái lưỡi nó deo dẻo một tý. Phương ngôn có câu: "Gió chiều nào, che chiều ấy mà".

Ở ba tác phẩm: "Lý Thánh Tông chọn người tài", "Ỷ Lan coi việc nước" và sau cùng là "Lý Nhân Tông học làm vua" mỗi tác phẩm đều có kỉ niệm riêng, nhưng riêng với tác phẩm sau cùng "Lý Nhân Tông học làm vua" có số phận long đong nhất. Thời kỳ ấy, Tào Mạt bị khủng hoảng tâm lí, ông rời Hà Nội về làng quê ở Thạch Thất, Hà Tây, xứ Đoài, nơi nổi tiếng về những di sản mái đình, giếng nước, gốc đa, nơi tiếng hát chèo thôn xứ Đoài văng vẳng nhuần nhị để tìm lại sự bình yên và thơ trẻ trong tâm hồn.

Làng quê yêu dấu dang cánh tay đón người con đi xa lâu ngày trở về làng rồi nhẹ nhàng an ủi vỗ về. Những người gần với Tào Mạt đều hiểu rằng rồi thời gian cũng dần làm ông nguôi ngoai.

Ai cũng biết NSND Tào Mạt viết không nhiều so với cuộc đời hoạt động nghệ thuật nhưng ở con đường sáng tạo của ông được đánh giá là đỉnh cao của chất lượng. Chỉ với bộ ba tác phẩm "Bài ca giữ nước" đã đứng vào hàng tác phẩm tiêu biểu nhất trong suốt chặng đường 50 năm sân khấu chèo của thời nay. Ông sống trong căn nhà trên phố nhà binh, Lý Nam Đế, nơi có nhiều nhà văn quân đội sinh sống, nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhà văn Chu Lai, Lê Lựu và căn nhà số 4 phố Lý Nam Đế - đại bản doanh của giới văn chương thời bấy giờ. Phố Lý Nam Đế nơi có hai hàng sấu già cổ thụ, thân to dễ đến hai người ôm mới hết.

Người ta vẫn truyền nhau rằng, vào những đêm tối trời, có thể đó là mùa hè với râm ran tiếng ve, hoặc mùa xuân khi mưa phùn lất phất, hay những ngày đêm đông giá buốt, gió thổi rét căm căm, người ta thấy người đàn ông với dáng người xương xẩu, có phần khắc khổ, đôi mắt sâu chất chứa đầy khổ đau ưu tư nặng trĩu bước đi lầm lũi dọc con phố, ông đi dạo trong màn đêm như đi tìm một điều gì đó. Bóng ông cứ đi trong những đêm tối trời đó đến độ sẽ trở thành ám ảnh nếu có ai vô tình bắt gặp. Năm 1993, NSND Tào Mạt mắc bệnh hiểm nghèo, khiến ông phải nhập viện.

Tuy nằm trong viện nhưng ông vẫn cứ đau đáu với thời cuộc, với nghệ thuật sân khấu. Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn vào thăm ông, ông liền ứng tác bài thơ để tặng cho người đồng môn của mình. Bài thơ được viết bằng chữ Hán có tựa đề: "Kí Trần Đình Ngôn", "Tặng Trần Đình Ngôn". Bài thơ như sau: "Sân khấu chèo nay đang xuống cấp/ Hãy đem tài trí cứu thanh danh/ Buồn thay già yếu không còn sức/ Mong muốn anh em đại nghiệp thành."

Ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao nhất về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Và ông là một trong những nghệ sĩ sáng tác đầu tiên được nhận danh hiệu cao quý này.

Trần Mỹ Hiền
.
.