Nạn chuột phá phách giải Premier League

Thứ Hai, 22/01/2018, 16:23
Không hẹn mà gặp, một số CLB tại Premier League (giải ngoại hạng Anh) đang phải gồng mình chống lại nạn chuột phá phách. Xung quanh màn đối phó với loài gặm nhấm này đã có khá nhiều điều thú vị xảy đến với những cung bậc cảm xúc trái chiều khác nhau…


Tọa lạc tại khu vực Holloway (London), sân vận động Emirates của CLB Arsenal luôn là địa điểm được bất kỳ du khách nào, đặc biệt là số fan của "Pháo thủ thành London" (biệt danh của Arsenal) đều hào hứng muốn ghé thăm, chiêm ngưỡng.

Với sức chứa 59.867 chỗ ngồi, sân Emirates hiện là sân vận động lớn thứ 3 tại Anh, xếp sau sân Old Trafford (75.643 chỗ ngồi) và sân Wembley (90.000 chỗ ngồi). Không chỉ bề thế với hệ thống khán đài gồm 4 tầng, sân bóng với tổng kinh phí xây dựng lên tới 400 triệu bảng còn là một tổ hợp vui chơi giải trí với hệ thống cửa hiệu bán đồ lưu niệm, quán bar, tiệm ăn… được bố trí bên trong.

Hoành tráng, hào nhoáng là thế ai mà ngờ sân vận động được đưa vào hoạt động từ năm 2006 cho đến nay lại đang trở thành mục tiêu tấn công từ lũ chuột. Kết quả kiểm tra về vấn đề vệ sinh tại sân Emirates được đưa ra mới đây từ chính quyền sở tại của thành phố London đã khiến nhiều người không khỏi ngã ngửa.

Sân Emirates đang bị chuột tấn công.

Ngoài mặt sân cỏ, cả 4 tầng trên khán đài sân nhà của CLB Arsenal đã bị loài gặm nhấm hoành hành, cắn phá. Theo người đại diện của đoàn kiểm tra, họ thực sự bị sốc khi chứng kiến đống "sản phẩm" bỏ lại từ lũ chuột nằm nhan nhản trên khán đài. Ngay cả khu bếp phục vụ cho khoang VIP trên khán đài sân Emirates cũng không thoát được đám "giặc chuột".

Thông thường chi phí để sử dụng khoang VIP tại sân Emirates "bèo" nhất vào khoảng 72.000 bảng/người cho mỗi mùa giải. Riêng khoang siêu VIP, mức giá là 13.500 bảng/người cho mỗi trận đấu. Tương xứng với số tiền cao ngất ngưởng bỏ ra, khán giả dự khán những trận đấu của đội bóng tạm xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng tại Premier League 2017/18 sẽ được phục vụ thức ăn đồ uống hảo hạng kèm thêm những tiện ích khác chẳng hạn như dịch vụ xe đưa đón. Thông tin về tình trạng mất vệ sinh do đám chuột gây ra tại khu bếp ở khoang VIP đương nhiên đã làm không ít người chột dạ, lo lắng về thức ăn mà họ từng đụng đũa tại đây.

Cùng với vấn đề vệ sinh thực phẩm, màn "đại náo" khắp nơi trong sân Emirates của lũ chuột còn đem lại sự lo ngại về vấn đề y tế. Cần biết sân vận động Emirates nằm liền kề ngay với một số ga tàu điện ngầm lớn luôn có lượng lớn hành khách qua lại. Bởi thế trong trường hợp xảy ra dịch hạch, nó sẽ gây hệ lụy khôn lường và khó có thể kiểm soát trong một sớm một chiều.

Trước thực trạng báo động về những nguy cơ tiềm ẩn đưa lại từ nạn chuột tấn công, ban lãnh đạo Arsenal đã phải đưa ra thông cáo báo chí để trấn an dư luận: "Vấn đề đảm bảo về mặt sức khỏe cũng như an toàn với cổ động viên luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong quá trình tổ chức những trận đấu trên sân Emirates".

Một mặt đưa ra thông cáo báo chí, mặt khác ban lãnh đạo Arsenal đã phối hợp với một số đối tác khác nhằm triển khai những biện pháp đồng bộ để giải quyết một cách triệt để vấn nạn chuột hoành hành, phá phách.

Có tin Arsenal đang liên hệ với một công ty sản xuất loại thuốc diệt chuột bằng chế phẩm sinh học đem lại hiệu quả cao. Đồng thời, Arsenal đã thông qua tài khoản của CLB này trên trang mạng xã hội Twitter để phát động chiến dịch "nói không với rác thải" trên sân Emirates với đông đảo fan.

Lũ chuột đem đến ác mộng cho sân Old Trafford.

Cũng như sân vận động Emirates, sân Old Trafford của CLB lừng danh Man United được xếp vào dạng 5 sao trong số những sân bóng của các CLB góp mặt tại giải đấu sôi động nhất hành tinh, Premier League. Từ chỗ được ví von một cách bóng bẩy là "Nhà hát của những giấc mơ" (biệt danh của sân Old Trafford), sân vận động bề thế của Man United giờ đây được khối người mỉa mai là "Nhà hát của những chú chuột".

Theo nguồn tin trích dẫn từ tờ nhật báo Daily Mail, số lượng chuột đang phát triển một cách bùng phát tại sân Old Trafford. Tới mức một số nhân viên làm việc tại sân Old Trafford đã phải ngao ngán thốt lên với đại ý, họ đang đối mặt với cơn ác mộng thực sự từ "giặc chuột".

Hết cắn phá ở khu bếp, khu văn phòng, nhà kho… lũ chuột không ít lần khiến bộ sậu lãnh đạo Man United tái mặt khi ống kính máy quay lia đúng vào chú chuột nào đó vô tư chạy tung tăng trên sân cỏ trong khi trận đấu của "Quỷ đỏ" (biệt danh của Man United) đang diễn ra. Ví dụ điển hình ở đây là trong các trận đấu của Man United với Burton tại Cúp FA trong năm 2006; với West Ham trong năm 2010 hay với Arsenal trong năm 2013…

Mọi sự còn diễn ra theo chiều hướng tồi tệ hơn khi đích thân hậu vệ Ryan Austin của CLB Burton đã vô tư thuật lại trước giới truyền thông khi tận mắt chứng kiến lũ chuột với đủ kích cỡ khác nhau chạy ngang chạy dọc khắp mặt sân Old Trafford.

Bỗng chốc CLB Man United đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề từ chính cổ động viên nhà cũng như sức ép đưa lại từ chính quyền thành phố Manchester về việc phải áp dụng những biện pháp có hiệu quả ngăn ngừa lũ chuột hòng đảm bảo vấn đề vệ sinh và y tế.

Bên cạnh Arsenal và Man United, một vài CLB khác tại Premier League như West Ham hay Burnley cũng đang phải loay hoay đối phó với nạn phá phách từ lũ chuột trong thời gian qua.

Bảo Quyên
.
.