Gặp lại ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn"

Chủ Nhật, 21/08/2016, 14:10
Đôi mắt biết nói, miệng cười tỏa nắng, tóc dài như dòng suối đổ, dù đã trôi qua đến một phần ba thế kỉ, người ta vẫn dễ dàng nhận ra gương mặt từ lâu đã thân quen với khán giả trên khắp mọi miền tổ quốc. "Ni cô Huyền Trang" trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn" - nữ nghệ sĩ Thanh Loan, đẹp trong từng góc nhìn, dù giờ chị đã ngoài tuổi 60.

Người ta bảo hồng nhan thì đa truân, nhưng Thanh Loan có cuộc sống mượt mà như dòng sông êm đềm. Và giờ chị vẫn tíu tít, cần mẫn với công việc tô điểm làm đẹp cho cuộc đời bằng tấm lòng nhân hậu, từ bi. Thanh Loan là ni cô Huyền Trang hay ni cô Huyền Trang là Thanh Loan?

Nắng đổ như chảo lửa hồng, chị vừa trở về căn phòng làm việc quen thuộc, căn phòng của Chi hội Điện ảnh Công an nhân dân trên căn gác 4 địa chỉ 100 phố Yết Kiêu, Hà Nội. Nụ cười dung dị, chị cười bảo: "Thôi đừng lại ni cô Huyền Trang nữa nhé, hãy nói đến những chuyện khác đi…". Thì đúng là có quá nhiều bài báo viết về kỉ niệm của Thanh Loan khi theo đoàn làm phim đóng ni cô Huyền Trang.

Vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỉ trước, bộ phim màu đầu tiên 4 tập của đạo diễn Long Vân "Biệt động Sài Gòn" ngay khi công chiếu đã làm tất cả khán giả say mê phát cuồng. Đặc biệt là vẻ đẹp thanh tú, hiền hậu của nữ biệt động Huyền Trang ấn tượng đến độ nhiều người bỏ phiếu công nhận không thể tìm đâu ra gương mặt hợp vai nhuần nhị đến thế. Xinh đẹp thế! Dịu dàng thế! Thanh tao thế! Mà sao truân chuyên đến thế!

Nhưng đó chỉ là câu chuyện trên phim, còn ngoài đời khi đấy chị đang là phát thanh viên của  truyền hình Vì An ninh Tổ quốc, nay là Truyền hình Công an nhân dân. Sở hữu vóc dáng thanh mảnh và gương mặt ăn hình, chị đã từng vào nhiều phim như "Người về đồng cói"; "Phương án ba bông hồng"; "Nơi tình yêu đã chết"; "Bí mật thành phố cấm"; "Bản đề án bị bỏ quên"… nhưng ấn tượng về ni cô Huyền Trang trong "Biệt động Sài Gòn" khiến khán giả yêu nhất.

Không thể phủ nhận được rằng đã qua hàng thập kỉ, gặp chị, người ta vẫn "quên mất" cái tên Thanh Loan mà yêu quý gọi chị là Huyền Trang. Trở về Hà Nội sau "Biệt động Sài Gòn", chị chuyên tâm vào công việc ở Điện ảnh Truyền hình Công an nhân dân. Giữa những năm thập niên 90 chị học đạo diễn tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Nhiều người nuối tiếc vì không thấy Thanh Loan xuất hiện trên màn ảnh, là bởi đối với nhiều người, chị có một nét đẹp rất riêng mà hiếm có diễn viên nào vượt qua được? Cái nhan sắc rất khó nói rõ ra bằng lời, chỉ có thể bằng cảm nhận. Nhan sắc làm mềm cả cỏ cây hoa lá, làm cho nắng nóng thiêu đốt của mùa hè hạ hỏa, làm cho mùa đông buốt giá ấm áp.

