Nếu một ngày Hà Nội vắng xích-lô...

Thứ Hai, 23/12/2019, 12:42
Như một thói quen, mỗi khi đón người thân ở xa về Hà Nội, tôi thường cùng họ lên mạn hồ Gươm đi xích lô. Bởi tôi thích được nhẩn nha ngắm phố phường trôi qua trước mắt, lắng nghe âm thanh leng keng rộn rã của chiếc xe ba bánh, thích nói dăm ba câu chuyện với những bác tài xích lô, cảm giác vui vui và chân thật.

Filbert Peter - anh bạn người Mỹ của tôi, đã gắn bó với Hà Nội 8 năm, người có thú vui sưu tầm những chiếc xích lô lưu niệm xinh xắn cũng thích trải nghiệm xe ba bánh. Peter nói với tôi rằng, chính những bác tài đạp xích lô bình dân đã góp phần làm nên một Hà Nội cổ kính, vàng son...

Trọn tình với xích lô

Hà Nội chiều đông, nắng rất ngọt nhưng khí trời thì rét buốt. Tôi lang thang lên phố cổ, gọi một cuốc xích lô để có thể thỏa thuê ngắm cảnh và người Kẻ Chợ. Anh Phạm Văn Thương - người chở tôi giọng vui vui: “Hôm nay cô mở hàng đấy, hy vọng anh đông khách”.

Thấy tôi xoa hai bàn tay vào nhau đưa lên miệng tìm hơi ấm, đang đạp xe, bất ngờ anh Thương lấy trong túi áo đưa cho tôi chiếc kẹo lạc: “Cô ăn kẹo cho ấm bụng. Anh vẫn thường tặng kẹo lạc cho mấy ông bà khách Tây, họ ăn và cứ luôn miệng “really good” (rất ngon). Tôi nhâm nhi chiếc kẹo lạc, cảm giác thú vị bởi sự tâm lý, thân thiện của anh Thương.

Câu chuyện giữa chúng tôi trở nên rôm rả theo vòng bánh xe chầm chậm. Có lẽ chỉ trên những chiếc xích lô thì cuộc chuyện trò giữa bác tài và khách mới diễn ra cởi mở đến thế. Gắn bó với nghề đã 17 năm, chiếc xích lô giúp anh nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Hỏi anh có biết đến chủ trương của thành phố sẽ bỏ xích lô du lịch, anh bảo thời gian này đội đạp xích lô hoang mang lắm vì chưa bao giờ nghĩ sẽ rời bỏ chiếc xe thân quen này để làm một công việc khác.

Anh Phạm Văn Thương gắn bó với chiếc xích lô đã 17 năm.

Sau mười mấy năm ở trọ kinh kì, 3 năm trước, anh Thương quyết tâm đưa cả vợ và 3 đứa con từ Hưng Yên lên Thủ đô, dù khó khăn vất vả nhưng bù lại cả nhà luôn có nhau. Gian nhà nhỏ trong phố Hàm Tử Quan ven sông Hồng là nơi gia đình anh trú ngụ. Gia đình 5 người trông chờ vào chiếc xích lô mỏng manh nhưng bền bỉ của anh Thương, thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng, cộng với 3-4 triệu của vợ anh đi làm thuê cho một cửa hàng.

Anh bảo, cuộc sống bình dị và chầm chậm như vòng quay của chiếc xe xích lô, chỉ mong cả nhà không ốm đau, không nợ nần ai là hạnh phúc lắm rồi. Hằng ngày, anh Thương đón khách đi tour tại các điểm của công ty du lịch. Những lúc vắng khách, anh tranh thủ đạp quanh Bờ Hồ chở khách lẻ kiếm thêm thu nhập.

Gắn bó lâu với nghề, anh Thương bảo khách nước ngoài đến Hà Nội đều háo hức được ngồi xích lô. Họ thích cảm giác ngồi trên chiếc xe ba bánh, phóng tầm mắt ngắm phố phường mà không bị cản trở tầm nhìn, họ thích sự cơ động khi xích lô có thể len lỏi khắp những con phố nhỏ và ngắn mang tên “Hàng”. Họ cảm thấy dễ chịu khi có thể dừng lại mua đồ, thoải mái lựa chọn trong khi các bác tài kiên nhẫn đứng chờ không bao giờ hối thúc.

