Nghệ nhân Lương Tấn Hằng và những đứa trẻ đường phố

Thứ Năm, 17/01/2008, 14:30
Tháng 7/2007, ở cái tuổi 42, Lương Tấn Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vì có công lưu giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống múa lân, sư, rồng. Nhưng người đàn ông nhỏ nhắn, có nụ cười hiền hậu này còn được cộng đồng người Hoa kính trọng vì đã dang rộng vòng tay cưu mang những đứa trẻ hè phố đã một thời lầm lỗi, nuôi dạy các em nên người.

Lương Tấn Hằng người gốc Hoa, sinh năm 1962 trong một gia đình nghèo khó. Chưa đến 10 tuổi, cậu bé Hằng đã phải dắt díu người em gái đi khắp các ngõ ngách Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Trong ký ức của Hằng, "in đậm" những đêm lạnh, hai anh em ở đầu đường xó chợ với cái bụng lép kẹp bán sức lao động để kiếm sống.

Tuổi thơ cơ cực

11 tuổi, trong một lần đến chơi nhà người chú họ, ở lò võ Tinh Anh Đường, mê mẩn trước những đường quyền, Hằng nằng nặc đòi cha mẹ cho mình theo học võ.

Được sự đồng ý của cha, thế là đêm đêm, thay vì được ngủ, cậu bé Hằng đi phụ bán phá lấu vịt, bán vé số, để ngày ngày cậu lại đến Tinh Anh Đường, luyện từng thế võ. Lò võ Tinh Anh Đường cũng là đoàn múa lân Tinh Anh Đường, học võ ở đây, Hằng học luôn múa lân.

Múa lân theo chân người Hoa du nhập vào Sài Gòn từ rất lâu và đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa Sài Gòn. Dân múa lân hầu hết đều là con nhà võ, bởi phải có đủ thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo.

Sớm theo học võ và thể hiện những tố chất xuất sắc, Hằng nhanh chóng được đoàn Tinh Anh Đường chọn để đào tạo thành một người múa lân. Đây là một vinh dự mà không phải đứa trẻ theo học võ nào cũng có được...

Hằng kể rằng, việc học múa lân cũng phải trải qua nhiều bước, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Thời gian đầu thì tập múa dưới đất, thời gian sau thì phải tập múa trên những chiếc cọc, sau đó phải tập trên mai hoa thung (trụ sắt) với độ khó ngày càng cao, đòi hỏi sự chính xác để tránh những tai nạn. Không ít lần, thân thể Hằng bị bầm tím, trầy xước vì mai hoa thung...

Sau một thời gian theo các đàn anh, vốn sáng dạ, Hằng đã học đủ các ngón nghề của múa lân, rồi Hằng được giao quản lý hẳn một đội lân con, nghĩa là làm thủ lĩnh một nhóm nhỏ.

Thời thóc cao gạo kém, người thuê múa lân thì không nhiều, hàng chục đoàn lân sư rồng phải phân chia địa bàn hoạt động. Các thiếu niên theo đoàn lân đứa nào cũng có võ và phần đông là... dữ tợn, sẵn sàng lao vào “chiến” nếu cần thiết.

Các đoàn lân đi biểu diễn mà đụng nhau là rất dễ diễn ra ẩu đả, để giành lãnh địa và “hợp đồng”. Giỏi võ và cũng lì lợm, để có được nhiều hợp đồng cho đội của mình, không ít lần Hằng đã "đụng" với các đoàn lân khác đến sứt đầu, mẻ trán...

Những năm 80 và cả những năm gần đây, dư luận xã hội vẫn còn nhiều định kiến với những thiếu niên múa lân, trong suy nghĩ của nhiều người thì đoàn lân có không ít những đứa du thủ du thực. Hằng thì không nghĩ như thế, anh nghĩ múa lân đối với anh không chỉ là một nghề kiếm cơm, mà còn muốn phát triển nó hơn nữa. Ngoài những giờ đi múa lân kiếm sống, Hằng bắt đầu tìm hiểu sâu về "nghề", cái "nghề" mà bấy lâu người ta chỉ “xem” chứ không mấy người “biết” về nó...

Tiết mục sư tử hí cầu do đoàn lân Hằng Anh Đường biểu diễn.
Sau những cuộc chiến “sứt đầu, mẻ trán” với đám bạn cùng trang lứa thuộc những đoàn lân khác, Hằng mới thấm thía một điều, theo cái nghề ôm trống, ôm đầu lân đi khắp đầu đường xó chợ, rồi đánh nhau, tranh giành lãnh địa vừa chẳng hay ho gì mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Hằng ấp ủ mơ ước đưa cái nghề múa lân thành một nghề có thể kiếm sống cho trẻ em hè phố...

Năm  1986, có trong tay vài chỉ vàng dành dụm từ những ngày lăn lộn, Hằng chia tay lò võ Tinh Anh Đường, rủ thêm mấy người bạn đồng môn nghèo ra hoạt động riêng...

