Nản lòng với bảo hiểm xã hội?

Thứ Năm, 04/06/2015, 21:00
Khi câu chuyện bảo hiểm xã hội (BHXH) đang nóng trên bàn nghị sự về việc có sửa hay không Điều 60, thì có một thực tế là còn nhiều khía cạnh của chính sách ưu việt này chưa đi vào cuộc sống của một bộ phận người lao động. BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên diện rộng là việc làm cụ thể để tăng cường đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Thế nhưng, trải qua hành trình nhọc nhằn để được nhận chút tiền "còm" từ bảo hiểm cũng khiến không ít người lao động phải lắc đầu ngao ngán. Nghịch lý này đang là rào cản, vô tình đẩy nhiều người quay lưng lại với các loại hình bảo hiểm mang tính an sinh xã hội trên.

Một cán bộ lao động, tiền lương quản cả ngàn doanh nghiệp

Thông tin trong buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) vào ngày 3/3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang cho biết: Hiện nay thời gian nộp BHXH bình quân của DN tại thành phố vẫn còn ở mức 108 giờ/năm. So với mức chung của cả nước là 235 giờ, con số này đã giảm được hơn một nửa. Nhưng đem so với mức chung của các nước trong khu vực Asean là 49,5 giờ/năm, thì con số này vẫn còn cao gấp hơn 2 lần. Và như vậy, cộng cả ngày nghỉ cuối tuần, hàng năm mỗi DN sẽ phải cắt cử ít nhất 1 nhân viên chuyên đi làm BHXH cho người lao động trong vòng 3 tuần liên tục.

Kể lại hành trình đi khai, nộp và làm sổ bảo hiểm cho hơn chục công nhân, người lao động trong một DN thuộc dạng nhỏ ở huyện Hóc Môn, chị Thùy không khỏi lắc đầu ngán ngẩm. Muốn biết cách làm hồ sơ, phải chạy đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện để hỏi về thủ tục, nghe hướng dẫn và nhận biểu mẫu về để hoàn tất hồ sơ đăng ký số lượng lao động, thang, bảng lương cho công nhân.

Chỉ với việc gặp được cán bộ hướng dẫn, hiểu được nội dung hồ sơ và hoàn thiện các biểu mẫu kê khai sao cho đúng, chị Thùy đã phải chạy đi, chạy lại từ DN lên phòng LĐ-TB&XH vài lần. Hồ sơ nộp tại đây được hoàn tất, còn phải chờ cả tuần mới đến ngày hẹn tới nhận.

Công đoạn tiếp theo, chị Thùy phải dò dẫm trên mạng của BHXH thành phố để tải mẫu khai nộp BHXH, điền xong lại chạy từ công ty đến BHXH huyện để trực tiếp nộp hồ sơ. Nếu không có gì sai sót, hồ sơ làm sổ BHXH cho công nhân đến đây mới hoàn tất, còn không sẽ tiếp tục phải chạy tới chạy lui thêm một vài lần nữa.

Đăng ký tuyển dụng lao động, tìm việc làm.

Về thực trạng này, ông Nguyễn Hữu, chủ một nhóm DN dệt may tại KCN Tân Tạo chia sẻ, DN thuộc lĩnh vực dệt may luôn sử dụng lực lượng lao động lên tới cả ngàn. Dù có cố gắng giữ chân công nhân đến đâu, thì số lượng lao động cũng liên tục biến động. Do vậy để bảo đảm quyền lợi cho công nhân, DN của ông Hữu luôn cắt cử vài người chuyên lo việc đăng ký lao động, kê khai thang bảng lương để làm sổ BHXH cho công nhân.

Tìm hiểu nguyên do tại sao chỉ với mỗi một việc là làm sổ BHXH để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, thủ tục lại nhiêu khê, rườm rà, mất nhiều thời gian của DN đến vậy, tác giả bài viết này càng có dịp thấu hiểu được nỗi vất vả của đại diện DN đối với thủ tục này.

Chẳng hạn tại quận 12 tuy phải quản lý số lượng DN lớn nhỏ lên tới con số vài ngàn, nhưng số lượng chuyên viên, cán bộ làm công tác giám sát, quản lý lao động, tiền lương, tiền công cho DN cũng chỉ có chừng vài người. Đã vậy, số cán bộ chuyên trách ít ỏi này còn phải tới lui lo kiểm tra thực tế DN hoặc tham gia vào việc giải quyết tranh chấp, lãn công giữa người lao động và chủ DN. Chứ không chỉ có một việc là ngồi tại nơi làm việc để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký lao động, kê khai thang bảng lương của đại diện DN.

Chung tình cảnh này, những quận, huyện quản lý 5.000 - 10.000 DN của thành phố như Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh… cán bộ phụ trách về lao động, tiền công, tiền lương đều luôn trong tình trạng ngập đầu trong công việc.

