Nếu không còn… kháng sinh

Thứ Năm, 07/08/2014, 15:30

Nếu tính từ thời điểm năm 1928, khi bác sĩ Fleming tìm ra thuốc kháng sinh Penicillin thì cho đến năm 2012 - đã có hơn 5.000 loại kháng sinh được phát minh. Nhờ thuốc kháng sinh, tuổi thọ con người đã tăng lên và hiện tại, ít có trường hợp bệnh nhân chết vì nhiễm trùng nếu so sánh với những nguyên nhân bệnh lý gây tử vong khác. Vì vậy, đã có lúc người ta gọi kháng sinh là "magic bullets" - nghĩa là "những viên đạn thần kỳ", tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng ít - hoặc không gây hại cho cơ thể.

Nhưng bên cạnh đó, nó dẫn đến hệ quả là tại các quốc gia kém phát triển và đang phát triển - trong đó có Việt Nam, mua thuốc kháng sinh dễ như mua kẹo! Nếu bạn bị viêm họng hoặc một vết thương đang làm mủ ư? Cứ việc chạy ra tiệm thuốc tây khai triệu chứng. Ngay lập tức những người bán thuốc - mà đa phần chỉ học qua lớp Dược sơ cấp, hoặc trung cấp, thậm chí có người mới chỉ học lớp "nhân viên nhà thuốc" trong 6 tháng, sẵn sàng "bốc" ngay cho bạn một mớ kháng sinh kèm theo lời dặn "sáng uống loại này, trưa loại kia, chiều loại nọ" mà không cần để ý đến bệnh viêm họng hay vết thương nhiễm trùng làm mủ ấy gây ra bởi loại vi khuẩn nào, và nó nhạy với kháng sinh nào!

Thế nên, chả trách Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tỷ lệ đề kháng với thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, đồng thời đưa ra cảnh báo, rằng "chúng ta đang đứng trên bờ vực của  nguy cơ quay trở lại thời kỳ "tiền kháng sinh" (pre-antibiotic era) - nghĩa là giai đoạn trước khi khoa học tìm ra kháng sinh.  Lời cảnh báo này là viễn cảnh tồi tệ đối với sức khỏe cộng đồng nếu con người không nhanh chóng thay đổi nhận thức.

Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) là tiến sĩ Arjun Srinivasan đã mô tả hiện tượng ấy như sau: "Chúng ta đang mất dần các liệu pháp để chữa trị nhiều bệnh nhiễm khuẩn mà trước đây vẫn rất hiệu quả. Ngày nay, có những vi khuẩn - thường gặp nhất là trong môi trường bệnh viện - có thể kháng lại hầu hết những loại kháng sinh. Hậu quả là nhân loại đang bước vào một giai đoạn bi đát mà các nhà nghiên cứu đã cảnh báo từ lâu, khi các bệnh nhiễm khuẩn quay lại và nguy hiểm hơn trước. Hiện tại, đã xuất hiện những ca nhiễm khuẩn mà y học không còn chữa được trong lúc chỉ 5 năm về trước, các bác sĩ có thể điều trị dễ dàng".

Nếu theo thuyết Darwin, con người và động vật tiến hóa để thích nghi với môi trường sống thì vi khuẩn là bậc thầy trong việc tiến hóa này. Khi bị tấn công bởi một hay vài loại kháng sinh không đủ "mạnh", không đủ liều lượng, không đúng chủng loại, vi khuẩn sẽ tạo ra các đột biến bằng nhiều hình thức khác nhau để tránh bị tiêu diệt. Kết quả là nhiều thế hệ mới sẽ sinh sôi, phát triển thành những dòng vi khuẩn mà kháng sinh hoàn toàn không còn tác dụng đối với chúng.

Nhiều loại kháng sinh không còn hoặc còn rất ít tác dụng với vi khuẩn.

Tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường, nguyên giảng viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM giải thích: "Không phải dễ dàng mà vi khuẩn kháng được thuốc. Sự kháng thuốc chỉ xảy ra khi thuốc được dùng không đúng liều lượng, dẫn đến hiện tượng vi khuẩn sống sót sau đợt điều trị. Những con vi khuẩn này sẽ nhận biết thứ đang tiêu diệt chúng rồi biến đổi ADN để chống lại tác dụng của kháng sinh. Và thế là "gien" kháng thuốc ra đời. Về cơ bản, đây là cách thức chủ yếu tạo ra sự kháng thuốc".