Những ngày đầu thành lập đoàn lân Hằng Anh Đường, vốn ít, lại không có tên tuổi, võ sinh con nhà đàng hoàng chẳng mấy đứa đi theo Hằng, đoàn lân của Hằng gặp rất nhiều khó khăn, hợp đồng biểu diễn họa hoằn lắm mới có mà hầu hết là từ những người quen biết.

Có lần cực chẳng đã, Hằng cùng anh em đi biểu diễn miễn phí, thấy gia đình nào, tiệm nào khai trương nhưng không thuê biểu diễn lân là Hằng lại đem quân đến phục vụ miễn phí, rồi tùy lòng gia chủ, cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, nhiều khi chỉ là một bữa cơm qua ngày...

Càng lớn và càng đỡ phải lo miếng cơm manh áo, Hằng lại nhớ đến những đứa trẻ đường phố bạn anh ngày xưa, không có được may mắn như anh.

Rồi một đêm, Hằng lang thang ngoài phố, gặp đứa trẻ bất hạnh nào anh cũng trò chuyện rồi rủ nó về gia nhập đoàn lân của mình.

Vì những đứa trẻ đường phố

Thời gian đầu khai sinh đoàn lân Hằng Anh Đường, người ta xem đoàn lân của Hằng như một “đám giang hồ” mà Hằng là đại ca...

Còn các em trong đoàn lân thì coi Hằng là đại ca thật, Hằng là thầy dạy võ, dạy múa lân của chúng. Khi nghe tin Hằng Anh Đường thu nhận cả những đệ tử “hè phố”, không ít đứa trẻ giang hồ lò dò tìm đến Hằng, xin làm học trò, Hằng thu nhận kèm theo lời dặn: “Thầy nuôi cơm, mấy em khỏi lo đói, nhưng phải lo học chữ, học võ, học múa lân cho đàng hoàng là được”. Nhưng 10 em đến với Hằng là gần 10 em cơ nhỡ không nơi nương tựa, cha mẹ, gia đình ly tán, có đứa sống lay lắt, trộm cắp, giựt dọc, có đứa nghiện hút...

Hằng thường dặn dò học trò của mình rằng: “Chúng ta có xuất thân không tốt, vì vậy phải làm đàng hoàng hơn người khác, để xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn về chúng ta”.

Không hiểu cách dạy dỗ của Hằng như thế nào mà những đứa trẻ về với đoàn lân của Hằng đều đổi tính, sống nghĩa tình, siêng năng và coi Hằng như người cha của chúng, xem lò võ như nhà của chúng.

Nhưng không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Không ít lần, Hằng phải lên công an phường để bảo lãnh học trò của mình về. Và cứ mỗi bận có đám đánh nhau, giựt dọc, hút sách nào đấy, mấy anh công an phường lại nghĩ ngay đến "quân" của Hằng, rồi không cần biết “đối tượng” thuộc đoàn lân nào, cứ bốc máy gọi anh.

Có người hỏi Hằng: “Sao anh toàn chứa chấp mấy thằng bụi đời không vậy?”. Hằng cười hiền: “Tôi không cần biết trước kia các em đã từng làm gì, có thể những hình xăm vằn vện trên cánh tay chúng không xóa được, nhưng tôi muốn xóa đi một quá khứ. Chúng ta phải cho các em một cơ hội để làm lại cuộc đời...”.

Hằng có gương mặt và nụ cười hiền hậu, gặp anh ngoài đời ít ai nghĩ anh là một võ sư, nhưng khi hỏi chuyện võ sinh của anh mới biết Hằng là người rất nghiêm khắc với học trò. Nhiều đứa khi xin về với Hằng cứ nghĩ Hằng dễ tính, thế là thường xuyên xé rào, sinh hoạt vô lối, có khi đánh lộn với cả đồng môn, sau vài lần nhắc nhở không sửa đổi, Hằng đã áp dụng những biện pháp huấn luyện khắc khổ, nhiều đứa chịu không nổi bỏ trốn, nhưng vài bữa, phải đi kiếm ăn vạ vật, lại lò dò về với thầy Hằng, Hằng lại dang tay ra đón.

Nghệ nhân dân gian

Thu thập được rất nhiều đệ tử thì nỗi lo lớn nhất của Hằng lại là đi kiếm hợp đồng cho chúng biểu diễn. Thời kỳ đầu, cái tai tiếng đoàn lân của “dân giang hồ” ảnh hưởng nặng đến uy tín của Hằng Anh Đường, nhưng Hằng tin rồi mọi người cũng sẽ biết đến Hằng Anh Đường như một lò võ uy tín...

Ngay từ khi thành lập Hằng Anh Đường, Hằng đã nghĩ đến việc thay đổi suy nghĩ của mọi người, anh không muốn người ta mãi nghĩ đến nghề múa lân như một nghề Sơn Đông mãi võ, Hằng muốn biến Hằng Anh Đường trở thành một thương hiệu nghệ thuật giải trí. Hằng Anh Đường không tham gia những vụ tranh giành lãnh địa với các đoàn lân khác, mà mở rộng lò dạy võ, trị bệnh, sản xuất các dụng cụ, đồ nghề múa lân...

