Ngầm hóa lưới điện – Giấc mơ của phố

Thứ Sáu, 30/09/2016, 13:45
Với người dân TP HCM, không chỉ mong ước không còn cảnh nước ngập khi mưa, triều cường lên và vấn nạn kẹt xe mỗi ngày, mà còn có một ước mơ thường xuyên, mòn mỏi kéo dài từ nhiều năm qua đó là việc ngầm hóa hệ thống lưới điện, dây cáp để sớm chấm dứt những "dự án treo" về giải tỏa hàng ngàn người dân sống dưới đường dây điện cao trung thế và những mối đe dọa nguy cơ cháy nổ rất cao từ những núi dây điện chằng chịt như mạng nhện…

Trời đang mưa lớn, khoảng 13h25 ngày 20-9-2016, tại trạm biến áp 110Kv Hòa Hưng, góc công viên Lê Thị Riêng, P15, Q10 xảy ra sự cố phát cháy dây điện sau một tiếng nổ lớn, khói đen đặc bốc lên cao, mùi nhựa cháy khét lẹt lan tỏa khắp nơi. Vụ cháy làm một dây điện trung thế rất to, đứt rơi xuống mặt đất dẫn đến 2 tụ điện gần đó cũng phát cháy, nổ theo khiến cho toàn bộ khu vực 4 quận lân cận bị cúp điện và người dân vô cùng hoang mang.

Các cơ quan chức năng và Công ty Điện lực Phú Thọ, Tân Bình, TP HCM tiến hành phong tỏa hiện trường, khẩn trương khắc phục sự cố cho đến 22h đêm điện mới thắp sáng trở lại khu vực Bắc Hải. Nguyên nhân ban đầu được xác định do biến áp bị sét đánh.

Tuy không thiệt hại về người, nhưng vụ nổ cũng đã làm vỡ kính nhà dân, cháy dây điện trung thế và biến áp. Đây không phải lần đầu, mà hầu như năm nào đến mùa mưa bão, tình trạng cháy nổ điện cứ thường xuyên xảy ra khiến người dân hoang mang lo sợ. Tại khu cư xá Bắc Hải, P15, Q10 có vài trăm hộ dân sống dưới đường dây trung thế 110Kv hàng mấy chục năm nay. Đây là dự án "treo lơ lửng" do sống dưới dây điện trung thế nên không ai dám xây sửa nhà, việc mua bán chuyển nhượng cũng thỏa thuận bằng giấy viết tay là chủ yếu.

Ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông, chiếu sáng công cộng tại TP HCM.

Cảnh sống nơm nớp lo sợ luôn đeo bám người dân ở đây hàng mấy chục năm qua, nhưng vừa mới nghe sắp tới có thể được xóa án treo, dây điện trung thế được nâng lên cao hoặc ngầm hóa, bà con ai cũng mừng vui phấn khởi, thấp thỏm những tia hy vọng mới.

Trừ một số tuyến đường huyết mạch trung tâm thành phố tại quận 1, 3, 10... còn lại hầu hết các đường phố ngang dọc khắp nơi, mọi người ai cũng nhìn thấy những nùi dây điện, cáp quang, dây chiếu sáng, thông tin quấn nhau như những con mãng xà khổng lồ màu đen ôm lượn các cột điện. Đặc biệt tại các ngã ba, ngã tư, dây điện được nhiều cơ quan quản lý khác nhau dồn thành đống, thành cục quấn ôm cột điện.

Nhiều nhà ở của dân trước mặt tiền tầng 1, 2, dây điện chắn ngang như lớp rào cực kỳ nguy hiểm, có nhiều nơi dây cao, trung thế ngang sạt qua cửa nhà dân trên tầng cao rất dễ xảy ra phóng điện gây cháy nổ và chết người. Nhiều vụ cháy nhà, chập điện, cháy biển quảng cáo ngoài trời do thời tiết xấu, do con người bất cẩn tác động, ảnh hưởng trực tiếp gây ra và do sét đánh "bất khả kháng" đã gây nên nhiều vụ hỏa hoạn cực kỳ nghiêm trọng thiệt hại về tính mạng con người và tài sản rất lớn.

