Ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ chịu nộp phạt hơn 2,6 tỉ USD

Thứ Hai, 16/06/2014, 12:45

Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ đã nhận tội giúp khách hàng Mỹ trốn thuế và trả hơn 2,6 tỉ USD tiền phạt, đây chính là bản án hình sự có liên quan đến vấn đề trốn thuế lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử tài chính Mỹ.

Hành vi sai trái của Credit Suisse bị phát giác như thế nào?

Hành vi mờ ám của các chi nhánh ngân hàng Credit Suisse ở Mỹ bị phơi ra ánh sáng sau cuộc điều tra đầy kiên nhẫn trong một thời gian dài của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Carl Levin, người điều hành Tiểu ban Thanh tra trực thuộc Quốc hội Mỹ. Cuộc điều tra dựa trên 100.000 tư liệu nội bộ, được thu thập đầy đủ vào tháng 2 vừa qua, cùng với báo cáo khẳng định chắc chắn Credit Suisse giúp người giàu Mỹ giấu tài sản và trốn thuế thông qua các tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ.

"Hơn 20 ngàn người Mỹ là chủ tài khoản Credit Suisse ở Thụy Sĩ, phần lớn những người này chưa bao giờ tiết lộ tài khoản của họ theo yêu cầu của luật pháp Mỹ. Điều này khiến danh tính của họ bị lộ, trong khi họ không muốn phải khai báo các khoản nợ thuế", ông Levin cho biết thêm.

Credit Suisse thừa nhận trong hàng chục năm qua họ dính đến nhiều hoạt động sai trái, chẳng hạn tiêu hủy tư liệu và lập các tài khoản khống để giúp hơn 20 ngàn người Mỹ trốn thuế, theo đó Credit Suisse thu lợi hàng trăm tỉ USD mỗi năm. Vụ án được đưa ra xét xử giữa lúc áp lực gia tăng lên Bộ Tư pháp Mỹ buộc các ngân hàng phải có trách nhiệm về việc buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.

"Đây là ngân hàng lớn nhất phạm tội trong 20 năm qua. Ngân hàng này sẽ phải trả tiền phạt 1,8 tỉ USD so với 1,18 tỉ USD trước kia và bồi thường 670 triệu USD cho Sở Thuế vụ. Họ đã thừa nhận hành vi sai trái" - Tổng chưởng lý Eric Holder phát biểu trong một tuyên bố.

Ông Brady Dougan, Giám đốc điều hành Credit Suisse chi nhánh tại Mỹ cho biết trong tuyên bố nhận tội.

Khi được hỏi về thông tin tài khoản thực tế, Phó tổng chưởng lý James Cole trả lời: "Chúng tôi sẽ có các thông tin đáng kể cho phép tìm ra chủ tài khoản là ai. Thông tin sẽ giúp chúng tôi xử lý vụ việc và cho phép chúng tôi xác minh các tài khoản được giao dịch ở những đâu, họ có bao nhiêu tài khoản, có bao nhiêu tiền trong từng tài khoản".

Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ, dự kiến trong tháng 6 sẽ có nhiều phiên tòa chống lại một số "ông lớn" ngân hàng, trong số đó có BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất của Pháp sẽ là bị cáo bị xét xử vào tuần tới, ngân hàng này bị nghi ngờ kinh doanh với các quốc gia mà Mỹ liệt vào danh sách đen tài chính, chẳng hạn Sudan, sẽ phải trả hơn 5 triệu USD tiền phạt.

Xảo thuật giúp đỡ khách hàng trốn thuế của Ngân hàng Credit Suisse

Vào đầu năm nay, một bản báo cáo trình Quốc hội Mỹ do Tiểu ban Thanh tra trực thuộc Quốc hội Mỹ nêu rõ: Credit Suisse đã giúp người giàu Mỹ giấu trên 10 tỉ USD trong hơn 22 ngàn tài khoản. Ngân hàng này còn giấu nhẹm các tuyên bố tài chính và cung cấp dịch vụ ngân hàng bí mật ở các cảng hàng không Thụy Sĩ để khách hàng nhanh chóng truy cập tiền mặt.

Trụ sở Credit Suisse tại Zurich, Thụy Sĩ.

Báo cáo cho biết, một số giám đốc điều hành Tập đoàn Ngân hàng Credit Suisse đã thực hiện ít nhất 150 chuyến công tác đến Mỹ từ năm 2002 đến 2008, dưới vỏ bọc khách du lịch, thuyết phục khách hàng ở các giải golf và các cuộc tiệc tùng xa hoa ở New York. Khi đã "câu" được khách, các ngân hàng Thụy Sĩ, trong đó có Credit Suisse cảnh báo khách hàng Mỹ: không gửi email, không gửi fax, không trao đổi văn bản. Chỉ giao tiếp bằng lời và mọi báo cáo ngân hàng phải hủy ngay sau khi xem xong. Họ khuyến khích người dân Mỹ rút tiền gửi hưởng lãi suất dưới 10 ngàn USD.

Còn nhớ, vào năm 2012, Ngân hàng HSBC Anh, chi nhánh tại Mỹ đã thoát tội rửa tiền, khiến công chúng Mỹ kịch liệt phản đối chính phủ buông lỏng quản lý gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ. Đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ xử thành công vài vụ án kinh tế có liên quan đến ngành dược phẩm và một số ngành công nghiệp khác mà rất ít các vụ xử dành cho ngân hàng, tổ chức tài chính, tín dụng, cho nên vụ Credit Suisse cố tình giúp giới nhà giàu Mỹ trốn thuế càng khiến người lao động Mỹ thất vọng hơn đối với tính nghiêm minh của pháp luật Mỹ.

Trong vụ xử Chi nhánh UBS ở Mỹ (UBS là ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ) năm 2009, Bộ Tư pháp Mỹ áp dụng thủ tục tố tụng dân sự được gọi là lệnh triệu tập John Doe (lệnh triệu tập được Tòa án, Sở Thuế vụ Mỹ gửi một người, một tổ chức yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng trốn thuế) để có tên 4.500 trong tổng số gần 20 ngàn chủ tài khoản Ngân hàng UBS tại Mỹ. Đến nay,  Bộ Tư pháp Mỹ chỉ truy tố được 8 ngân hàng chi nhánh Credit Suisse ở Mỹ, trong đó có 2 ngân hàng đã nhận tội.

Trong khi Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu hàng tỉ USD tiền phạt từ Credit Suisse, thì vẫn chưa thể dập tắt được sự phẫn nộ  của người dân Mỹ, đã phải nếm nhiều "quả đắng" vì khủng hoảng tài chính. Người dân Mỹ than rằng đến nay các bản án dành cho các tổ chức tài chính chỉ mang tính "giơ cao, đánh khẽ".

Hiện Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Credit Suisse lưu giữ toàn bộ giao dịch của khách hàng Mỹ ở nước này, đây là một biện pháp hữu hiệu để buộc Credit Suisse phải thông báo đầy đủ thông tin các tài khoản cho cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Dù đang phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ công chúng, nhưng vụ xử thành công Credit Suisse chính là tiền đề để luật pháp Mỹ có biện pháp cứng rắn hơn đối với mọi hành vi gian lận tài chính

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.