NSƯT Minh Vượng: Sau tiếng cười là khoảng lặng…

Thứ Tư, 27/04/2016, 19:35
Minh Vượng hàng chục năm nay vẫn một mình trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng với những kỉ vật chị lưu giữ như kỉ niệm gắn bó thân thương nhất. Trong căn nhà nhỏ ấy, mỗi một đồ vật gắn với từng kỉ niệm riêng. Có kỉ niệm vui, có kỉ niệm buồn và chị không muốn bỏ đi bất cứ thứ gì.

Ẩn trong dáng vẻ ngang tàng với tiếng nói sang sảng, cử chỉ dứt khoát là một tâm hồn đa cảm, và rất mau nước mắt. Vượng là người bạn tốt, 7X gọi Vượng bằng chị, 8X gọi Vượng bằng đại ca, 9X gọi Vượng bằng u, còn trẻ con lại gọi Vượng bằng chị vì khi diễn trên sân khấu thiếu nhi Vượng duyên lắm.

Danh hài Minh Vượng.

Nhà chị ở đằng sau khu tập thể của Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội; nếu khó tìm thì cách nhà 100m hỏi nghệ sĩ Minh Vượng, người dân ở đây sẽ vui lòng chỉ cho ngay. Hình ảnh Minh Vượng một mình phóng xe máy, dùng từ như chị hay nói là "lao như điên", đã quá quen thuộc với mọi người trong khu dân cư này. Vượng sống một mình trong căn nhà này đã lâu, mọi đồ vật trở nên quá quen thuộc và gần gũi.

Trông Vượng to cao, giọng nói cử chỉ mạnh mẽ dứt khoát thế thôi chứ tâm hồn yếu mềm đa sầu đa cảm, và mau nước mắt lắm. Nhiều khi tiếp xúc với Vượng cứ nghĩ Vượng ngày nào cũng có thể khóc được.

Chị là con người của hoài niệm, từng đồ vật cũ một thời gắn bó, giờ tuy không dùng đến nữa nhưng chị vẫn cẩn thận giữ chúng lại bên mình. Chị tin mỗi một đồ vật đều có linh hồn. Chiếc xe máy cũ giờ không còn đi nữa vẫn được dựng ở một góc trong nhà. Bộ quần áo từ những năm nào vẫn được xếp gọn lại trong một ngăn tủ. Cả bát đĩa, cốc chén sứt mẻ cũng được cẩn thận cất đi…

Chị bảo: "Nhìn thấy chúng là kỉ niệm xưa lại ùa về len lỏi trong kí ức". Chị sống nội tâm, dạt dào tình cảm. Người ta biết đến chị là nghệ sĩ hài nhưng chưa biết một con người khác nữa trong chị là người bác sĩ tâm lý cừ khôi. Cách đây 16 năm, năm 2000, chị bị đột quỵ, sau đó biết bao gắng gỏi và nỗ lực, với một niềm nhiệt huyết công việc lúc nào cũng rừng rực cháy trong người, đã đẩy lùi tật bệnh.

NSƯT Minh Vượng trong một chương trình truyền hình.

Chị bảo: "Thuốc kháng sinh tốt nhất cho mỗi con người đó chính là tinh thần và nghị lực. Chị có ba cái nhớ, ba cái quên. Quên tuổi tác, quên hận thù, quên bệnh tật. Ba cái nhớ: Mình không là gì cả. Cũng có lúc mình sai lầm. Cuộc đời có nhiều người giỏi hơn mình. Cứ nhớ thế thì sống thanh thản".

Vượng không may mắn trong cuộc sống hôn nhân, chị chưa từng mặc áo cô dâu, lên xe hoa. Chị cũng chưa từng có hạnh phúc làm mẹ. Mặc dù, trước đây, trong quá khứ, Vượng cũng có những mối tình lâm li như bất cứ một thiên tình lãng mạn trong cuốn tiểu thuyết. Nhưng rồi, duyên đến duyên lại đi, bao nhiêu năm nay chị ở một mình và đã quen với nó, coi sự cô đơn là người bạn đồng hành. Vượng vốn là nghệ sĩ, mạnh mẽ đấy nhưng cũng yếu mềm lắm.