Tôi đến trước cửa Nhà hát Lớn, địa điểm tập kết của nhóm xích lô thuộc Công ty Huy Phong đang chờ khách. Bác Trần Minh Kha, 59 tuổi, hơn 20 năm đạp xích lô đưa cho tôi xem giấy tờ xe đã sắp hết hạn. Khuôn mặt lo âu, giọng buồn buồn, người cựu chiến binh nói với tôi rằng lần này bác không được cấp giấy phép hoạt động mới như một số anh em khác. Lý do là Công ty Huy Phong đang thực hiện giảm số lượng xe xích lô và bác Kha nằm trong số đó. Tuổi đã cao, xin việc khó khăn, bác không biết làm việc gì để gồng gánh cả gia đình có con gái, em gái và mẹ già đều bệnh tật.

Mà không chỉ Huy Phong, các công ty dịch vụ xích lô khác như Công ty Thương mại và Du lịch Văn hóa, Công ty Lâm Anh, Công ty Sans Souci đều đồng loạt cắt giảm số lượng xe hoạt động trên các tuyến phố cổ Hà Nội. Và như thế cũng đồng nghĩa với việc rất nhiều bác tài mất việc làm.

Những bác tài đạp xích lô mà tôi gặp tập trung tứ xứ về đây, tuổi không còn trẻ, sức không còn khỏe để có thể làm việc khác, họ chỉ biết gắn với chiếc xích lô, túc tắc, cần mẫn lao động để có tiền nuôi con. Họ sống chân tình, đùm bọc, san sẻ khách cho nhau. Bao năm nay vẫn thế, không xảy ra tình trạng tranh khách, cãi vã xô xát.

Anh Phan Văn Trưởng, 44 tuổi, quê Nam Định, dáng gầy gò, khuôn mặt xanh xao bởi bị bệnh tim từ nhỏ. Dù sức khỏe yếu nhưng anh không thể rời chiếc xích lô bởi còn mẹ già và người vợ ốm đau ở nhà. Vào nghề, anh đem số tiền tiết kiệm 5 triệu đồng mua chiếc xích lô. Bao năm nay, 5 anh em cùng quê ở ghép với nhau trên phố Bạch Đằng. Ngoài việc phải trả tiền nhà trọ, điện nước, tiền ăn, mỗi tháng anh Trưởng cũng để ra được 4 triệu đồng gửi về cho vợ con.

Anh tếu táo: “Vắng cô thì chợ vẫn vui, vắng xích lô thì phố cổ Hà Nội còn xe điện, xe bus hai tầng, xe bon bon, taxi vẫn tấp nập chạy trên phố hằng ngày. Lúc ấy, tôi đành mang chiếc xích lô về quê, hằng ngày ngắm xe cho đỡ nhớ nghề”.

Không ít lần, các bác tài rơi vào tình cảnh cười ra nước mắt. Đó là những lúc có vị khách Tây “quên trả tiền” hoặc cố tình trả số tiền chỉ bằng một phần nhỏ giá cuốc xe, với lí do nhầm mệnh giá tiền Việt Nam. Những lúc ấy, họ đành bùi ngùi, bởi đã gắn với nghề, làm sao tránh được những “tai nạn nghề nghiệp”.

Nhưng cũng có lúc, chính những người khách ngoại quốc mang lại cho họ niềm an ủi. Nhiều khách Tây thấy các bác tài vất vả không lấy tiền thừa, coi như tặng thêm vì thái độ phục vụ cần mẫn và nhiệt tình. Những lúc ấy, gương mặt sạm nắng của những bác tài ánh lên một niềm vui.

Du khách nước ngoài trải nghiệm đi xe xích lô quanh hồ Hoàn Kiếm.

Hello và... xin chào

Đứng chờ khách ở phố Hàng Bồ, bác Phạm Văn Tác, năm nay đã gần 80 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước, nước da đỏ hồng khỏe mạnh. Bác bảo đạp xích lô vừa có thêm thu nhập, vừa rèn luyện sức khỏe. Trong các đội xích lô, bác là người có thâm niên cao nhất, đôi bàn chân dẻo dai và miệt mài với chiếc bàn đạp xích lô đã gần 40 năm nay.

Bác Tác vào nghề từ những năm tháng bao cấp, khi đó xích lô không thong dong chở khách như bây giờ mà chở gạo, muối, nguyên vật liệu cho các cửa hàng tổng hợp. Xích lô ngày đó tiện lợi, giá cả bình dân, đáp ứng mọi nhu cầu vận chuyển đến mọi ngóc ngách của thành phố. Tiếng chuông xe leng keng vang khắp các con phố từ sáng sớm tới đêm khuya.

Mỗi ngày, được gặp gỡ, chuyện trò với những vị khách, bác Tác tìm được niềm vui cho chính mình. Ngày nào không đẩy xe ra phố, cảm thấy thiếu vắng, buồn chân buồn tay. Bác Tác bảo mình là người Việt, cứ chào bằng tiếng Việt, sao lại chào bằng tiếng nước ngoài.

