Ngày càng nhiều học sinh nông thôn nghèo đỗ thủ khoa đại học

Thứ Hai, 18/08/2008, 14:15

Có một điều bất ngờ là rất đông thí sinh đỗ thủ khoa hoặc đỗ điểm cao 28, 29 điểm vào đại học (ĐH) lại là thí sinh khu vực 2, khu vực 2 vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng biển -  những nơi mà điều kiện học tập, sinh sống còn rất khó khăn. Câu chuyện về những thủ khoa vượt khó khiến chúng ta không thể không suy nghĩ về việc dạy và học của con em mình, nhất là đối với những "thí sinh thành thị" đang có cuộc sống vật chất đủ đầy.

Đỗ thủ khoa nhờ sách giáo khoa cũ

Nga Sơn là một vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hóa 40 km về hướng đông bắc, nơi nổi tiếng bởi sản phẩm chiếu cói. Chúng tôi tìm về xã Nga Yên (Nga Sơn) đúng vào hôm vùng xã ven biển này chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4, mưa tầm tã cả ngày.

Mấy ngày hôm nay, cái xã nhỏ này cứ rộn ràng vì tin báo con em ở xã đỗ ĐH ngày càng nhiều. Song đặc biệt nhất phải là kết quả của em Bùi Đức Ngọt, ở xóm 10. Ngọt đỗ thủ khoa 2 trường ĐH "khét tiếng" vì điểm chuẩn cao là Học viện CSND và Đại học Y Hà Nội với số điểm 30/30 và 29,5 điểm (chưa kể điểm cộng khu vực).

Ngọt mồ côi bố từ nhỏ, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn vì cả hai mẹ con chỉ có mấy sào ruộng và 1 con bò trong chuồng làm kế sinh nhai. Nhà Ngọt quá nghèo, chỉ có một chiếc giường cũ ọp ẹp, hai cái mắc treo quần áo, mấy chiếc ghế gỗ dài cũng đã quá tuổi dùng làm giá đựng sách cho Ngọt.

Ở thành phố, nhiều học sinh có góc học tập "lộng lẫy" và "hoành tráng" kinh khủng, máy tính màn hình LCD, sách vở thì mới tinh, rồi máy nghe nhạc giải trí, Internet... Còn ở đây, góc học tập của thủ khoa hai trường ĐH nổi tiếng chỉ toàn sách cũ.

Thú vui giải trí duy nhất của Ngọt là đánh cờ tướng một mình, nhưng vì nhà nghèo, em chẳng có bàn cờ, Ngọt đã nghĩ ra cách vẽ bàn cờ lên bàn học và đánh bằng tay trái (quân ta), tay phải (quân địch). Ngọt cũng chưa một lần truy cập Internet, không biết "chat", không có e-mail. Những thứ đó với Ngọt quá xa xỉ và lạ lẫm.

Chị Mai Thị Quê, mẹ Ngọt tíu tít bên cạnh chúng tôi, nhưng trên khuôn mặt chị nước mắt cứ chảy tràn khi nói về tuổi thơ vất vả của Ngọt. Khi Ngọt lên 4 tuổi thì bố Ngọt sau một trận ốm đột ngột đã qua đời. Từ bé Ngọt đã phải tự mình làm những công việc của một người đàn ông.

Từ khi còn là học sinh tiểu học, Ngọt đã biết ra đồng cùng mẹ làm lúa, bắt cua cá, chăn bò và se đay. Vụ mùa thì Ngọt cùng mẹ dỡ lạc, băm chuối, tãi ngô. Trước ngày lên Hà Nội thi ĐH, Ngọt ở nhà cố dỡ mấy sào lạc cho mẹ xong mới đi... Vất vả, lam lũ như vậy nhưng từ bé Ngọt đã là đứa con hiếu thuận, em đã giản tiện mọi nhu cầu của mình ở mức tối đa để không làm phiền mẹ.

Sách vở của Ngọt chủ yếu là xin được, có những cuốn chỉ còn vài chục trang, mất đầu, mất đuôi và giấy đã ngả màu vàng xỉn, Ngọt cũng xin về để tham khảo. Ở căn phòng nhỏ của mẹ con Ngọt, có hai thứ dễ tìm nhất, đó là giấy khen của Ngọt (dễ đến gần 30 chiếc, có cả bằng khen giải nhất, nhì toán, lý) và mấy chồng sách cũ. Nhưng ở đó là cả cuộc sống, ước mơ, hoài bão của Ngọt.

