Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh:

“Ngấm” và “lọc” cuộc đời bằng văn chương

Thứ Ba, 01/11/2016, 13:45
Thật không thể nói hết được sự khâm phục của tôi dành cho ông - nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, một nhà văn ở tuổi 85, sau rất nhiều trăn trở, đã ra mắt được cuốn sách yêu thích nhất của cuộc đời mình: "Chuyện ngõ nghèo".

Gặp ông lần này, giữa một Hà Nội vào thu đẹp mê hồn, trong một quán cà phê tân thời của một Hà Nội đầy ồn ã, xô bồ, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kể rất nhiều câu chuyện quá khứ thuộc về Hà Nội, một câu chuyện chậm rãi và đầy dư ba. những câu chuyện ám ảnh lòng người, mà nếu thế hệ ông không viết lại để lưu giữ, nó có nguy cơ sẽ mất dần trong ký ức của rất nhiều người của thế hệ mai sau...

Đã ra mắt gần chục cuốn tiểu thuyết và nhiều công trình dịch thuật, cuốn nào cũng để lại những dấu ấn trong chặng đường văn chương như “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa"... nhưng dường như lần này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có một niềm hạnh phúc khác lạ khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết mới của mình "Chuyện ngõ nghèo".

Một câu chuyện kể về thời bao cấp, với hành trình viết nhật ký của một nhà báo với công cuộc nuôi lợn. Trong Phần 1, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã có đôi lời phi lộ: "Nhật ký này là của ông Nguyễn Hoàng, ông Nguyễn Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn".

Hẳn nhiều người còn nhớ Hà Nội những năm tháng khốn khó, người ta phải hướng vào chăn nuôi, trong đó nuôi lợn làm kế mưu sinh thường được chọn. Những tiếng ụt ịt vang lên ở dưới gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể hai mươi mét vuông ở khắp nơi.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

"Chuyện ngõ nghèo" ra đời trong khung cảnh ấy. Cái thời mà tất cả mọi thứ trong nhà đều không quý bằng... con lợn, đã có hàng ngàn câu chuyện ập đến với nhà văn, câu chuyện như một cuộc giễu nhại lớn.

Một anh thương binh nuôi lợn đến trình độ "nghệ sĩ" đặt cho lợn những cái tên hào hùng: Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm... Một giáo viên dạy Sinh vật cấp ba ấp ủ viết cả một "Bách khoa lợn", và đưa ra những khái niệm mới mẻ chưa từng: Bái trư giáo, Trư luận, Trư học. Một nhà văn bán sách đi nuôi lợn, ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý...

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kể lại, một người bạn thơ của ông, cũng nuôi lợn. Chẳng may con lợn bị ốm, thế mà chạy đôn chạy đáo đủ các thứ thuốc thang tây y, đông y... Lo lắng cả tuần, cả tháng chăm bẵm cho nó. Thế nhưng, con gái bà ấy ốm, thì bà ấy chỉ cho vài thang thuốc của ông lang băm.

Cái thời ấy thế, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ rằng, cùng song hành với nghề viết văn và những nghề khác để kiếm sống, nuôi 4 người con ăn học, ông đã là một người nuôi lợn cực giỏi. Thời những năm 70-80 của thế kỷ trước ấy, hầu như gia đình nào ở miền Bắc cũng đã một lần nuôi lợn. Hầu như là vậy. Nông thôn đã đành, thành phố cũng thế. Người có quyền có thế cũng nuôi lợn, gia đình công chức cũng nuôi lợn...

Bởi vậy, nghĩ tới thời bao cấp là nghĩ ngay tới chuyện người người nuôi lợn nhà nhà nuôi lợn. Nhiều người viết về thời bao cấp, triển lãm tranh, ảnh, vật dụng về thời bao cấp, thậm chí có quán ăn về thời bao cấp, nhưng thực tế, việc nuôi lợn là điển hình của thời bao cấp mà hầu như chẳng ai viết cả.

Thời đó bao gồm cả những khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí là sự đói khát, niềm ước mơ đến một ngày mai, một tương lai... Con người thời đó họ hồn nhiên và đáng yêu, họ thậm chí là rất giỏi vì đã chắt bóp đủ kiểu, xoay xở đủ kiểu. Họ tự cứu mình, tự tìm cách để thoát nghèo.

Đối với ông cũng như hầu hết những gia đình khác, con lợn là cả một gia tài. Mỗi lần mổ lợn, gia đình ông thường không bán đi cỗ lòng mà thường giữ lại để mời bạn bè đến đánh chén. Đó như một cuộc đại lễ. Đó là một ngày được nghỉ ngơi, được ăn chơi với những câu chuyện văn chương cùng bè bạn, vui không để đâu cho hết.