Người dân phải sống chung với dây điện cao, trung thế cũng giống như người miền Tây sống chung với lũ và người dân gần bãi rác "quen" với mùi  hôi bốc lên các bãi xử lý rác thải và môi trường ô nhiễm.

Ngầm hóa đồng bộ các loại cáp điện

Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là một trong 7 chương trình đột phá của TP HCM theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Để TP trở thành một nơi có chất lượng sống cao và hiện đại,  nghĩa tình. Theo đó, đề án quy hoạch ngầm hóa hệ thống lưới điện đồng bộ với các công trình ngầm hóa cáp viễn thông và cáp chiếu sáng công cộng đã được UBND TP phê duyệt và triển khai thực hiện trong những năm qua.

Đây là một trong những dự án được người dân TP mong chờ từng ngày với sự đồng thuận cao, không chỉ góp phần làm cho đô thị sạch đẹp, văn minh, mỹ quan hơn mà còn giải quyết rốt ráo những dự án treo, những "mạng nhện" treo lủng lẳng trên đầu người dân dọc theo các tuyến đường, tuyến hẻm của thành phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, điện giật, mất an toàn và nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Thời gian qua, điện lực TP đã triển khai thực hiện ngầm hóa ưu tiên một số dự án tại khu vực trung tâm, các khu hành chính thương mại và các tuyến đường trọng điểm khu vực trung tâm nối các quận, huyện và cửa ngõ thành phố. Trong đó, việc ngầm hóa cáp viễn thông đã đạt tỷ lệ 90% trên các tuyến chính trung tâm. Để tránh trường hợp "nhiều người mổ một vết thương" gây mất trật tự, ùn tắc giao thông và quang cảnh bát nháo, luộm thuộm trên các tuyến đường, do đó dự án ngầm hóa cần có sự phối hợp đồng bộ, đồng loạt triển khai thi công của ngành điện lực, viễn thông, chiếu sáng công cộng, công trình giao thông, thoát nước đô thị...

UBND TP cũng đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư các khu đô thị, dân cư mới, các công trình xây dựng hạ tầng giao thông, các tuyến đường, phố mở rộng, làm mới, nâng cấp cải tạo phải thực hiện ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông, chiếu sáng công cộng cho phù hợp với quy hoạch chung. UBND TP giao cho Tổng Công ty Điện lực TP thực hiện kế hoạch và phân kỳ các giai đoạn hạ ngầm cáp điện lực kết hợp hạ ngầm cáp viễn thông giai đoạn 2016-2020 với những yêu cầu chặt chẽ, cụ thể từng giai đoạn tiến hành ngầm hóa.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2017, TP HCM sẽ thi công ngầm hóa 75 công trình với 177,19 km. Riêng năm 2016 sẽ thực hiện 36 công trình với 89,81 km khu vực trung tâm. Đến năm 2020, Tổng Công ty Điện lực TP sẽ hoàn thành kế hoạch ngầm hóa 650 km lưới điện trung thế và 1.150 km lưới điện hạ thế.

Tính từ khi triển khai thí điểm vào năm 2011 đến nay, Tổng Công ty Điện lực TP đã thực hiện được 97 dự án ngầm hóa với 320 km lưới điện trung thế và 530 km lưới điện hạ thế, kết hợp với ngầm hóa cáp viễn thông, dây thông tin trên 74 tuyến đường tại các khu vực trung tâm TP như: đường Hàm Nghi, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, khu vực chợ Bến Thành, hội trường Thống Nhất, ngã 6 Ngô Gia Tự, ngã 7 Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng... cùng nhiều khu vực thuộc trung tâm hành chính các quận, huyện.