Đây cũng chính là lý do khiến đội ngũ nhân sự thuộc Phòng LĐ-TB&XH nhiều quận, huyện không còn thời gian để sâu sát cơ sở. Từ đó có thể phát hiện, ngăn chặn sớm những mâu thuẫn phát sinh giữa chủ sử dụng và người lao động, tránh được những cuộc lãn công không cần thiết phải xảy ra.

Từ năm 2014, BHXH TP HCM đã thực hiện quy trình gửi thư xin lỗi đến cá nhân, đơn vị nếu hồ sơ trễ hạn. Nhưng cứ với thực trạng chỉ có 6% nhân sự so với toàn ngành, phải đảm đương số thu chiếm đến 17% của BHXH cả nước như BHXH TP HCM. Chỉ trong quý I - 2015, BHXH thành phố đã phải tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp BHXH cho 178.280 lượt người; theo dõi, thanh toán BHYT cho trên 3.681.000 lượt người khám chữa bệnh… thì để giảm tải, giảm khó cho người dân, DN trước vấn đề không thể tăng thêm biên chế hiện nay, cơ quan này chỉ còn cách áp dụng ngay việc khai nộp BHXH qua mạng.

Tìm nguy cơ gây thủng quỹ BHXH

Đối diện với nguy cơ mất cân đối thu - chi, nên vấn đề thủng quỹ BHXH đã và đang được đặt ra một cách gay gắt. Song tại một địa phương có số thu BHXH lớn như TPHCM, đến cuối quý I 2015 tuy số lượng lao động gia BHXH đã tăng lên, thì cũng chỉ có 1.867.000 người tham gia.

BHXH thành phố hiện đang quản lý thu của 56.335 đơn vị sử dụng lao động, trong đó chiếm chủ yếu là khối DN ngoài quốc doanh và có ít nhất 35% số DN nộp bảo hiểm chỉ khai sử dụng dưới 10 lao động… So với con số DN đang thực sự hoạt động là 130 ngàn người được TPHCM đưa ra mới đây, cho dù có trừ đi số lượng DN không sử dụng lao động, thì những DN được kiểm soát để đóng BHXH cho người lao động tại thành phố vẫn chiếm tỷ lệ không cao.

Người lao động xếp hàng dưới trời nắng chờ đến lượt giải quyết thủ tục về bảo hiểm.

Đó là còn chưa tính mỗi năm tại TPHCM còn có thêm 24 ngàn DN được thành lập mới. Về số lượng lao động cũng vậy, khi còn chưa tính số lượng DN FDI và các loại hình cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ khác, chỉ riêng khối DN trong nước đã sử dụng gần 2 triệu lao động, là con số được chính quyền TP HCM đưa ra mới đây. Do vậy khi nói rằng còn đến vài trăm ngàn lao động ở thành phố chưa được tham gia BHXH không phải không có cơ sở.

Sự việc hơn 90 ngàn công nhân của Công ty Pouyuen ở quận Bình Tân, TP HCM và công nhân một số công ty ở Long An, Tây Ninh đồng loạt bỏ việc để tập trung phản đối quy định không cho lĩnh tiền trợ cấp BHXH một lần sau khi nghỉ việc vào cuối tháng 3 vừa qua càng khiến người lao động chán ngán với BHXH.

Cho dù quy định này có được một số nhà làm luật giải thích rằng chỉ nhằm đảm bảo cuộc sống chắc chắn cho người dân khi hết tuổi lao động, từ đó giảm gánh nặng cho xã hội. Nhưng lý giải như công nhân Đào Thị Luyến, chị và nhiều công nhân làm trong lĩnh vực da giày, may mặc đều từ các tỉnh vào thành phố ở trọ. Với cường độ làm việc cao, thu nhập sau khi trang trải cuộc sống hàng ngày dư dả không đáng kể như lâu nay nhiều người đã nản.

Còng lưng trong xưởng suốt cả ngày, công nhân theo nghề này cao lắm cũng chỉ đến tầm ngoài 40 tuổi là khó có thể còn đủ sức khỏe để trụ lại. Đó là còn chưa kể đến chuyện ở tuổi đó, nhiều chủ DN chỉ muốn công nhân nghỉ việc để tuyển dụng lớp trẻ. Khi đó nếu được nhận tiền bảo hiểm một cục, người lao sẽ có được chút lưng vốn để trở về quê hoặc ra ngoài tìm công việc tự do khác kiếm sống.

Chị Luyến tâm tư, nếu có điều kiện tiếp tục đóng bảo hiểm để chờ đến lúc đủ tuổi được nhận lương hưu thì quá tốt. Nhưng ở tuổi đó dễ gì xin được việc trong các công ty, lấy gì sống hàng ngày để có thể chờ đợi thêm nhiều năm như vậy. Quan điểm này cũng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu ra, thậm chí là đã góp ý ngay từ khi Luật BHXH sửa đổi còn đang được đưa ra lấy ý kiến. Nhưng đáng tiếc, quan điểm sát với thực tiễn đối tượng lao động có tuổi nghề ngắn, nguy cơ mất sức lao động sớm và chiếm số lượng đông đảo này chưa được tiếp thu để đưa vào luật. 