Cũng trong cái gian khổ ấy, ông có nhiều động lực để viết, viết như một nhu cầu tự thân hàng ngày. Ngày đi làm kiếm sống, đêm ngồi viết. Cuốn tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo" ông viết ra một mạch trong hằng đêm dài ấy. Nó cứ thế ra đời mà không phải sửa chữa thêm gì trong suốt cả một thời gian ấp ủ.

Với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, văn chương là một cuộc trải nghiệm những ý tưởng đã được ngấm và lọc qua năm tháng cuộc đời mình. Nếu nói rằng, mỗi người đều có một con đường đi do số phận sắp đặt, thì con đường trở thành nhà văn của Nguyễn Xuân Khánh đúng là một sự run rủi của số phận.

Đang học trường Y, ông xin đi bộ đội và bắt đầu những trang tiểu thuyết đầu tiên của mình năm 1959. Đó là một tiểu thuyết viết về làng quê, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhận in, nhưng lần lữa mãi, sửa chữa mãi, cuối cùng ông không chỉnh sửa kịp và bỏ dở cuốn tiểu thuyết đầu tay ấy.

Ông cất vào một góc của ngăn kéo… và lăn lộn với chặng đường mưu sinh vất vả khó khăn gian khổ của cuộc sống, làm đủ nghề từ công nhân, nuôi lợn, làm thợ may… để nuôi các con ăn học nên người. Ông không ngờ rằng, những cuốn sách cất vào ngăn kéo ấy, dần dần lại trở thành nguồn sách quý giá cho mấy chục năm sau...

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh luôn khẳng định rằng, ngoài những duyên may, thì ông là một người không ngừng nghỉ tự học, tự đọc. Hồi còn nhỏ, mới 12 tuổi ông đã đọc Tố Tâm, Thủy Hử, Tam Quốc… Những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú, tạo óc tưởng tượng cho con người.

Sách văn học Việt Nam, cuốn sách “vỡ lòng” của ông là cuốn chuyển ngữ" Lá thu rơi" của nhà văn Tô Hoài. Đây không phải là cuốn sách quá hay, nhưng khi đó ông đọc thấy thương, còn khóc nức nở. Ông bảo, khi bị xúc động bởi một cuốn sách, tức là mình đang trải nghiệm. Câu chuyện đánh vào cảm xúc của con người, tạo nên sự xúc động trong con người, đó là ý nghĩa của việc viết văn.

Bìa cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo.

Sau này, cùng với vốn sống và sự trải nghiệm, để viết được một cuốn tiểu thuyết, ông đã phải đọc rất nhiều cuốn sách về phong tục tập quán, về văn hóa, về phân tâm học, văn học cổ kim trong ngoài nước.

Chẳng hạn như để viết được cuốn "Mẫu thượng ngàn", ông đã tự học, tự đọc, tự nghiên cứu rất nhiều cuốn sách về văn hóa người Việt từ những nền tảng của văn hóa làng; đạo Nho, đạo Khổng và đạo Phật, tín ngưỡng đạo Mẫu là riêng của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian có những nét đẹp trường tồn qua không gian, thời gian. Đó là sức sống phồn thực, tính sinh sôi nảy nở của làng Việt Nam.

Cho đến tuổi này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn đọc hằng ngày như một cách tự bù đắp những kiến thức cho mình. Ông quan niệm, đi học là học cách tự học. Cũng chính bằng phương pháp tự học, mà ông đã trở thành một dịch giả với những cuốn sách như" Những quả vàng" (tiểu thuyết của Nathalie Sarraute, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1996), "Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất" (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hoá - Văn minh Pháp và NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1998), "Bảy ngày trên khinh khí cầu" (Jules Verne, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1998), "Hoàng hậu Sicile" (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1999), "Tâm lý học đám đông" (tiểu luận của Gustave le Bon, NXB Tri thức, Hà Nội, 2006) hay cuốn"Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏcủa tác giả Jean Piaget" (Jean Piaget là một nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ, nổi tiếng về những nghiên cứu nhận thức luận với trẻ em).

Ông chia sẻ: “Khi đọc Jean Piaget, tôi mới hiểu ra một điều rất cơ bản: Con người trong quá trình khám phá thế giới, đã tự mình tạo nên kiến thức, tự mình tạo nên thế giới của mình. Còn giáo dục chỉ là sự giúp đỡ để con người có thể tự học, để con người tự khai sáng cho mình. Những bạn trẻ ngày nay, muốn tiến xa, muốn có năng lực làm việc thì cũng phải thường xuyên tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc. Thấy cần gì nhất thì học cái ấy. Tìm mọi cách để mà tìm hiểu. Nhu cầu tự nhiên do ta tự do chọn lựa sẽ cho ta một động cơ để ta lấp đầy những chỗ ta thiếu, để ta tự do tạo ra chính bản thân ta. Jean Piaget là người tự học vĩ đại - những người sáng tạo đều thế cả".

