Ngày mới ở Trường Sa

Thứ Tư, 30/06/2010, 14:35
Chúng tôi có mặt ở Trường Sa vào những ngày đầu tháng 6, đây là đoàn công tác thứ 10 đến với Trường Sa trong năm 2010. Trên chuyến tàu mang số hiệu HQ996, từ mấy anh nhạc sĩ gom góp từ Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, đến mấy anh họa sĩ, mấy anh chị nhiếp ảnh gia ba miền, tăng ni phật tử khắp nơi, đến anh em cánh nhà báo chúng tôi, phần đông đều lần đầu tiên được đến với Trường Sa, tâm trạng ai cũng háo hức, nôn nao.

Vì thế mà, buổi sáng hôm cập cảng đảo Trường Sa Lớn, không ai bảo ai, mới 4 giờ, con tàu lệch hẳn sang một bên vì hàng trăm người đều đổ đồn về mạn phải, phía xa, đảo Trường Sa mới như sợi chỉ vắt ngang nối liền biển với trời...

1. Trên chuyến tàu HQ996, tôi may mắn được sắp xếp chung phòng với Thiếu tá Nguyễn Tất Thu, người đã từng là lính, rồi cán bộ ở Trường Sa, hiện đang làm cán bộ Phòng Chính trị của Quân chủng Hải quân. Tôi biết thêm về Trường Sa từ lời kể của anh.

Trả lời thay cho những thắc mắc của tôi về những "ngày xưa" và "ngày nay" trên quần đảo Trường Sa, Thiếu tá Thu trầm ngâm một lúc, hồi tưởng về những tháng ngày cùng đồng đội bồng súng nghênh ngang đứng giữa biển trời, anh hát: "Đêm nay nơi đảo xa... Có một vầng trăng sáng... Trăng sáng đến lạ thường... Ngồi đọc thư người thương... Dát vàng khuông nét chữ... Đồng đội không ai ngủ... Mỗi người một vầng trăng... Vầng trăng nơi đảo xa xôi, đã thức cùng chúng tôi bao tháng ngày thương nhớ ơi. Vầng trăng nơi đảo xa xôi đã thức cùng chúng tôi như duyên tình như lứa đôi. Vầng trăng sáng vô cùng vì thương lính đảo xa... Vì thương lính Trường Sa, mà trăng tỏa bao la...".

Một góc đảo Trường Sa hôm nay.

Thiếu tá Thu bảo: "Đây là bài hát “Vầng trăng nơi đảo xa” của nhạc sĩ Hình Phước Long, bài hát mà hầu hết anh em lính ở Trường Sa những "ngày xưa" đều thuộc nằm lòng, bởi nó đúng tâm trạng quá. Đấy, ngày xưa chưa có điện, thì mỗi người "ôm" một vầng trăng, đây là thay đổi dễ nhận thấy nhất so với bây giờ"...

Từ giữa trùng khơi, chúng tôi đã nhìn thấy một hòn đảo xanh rì cây lá, với những chiếc quạt năng lượng gió quay tít bên bờ biển. Chỉ về hướng ấy, Thiếu tá Nguyễn Tất Thu bảo, giờ Trường Sa thay đổi rất nhiều, dọc theo bờ biển, hàng chục trụ đèn năng lượng, phía trung tâm đảo là tượng đài liệt sĩ chuẩn bị khánh thành. Con tàu hú ba hồi còi dài chào đảo và chúng tôi cập bến Trường Sa.

Giờ huyện Trường Sa có 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây và Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận. Xã Song Tử Tây được thành lập trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, bãi đá, bãi phụ cận. Trong chuyến hải trình đặc biệt này, chúng tôi có cái may mắn tiếp cận, gặp gỡ quân và dân cả 3 xã đảo đặc biệt trên...

Chỉ 5 năm trước, có lẽ việc sử dụng điện ở Trường Sa vẫn còn là điều khá xa xỉ. Điện chủ yếu từ các máy phát dùng dầu diesel và chỉ được dùng tối đa khoảng 2 giờ/ngày vào các buổi tối, phục vụ cho sinh hoạt của quân và dân trên đảo. Những đêm mất ngủ vì nắng, nóng, con trẻ quấy khóc vẫn còn trong ký ức của nhiều người...