Nghe tin đỗ Đại học lúc đang đội than thuê

Về Nga Sơn lần này tình cờ tôi còn nghe được một câu chuyện khác cũng khá đặc biệt. Đó là ở xã Nga Hải (cách Nga Sơn vài kilômét) có hai anh em ruột cùng đỗ ĐH Hàng hải, nhưng vì nhà quá nghèo nên khả năng hai anh em này sẽ phải từ bỏ cơ hội học ĐH của mình.

Được sự giúp đỡ của Công an huyện Nga Sơn, tôi đã tìm được nhà hai em Vũ Trọng Quý và Vũ Trọng Mạnh ở xóm Hải Tiến. Quý hơn Mạnh 1 tuổi nhưng do bị ốm nên học muộn một năm, thành ra lại học cùng khóa ở Trường THPT Mai Anh Tuấn. Nhà các em nằm lẻ loi ở cuối xóm.

Khi bước chân vào con ngõ lầy lội đầy cỏ dại, tôi thật sự bị "sốc" khi nhìn thấy ngôi nhà đó. Nếu bạo miệng thì có thể trông nó na ná cái chuồng trâu. Không cửa sổ, vách trát cứ lở ra từng miếng, căn nhà chỉ còn bộ khung méo mó, gió mạnh cũng có thể sập.

Nếu như nhà Ngọt còn có giường, có bàn học, thì ở nhà Mạnh, Quý không có cả những thứ tối thiểu đó. Chiếc giường duy nhất đã sập. Chị Phạm Thị Quyết, mẹ Quý ngồi né cạnh mép giường ái ngại nhìn chúng tôi chạy loanh quanh trong căn nhà nền đất lầy lội để tránh mưa. Tài sản duy nhất của ngôi nhà này chỉ là 5 chiếc nồi nhôm đã méo mó và đen kịt. "Vậy các em ngồi đâu để học hả chị?". --PageBreak--

Câu hỏi vô tình của tôi như chạm vào nỗi buồn sâu thẳm của chị Quyết và anh Biết (bố của Quý, Mạnh). Họ không trả lời tôi mà cúi xuống khóc nấc lên. Quý và Mạnh lúc này không có nhà, thi ĐH xong cả hai đã đi làm thuê, một em đi đội than ở Quảng Ninh, còn một em đi làm phu hồ ở miền Nam. Em trai thứ ba của Quý là Vũ Trọng Giỏi dẫn tôi ra góc nhà và bảo: "Hai anh học ở đây cô à!".

Bàn học là một tấm bêtông do Quý tự đúc, không có ghế ngồi. Trên đó chỉ có vài quyển sách giáo khoa cũ nát, ít vở giấy thếp. Dưới tấm bêtông đó, cỏ dại mọc lún phún.

Cả nhà chỉ có một bóng điện duy nhất, đêm đêm chờ bố mẹ và hai em ngủ say, Quý kéo bóng điện lại để học. Anh em Quý thỏa thuận, vì không có chỗ học và không đủ ánh sáng nên Quý học từ 19 giờ đến 21 giờ rồi đi ngủ, còn sau đó đến lượt Mạnh học từ 23 giờ đến sáng. Hai anh em đi học mà không bao giờ biết ăn sáng.

Anh Biết gạt nước mắt: "Tôi đi mót than ở Quảng Ninh, ngày mưa than rơi vãi thì mót được nhiều, hôm đó con mình được no bụng, còn ngày nắng thì chạy cả ngày cũng chỉ được vài ba cân than. Tích cóp được vài chục ngàn là tôi mua gạo gửi về cho 5 mẹ con.

Trẻ con phải ăn no nó mới học được. Cả nhà tôi 6 miệng ăn chỉ có 13 thước ruộng, nghề phụ không có, mình nhịn mình chịu được nhưng không thể để con vì đói mà không đến trường". Nói vậy thôi nhưng hoàn cảnh nhà anh bữa no, bữa đói là chuyện bà con xóm Hải Tiến đều biết.

Nhà nghèo, Quý, Mạnh thương bố, thương các em nên không đòi hỏi mua sách vở, không đòi đi học thêm. Hai anh em chỉ có ba bộ quần áo thay nhau mặc. Tan giờ học, cả hai lại xách giỏ ra đồng bắt cua, Quý ở dưới mương, Mạnh trên bờ, vừa tát cá bắt cua vừa cùng nhau ôn bài.

