Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Khướu: Đời lặng lẽ cùng câu hát

Thứ Bảy, 11/04/2015, 09:15
Tại một góc làng quê, xa trung tâm, mộc mạc và giản dị, nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu vẫn đau đáu giữ trong mình câu hát vàng son được truyền từ bà nội, từ bố, câu hát từng là nghề, là nghiệp của gia đình bà một thời. Nay những người cùng lứa đã ra đi cả, người còn thì cũng đã yếu, bà Khướu chỉ lo câu hát ca trù của Chanh Thôn không còn được người quê mặn mà.

Nhà vốn có nghề hát từ mấy đời, nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu ở Chanh Thôn, xã Văn Nhân, Phú Xuyên - Hà Nội được học ca trù từ năm 11 tuổi, bà nội dạy cho. Bà nội trước là ca nương có tiếng, từng thi hát được giải, vào tận trong Huế hát cho vua quan nghe. Còn bố bà Khướu là ông trùm ở tổng Vạn Điểm xưa, cụ Nguyễn Văn Tệnh những năm trước 1945 từng mở nhà hát riêng, từ tận Đáp Cầu bên Bắc Ninh về đến gần nhà, hết ở Thường Tín rồi về Đỗ Xá, Cầu Giẽ, Cầu Guột…, thuộc Phú Xuyên - Hà Nội bây giờ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu.

Nhà sẵn nghề như thế, con gái được đặt tên là Khướu, mong sau này nối nghiệp, nên khi đang học hát, bà Khướu đã được theo "hầu" bà, "hầu" bố, "hầu" các ca nương. "Tôi lúc đó còn bé nên đi theo nghe để học cách hát. Giời bức bối, người ta ngồi hát thì mình quạt cho người ta. Mới là học việc thôi nên không có công. Lâu lâu đỡ đần người ta chút ít thì được nửa công", bà Khướu kể.

Học ca trù khó! Luyện học lời, học lối hát này, lối hát khác, rồi đến điệu hát, mà học theo miệng nên lâu lắm mới thuộc! Giọng thì lại… "nhà quê" nữa, phát âm rất nặng, nhưng khi hát ra thì yêu cầu tiếng phải nhẹ, giọng phải chuẩn. Cho nên trẻ con cứ mạnh dạn hát theo, rồi được người lớn chỉnh cho, lâu dần thành quen.

Chứ hồi đó thì, bà nhớ lại: "Tôi mù chữ, các cụ dạy tôi cũng mù chữ. Con gái thì làm gì được đi học chữ đâu! Nhưng người ta hát thành nghề rồi, bắt được câu hát thì nghe nó không ngọng, không nặng nề". Rồi khi hát còn phải nương theo bàn tay gõ phách, theo tai nghe tiếng đàn của ông kép, chứ không phải tự mình muốn hát thế nào cũng được. Cho đến 14 tuổi, học tập nhuyễn ra rồi mới được vào hát chính thức. Nhiều người nghe, quý cô bé con có giọng hát tốt, thuộc nhiều, chuyển bài này bài khác cũng khéo. Mỗi tội, bé nên chóng buồn ngủ, đi ngủ trước. Từ hồi đang học đã có những tối các cụ bảo, đánh thức "nó" dậy bảo "nó" hát.

Hồi đó bà Khướu đi hát rất nhiều nơi, cứ có hội hè, có đám khao, đám cưới là đi, thường vào các tháng giêng, tháng Hai, tháng Tám. Gần cả chục làng, người ta đã có lời sẵn với ông trùm Tệnh, nên cứ đến kỳ có việc làng là họ mời về hát. Mùa đông với mùa hè nơi nơi bận cày bừa cấy hái thì nghỉ, vừa làm việc nhà vừa luyện giọng hát cho nó mượt.

Mà đã hát thì ôi thôi, giữ giọng ghê lắm! Kiêng khem đủ thứ. Con gái không uống rượu, phải rồi, ai cho uống rượu được! Lại không được ăn mỡ, không ăn cay, ăn tanh, trước khi đi hát cũng không được ăn no.