Nhan sắc của Thanh Loan cứ như là được hun đúc, tích tụ từ bao đời ở đất Hà Thành. Chị kể: Kể đến khi chị sinh ra đời thì dòng họ đã có đến 17 đời ở đất thủ đô. Nhà chị ở gần ngay chợ Hàng Da, giữa 36 phố phường đông vui nhộn nhịp, nơi kẻ chợ với làng nghề lâu đời. Hà Nội với những chiều Tây Hồ lộng gió, tiếng chuông chùa Trấn Quốc ngân vang, với cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, bóng Tháp Rùa đi sâu vào tiềm thức của những người dân gốc Hà Nội.

Chị là con thứ năm trong gia đình tám anh chị em và ngoài chị ra thì không ai theo nghệ thuật. Nghiệp diễn viên đến như một lẽ tình cờ của định mệnh, nhưng chị không theo nghiệp diễn suốt cả chặng đường đời. Sau thành công ni cô Huyền Trang, chị chuyên tâm làm đạo diễn phim tài liệu.

NSƯT Thanh Loan thời trẻ.

Giờ, chị ngồi đó, trong chị là bầu trời đa cảm, chị buồn trước nỗi buồn của thân phận kiếp người, chị đến với những mảnh đời bất hạnh, những người yếu thế, kém may mắn. Vừa mới cách đây ba hôm chị lặn lội mấy chục cây số giữa nắng nóng thiêu đốt của ngày hè tháng 7 để đến với em Lê Thị Thắm ngay từ khi mới chào đời đã cụt cả hai tay, nhưng em không ngừng vươn lên trong cuộc sống.

Em viết nắn nót bằng chân trái và thi đỗ vào Đại học Hoa Sen. Chị biết câu chuyện của em qua một phóng sự trên truyền hình, và một người bà con của chị ở bên Mỹ đã gửi qua chị số tiền là 200 USD. Ngay sau đấy chị thu xếp để đến thăm và trao quà cho Thắm.

Chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn lại những nỗi đau, những người mẹ Việt Nam Anh hùng còn lại ở đâu đó trên mảnh đất này. Chị lặn lội tìm đến bên những người mẹ lưng đã còng, tóc đã bạc trắng, mắt đã mờ và trên mặt in những nếp hằn ngang dọc bởi dấu vết thời gian. Chị lắng nghe những câu chuyện của các mẹ, và ở đó là những nỗi buồn sau chiến tranh. Khuôn mặt khắc khổ, dáng người lầm lũi của các mẹ khiến chị bùi ngùi xúc động suốt những ngày dài sau chuyến đi.

Chị làm phim về những người vợ của những người lính hi sinh trong thời bình, ngày tết khi gia đình người ta vợ chồng con cái đưa nhau đi sắm Tết, đối lập với hình ảnh sum họp đó là vợ những người lính đã hi sinh lặng lẽ một mình quạnh quẽ thui thủi trong những ngày giáp Tết. Nỗi cô đơn đó thật ngậm ngùi khiến người xem thấy cay nơi khóe mắt.

Chị đến những trại tù nơi có hàng trăm nữ phạm nhân đang trong thời gian cải tạo. Với tấm lòng bao dung đầy lòng trắc ẩn, chị thấy những nữ phạm nhân thật đáng giận mà cũng thật đáng thương. Dưới góc nhìn của một người mang tâm hướng từ bi, họ phạm tội, phải sống những ngày dài đằng sau song sắt, cuộc sống của họ thật ảm đạm, u buồn. Nếu tù nhân nam còn có thân nhân, vợ con đến thăm thì bên tù nhân nữ thường là vắng bóng gia đình vào thăm nom.