Vẫn theo ông Đào Đại Cường, nguyên nhân kháng thuốc còn do sự lai tạo của dòng vi khuẩn động vật với vi khuẩn trên người. Thoạt đầu, vi khuẩn trên động vật kháng thuốc. Sau đó, vì một lý do nào đó, những vi khuẩn này thâm nhập vào cơ thể người rồi truyền gien kháng thuốc cho vi khuẩn trên người. Kết quả là vi khuẩn trên người có khả năng kháng thuốc: "Bên cạnh đó, còn có sự trao đổi gien kháng thuốc giữa những vi khuẩn ở quốc gia này và quốc gia khác thông qua khách du lịch, dẫn đến tình trạng kháng thuốc bùng nổ ở nhiều nơi…".

Trong lúc số vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện ngày càng nhiều thì những loại kháng sinh mới - cũng như các công ty dược, các viện bào chế chuyên nghiên cứu chế tạo kháng sinh ngày càng ít đi. Sự suy giảm này do nhiều nguyên nhân như thời gian nghiên cứu kéo dài, lắm khi đến 5, 10 năm, đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn với những thử nghiệm phức tạp nhưng lợi nhuận thu về lại kém hơn so với nhiều loại thuốc khác.

Ở những quốc gia chưa có nền công nghiệp nghiên cứu và chế tạo kháng sinh thế hệ mới - trong đó có Việt Nam, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng kháng sinh, mà nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ. Tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường nói rằng: "Nên từ bỏ thói quen ra tiệm thuốc tây mua thuốc để tự điều trị - ngoại trừ một vài bệnh thông thường - mà nên đến bác sĩ mỗi khi mắc bệnh. Khi bác sĩ đã chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân của một bệnh nhiễm khuẩn thì lúc đó bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể là phải dùng loại kháng sinh nào, liều lượng mỗi ngày bao nhiêu, uống thuốc hoặc tiêm trong mấy ngày…".

Bác sĩ Tiến, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Nhiều người có thói quen giữ lại đơn thuốc để làm "mẫu". Sau này, khi gặp phải những triệu chứng cũ, họ cầm đơn ra tiệm thuốc mua về uống - chưa kể họ còn chỉ cho người khác hoặc cho trẻ con uống với suy nghĩ là trẻ con thì cứ chia ra uống nửa liều mà quên rằng nhiều bệnh nhiễm trùng có những triệu chứng tương tự như nhau, và chỉ bác sĩ mới phân biệt được những triệu chứng đó. Việc tự ý điều trị theo đơn "mẫu" rất dễ dẫn đến hậu quả là tốn tiền mà không hết bệnh, có thể nguy hiểm đến tính mạng cũng như tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc".

Với bác sĩ, có một thực tế phải thừa nhận rằng hiện nay ở nhiều phòng khám tư, một số bác sĩ thường điều trị theo kiểu "bao vây" - nghĩa là kê đơn 2, 3 loại kháng sinh để "không trúng thứ này thì cũng trúng thứ kia", hoặc để nhận tiền "hoa hồng" từ các nhà phân phối, hoặc theo yêu cầu của người bệnh là muốn khỏi bệnh thật nhanh. Điều đó dẫn đến tình trạng bệnh nhân được cho sử dụng kháng sinh mạnh hoặc kháng sinh phổ rộng khi không cần thiết.

Tiến sĩ Cường nói: "Bên cạnh đó, khi chỉ định kháng sinh, bác sĩ cũng nên dành chút thời gian giải thích cho người bệnh hiểu về quy trình điều trị, tránh trường hợp phải uống đủ 7 ngày nhưng mới 3 ngày, người bệnh thấy đỡ hẳn nên ngưng không uống nữa. Cần giải thích cho người bệnh hiểu, rằng lượng thuốc đã uống chỉ có thể tiêu diệt được một số vi khuẩn chứ chưa đủ để diệt hết. Việc ngưng thuốc đột ngột là nguyên nhân dẫn đến những vi khuẩn còn sống sót trở nên đề kháng với kháng sinh". 

Đối với các tiệm thuốc tây, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về những loại kháng sinh chỉ được phép bán khi có đơn thuốc của bác sĩ, từ chối bán thuốc cho người bệnh khi họ không có đơn. Chấm dứt tình trạng nhân viên nhà thuốc kiêm luôn nhiệm vụ chẩn đoán và điều trị. Về phía các cơ quan chức năng, cần thường xuyên kiểm tra giám sát việc kê đơn bác sĩ theo đúng quy định. Chấn chỉnh hoạt động của các tiệm  thuốc tây, xử lý nghiêm các nhà thuốc không đạt chuẩn GPP, giám sát chặt chẽ chất lượng thuốc, không để thuốc kém chất lượng, thuốc giả lưu hành trên thị trường.

Thuốc kháng sinh chỉ là phương tiện chữa bệnh do con người phát minh ra. Vì vậy, bản thân kháng sinh không có lỗi trong trường hợp kháng thuốc, mà chính là cách sử dụng sai lầm của con người đã đưa bệnh nhân đến gần với nguy cơ mai này nếu không còn kháng sinh…

Vũ Cao
.
.