Tại buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực TP, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM đã đánh giá: các khu dân cư, đô thị mới, lưới điện và cáp viễn thông hầu hết đã được ngầm hóa, nhưng tại nhiều khu dân cư hiện hữu, tình trạng dây cáp chằng chịt như mạng nhện vẫn còn. Chủ tịch UBND TP yêu cầu ngành điện lực cần đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa điện và cáp tại các khu vực trung tâm và giải quyết dứt điểm tình trạng dây cáp, dây điện ôm cột điện nhếch nhác tại khu vực ngoại thành hiện nay.

Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực TP đang tập trung thực hiện ngầm hóa lưới điện tại các quận 1, 3 và các tuyến đường liên quận, huyện nối trung tâm dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018. Sau đó sẽ triển khai thực hiện tại các quận, huyện còn lại, dự kiến đến năm 2020 thành phố sẽ xóa sạch tình trạng "mạng nhện" lưới điện, cáp chằng chịt như hiện nay.

Điện lực TP cho biết, trong năm 2016 sẽ hoàn tất thêm 60 dự án ngầm hóa, trong đó có khoảng 10 dự án thực hiện đồng bộ với các công trình giao thông trọng điểm của TP HCM, bao gồm 62 tuyến đường với khối lượng thực hiện khoảng 287 km trung thế và 489 km hạ thế.

Để các công trình ngầm hóa không làm ảnh hưởng đến người dân, các dự án mới đang triển khai, Tổng Công ty Điện lực TP phối hợp với chính quyền các địa phương để đẩy mạnh công tác tham vấn cộng đồng ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế nhằm tạo sự đồng thuận, ghi nhận các ý kiến của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi thực hiện các dự án và thực hiện công tác giám sát cộng đồng đối với chất lượng công trình trong quá trình thi công, tất cả nhằm tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, nhằm hạn chế tối đa các trở ngại phát sinh trong quá trình thi công các dự án ngầm hóa ngày càng văn minh, hiện đại và đạt mỹ quan đô thị tương xứng với vai trò và vị thế ngày càng cao của thành phố.

Tính đến nay, tỷ lệ ngầm hóa hệ thống điện nhiều quận đạt tỷ lệ khá cao như: quận 1, 3 đạt 90%; quận 5 đạt 85%; các quận 10, 11, Phú Nhuận đạt từ 70-75%... Ngầm hóa lưới điện kết hợp với ngầm hóa cáp viễn thông còn góp phần làm giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố mất an toàn, nâng cao độ tin cậy và năng lực vận hành lưới điện, năng lực truyền tải, tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng và cung ứng điện.

Đặc biệt, việc quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị (gồm dây điện, dây thông tin, cáp truyền hình, chiếu sáng và đèn tín hiệu giao thông...) làm giảm diện tích chiếm dụng đất của các công trình hạ tầng kỹ thuật, tiến tới xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chuẩn đô thị văn minh, hiện đại.

Trong thiết kế, thi công, thành phố sẽ ưu tiên các công trình hạ ngầm cáp viễn thông trên vỉa hè, hạn chế thi công dưới lòng đường. Các đơn vị sẽ phối hợp thực hiện thi công đồng bộ khi ngành điện lực, viễn thông, chiếu sáng công cộng, công trình giao thông và thoát nước đô thị có kế hoạch ngầm cáp trên cùng tuyến công trình, thống nhất phương án đấu thầu và giám sát thi công chung công trình nhằm bảo đảm tiến độ thi công và chuyên môn kỹ thuật.

Đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa các công trình về điện, cáp, đường ống thoát nước... luôn được người dân TP mong chờ từng ngày. Không chỉ mang lại cho người dân sự an toàn, yên tâm mà còn góp phần thiết thực tạo nên cảnh quan, mỹ quan cho thành phố.

Hoàng Châu
.
.