"Có lần sang bên Hưng Yên bên kia sông, lúc rỗi, mấy chị em ra chợ chơi. Về ông cụ tôi còn bắt há mồm ra…, khám xem có ăn linh tinh cái gì không", bà Khướu cười hấp háy đôi mắt.

Chỉ có mấy năm thôi mà bà Khướu cùng mấy người anh chị em trong họ đi hát khắp vùng. Có khi một tối đi hát, chia nhóm ra đi tận mấy cửa đình. Mỗi đình phải có hai người hát, một người đàn. Hát bên này sông, qua cả sông sang bên Ân Thi - Hưng Yên, đi hát rất nhiều nơi bên đó. Ngẫm nghĩ chuyện xưa, bà Khướu cũng có tiếc đôi chút vì mình sinh ra vào cái thời sắp hết ca trù, không được như bà nội, như bố, nhất là lớp người như bà nội, được sống trọn vẹn với câu hát mình yêu thích.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu biểu diễn tại Viện Âm nhạc, trong Liên hoan ca trù toàn quốc, năm 2011.

Vì chỉ hát được vài năm thôi, khi đang tuổi thiếu nữ thì Cách mạng tháng Tám nổ ra, rồi chiến tranh, bà theo thanh niên trong làng cùng với lực lượng du kích đi phá hoại, quấy rối đồn địch, cho đêm nó ngủ không ngon, nó sợ, lực lượng tiêu hao, cho bộ đội chủ lực về tiêu diệt sinh lực, đánh đồn bốt. Hồi chống Pháp, làng Chanh Thôn của bà cũng là điểm bị lùng sục, vây ráp ghê lắm! Nhà bà Khướu cũng theo làng chạy tản cư.

Trước nó mới đánh vào làng thì dân chạy vào Ứng Hòa, khu Cháy. Rồi nó san phẳng khu Cháy để không còn chỗ trú của Việt Minh nữa thì mọi người chạy vào Mỹ Đức. Nó xâm chiếm Mỹ Đức thì vào tận Hòa Bình.

"Chạy tản cư, rồi lại về, lấy nghề đồng áng mà sống. Hết chiến tranh chống Pháp lại đến chống Mỹ. Vùng này bị đe dọa nhiều, nó bỏ bom nhà máy đường đầu xã, nhà máy dầu cuối xã. Đời tôi chết hụt mấy lần đấy", bà Khướu kể.

Hồi cải cách ruộng đất gia đình cũng gặp khó khăn một chút. Ông cụ Tệnh bị quy địa chủ, nhưng nhà lại là cơ sở cách mạng, ban ngày thì canh gác cho cán bộ, giặc nó đi tuần thì lại bảo anh em xuống hầm, nó đi thì mở hầm cho anh em lên. Cho nên khi sửa sai thì được gọi là địa chủ yêu nước. Nghề hát nuôi sống gia đình một thời, sau này cũng không bị dè bỉu, vì có lẽ ca trù với người nông thôn xa gần cũng đã quen thuộc rồi. Nhưng người biết hát cũng chỉ giữ lấy mà thôi, không có dịp, không có cơ hội, cũng không được khuyến khích hát lại.

Gì thì cũng là tàn dư cũ rồi, phải lẳng lặng mà để trong lòng thôi! Nhớ quá thì lâu lâu lẩm nhẩm hát một mình, hay mấy anh chị em lúc vắng vắng ngồi ôn lại với nhau. "Sau này có lần chúng tôi ngồi hát với ông anh trong họ. Tôi còn bảo, hay chúng ta cứ hát rồi mướn người ghi băng cho. Vậy là bốn người ngồi hát, vừa hát, đệm, đánh trống, ghi vào một cái băng cát-sét, cũng được mấy lối", bà Khướu cười nhớ lại. Cứ thế, câu hát lặng lẽ cùng bà và mấy người cùng lứa hát ngày xưa suốt hơn nửa thế kỷ. Cho đến tận mãi sau này, vào năm 2007, một ông trong làng có con gái là diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, ngày nọ lên nhà hát thăm con. Nghe một ông khác trên đó nói chuyện ca trù, ông này mới bảo tưởng gì chứ làng tôi cũng có.