Đề án năng lượng sạch cho Trường Sa bắt đầu từ chuyến đi năm 2006 của lãnh đạo và các sở, ban, ngành TP HCM, nhận chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Khoa học - Công nghệ TP bắt đầu nghiên cứu, tính toán nhu cầu, tìm các trang thiết bị có thể chịu đựng được điều kiện khắc nghiệt, nơi gió rất lớn và độ mặn trong không khí gấp cả chục lần nơi khác khiến thiết bị mau hỏng hóc, hư mòn.

Sau khi tính toán, các thiết bị được mang ra Cam Ranh (Khánh Hòa) lắp đặt thử nghiệm trong 9 tháng, trước khi nghiệm thu đề tài và mang ra ứng dụng tại Trường Sa. Ngân sách khoa học của TP HCM đã được trích ra để đầu tư ban đầu cho hệ thống điện gió và mặt trời bắt đầu từ đảo Trường Sa Lớn.

Quyết tâm "có điện" cho Trường Sa, việc thử nghiệm đã thành công và từ đầu năm 2009, khi được Chính phủ quyết định đầu tư, Quân chủng Hải quân chủ động cho lắp đặt hệ thống năng lượng điện - gió tại tất cả các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những tấm pin năng lượng mặt trời, những chiếc tuabin gió xuất hiện đều ở những đảo khác ngoài Trường Sa Lớn, như Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây...

Điện đã đem đến một bước ngoặt lớn, sức sống mới cho quần đảo Trường Sa. Hệ thống chiếu sáng công cộng trên đảo hoàn toàn dùng năng lượng mặt trời gắn đồng bộ ngay trên mỗi cột đèn, hàng chục máy điện năng lượng gió trên mỗi đảo tích điện vào ắcquy đủ góp một phần quan trọng cung cấp năng lượng sử dụng các thiết bị thường xuyên như tivi, máy lạnh và ánh sáng về đêm.

Nhiều chiến sĩ cho biết, càng bớt nguồn điện chạy máy phát bao nhiêu không chỉ tiết kiệm được xăng dầu phải chở từ đất liền ra mà còn góp phần bảo vệ môi trường trên đảo. Năng lượng sạch và ý thức giữ gìn môi trường luôn được những người trên đảo nhắc đến như một tiêu chuẩn sống. Từ khi hoàn thành, hệ thống năng lượng sạch tại các đảo đã có thể cung cấp điện đủ cho sinh hoạt trên đảo trong 24 giờ và 7 ngày liên tục.

Trường Sa Lớn những ngày này cũng tấp nập hơn, trên đảo luôn có công nhân làm việc, lúc ít thì hơn 50, lúc nhiều có gần cả trăm công nhân được các công ty đưa ra làm việc tại đảo, họ làm đường, xây nhà, xây kè, xây nhà văn hóa... 4 năm qua, các công trình dân sự quy mô lần lượt mọc lên, từ Nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch, đến nhà khách Thủ đô do UBND TP Hà Nội xây tặng, Đài Tưởng niệm liệt sĩ cũng sắp sửa hoàn thành.

Nằm chen lẫn màu xanh mướt của những cây phong ba, bão táp, bàng vuông, tra là những mái nhà ngói đỏ, tường vôi bình dị. Những nóc nhà dân nằm ở phía tây của đảo, khi chúng tôi đặt chân lên dải đất đảo này, chẳng mấy ai nghĩ sẽ được nghe tiếng gà gáy, vậy mà chúng tôi được nghe tiếng gà thật, tiếng gà gọn lỏn trong tiếng gió biển, những chuồng gà được thiết kế gọn ghẽ ngay phía trước khu nhà dân ở...