Vậy nên, thay vì nói “hello”, “konnichiwa”, “ni hao”, bác Tác nói “xin chào”. Và thật thú vị, nhiều người khách, nhất là những em nhỏ cũng reo lên “xin chào”. Với bác, khi nghe du khách nói tiếng nước mình, cảm giác vui và tự hào dâng lên khó tả.

Câu chuyện giữa tôi với bác Tác liên tục bị ngắt quãng khi chốc chốc lại có vị khách hỏi thăm đường. Lấy từ trong xe chiếc bản đồ Hà Nội, dù vốn tiếng Anh bập bõm nhưng cách chỉ dẫn dùng ngôn ngữ cơ thể thì rất nhiệt tình.

Bác Tác bảo, khách du lịch hay hỏi han thông tin nên các bác ai cũng trang bị những câu giao tiếp thông thường. Tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, mỗi thứ một chút, đủ để biết những người khách kia đến từ đâu và ở lại Hà Nội bao lâu, đủ để giới thiệu một chút về hồ Gươm, cầu Thê Húc và những con phố cổ Hà Nội. Để du khách có được nhiều trải nghiệm, có được những bức ảnh đáng nhớ thì dù là sáng sớm, giữa trưa nắng hay đêm khuya, các bác tài cũng chẳng nề hà.

Đoàn xích lô chở đám ăn hỏi trên phố trở thành nét đẹp của thủ đô.

Tôi gặp chị Lưu Vân Thư - hướng dẫn viên đang dẫn đoàn khách Philippines tham quan phố cổ. Chị bảo, cũng giống như xe tuk tuk ở Thái Lan, xe kéo ở Trung Quốc, xe ngựa ở Đà Lạt, xích lô phố cổ Hà Nội là những đặc trưng văn hóa lâu đời mang tính vùng miền đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Các nước bạn có thể giữ gìn và phát triển các loại hình phương tiện truyền thống độc đáo, cớ sao Hà Nội lại bỏ xích lô?

Thay vì cấm, Hà Nội nên thay đổi cách quản lý để đội ngũ đạp xích lô hoạt động an toàn và hiệu quả, như quy định chi tiết về lộ trình, nơi dừng đỗ đón trả khách, thời gian lưu thông và số xe xích lô trong một đoàn... Erica - một nữ du khách nói với tôi rằng, đã hơn 10 lần đến Hà Nội và lần nào cô cũng chọn xích lô, cảm giác gần gũi như được hòa nhịp cùng cuộc sống nơi đây. Nếu bỏ xích lô thì thật đáng tiếc.

Thu nhập chẳng đáng là bao nhưng bù lại, đời sống tinh thần của các bác tài vô cùng phong phú khi được chứng kiến các sự kiện lớn ở trung tâm Thủ đô, được hòa vào không khí đông vui tấp nập từ sáng sớm đến tối đêm. Mỗi khi tham gia chở khách cho một đám ăn hỏi, nhìn những gương mặt rạng rỡ, những tráp trầu cau trang trí đẹp mắt, các bác tài cũng thấy vui lây.

Mấy hôm nay, người dân Thủ đô đổ về Bờ Hồ cổ vũ cho hai đội tuyển bóng đá của Việt Nam tham dự SEA Games, niềm vui chiến thắng lan khắp các ngả đường góc phố. Những ngày tết, phố cổ vắng người qua lại nhưng khách nước ngoài đông hơn ngày thường. Các bác tài vội vã về quê sum họp gia đình rồi lại tất bật lên Hà Nội, tranh thủ những cuốc xích lô đầu xuân mới, hy vọng cả năm làm ăn suôn sẻ.

Tôi không nghĩ những chiếc xích lô bình dị, đi theo hàng lối, thân thiện với môi trường kia lại là nguyên nhân chính gây tắc đường, làm chậm dòng phương tiện. Bởi theo quan sát của tôi, xích lô rẽ phải hay rẽ trái, xích lô nhường đường hay xin đường, dừng đỗ hay di chuyển, đều rón rén, gượng nhẹ, hầu như không xảy ra va chạm giao thông. Những chiếc xích lô ngày ngày vẫn chầm chậm hòa vào dòng người, làm nên nét duyên dáng của Thủ đô.

Với các bác tài, chiếc xe xích lô là phương tiện kiếm sống nuôi cả gia đình. Còn với nhiều người, họ cùng chiếc xe xích lô còn là một dịch vụ du lịch, một phần văn hóa đặc trưng của phố cổ Hà Nội. Du khách yêu Việt Nam, yêu Hà Nội và muốn quay trở lại, là vì có những bác tài xích lô đáng mến và đáng nhớ, những đại sứ văn hóa bình dị của Thủ đô.

Huyền Huyền
.
.