Nghệ sĩ Hoàng Thắng: Luôn tử tế với những vai không tử tế

Thứ Sáu, 28/04/2017, 10:10
Sự ra đi của nghệ sĩ Hoàng Thắng đã để lại nhiều nỗi tiếc thương cho bè bạn và nền điện ảnh, truyền hình nước nhà, bởi có lẽ phải rất lâu nữa, mới lại có một “cậu trời”, một Hoàng Thắng với những dư âm không thể mờ phai cùng tháng năm...

Sáng 24-4-2017 đông đảo bạn bè, khán giả đã đến nhà riêng của nghệ sĩ Hoàng Thắng tại Hà Nội để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Những dòng hồi ức, những kỷ niệm về một người nghệ sĩ thành công với nhiều vai phản diện, người đã ghi dấu ấn đậm nét trong điện ảnh Việt Nam với vai diễn "Cậu Trời" Đặng Lân trong bộ phim "Đêm hội Long Trì" (Đạo diễn Hải Ninh).

Sự ra đi của ông, đã để lại nhiều nỗi tiếc thương cho bè bạn và nền điện ảnh, truyền hình nước nhà, bởi có lẽ phải rất lâu nữa, mới lại có một “cậu trời”, một Hoàng Thắng với những dư âm không thể mờ phai cùng tháng năm...

Một cảnh trong phim “Đêm hội Long trì”.

1. Nghệ sỹ Hoàng Thắng phát hiện mình bị ung thư phổi trước tết Nguyên đán Đinh Dậu, sau những lần bị ho ra máu. Ông được người thân đưa xuống Bệnh viện K3 - Tân Triều để điều trị, có lẽ đó là thời điểm căn bệnh ung thư phổi đã di căn nên ông đối diện với những cơn đau, thể lực suy kiệt nhanh chóng. Sau mấy tháng chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, nghệ sĩ Hoàng Thắng đã trút hơi thở cuối cùng, trở về chín suối đoàn tụ với người vợ hiền yêu dấu cũng đã ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo mấy năm trước.

Nghệ sỹ Hoàng Thắng sinh năm 1954 tại Hà Nội. Ông vốn là "con nhà nòi". Mẹ ông là Nghệ sĩ nhân dân dàn kịch nói Trúc Quỳnh. Theo ông từng chia sẻ, trong gia đình, chỉ mình ông theo nghiệp diễn, các em của ông đều là giáo viên, kỹ sư, bác sĩ. Ngay cả sau này, khi đã lấy vợ là bà Thu Nga (từng có thời gian công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) và sinh hai người con trai, thì hai người con của họ cũng không theo nghề bố mẹ mà một người làm kinh doanh còn một người là tiếp viên hàng không.

Trước khi trở thành một diễn viên, nghệ sĩ Hoàng Thắng từng đi bộ đội rồi theo học trường công nhân kỹ thuật. Ông trở thành học viên lớp diễn viên điện ảnh khóa II sau khi giấu bố mẹ đi thi, vào học cùng lớp với các diễn viên: Thanh Quý, Diệu Thuần, Minh Châu, Bùi Bài Bình, Ngọc Thu, Vũ Đình Thân...

Học xong, ông trở về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam. Ông đã tham gia rất nhiều vai diễn điện ảnh thời kỳ đầu như vai A Tu trong "Trở về Sam Sao" (đạo diễn Nguyễn Xuân Chân - năm 1982); Cổn trong phim "Đêm cuối năm" (đạo diễn Châu Huế - năm 1983); Cán bộ địa chất Tài trong phim "Đường suối cạn" (Đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc - năm 1984); Tuân trong phim "Tướng về hưu" (Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi - năm 1988); "Cậu Trời" Đặng Lân trong phim "Đêm hội Long Trì" (Đạo diễn Hải Ninh - năm 1989); Dũng “Sony” trong phim "Chuyện lạ thế kỷ" đạo diễn Trần Vũ, Nguyễn Hữu Luyện (năm 1990); Chom trong phim "Con ngựa bốn vó trắng" của đạo diễn Vũ Châu năm 1990; Đội trưởng biệt kích trong phim "Hoàng hôn nhiệt đới" của đạo diễn Trần Trung Nhàn (1991); Ông Trùm trong phim "Truy lùng băng quỷ gió" của đạo diễn Tự Huy (năm 1992)...

Dù có nhiều diễn xuất thành công, song thành công nhất của nghệ sĩ Hoàng Thắng là vai diễn "Cậu Trời" Đặng Lân trong "Đêm hội Long Trì" một phim dã sử - cổ trang của cố đạo diễn, NSND Hải Ninh. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Bộ phim chia làm 2 phần "Cầu hôn" và "Quả báo" lấy bối cảnh lịch sử thế kỷ XVIII khi chế độ chúa Trịnh ngày càng suy tàn.