Có những đêm diễn về một mình trên con phố Bà Triệu, chị vỡ òa trong cảm xúc để rồi ra những câu thơ đắng đót, nghẹn ngào: "Đêm lang thang, dưới ánh trăng vàng/ Trăng cuối tuần mùa hạ/ Đường phố vắng không người qua / Tán lá chìm trong đêm ngủ/ Con chim khuya về tổ đã lâu/ Trong mỗi căn nhà giấc ngủ nồng từ tối/ Ta đi lũi lầm như một kẻ lang thang/ Không mái ấm không vòng tay chờ đón".

 Hay một lần khác chị viết những vần thơ: "Chỉ còn lại một mình đi về khi tan rạp/ Chỉ còn lại một mình ra về trong trống vắng/ Ta cứ đi cứ đi, chân đếm thầm từng nhịp/ Mong đường xa cứ xa/ Cho lòng thôi thổn thức. Cho lòng quên rạo rực/ Cho mình quên hẳn nhau/ Ta nào khóc đâu em/ Chắc sương rơi trên má/ Hạt sương sa lành lạnh/ Giọt rơi rơi rơi/ Trên môi mình mằn mặn/  Ta cứ đi cứ đi. Chân đếm thầm từng nhịp".

Nhưng, sau tất cả những chuyện đó, Vượng lại là con người của công việc, làm việc như con thoi, không bao giờ biết nghỉ. Phải có một ngọn lửa cứ rừng rực cháy trong chị mới đẩy lùi được bệnh tật để xăm xắn vào núi công việc hằng ngày.

NSƯT Minh Vượng trong giờ dạy học.

Chị bị bệnh tiểu đường nặng khiến ngày nào cũng phải uống một vốc thuốc rồi tự tay tiêm vào người mỗi ngày bốn mũi, vậy mà có chịu nằm một chỗ bao giờ đâu. Chị dạy học sinh ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, rồi các lớp diễn xuất ở Trung tâm Phát triển tài năng Điện ảnh TPD, rồi đi diễn, rồi hằng đêm trăn trở với chủ đề tự mình nghĩ ra, đang nằm trên giường lại bật dậy viết kịch bản. Những tiểu phẩm chị đóng đều do chị một tay viết kịch bản.

Lúc đóng lão phú ông, lúc diễn chị dâu gian ác, lúc hóa thân thành con chó hiền từ, lúc lại nhập vai chú Cuội tinh nghịch. Trên sân khấu Vượng biến hóa tinh khôn, ở hàng ghế khán giả bọn trẻ reo hò cổ vũ, rầm rĩ, rền vang cả một khán phòng. Lúc đấy Vượng quên đi rằng mình đang bị mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường. Chị cảm thấy sung sướng đến rã rời, hạnh phúc nhất thế gian. Sau buổi diễn tơi tả đầy mồ hôi.

Tóc tai, mặt mũi lem luốc ra về, vừa ra đến cửa rạp trẻ con chẳng nghĩ chị là người lớn tuổi, chạy ra chạm tay vào người chị thủ thỉ: "Chị diễn buồn cười quá cơ. Em yêu chị". Những câu nói ngộ nghĩnh hồn nhiên của trẻ nhỏ như liệu pháp về tinh thần khiến chị thấy lòng mình ấm lại. Cử chỉ thương yêu, ánh mắt tròn xoe ngưỡng mộ của khán giả nhí làm Vượng tưởng như được hồi sinh sau trận ốm để rồi âm thầm nghĩ: "Nếu có chết, xin cho con được chết trong vòng tay âu yếm của trẻ thơ".

Vượng sống một mình, không bị ai quấy rầy nên tha hồ tung tẩy thích đi đâu tùy hứng, thích làm gì cũng được. Thế nên Vượng đi diễn nhiều lắm. Vượng nghĩ mình còn sức khỏe, làm được cái gì cho đời thì cứ làm, chứ nếu ngộ nhỡ đến một lúc nào không diễn được nữa thì sao? Có những xuất diễn khiến cho chị không thể nào quên, đó là những lần diễn cho những khán giả đặc biệt ở những nơi đặc biệt.

