Nạn "xe nhồi, nhét khách" sau tết

Thứ Năm, 28/02/2008, 17:00
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp trước và sau tết Nguyên đán, nạn xe nhồi, nhét khách lại tái diễn. Mặc dù các lực lượng chức năng đã xử phạt lái xe, tuy nhiên vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đã đến lúc Luật giao thông đường bộ cần phải được sửa đổi, bổ sung những chế tài xử lý quyết liệt hơn vi phạm này.

Chứng kiến trên Quốc lộ 1A

20h30 ngày 18/2 (tức 12 tháng Giêng), chúng tôi có mặt tại chốt kiểm tra liên ngành phía Nam của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông (TTGT) Thanh Hóa đặt tại Km 328 QL1A.

Đây là 1 trong 3 chốt liên ngành gồm CSGT và TTGT (2 chốt còn lại đặt ở Quảng Nam và Đồng Nai) được Cục Đường bộ và Cục CSGT cho phép lập trên QL1A trong dịp tết để xử lý xe khách vi phạm. Chốt này chủ yếu xử lý xe vi phạm đi từ phía Bắc vào. Để xử lý triệt để, 18 cán bộ, chiến sĩ CSGT và TTGT chia làm 3 ca túc trực liên tục 24/24 giờ/ngày.

20h, trời tối đen như mực, cái rét như cắt thịt với những cơn gió táp vào mặt tê tái khiến anh em ở chốt phải mua một cái bếp than đặt bên cạnh làm lò sưởi.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tá Lê Xuân Thanh, Đội phó Đội xử lý vi phạm, cho biết, do lưu lượng xe qua lại trong dịp này rất đông, nên để hạn chế tối đa việc dừng xe gây phiền hà, tránh ùn tắc.

Lãnh đạo Phòng CSGT đã có văn bản quy định trong mỗi ca trực, các tổ cử cán bộ CSGT sử dụng xe ôtô, môtô và bộ đàm để phát hiện xe vi phạm (tập trung chủ yếu xe khách Thanh Hóa, đối với xe khách tỉnh ngoài khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng) thông báo cho chốt dừng xe kiểm tra và phải chịu trách nhiệm về thông báo đó.

Nghiêm cấm dừng xe không đúng thông báo, gây phiền hà tiêu cực. Để xử lý nghiêm xe vi phạm, lãnh đạo Phòng cũng quy định cụ thể mức độ xử lý với các hình thức vi phạm: tạm giữ phương tiện trong các trường hợp không có giấy phép lái xe; giấy đăng ký xe, không có giấy kiểm định kỹ thuật hoặc tự ý cải tạo thiết kế.

Với những xe chở quá số người quy định cũng có quy định cụ thể: trên 20% thì lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy định, không giữ xe, buộc phải chuyển số khách quá tải sang xe khách; xe quá khách từ 50% trở lên, lái xe có giấy phép lái xe (GPLX) thì tạm giữ GPLX và yêu cầu chủ xe phải hợp đồng với lái xe khác có giấy tờ hợp lệ để lái xe, giải quyết cho xe đi và chuyển hồ sơ vi phạm về phòng để ra quyết định xử phạt, tước GPLX. Làm quyết liệt như vậy nhưng xe vi phạm vẫn không ít, nhất là xe từ các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Kạn, Thái Bình, Bắc Giang...

Tôi giở cuốn sổ trực của chốt và thấy những hàng dài xe vi phạm. Trong đó có vụ xe chở gần gấp đôi số người như ngày 10/2/2008, xe khách BKS: 36L – 8828 do Trần Đình Oanh, 31 tuổi ở xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa điều khiển chở khách từ Thanh Hóa đi Hà Nội đã chở 97 khách trên xe chỉ được phép chở 51 khách.

20h30, tổ “trinh sát” đặt cách chốt 1km báo về xe khách BKS 29M-7347 có dấu hiệu vi phạm. Khi kiểm tra đã phát hiện chiếc xe 42 chỗ của Công ty Xe khách Nam Hà Nội do lái xe Vũ Thế Hùng điều khiển đang chở tới 68 người.