Vừa quay trở lại với cảnh ở trọ để làm công nhân tại Bình Dương, chị Bùi Thị Hà, hiện lưu trú tại khu đô thị Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương bày tỏ chuyện ấm ức khi số tiền bảo hiểm ít ỏi nộp BHXH trước đây giờ không biết hỏi ai sau hành trình đi tới đi lui từ công ty lên tỉnh, về huyện. Câu chuyện được bắt đầu từ đầu năm 2010, khi chị Hà xin vào làm công nhân Công ty Panko Vina ở Bến Cát.

Tại đây chị được tham gia BHXH, BHYT và BHTN. Làm việc đến tháng /2011, thấy công việc không phù hợp, chị Hà nghỉ việc về quê tìm việc khác, đầu năm nay mới quay trở lại Bình Dương để tiếp tục quãng đời đi ở trọ làm công nhân.

Cuối tháng 3 vừa qua, chị Hà quay lại công ty cũ với mong muốn được nhận lại sổ bảo hiểm thì được một nhân viên ở đây trả lời đầy tắc trách: đã nghỉ việc lâu, sổ bảo hiểm không có ở công ty, ngoài ra không được hướng dẫn gì thêm.

Quyết không để bị mất quyền lợi, ngày 30/3 chị Hà tới BHXH huyện Bến Cát để hỏi và được hướng dẫn lên BHXH tỉnh Bình Dương để nhận sổ BHXH. Tại đây, chị cũng lại được thông báo rằng sổ bảo hiểm không có ở cơ quan này.

Để an ủi chị, một nhân viên BHXH Bình Dương đã cung cấp số sổ bảo hiểm cũng như số điện thoại của người có trách nhiệm lo về BHXH tại Công ty Panko Vina để chị Hà tự liên hệ. Quay lại gặp nhân viên phụ trách bảo hiểm ở công ty cũ, chị Hà được người này trả lời tỉnh bơ rằng tiền bảo hiểm đã được rút ra từ năm 2012 ở một địa chỉ lạ hoắc.

Trong khi đó, chị Hà một mực khẳng định sau khi về quê, chị làm công nhân tại một DN ở địa phương và chỉ có 1 giấy chứng minh nhân dân (CMND), không hề cho ai mượn CMND để rút tiền bảo hiểm cả. Những ngày lặn lội từ công ty cũ lên BHXH huyện, tỉnh để  truy tìm sổ BHXH, chị Hà cũng đã kịp nhận ra rằng không riêng gì chị, cùng cảnh ngộ lặn lội giống mình còn có một số công nhân cũ của Công ty Panko Vina.

Từ thông tin do chị Hà cung cấp, tôi liên hệ với nhân viên tên Thảo, phụ trách vấn đề BHXH cho công nhân của DN này, sau một hồi giải thích, tôi cũng chỉ được nhân viên này trả lời tỉnh bơ rằng, công ty không giữ sổ bảo hiểm, việc người lao động có rút tiền bảo hiểm hay chưa công ty không thể biết được.

Tiếp tục cung cấp họ tên, số sổ bảo hiểm và số thẻ nhân viên của chị Hà kèm theo đề nghị kiểm tra BHXH của trường hợp này, tôi được hẹn lát sau liên hệ lại. Nhưng khi liên hệ lại người này khất lần với lý do đã đi công việc, hẹn ngày hôm sau. Y hẹn, ngày sau tôi tiếp tục liên hệ với vị cán bộ này, câu trả lời cũng chỉ là yêu cầu người lao động đến gặp trực tiếp để giải thích?

Cực chẳng đã, những năm gần đây BHXH thành phố đã phải tiến hành khởi kiện hàng ngàn DN để đòi tiền BHXH nợ đọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Hiện chế tài xử phạt với hành vi không đóng BHXH cho người lao động đã tăng lên mức 18-20% tổng số tiền phải nộp, cao nhất ở mức 75 triệu đồng/lần xử phạt kèm theo việc truy thu số tiền chưa nộp.

Song đến cuối quý I-2015, trên địa bàn vẫn còn gần 2.000 DN nợ đọng bảo hiểm với số tiền phải thu lên đến 2.000 tỉ đồng. Để tự bảo vệ quyền lợi, gần đây khoảng 100 công nhân của một DN may mặc ở quận 6 đã phải bỏ việc, tập trung về BHXH quận và các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương để đòi hỏi về BHXH, BHYT, chế độ thai sản do chủ DN đã thu của công nhân nhưng chây ì không chịu nộp.

Chưa hết chuyện quá tải đã lại đến rắc rối nhiêu khê với thủ tục khai nộp BHXH, vậy nhưng BHXH vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về quyền lợi của người tham gia. Thử hỏi ai dám chắc rằng người lao động và cả chủ DN sau khi gặp những tình huống trên sẽ còn đủ mặn mà với BHXH, nếu không họ sẵn sàng quay lưng lại và nhất là sẽ câu kết với nhau để trốn đóng hoặc khai mức lương thấp nhất xuống để chỉ phải nộp tiền BHXH một cách tượng trưng?

Thái Bảo
.
.