Khi diễn ở trại giam tận những nơi đèo heo hút gió, lại có lúc theo đoàn từ thiện cho nơi có trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ em bị HIV, trẻ khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu… rồi diễn ở Bệnh viện Tim, Bệnh viện Nhi…

Chị kể: Diễn hài mà chị phải ngửa mặt lên trời vì nhìn xuống, nước mắt cứ ứa ra. Dưới kia là những đứa trẻ lẩy bẩy, tật bệnh. Trẻ bị bệnh tim người tím tái, co quắp. Trẻ bị ung thư run rẩy, yếu ớt. Và cả những đứa bé vô tội bị căn bệnh thế kỷ. Chị pha trò đấy, ầm ào tưng tửng đấy mà lòng thắt đau nghĩ đến số phận và cái chết không báo trước của những khán giả nhí. Hôm nay còn được xem như thế này ngày mai biết đâu có bé rồi sẽ ra đi?

Ở mỗi chuyến đi của chị lại là một câu chuyện mà chị quan sát để cảm nhận, để rồi lại lấy đó làm tư liệu sống ngồn ngộn đi vào trang viết của mình. Trại giam Phú sơn, tỉnh Thái Nguyên, chị đi theo trường Cao đẳng Nghệ thuật làm từ thiện, mang quần áo, đàn organ  ở những nơi đèo heo hút gió để người ta văn công văn nghệ. Toàn chị em phụ nữ tù chung thân. Đêm văn nghệ, chị diễn xong, chị nhìn vào trong đôi mắt của họ, những giọt nước mắt của họ, tiếng vỗ tay.  Những bài hát về quê hương, tình yêu thương gia đình. Họ khóc. Chị cũng khóc.

Chị bảo: "Thương lắm, có những đứa trẻ chẳng có tội gì, sinh ra trong tù, mắt cứ trong veo, tròn xoe. Rồi những giọt nước mắt của những người mẹ đấy. Có những tù nhân chẳng còn bố mẹ ông bà. Những đứa trẻ phải gửi vào trại mồ côi.  Có ân hận thì đã muộn mất rồi. Toàn  là án chung  thân.  Có những cô trẻ quá, có những bà già tóc bạc phơ vì buôn ma túy nên mới phải ở tù…".

Chị nhớ khi chị diễn cho phạm nhân ở trại Hoàng Tiến. Hôm ấy là 22 tháng Chạp, hôm sau là ngày "ông Công ông Táo". Chị diễn mà cứ phải nhìn lên trời, ngước mắt lên để nước mắt không phải rơi xuống. Chị cảm thông với họ, mong họ cải tạo tốt để về với gia đình.

Chị kể: Trong tất cả những tác phẩm của chị, những vai nữ chị thể hiện, không đáng ghét có chăng chỉ đáng trách. Các vai  của chị đầy nhân ái. Bên cạnh tiếng cười có những ngậm ngùi và những giọt nước mắt, khiến người xem phải ngẫm ngợi. Chị không làm một chiều, không cười tóe loe và không đau đớn đẩy khán giả vào con đường tận cùng  đau đớn. Chị say mê diễn vì chị nghĩ rằng mình được Tổ đãi.

Chị nhớ những năm tháng được thầy cô nổi tiếng như thầy Trần Hoạt, Huỳnh Nga, Minh Ngọc, Xuân Huyền… mình tích lũy được kinh nghiệm của các thầy truyền cho mình thì mình mang kinh nghiệm ấy truyền lại cho thế hệ trẻ.  Thế nên chị sẵn sàng bỏ show để đứng lớp giảng cho sinh viên ở Trường Cao đẳng sân khấu HN.

Bây giờ chị già rồi mà chị vẫn thích truyện cổ tích, vẫn thích xem hoạt hình.  Bởi ở đó  nhân cách hóa con voi, con chó, con gà đầy lòng nhân ái, tính đoàn kết. Chị bảo: "Nghĩ bắt đầu từ tình yêu thì tội ác sẽ biết dừng lại.  Còn con người không có tình yêu thì cái gì cũng có thể phạm được.  Chị đang say sưa kể chuyện thì có tiếng gọi cửa. Một cô cháu gái tuổi đôi mươi, con của chị gái.

Chị bảo: Sống một mình nên thỉnh thoảng cháu con mấy anh chị lại mang đồ ăn ngon đến tiếp tế. Mình coi các cháu như con ruột luôn". Chị lại bận rộn chuyện bếp núc, làm gì có ai đâu nhưng đồ ăn thức uống đầy đủ cả. Bạn bè thi thoảng ầm ào kéo đến chơi, tan cuộc mọi người ra về để lại một khoảng lặng.

Trần Mỹ Hiền
.
.