Chị Bùi Thị Nhung, cô giáo duy nhất của đảo Trường Sa nói rằng: "Cuộc sống của chúng tôi ở đây à? Tốt lắm! Chúng tôi trồng rau, chăn nuôi, thuận gió thì đi biển kiếm thêm tôm, cá. Các chú phải ở đây một đêm, sẽ thấy đảo mình bây giờ đẹp lung linh như phố".

Khi chúng tôi có mặt tại đảo Sinh Tồn, Phó chủ tịch xã Sinh Tồn Cáp Văn Giáp cũng cho biết: "Điện năng lượng gió không chỉ đủ để thắp sáng, xem tivi, mà hiện nay các hộ dân trên đảo đều có tủ lạnh chạy bằng điện sạch”. Có nguồn điện ổn định, đảo Sinh Tồn trông như một thành phố giữa biển, những cột đèn đường bốn xung quanh đảo cũng tỏa sáng lung linh.--PageBreak--

2. Trở lại với đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi xin nói đến một câu chuyện khác: chuyện học của con em trên đảo, những đứa trẻ đen nhẻm nhưng nụ cười luôn nở trên môi. Gần khu dân cư của đảo có nhà văn hóa mở cửa thường xuyên, nơi đây còn là trường học của 10 trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 4. Cô giáo của các cấp lớp này là Bùi Thị Nhung.

Có lẽ ít có nơi nào sự nghiệp giáo dục lại đáng trân trọng và đáng quý như tại Trường Sa. Cũng có lẽ, chỉ có trường ở đảo Trường Sa mới có một câu chuyện giáo dục, một cô giáo đa cấp như vậy: Cô giáo Nhung “kiêm” luôn hiệu trưởng. Một phòng học gồm nhiều lớp ngồi chung với nhau. Mỗi phía một lớp. Cô giáo vừa hướng dẫn bài tập cho học sinh lớp 4, rồi lại quay sang kiểm tra môn tập viết cho học sinh lớp 1. 

Cô Nhung kể, sau khi tốt nghiệp khoa Tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang, cô tình nguyện về vùng núi Khánh Hòa dạy học. Dạy chưa được bao lâu thì hay tin Trường Sa cần giáo viên, Bùi Thị Nhung lại tình nguyện, "Khi nghe tin ngoài đảo có nhiều học sinh mà chưa có giáo viên chuyên trách. Em đã lên gặp các chú trên huyện để xin ra đây, mới đầu các chú nói ở ngoài đó xa đất liền, điều kiện còn khó khăn mà em có con nhỏ liệu có chịu được không? Em đã thưa rằng: Cháu là giáo viên nên ở đâu có các em học sinh cần giáo viên cháu tình nguyện mang cái chữ đến cho các em. Chính vì vậy các chú đã đồng ý, thêm vài ngày thuyết phục chồng, thế là vợ chồng em và con gái nhỏ sắm sửa hành lý lên đường ra đảo" - Nhung tâm sự. Vậy mà khi quyết định ra đảo Trường Sa, cô phải cùng chồng về tận Vĩnh Phúc thuyết phục cha mẹ chồng. Lúc đó, con gái cô mới 3 tháng tuổi. Bây giờ cháu Phương Anh đã được 2 tuổi, đang học lớp nhà trẻ mà bảo mẫu cũng là mẹ Nhung.

Anh Đặng Thanh Phương, chồng cô cho biết, gia đình họ vốn đã có một cuộc sống ổn định trước khi đến với vùng đất xa xôi này, nhưng vì vợ muốn giúp các em nhỏ ở đây có cái chữ nên anh mới quyết định như thế. Anh Phương kể lại: "Lúc đầu nghe vợ tâm sự, tôi cũng đắn đo. Đã từng nghe đồng đội kể về nỗi gian khổ của Trường Sa, bản thân mình từng là lính nên không sợ, mà chỉ sợ vợ con chịu không nổi. Tuy nhiên, tôi luôn tôn trọng quyết định của vợ mình".