Chị kể: Đến 70% nữ tù nhân rơi vào cảnh huống bị chồng bỏ, con hư, cuộc sống xuống dốc, cô đơn quạnh quẽ đến tận cùng. Những năm tháng còn lại phải chịu tội trước pháp luật và cả sau khi ra tù, họ sẽ tiếp tục thế nào? Lại là những gương mặt bần thần, thiếu sinh khí, cuộc sống trôi qua ngày qua ngày với nỗi cô đơn ẩn lên đến tận cùng. Không tương lai, hết hi vọng, thân phận người phụ nữ phải trả nợ đời vẫn phải tiếp tục hành trình đơn độc của một kiếp người. Chị làm những thước phim về nữ phạm nhân để đồng cảm, chia sẻ, là tiếng nói cảnh tỉnh cho những người khác, đừng để lỡ bước sa chân vào chốn tù tội.

Chị là vậy, mong manh, nhạy cảm, mà người quá nhạy cảm thì thường mang tính thiện. Chỉ cần nhìn chị, vẻ dịu dàng tinh tế, thanh tao đó toát ra trong thần thái. Chị không thích cuộc sống đơn điệu, ngồi một chỗ cả ngày ở văn phòng, chị thích bay nhảy như con chim trên trời xanh, con cá bơi dưới nước. Chị tìm đến những đề tài, tìm về vùng đất, tìm đến những số phận con người khác biệt. Chị gửi gắm tình yêu cuộc sống trong công việc.

Bộ phim tài liệu "Những người trong chuyện" do chị đạo diễn, chuyển thể từ cuốn sách của nhà văn Tôn Ái Nhân được giải thưởng Thăng Long viết về những người hoạt động tình báo trong lòng Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Chị bảo nhờ có cuốn sách của nhà văn Tôn Ái Nhân mà chị biết về những người chiến sĩ tình báo năm xưa mà từ lâu rồi tưởng chừng như đã bị lãng quên. Đến khi có điều kiện gặp lại họ thì họ đã ở tuổi trên 80, hay 90. Chị hạnh phúc với mỗi thước phim, thành quả của cả một tập thể, và ở đó có sự gửi gắm tình yêu nơi chị.

NSƯT Thanh Loan vai ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn".

Mong manh thế, đa cảm thế, chị yêu thơ của nữ thi sĩ người Nga, Olga Berggolts, những câu thơ nâng giấc cho chị trong đời sống. Và mỗi khi yên tĩnh chị sẽ đọc những vần thơ: "Em lại nhớ chuyện ngày quá khứ/ Khúc hát thơ ngây một thời thiếu nữ/ Ngôi sao cháy bùng trên sóng NêVa/ Và tiếng chim kêu trong buổi chiều tà/ Em mới hiểu bây giờ anh có lý/ Dẫu chuyện xong rồi anh đã xa cách thế/ Em hát khác xưa rồi khóc cũng khác xưa theo/…".

Chị sống cùng gia đình, với người chồng là một GS, TS nhà khoa học và gia đình người con trai và hai cháu nội tại khu căn hộ trong khu đô thị Ciputra. Hai nhiệm kì chị giữ chức Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội, hiện chị lại được bầu vào Ban chấp hành Hội Điện ảnh Hà Nội. Được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch đối ngoại, sắp tới đây ra mắt 30 tập phim làm về vua Lê Lợi của Hội Điện ảnh Hà Nội, chị xông xáo việc gặp gỡ với dòng dõi họ Lê và các nhà sử gia Việt Nam với mong muốn bộ phim sao cho thật chỉn chu.

Công việc bận rộn thế, nhưng chị vẫn không quên yêu những vần thơ của nữ thi sĩ Olga Berggolts và chị đọc cho tôi nghe: "Mùa hè rớt cho những người yếu đuối/ Cứ ngỡ ngàng như mới bắt đầu xuân/ Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng/ Khe khẽ như không nhẹ nhàng phơ phất/ Lanh lảnh bầy chim bay đi muộn nhất/ Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu/ Những trận mưa rào đã tắt từ lâu/ Tất cả thấm trong cánh đồng lặng sẫm…".

Trần Mỹ Hiền (Ảnh: Phạm Nghĩa)
.
.