Tấm gương chịu khó học của Quý, Mạnh thường được bà con xóm Hải Tiến mang ra để dạy bảo con em mình. Ngày đi thi ĐH, không nỡ làm phiền bố mẹ, Quý, Mạnh rủ nhau đến những cánh đồng xa hy vọng bắt được nhiều cua cá hơn rồi mang bán lấy tiền mua hồ sơ, nộp lệ phí thi.

Thương con, chị Quyết đã dốc toàn bộ thóc gạo trong nhà và vay mượn bà con được ít tiền chia đều cho hai con đi thi ĐH Hàng hải. Và thật bất ngờ: Quý và Mạnh đều đỗ. Đúng là cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng luôn mang lại những điều kỳ diệu. Quý và Mạnh biết tin mình đỗ ĐH khi còn đang mải miết làm thuê làm mướn.

Còn chị Quyết, nhận được tin con đỗ ĐH, niềm vui không đủ để che lấp nỗi buồn tủi, mặn chát trong lòng. Lấy tiền đâu cho con đi đóng học phí đây? Nhà chị có còn gì để bán nữa đâu? --PageBreak--

Ý chí tự lập, khát vọng vươn lên thay đổi cuộc sống!

Câu chuyện vượt khó học tập của Ngọt, của anh em Quý, Mạnh ám ảnh tôi suốt chặng đường về. Các em đã ở trong hoàn cảnh không thể khổ hơn được nữa nhưng vẫn hiếu học, là con ngoan trò giỏi. Xung quanh chúng ta còn biết bao tấm gương như vậy.

Đó là em Phạm Văn Huy (học sinh lớp chuyên tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội nhiều năm lên Hà Nội trọ học đã miệt mài đi bán nước rửa bát lấy tiền học; là em Nguyễn Quốc Đạt (Xuân Trường, Nam Định) cũng đậu thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng nhà cũng chỉ có mấy sào ruộng sinh sống; là em Chu Thị Kim Liên (Yên Mỹ, Hưng Yên) thủ khoa ĐH Y Thái Bình, bố bị sét đánh khi đang làm lúa ngoài đồng, một mình mẹ em đã đi cấy thuê, chở gạch, kéo cát thuê nuôi em ăn học.

Nhà hai em Vũ Trọng Quý và Vũ Trọng Mạnh ở xã Nga Hải(huyện Nga Sơn, Thanh Hoá).

Trong hoàn cảnh nghèo khó, các em đã là biểu hiện sinh động nhất, tuyệt vời nhất và xúc động nhất về ý chí vươn lên.Dù chưa có số liệu phân tích thống kê đầy đủ nhất nhưng có một xu hướng dễ nhận thấy là nhiều năm trở lại đây, số lượng thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đỗ ĐH ngày càng nhiều.

Theo một thống kê chưa đầy đủ về tỉ lệ đỗ ĐH của thí sinh từ năm 2002 đến năm 2007 cho thấy, tại nhiều tỉnh thuộc khu vực 2, 3, số thí sinh đỗ ĐH tăng vọt. Lai Châu có tỉ lệ thí sinh đỗ ĐH từ 4% năm 2005 tăng lên 12,66% năm 2007.

Tại Hậu Giang, tính trung bình trong 5 năm qua, cứ 10 thí sinh đi thi ĐH thì có 2 em đỗ ĐH (chỉ riêng năm 2007, tỉ lệ trúng tuyển của thí sinh Hậu Giang lên đến gần 30%). Trong khi đó, tỉ lệ trúng tuyển của thí sinh các thành phố lớn hầu như không thay đổi.

Trong 2 năm 2006, 2007, tỉ lệ đỗ ĐH của thí sinh Hà Nội và TP HCM luôn ở ngưỡng trên dưới 18% và 16%. Năm 2008, cả nước có khoảng hơn 50 thí sinh đỗ thủ khoa thì riêng tỉnh Thanh Hóa đã có gần 20 thủ khoa.

Đơn cử tại ĐH Bách khoa Hà Nội, một trường danh tiếng và là niềm mơ ước của hàng vạn học sinh, nhưng theo Tiến sĩ Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo cho biết năm 2007, ĐH Bách khoa đã làm một thống kê, chỉ riêng khối A đã có khoảng 87% số thí sinh trúng tuyển thuộc khu vực 2, khu vực 2 nông thôn và khu vực 1. Năm 2008, trong số 15 em đỗ thủ khoa thì hầu hết đều ở nông thôn hoặc xuất thân từ nông thôn lên thành phố trọ học...