Có là có thế nào? Người ta mới tìm về, cán bộ Sở Văn hóa Hà Tây trước kia vào gặp các cụ, rồi đến GS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đến nhạc sĩ Đặng Hoành Loan là lãnh đạo của Viện Âm nhạc… Khi đó nào còn mấy ai! Bà Khướu nghĩ cũng thấy ngậm ngùi, khi người ta tìm đến, ghi nhận mình là người hát ca trù thì mình cũng đã… già rồi, có say mê nhưng sức, giọng cũng không còn như xưa nữa, như cái hồi đi hát toàn đi bộ, mấy anh chị em dắt díu nhau qua đồng qua sông, hàng chục, hàng mấy chục cây số.

Giờ thì những người kỳ cựu theo đòi nghiệp hát khi xưa cũng chẳng còn ai ngoài bà Khướu với bà Vượn. Mà bà Vượn thì nay đã yếu nhiều lắm rồi! Bà Khướu thì còn chút sức, còn tỉnh táo hơn nhưng cũng đã thấy mỗi năm giọng mỗi khác. Ông Khoái nghệ nhân đàn đáy, năm 2007 thì còn, nay cũng đã mất rồi…

Hỏi bà Khướu sao chừng ấy năm, bao nhiêu là chuyện thời cuộc, những hiểm nguy, những khó khăn của gia đình, nhất là quá nhiều năm không được biểu diễn, câu hát không trình làng, sao vẫn nằm lòng bà đến vậy. Đơn giản thôi, bà cười, chỉ vì yêu thích mà nhớ, mà hát, mà giữ lấy. Chứ chuyện nghiệp nhà cũng chỉ là một phần thôi. Cả dòng cả dõi đi theo mà đến đời mình không hứng thú thì cũng buông thôi chứ làm thế nào! Nhưng có hát lên, tai được nghe tiếng của mình, thì lòng nó mới thỏa.

Cái nghề hát, thú hát này cũng không ép được, nên con cái bà không ai theo, không ai hát, các cháu cũng chỉ biết biết thế thôi. Cũng đành vậy, thời cuộc nó còn nhiều khó khăn, mọi người phải lo làm, lo học. Như ở trong thôn, từ dạo ca trù được khởi sinh trở lại, Câu lạc bộ (CLB) ca trù Chanh Thôn với vai trò truyền nghề chủ lực là bà Khướu và bà Vượn, đã dạy được cho một số cháu học sinh. Nhưng rồi các cháu lên cấp ba thêm bận học, lên đại học đi "thoát ly", rồi lấy chồng về nơi khác, cũng khó mà giữ ca trù lắm! Chỉ có ai đã định cư ở đây, đã ổn về công việc thì dành được thời gian mà theo học.

"Cho nên gần đây chúng tôi thay đổi "chiến thuật", bà Khướu cười: "Chúng tôi tập trung vào dạy cho mấy chị đã có chồng con mà thích ca hát. Các chị ấy còn chưa được lề lối gãy gọn như chúng tôi. Hát ca trù thì phải gãy gọn, lên bổng xuống trầm, tròn vành rõ chữ. Hát phải ngậm miệng, hơi thở trong họng, chứ không như ca mới hay chèo. Cuối cùng, các chị cũng vỡ vạc được ra ít nhiều rồi đấy!".