20h50, vừa lập biên bản xong thì lại có tin báo về: "Đề nghị kiểm tra xe BKS 18T- 3119". Khi kiểm tra, trên chiếc xe 46 chỗ chạy tuyến Hải Hậu - TP HCM đang chở 61 khách. Được yêu cầu xuất trình giấy tờ thì lái xe Vũ Xuân Đãng vừa gãi đầu vừa trình ra tờ biên bản do CSGT Nam Định vừa lập trước đó 50 phút vì chở khách quá quy định.

Không những thế, trước đó 4 hôm, cũng chính chiếc xe này đã bị Phòng CSGT Thanh Hóa lập biên bản xử lý vi phạm vì chở quá khách.

Càng về khuya, trời càng rét buốt, sương mù giăng mờ mịt, nhưng trên đường vẫn tấp nập xe khách đua nhau chạy vào Nam bởi theo quan niệm ngày 12 tháng Giêng là "ngày tốt" để xuất hành.

21 giờ, chiếc xe khách BKS 88H - 6458 do lái xe Hà Chí Công ở Vĩnh Phúc điều khiển được yêu cầu dừng lại và khi kiểm tra phát hiện đang chở 70/51 khách... Đây chỉ là vài trường hợp vi phạm điển hình bởi theo các cán bộ làm việc tại chốt, hầu hết các xe chở khách vào Nam trong thời điểm này đều chở khách vượt số lượng cho phép.

Tuy nhiên, với những trường hợp chở vượt dưới 20% thì CSGT chỉ nhắc nhở, yêu cầu lái xe không được chở thêm và cho đi... Mặc dù đã có quy định "mở" như vậy, nhưng từ ngày 8/2 tới nay, Phòng CSGT Thanh Hóa đã xử lý gần 200 trường hợp vi phạm.

Nhưng Thanh Hóa chỉ là một trong những địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều xe khách vi phạm. Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua trên tuyến QL1A, tình trạng "xe nhồi, nhét khách" mặc dù đã giảm so với dịp tết Đinh Hợi, nhưng vẫn còn khá nhiều.

Theo Trung tá Phạm Văn Phong, Phó trưởng phòng CSGT tỉnh Ninh Bình thì trong số 113 trường hợp xe khách vi phạm bị Phòng xử lý từ ngày 4 tới 18/2, phần lớn là lỗi chở quá khách. Chỉ riêng ngày 18/2, CSGT tỉnh đã xử lý 18 trường hợp, trong đó có vụ xe 47 chỗ BKS 36L-9987 do lái xe Lê Đức Chung (ở thị trấn Bến Sung, Như Xuân, Thanh Hóa) điều khiển đã chở tới 119 khách. Do vi phạm nghiêm trọng như vậy nên Phòng CSGT đã ra quyết định tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện và xử phạt tới 21 triệu đồng.

CSGT Ninh Bình cùng Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phải huy động tới 4 chiếc xe khác mới chở hết số khách này. Còn Trung tá Trần Thu Đông, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông - Phòng CSGT Hà Nam, cho biết đơn vị này cũng đã xử lý 41 trường hợp xe chở quá khách.

Còn tại Hà Tây, theo Trung tá Trần Đình Trọng, Đội trưởng Đội CSGT Đỗ Xá thì trước và sau tết, đội đã xử lý gần 80 trường hợp vi phạm.--PageBreak--

Xử lý “xe nhồi nhét khách”: cần giải pháp đồng bộ

Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, so với dịp tết Đinh Hợi 2007, công tác chuyên chở hành khách dịp tết Mậu Tý đã có nhiều thay đổi tích cực. Do chuẩn bị tốt nên tết năm nay không xảy ra tình trạng ùn ứ khách tại tất cả các bến xe trên toàn quốc.

Không những thế, các doanh nghiệp, các trường đại học phía Nam không bố trí nghỉ tết đồng loạt cho công nhân, sinh viên; thậm chí để tránh tình trạng "mất công nhân" sau tết, nhiều doanh nghiệp phía Nam đã bố trí xe chở công nhân ra Bắc sau đó lại đón vào nên đã hạn chế được tình trạng quá tải tại các bến xe.