Vậy vì sao hiện nay ngày có nhiều thủ khoa ở nông thôn? Vì sao tỉ lệ đỗ ĐH của học sinh nông thôn đang có xu hướng "lấn át" học sinh thành phố? Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này với Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bành Tiến Long, Trưởng ban chỉ đạo thi 2008, Thứ trưởng lý giải: Trước hết cần phải nhìn nhận đây là một xu hướng tích cực và rất đáng trân trọng.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, tinh thần học tập của học sinh nông thôn tốt hơn rất nhiều, các em (và cả các bậc phụ huynh) được tuyên truyền mạnh mẽ nên đã "giác ngộ", chỉ có học mới thay đổi được cuộc sống, mới thoát nghèo nên đã chủ động, tự giác học tập.

Thứ hai là do sự hỗ trợ, quan tâm của các thầy cô giáo đã định hướng nghề nghiệp cho các em tích cực. Thứ ba là do "3 chung", đặc biệt là "chung đề", đề thi luôn bám chắc nguyên tắc: cơ bản, nằm gọn trong chương trình, không quá khó, không đánh đố, chỉ cần nắm chắc kiến thức trong SGK là có thể đỗ ĐH.

Với học sinh nông thôn, họ không có điều kiện để mua nhiều sách, nhiều vở, cũng không bị phân tán sức lực vào việc học thêm mà chủ yếu tập trung học kỹ, học chắc, học bài bản kiến thức sách giáo khoa, do đó, về cơ bản, các em đã thành công.

Trở lại câu chuyện vượt khó của chàng thủ khoa Bùi Đức Ngọt. Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm ba năm cấp III của Ngọt tâm sự, lớp cô có 50 học sinh thì đã gần 40 em đỗ ĐH trong kỳ tuyển sinh vừa qua. Bí quyết dạy và học chẳng có gì cao sang.

Cô Hà hướng cho học sinh học đều các môn, trên lớp tạo cho các em tinh thần học tập thật tốt. Thời gian rỗi, các em đến thư viện đọc thêm tài liệu và về nhà phải nghiền ngẫm lại kiến thức, làm hết bài tập ở nhà. Nhưng điều quan trọng nhất theo cô Hà chính là ý chí học tập, ý chí tự lập, biết thiết thân và trong từng em phải có khát vọng vươn lên.

Tâm sự của cô giáo Hà và cô T đã giúp chúng tôi lý giải vì sao ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, điều kiện học tập quá đủ đầy nhưng vẫn rất đông học sinh trượt ĐH, dù các em được đi học thêm rất nhiều. Nhân đây lại nói về chuyện học thêm, dạy thêm (HTDT).

Trong hầu hết các nhà trường phổ thông hiện nay, hiện tượng này vẫn biến tướng và tạo ra vô vàn những hệ quả xấu. Mẫu giáo cũng HTDT. Trẻ chập chững vào lớp 1 cũng ngày 2 buổi đến trường để bồi dưỡng, nâng cao, mà nếu không đi thì "cô không vui".

Cấp 2 thì phải HTDT để lao vào các trường điểm. Cấp 3 thì bằng mọi giá phải HTDT để đỗ ĐH. Cả xã hội dường như đang bị cuốn vào vòng xoáy HTDT. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, với cách ra đề thi ĐH như hiện nay, đặc biệt là nhiều môn thi trắc nghiệm thì không cần học thêm cũng có thể đỗ ĐH. Những tấm gương thủ khoa nghèo ở nông thôn là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Theo GS Thuyết, nếu cứ dồn ép con em vào HTDT, hy vọng chúng sẽ tài giỏi ngay, đỗ ĐH ngay là điều không thể, thậm chí còn có hại cho các em. Trong câu chuyện này, còn trách nhiệm của cha mẹ và của thầy cô giáo. Cha mẹ cần phải có thái độ dứt khoát, không nên cả nể và chạy theo phong trào.

Về phía thầy cô giáo, theo Giáo sư Thuyết, họ cũng cần phải "kiềm chế", em nào thực sự cần thiết dạy thêm thì hãy dạy thêm, như thế mới tạo ra môi trường học tập lành mạnh, thân thiện

Thu Phương
.
.