Những năm gần đây, đời sống xã hội khá lên, người ta coi trọng nghề múa lân hơn, Hằng Anh Đường cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Giờ, có những lúc đoàn lân của Hằng Anh Đường lên tới 100 võ sinh. Cái đoàn lân của "dân giang hồ" ngày nào đã trở thành một đoàn lân uy tín, trở thành 1 trong 5 đoàn lân lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Những đầu lân, sư, rồng thủ công của Hằng Anh Đường xuất ra nước ngoài đều đặn, có giá từ 3 đến 15 triệu đồng/chiếc. Hằng còn nhận thêm dịch vụ quay phim, tổ chức biểu diễn để đoàn lân kiếm thêm thu nhập...

Khi đoàn lân đã có thu nhập ổn định, Hằng vẫn chưa chịu dừng lại, Hằng thành lập Công ty biểu diễn Lân - Sư - Rồng Hằng Anh Đường để đưa Hằng Anh Đường trở thành một công ty biểu diễn lân, sư, rồng chuyên nghiệp. Hằng tự mình mua sách và băng ghi hình về nghiên cứu và dày công học hỏi thêm các tuyệt kỹ của nghề múa lân, sư, rồng rồi dạy lại cho học trò...

Mới đây, Hằng Anh Đường là một trong những đoàn lân ít ỏi được phía Trung Quốc - đất tổ nghề lân, sư, rồng - mời sang biểu diễn. Khán giả Trung Quốc được một phen kinh ngạc khi xem đoàn lân Hằng Anh Đường diễn tiết mục Lân lên mai hoa thung mạo hiểm như sêri phim võ thuật nổi tiếng của Trung Quốc Hoàng Phi Hồng.

Ngày 23/9/2007, Trung tâm Văn hóa TP HCM đã làm lễ trao bằng công nhận Nghệ nhân dân gian cho 6 nghệ nhân Bạch Huệ, Lý Tùng Niên, Lâm Văn Xiếu, Phạm Công Tỵ, Đào Văn Đúp và Lương Tấn Hằng thuộc các lĩnh vực đờn ca tài tử, chưng mâm quả và múa lân - sư - rồng... Nhà nước đã công nhận công lao của Hằng, người trẻ nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Hằng đã có nhiều đóng góp cho hoạt động lân - sư - rồng TP HCM.

Từ năm 1986, hơn 20 năm trời, Hằng đã đào tạo trên 70 lớp múa lân cho hơn 800 thành viên. Trong lời giới thiệu về Hằng có đoạn: “Hiện nay, đội lân - sư - rồng Hằng Anh Đường đã có hơn 100 thành viên là thanh thiếu niên nghèo, lầm lỡ... Hằng đã tạo cho họ có công ăn, việc làm, có thu nhập và niềm đam mê với nghệ thuật biểu diễn lân - sư - rồng để trở thành người tốt trong xã hội.

Đến với Hằng Anh Đường, nhiều thanh niên hư hỏng đã trở thành những thanh niên tốt, những thành viên biểu diễn giỏi. Trải qua hơn 20 năm khổ luyện và gây dựng, Lương Tấn Hằng đã từng bước xây dựng và dẫn dắt các thành viên trong Hằng Anh Đường đi lên với niềm đam mê nghệ thuật dân gian truyền thống”.

Tháng 5/2005, Hằng đứng ra tổ chức lễ cưới cho đại đệ tử Huỳnh Hoài Chung, người học trò đã theo Hằng từ những ngày đầu thành lập đoàn. Nhìn chú rể có gương mặt thư sinh, hiền lành, ít ai biết, Chung đã có một thời bụi đời “ngang dọc”, nghiện hút trước khi về với thầy Hằng. Chiếc xe gắn máy đầu đời của Chung là thầy Hằng bỏ tiền túi mua cho, và bao nhiêu tuyệt kỹ trong nghề, Hằng đều tận tình truyền lại cho Chung...

Giờ, nhiều học trò của Hằng đã ra ở riêng, mở cơ sở ở quận 1, ở Lái Thiêu (Bình Dương), Tiền Giang, không ít em đã có một gia đình yên ấm. Quá khứ hè phố của chúng đã được hoàn toàn rũ bỏ khi cuộc đời chúng may mắn "đi qua" lò võ Hằng Anh Đường...

Còn Hằng, võ sinh càng đông, gánh nặng chất lên vai anh càng nặng nề. Đến cái tuổi 46 này, Hằng vẫn vò võ một mình, không một lúc nào Hằng nghĩ đến hạnh phúc và một mái ấm riêng. Hằng Anh Đường, nghề múa lân và những đứa con hè phố vẫn chiếm trọn thời gian và cuộc sống của Hằng...

Thuận Thiên
.
.