Tuyên phi Đặng Thị Huệ được sự sủng ái của chúa Trịnh Sâm nên dung túng cho em trai làm những việc sai trái, coi thường luật pháp. Bộ phim tái hiện phần nào sự thối nát của xã hội lúc bấy giờ.

Trong các tài liệu phê bình điện ảnh Việt Nam, "Đêm hội Long Trì" được đánh giá là bộ phim dã sử kinh điển nhất trong thế kỷ XX. Đặc biệt, phim quy tụ được dàn diễn viên xuất sắc như: NSND Thế Anh, NSND Trịnh Thịnh, NSND Trần Nhượng, NSƯT Thu Hà, NSƯT Lê Vân, Quế Hằng, Vũ Đình Thân, Hoàng Thắng...

Nghệ sĩ Hoàng Thắng trong phim “Gió đại ngàn”.

Dù bộ phim quy tụ được nhiều diễn viên nổi tiếng, nhưng với vai diễn phản diện, "Cậu Trời" đã là vai diễn để lại tên tuổi nghệ sĩ Hoàng Thắng với đời. Ông từng chia sẻ với báo giới, thời đó, dù ông đã có chút tên tuổi nhưng khi tham gia phim này vẫn phải casting. Có mấy người được mời đến thử vai nhưng chỉ có ông và nghệ sỹ Chí Trung được chọn. Ở vòng cuối, ông là người được chọn bởi có ngoại hình bên ngoài phù hợp.

Phim phát sóng, vai "Cậu Giời" của ông thành công tới mức ông đi đâu cũng được khán giả nhận ra. Nhiều người "phẫn uất" với nhân vật này tới mức họ gặp ông ngoài đời đã tỏ thái độ ghét ra mặt. Ngoài vai diễn này, nam nghệ sỹ cũng rất tâm đắc với vai Tư Lẫm trong bộ phim "Mảnh đời của Huệ" (đạo diễn Phi Tiến Sơn, 1997).

Vào những năm đầu thập niên 2000, dù rất đam mê điện ảnh nhưng nghệ sỹ Hoàng Thắng buộc phải dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Ông cùng vợ mở nhà hàng ở khu vực Hồ Tây và thường xuyên ở nhà cùng vợ chăm lo nhà hàng, công việc kinh doanh, thỉnh thoảng ông tham gia những vai nhỏ và tham gia nhóm lồng tiếng.

2. Tuy có một thời gian ngắt quãng, song ông vẫn thường xuyên tụ hội bạn bè văn nghệ sĩ, vẫn theo dõi từng bước đi của nền sân khấu, điện ảnh như một niềm đam mê máu thịt. Nghệ sĩ Hoàng Thắng quan niệm: "Nghề diễn viên không có vai tử tế hay không tử tế, mà chỉ có vai được thể hiện một cách tử tế hay không. Tôi chuyên nhận vai người không tử tế, nhưng tôi rất yêu và đối xử tử tế với những vai diễn ấy".

Cảnh trong phim “Gió đại ngàn”.

Đối với ông, nghệ thuật chính là niềm say mê, tình yêu và sự khổ luyện. ông có cái duyên ngầm mà nhiều diễn viên thèm muốn là được vào những vai mà khi tìm diễn viên người ta bảo nhau: Chỉ có Hoàng Thắng. Đó là hàng loạt những nhân vật mang bộ mặt dữ dằn, những tay "anh chị", đầu gấu... trái ngược với bản chất hiền lành, hóm hỉnh của ông ở ngoài đời. Hoàng Thắng rất thích đóng những vai nhỏ nhưng có "chất" ấy hơn những vai chính mà khi "đọc kịch bản xong chẳng hiểu nhân vật của mình là ai".

Người xem có thể quên tên phim, tên nhân vật chính, nhưng lại nhờ về một nét mặt ấn tượng, một lời thoại "rất đời", hay một hành động khắc họa rõ tính cách nhân vật của những vai dù là chính hay phụ mà Hoàng Thắng thể hiện.

Một người bạn của ông, khi vào thăm nghệ sĩ đã chia sẻ rằng, dù rất đau đớn vì bạo bệnh nhưng khi thấy có người đến thăm, nam nghệ sỹ vẫn thân tình trò chuyện. Ông còn muốn những người có vai trò truyền thông hay viết bài để cảnh báo về căn bệnh ung thư đang "thảm sát" nhân loại mỗi ngày. Nghệ sỹ có cái may mắn là khi bị bệnh họ còn được nhiều người biết tới mà chia sẻ, động viên, giúp đỡ...