Một điểm mới năm nay là một số địa phương chủ động có giải pháp hạn chế tình trạng xe chở quá khách. Thượng tá Đào Đức Minh, Trưởng phòng CSGT Thanh Hóa cho biết, từ tháng 1, liên ngành Công an và GTVT đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 98 về tổ chức vận tải hành khách trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, nhằm giải quyết tình trạng xe ôtô chở khách vi phạm chở quá số người quy định, vòng vo đón trả khách, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Theo Quyết định này, Sở GTVT Thanh Hóa và Công an tỉnh đã thành lập 8 tổ công tác tăng cường xuống các địa bàn trọng điểm của tỉnh để phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) các địa phương này nhắc nhở, ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải phải thực hiện nghiêm việc chở hành khách những ngày sau tết.

Riêng lực lượng CSGT, Công an tỉnh đã thành lập 2 chốt kiểm soát ở bến xe phía Nam TP Thanh Hóa và thị trấn Bãi Trành của huyện Như Xuân kiểm tra, phát hiện và xử lý xe chở quá khách trên tuyến QL1A và đường Hồ Chí Minh. Nhờ cách làm đồng bộ này mà đã hạn chế được nhiều vi phạm.

Tuy nhiên thực tế "xe nhồi nhét khách" vẫn là vấn đề bức xúc trong vận tải hành khách dịp tết. Theo báo cáo của Cục CSGT đường bộ thì trong dịp tết (từ 20 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng) các lực lượng chức năng đã xử lý gần 3.000 xe khách chở quá tải.

Trong đó riêng tỉnh Đồng Nai, lực lượng tuần tra kiểm soát đã xử lý tới 755 trường hợp xe khách chở quá tải (đấy là chưa tính các xe chở quá quy định dưới 5 người đều được cho qua). Tỉnh Đồng Nai đã phải huy động tới 83 xe phục vụ cho công tác chở khách từ các xe quá tải về quê ăn tết.

Theo các cơ quan chức năng, hiện đã xuất hiện tình trạng các chủ xe chở quá tải khi bị bắt thường dùng nhiều hình thức để né tránh chuyện trả lại tiền cho hành khách bắt xe khác để về quê. Có chủ xe và tài xế còn khóa cửa xe, giam hành lý của khách lại trên xe và bỏ trốn... nên công tác tìm xe khác để chở số khách về quê của các cơ quan chức năng trở nên rất khó khăn.

Từ thực tế này, tại cuộc họp tổng kết hoạt động vận tải hành khách dịp tết Mậu Tý vừa được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng nên duy trì hình thức ứng tiền từ Quỹ ATGT quốc gia cho công tác hạ tải trong các dịp lễ, tết... để tránh tình trạng các cơ quan chức năng dù bắt được xe chở quá tải mà vẫn không dám dùng biện pháp mạnh để xử lý, vì sợ không có xe phục vụ bà con.

Tuy nhiên, về lâu dài thì cần phải có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn để quản lý việc vận tải hành khách. Thực tế hiện nay cho thấy xe vi phạm phần lớn là xe khách tư nhân bởi việc quản lý đối tượng này còn rất lỏng lẻo, cần phải chấn chỉnh.

Vì vậy có ý kiến cho rằng cần phải gom các xe khách tư nhân vào một tổ chức có pháp nhân (như doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải...) và phải ký quỹ một số tiền nhất định để nếu xe vi phạm thì sẽ lấy tiền từ chính khoản ký quỹ này để hạ tải, sang khách...

Luật Giao thông đường bộ sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Được biết hiện Cục CSGT đường bộ đang nghiên cứu đề xuất các chế tài nặng đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ để xử phạt lái xe và doanh nghiệp có xe chở quá tải. Có như vậy mới đủ sức răn đe những lái xe cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chở quá số khách quy định, để bảo đảm an toàn cho khách

Nguyễn Thiêm
.
.