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, trong suốt mấy chục năm viết văn, thì ngoài viết, ông dành thời gian để đọc. Ông đọc hằng đêm trong căn nhà mẹ để lại. Đọc với rất nhiều cảm xúc của thời cuộc, của những thôi thúc cá nhân; ông hầu như đã đọc hết những sách quan trọng của thời đại ông sống. Trong sách của ông, ta thấy trích dẫn những tên tuổi như Groos, Wundt, Claparède, Binet, Wallon, Buytendijk, Freud, Siberer, Adler, Jung...

Không những ông chỉ đọc mà ông còn đối thoại để tán thành, để phản biện. Đối với ông, chân lý là tối thượng. Dù một tác giả có uy tín đến thế nào, nếu thấy không đúng cũng phải phản biện. Ông đã dành rất nhiều trang sách để đối thoại với Groos, với Freud, với Jung…

Đứng ngoài mọi tiếng tăm, đứng ngoài tất thảy những giá trị trường tồn của những tác phẩm đã trở thành đỉnh cao của Văn học Việt Nam, ngoài đời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là "ông già” hay cười, vui vẻ, lạc quan, sống giản đơn và yêu đời một cách kỳ lạ. Với ông, dường như chả có điều gì to tát, bởi thế lúc nào ông cũng cười “tít mắt” với những câu chuyện, với những con người xung quanh. Ông tếu táo đủ những câu chuyện với bạn bè, bạn già, bạn trẻ.

Ông lúc nào cũng ân cần. Đi với ông, chiều ông rất đơn giản, ông thích ăn những món ăn dân dã, uống cà phê đen, ít đường. Nếu cần, ông nói rất nhiều điều kim cổ đông tây, vì ông là người đã chứng kiến, nếm trải nhiều câu chuyện cuộc đời. Nhưng có lúc, giữa những ồn ã, xô bồ, ông ngồi lặng lẽ một góc, cảm nhận và trải nghiệm những cuộc vui như là cách ghi chép lại bằng quan sát "già đời" của chính mình.

Ông bảo, giờ đây, những người bạn của ông, phần lớn đều đã khuất bóng, tuổi ngoài 80 sống khỏe mạnh đã là một điều kỳ diệu, nữa là ông, trời cho một khả năng sáng tạo đều đặn, đọc sách đều đặn và chưa bao giờ ngừng tư duy, chiêm nghiệm trước một vấn đề, trước một câu chuyện nào đó thì thực sự là một điều may mắn.

Ông viết văn như là duyên nợ, và đã trở thành chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá của văn chương Việt Nam: Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 – 2000; Giải thưởng Thăng Long của UBND TP Hà Nội 2002; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001 - cho tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Tiểu thuyết "Mẫu thượng ngàn" nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa” đã giành vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2011.

Ông bảo, viết thì cứ viết thôi, chả mơ gì đến giải thưởng. Ông nhà văn, viết văn trước hết vì văn chương đã, vì cái tôi, vì cái lẽ sống cả đời mình, còn được thêm giải thưởng thì đó là một sự ghi nhận của cả xã hội, của các đồng nghiệp, thì mình vui quá. Ở tuổi 85 này, xuất bản "Chuyện ngõ nghèo", một cuốn tiểu thuyết mang đậm dấu ấn cá nhân, cuốn sách mà có người cho rằng, nó không đáng ngạc nhiên nếu được đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, bởi vì nó đã nói được vấn đề căn cốt của xã hội cả một thời kỳ không thể nào quên.

Điều hạnh phúc vẹn toàn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là ông có một người vợ hiểu được công việc sáng tạo của ông. Người vợ hiền thảo kém ông 8 tuổi, người đàn bà chịu thương, chịu khó, bao nhiêu năm trời cùng ông vượt qua những năm tháng lận đận với 4 người con trai kiếm từng bữa ăn gian khổ.

Bây giờ, bà vẫn từng bữa lo lắng cho ông, nấu cho ông những bữa cơm ngon, đúng bữa, đúng khoa học. Chuẩn bị cho ông từng chiếc áo mỗi khi ra đường bát phố cùng bạn bè. Bà ở ngoài những sự nổi tiếng của những trang viết, chỉ là điểm tựa cho ông mỗi khi về căn nhà ấm áp, đầy ký ức. Bà sống giản đơn, không kìm tỏa chồng bởi những luật lệ, không can thiệp vào cõi văn của riêng ông. Có lẽ bởi vậy mà hình ảnh những người phụ nữ trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh thường hiện lên đầy dịu dàng, bao dung và đầy nữ tính....

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.