Còn những người dân bình thường, họ cũng bị ung thư rất nhiều nhưng không được may mắn như nghệ sỹ. Tại bệnh viện K.3 mà ông đang điều trị, mỗi ngày có tới 600 bệnh nhân đến khám về bệnh ung thư, một con số quá khủng khiếp để chúng ta phải lên tiếng hằng ngày vì những mối họa từ thực phẩm bẩn, từ khói bụi và rất nhiều nguyên nhân khác mang lại.

Anh Hoàng Lâm, con trai cả của nghệ sĩ Hoàng Thắng, người đã túc trực thường xuyên bên giường bệnh của cha mình kể lại rằng, trong đời sống, ba anh khác hẳn tính cách trên phim. Ông không dữ dằn, ghê gớm và mưu mô như những vai phản diện rất khó ưa trên màn ảnh nhỏ. Đời thường, ông lại là người cực kỳ hiền lành, nhẹ nhàng và tốt tính. Đặc biệt, ông là người rất thương yêu vợ con và sống cực kỳ trách nhiệm với gia đình. Ông không ngại dành cho vợ mình những lời "có cánh" trước mặt mọi người hoặc trên báo chí.

Nghệ sĩ Hoàng Thắng.

Thời gian, ông bà mở quán ăn ở Hồ Tây, ông dừng hẳn việc đóng phim để chuyên tâm cùng vợ kinh doanh nên công việc kinh doanh khá thuận lợi. Tuy nhiên, kể từ khi mẹ anh qua đời vì ung thư phổi vào năm 2011, ba anh suy sụp đi rất nhiều. Ông phải trải qua những ngày tháng một mình đơn lẻ đầy khó khăn. Thiếu vắng bàn tay vợ chăm sóc, cận kề, một người tri âm tri kỷ, ông như lạc lõng với cả thế giới. Mặc dù các con luôn cận kề động viên, tạo điều kiện để ông đi đây đi đó cho nguôi ngoai niềm đau... nhưng nỗi buồn, nỗi u uất vẫn luôn thường trực trong ông như một sự mất mát không có gì bù đắp nổi.

Những ngày tết vừa rồi, ông bị ho ra máu, cả gia đình lo lắng đưa ông đi khám tại một bệnh viên tư nhưng họ không phát hiện ra bệnh của ông. Chỉ nghĩ là một căn bệnh thông thường nên cái tết vừa qua vẫn rất nhiều ký ức đẹp, đầm ấm, vui vầy. Nhưng dường như mọi thứ đều là do số phận đã định đoạt. Ngay khi ông bị khó thở, ho nhiều hơn, các con đưa ông đến Bệnh viện Phổi Trung ương khám thì phát hiện có khối u ở phổi.

Mọi chuyện diễn ra rất nhanh ngay sau đó dù đã được chuyển vào điều trị ở viện K.3 Tân Triều, được điều trị hóa chất nhưng không hiệu quả, chỉ một thời gian ngắn, bệnh tiến triển nhanh và cướp đi người cha yêu quý, người diễn viên tài năng ở tuổi 63.

3. Nghệ sĩ Hoàng Thắng đã trở thành một biểu tượng cho "cái ác" trên màn ảnh Việt Nam với đủ các hình ảnh vai phản diện, nhưng khi ông ra đi, mới thấy rằng, tình cảm mọi người dành cho anh quá lớn lao.

Bạn bè đến tiễn đưa ông với những giọt nước mắt xót xa, khán giả nhớ ông, gửi những lời chia buồn và những dòng cảm xúc tiếc nuối với một tài năng trên màn ảnh nhỏ. Ông đã đến với màn ảnh như một cái duyên thiên định, để lại cho đời những vai diễn ấn tượng, và rồi cũng về trời vào một ngày cuối xuân mát mẻ trong một sự định đoạt không thể cưỡng lại được của số phận.

Sau này, nghệ sĩ Hoàng Thắng thường tham gia lồng tiếng cho phim. Thổi hồn vào những nhân vật, những số phận và những cuộc đời trên màn ảnh nhỏ. Giờ đây, khán giả sẽ thiếu đi một giọng nói quen thuộc, một dáng hình điển hình...

Ông đã về giời theo tiếng gọi của định mệnh, vợ ông, người vợ son sắt cả một đời có lẽ đã dang tay đón chào và đợi chờ ông đoàn tụ, song vẫn còn đó ấn tượng về một "Cậu Trời" trong lòng khán giả, những cái nhếch mép, những ánh nhìn, những câu thoại như găm vào lòng người những dư ba của một thế hệ đã làm nên thành tựu trong điện ảnh Việt Nam.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.