Ngày đặt chân lên Trường Sa, cánh lính hải quân là những người chào đón cô giáo Nhung nồng nhiệt nhất bởi từ nay cô đã gánh đỡ cho họ một nhiệm vụ không chuyên là dạy học cho lũ trẻ. Ngày mới ra đảo, cô Nhung phải linh hoạt. Tận dụng hành lang khoảng chừng 2m2 giữa nhà trên và nhà dưới trong căn hộ mới của mình, kê vài cái bàn, ghế, một tấm bảng và bắt đầu sự nghiệp "trồng người".

Những đứa trẻ ở Trường Sa Lớn.

12 học trò và một phòng học. Các bé nhỏ nhất học mẫu giáo mầm, sau đó là chồi và lá. Có một lớp hai. Một lớp ba. Một lớp bốn. Có lớp chỉ duy nhất một học sinh. Dù vậy, cô Nhung vẫn phải soạn giáo án cho từng lớp. Đến kỳ thi thì cũng chính tay cô tự ra đề. Kết quả học tập của các em được cô Nhung chuyển lên Đảo trưởng ký duyệt. Khi tình nguyện ra đảo, cô Nhung cũng không nghĩ mình sẽ đảm trách nhiều lớp như vậy, phải tự soạn giáo án, tự tổ chức lớp. Chưa kể cháu nào lên lớp 5, cô phải đưa về đất liền làm thủ tục nhập học.

Cô Nhung tâm sự: "Trước tôi dạy một lúc 6 lớp. Có hôm về đến nhà mệt lả, không nuốt nổi cơm. Tôi mơ ước có thêm lớp 5 để các cháu học trọn vẹn cấp tiểu học ở đây, đỡ phải về đất liền. Các cháu ở đây đều rất ngoan nhưng rất hiếu động, chỉ sểnh một cái là chạy biến ra biển nghịch với cát, với nắng".

Để “tiếp sức” cho cô giáo Nhung, năm nay đảo bổ sung thêm hai thầy giáo nữa, vốn là cán bộ xã, một người lo cho hai cháu mẫu giáo và một thầy dạy hai cháu lớp 2 và lớp 3, còn cô Nhung dạy các cháu lớp 1 và lớp 4 và quản lý chung. Cô giáo Bùi Thị Nhung cho biết, toàn huyện đảo có 3 trường học chính ở thị trấn Trường Sa, xã Sinh Tồn và Song Tử Tây.

Mặc dù số lượng học sinh không đông, nhưng chương trình, giáo án đều thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học sinh trên đảo rất ham học, kết quả cuối năm của các em đều đạt điểm khá, giỏi. Anh Nguyễn Tấn Thi, một người dân đảo tâm sự: "Không có cô Nhung, chắc tụi nhỏ mù chữ. Như vợ chồng tôi, suốt ngày bận tối mắt với nghề biển còn đâu thời gian mà lo chuyện học cho chúng".

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, mỗi một mầm cây đều phải trải qua sóng gió, bão táp, phong ba, việc trồng người trên đảo kể ra càng không dễ. Những nơi như Trường Sa cần lắm những người như cô giáo Nhung!

Tiếng gà gáy trưa đây đó, tiếng con trẻ ê a học bài. Gió biển lộng thổi vào đảo mang lại mùi hương trầm từ chùa Trường Sa thoang thoảng tâm linh. Rời đảo Trường Sa lúc hoàng hôn, từ trên tàu HQ996, chúng tôi đã thấy một vầng sáng điện rực rỡ bao quanh đảo, chợt nghĩ, nắng, gió Trường Sa bao nhiêu năm là nỗi khắc nghiệt, giờ lại trở thành nguồn tài nguyên năng lượng vô tận...

Từ Trường Sa, Đá Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn rồi Song Tử Tây, đoàn công tác số 10 đều lên đảo, gặp gỡ anh em chiến sĩ, tặng quà, ca hát, chuyện trò, ở đảo nào cũng vậy thôi, nhưng tình cảm, cảm xúc thì luôn dâng tràn, mới mẻ, và khi chia tay ngoái lại, những cái vẫy tay da diết, những cặp mắt đỏ hoe...

Thuận Thiên
.
.