"Giờ chúng tôi cứ dạy thôi, sao cho có người giữ được tiếng hát ca trù của Chanh Thôn này. Hát ca trù thì chỉ có giữ ở trong người thôi, chứ có ghi ra giấy, in ra sách mà không biết hát thì chẳng để làm gì! Cho nên chúng tôi phải dạy kẻo mai kia mang theo đi thì phí hoài lắm! Nhiều người cũng hỏi tôi về chuyện người ta xét phong danh hiệu này kia, tôi cũng chỉ nhiệt tình trả lời, kể chuyện về ca trù cho mọi người được việc, chứ thực tình lâu nay hoàn toàn có chế độ gì đâu. Tôi sống là sống với con cháu, với say mê của mình thôi", nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu chia sẻ trong một ngày đông nắng ấm, khi vừa hái rau ngoài vườn.

Hỏi về ca trù ở quê bà bây giờ, bà Khướu bộc bạch: Người nghe ở quê ít lắm. CLB hàng năm hầu như chỉ diễn hội làng thôi. Cưới xin thì không. Lễ thượng thọ thì nhà nào đông con cháu, có điều kiện làm to thì mời ca trù hát. Cũng là người cao tuổi, cùng hội cùng làng, thôi thì nước non ăn uống, có đưa tiền nhưng chúng tôi không lấy, hát mừng các cụ thôi.

Chia sẻ những mong muốn cho ca trù, bà Khướu không giấu giếm: Nhiều lần gặp GS Tô Ngọc Thanh, cụ Thanh hỏi khó khăn gì, chúng tôi nói rất nhiều, người học ca trù thì cũng có, nhưng học xong Nhà nước không tuyển dụng đến, thì họ bảo thôi học cái khác. Mình thì cũng chỉ thích mà đi cho vui chứ không có chế độ gì. Vài năm trước, cụ Thanh bảo thôi thì tôi đề nghị cho các cụ "cái bảo hiểm y tế". Nhưng rồi không có. Cụ Thanh bảo, tôi đã xin nhưng tôi không có quyền, biết các cụ khó khăn, nhưng không được duyệt. Tôi chỉ có mời các cụ đi khám miễn phí, nhưng thuốc thì phải mua. Cho nên chúng tôi cũng xin cám ơn cụ Thanh, chứ không đi.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền có dịp chia sẻ về việc phong tặng và đãi ngộ nghệ nhân: Ngoài giấy chứng nhận danh hiệu, huy hiệu, về mặt quyền lợi vật chất, các nghệ nhân có lẽ chỉ được hưởng chút tiền thưởng đi kèm. Riêng với nghệ nhân "có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn" thì sẽ được "hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng". Như thế, các nghệ nhân cao tuổi thuộc diện lao động tự do (vốn chiếm số đông trong môi trường hoạt động di sản), những khoản bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội cho các cụ vẫn chưa được xem xét. Trong thực tiễn mai một của nhiều di sản, mức "trợ cấp sinh hoạt" nếu có cũng không thể bảo trợ cho sức lao động nghệ thuật. Và, điều chúng ta làm được mới chỉ dừng lại ở việc phong danh hiệu, động viên tinh thần.

Ông Nguyễn Đức Nam - Kép đàn CLB ca trù thôn Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội từng chia sẻ nhân Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014: Bẵng đi quá lâu, năm 2008, ca trù ở Đồng Trữ mới trở lại, nhưng chưa được quan tâm gì mấy. Cuối tuần cứ tự sinh hoạt, dạy và tập với nhau. Cả năm có vài lần biểu diễn nhân dịp Tết, hội làng, thượng thọ cụ nào đó trong làng, thù lao tượng trưng thôi. Vài bài ca trù rồi luồn dân ca, chèo vào, người ta nghe nhiều hơn, chứ hâm mộ ca trù còn ít lắm! Còn ông Nguyễn Đức Luống - Chủ nhiệm CLB thì mong mỏi, hiện CLB có hai nghệ nhân, cụ Trần Thị Bổng, 88 tuổi và cụ Trần Thị Gái, 84 tuổi, vẫn nhớ và vẫn dạy được, hy vọng các cụ sẽ được hỗ trợ thêm để động viên, ghi nhận công sức nhiều năm giữ gìn ca trù.

Hoàng Thi
.
.