Nghệ sĩ đích thực là phải trần mình ra làm nghề

Thứ Bảy, 01/09/2012, 21:50

Với nhiều người, nghệ sĩ là một thứ gì đó rất xa vời, mông lung, bay bổng và đôi khi phi thực tại, đỏng đảnh khó hiểu, khó yêu, khó chiều. Họ, có thể là nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ, họa sĩ…cùng chung một môi trường và công việc làm nghệ thuật. Nhưng, không phải tất cả ai đến với nghệ thuật cũng là nghệ sĩ thực thụ. Hãy cùng nghe người trong cuộc giãi bày về môi trường nghệ thuật vô cùng hấp dẫn, được tung hô nhưng cũng không ít những bàn tán, thị phi và họ những nghệ sĩ đích thực đã phải trần mình làm việc như thế nào?!

Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Nghệ sĩ như đứa trẻ nhỏ”

Tôi nghĩ trong cuộc đời người phụ nữ mà yêu được nghệ sĩ, chịu đựng và chấp nhận được nghệ sĩ để sống được với họ tôi cho là phi thường. Đấy phải là người đàn bà lớn lao lắm. Tôi không nói người nghệ sĩ hư hỏng. Những người đàn bà phải lớn lao lắm thì trái tim họ mới dung nạp được họ. Thật ra, cũng chẳng có gì ghê gớm lắm đâu. Nghệ sĩ như đứa trẻ nhỏ. Nghệ sĩ cũng đầy những hiếu động, đầy những sự nhạy cảm. Nhưng nhạy cảm quá thì khi người ta chưa buồn mình lại buồn, khi người ta chưa kịp vui thì mình lại vui. Rồi nhạy cảm quá cũng rất khổ.

Nhiều khi bạn thấy một đám cưới nào đó, ai đi qua cũng phải dừng lại, đám cưới ấy cũng chả phải người thân thuộc gì của mình. Thấy cô dâu chú rể ăn mặc đẹp đẽ, mình đứng ở ngoài lại muốn khóc. Rồi nhiều khi đi qua một ngôi nhà có đám ma, người ta sụt sùi khóc chồng, khóc con, mình đứng bên ngoài cũng ngậm ngùi thì đó chính là sự nhạy cảm của người nghệ sĩ.

Sự nhạy cảm quá thì giống như cái đàn nó căng, độ rung rất tốt cho phần cảm nhận. Tốt cho những người làm văn, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, diễn viên… Nhưng cái độ rung trong thực tại của họ. Họ rất mẫn cảm, rất nhạy cảm cả những bất hạnh, những khổ đau, kể cả hạnh phúc. Và người đàn bà nào đó có thể dung nạp được họ, yêu thương được họ thì cũng phải là người đàn bà phi thường lắm.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: “Nghề của tôi đêm nào ngủ cũng nói mê”

Nghề văn nhiều người ra một quyển sách mới thì hay tổ chức họp báo. Nếu như tác phẩm đó hay thật sự thì như viên ngọc ở trong vũng bùn vẫn sáng lòe lên. Nhưng cũng có nhiều người để đợi sáng được thì lâu lắm, nên có nhiều nhà văn sốt ruột. Thôi thì đợi nó sáng chi bằng ta cứ mang nó ra  ta chiếu đèn vào để cho người khác còn biết.

Sự nghiệp của một nhà văn thì viết tiểu thuyết mới là quan trọng nhất, nhưng đối với sự nghiệp của một người sống không vì mục đích văn chương không phải là cao nhất thì viết tiểu thuyết không trở nên quan trọng. 

Người ta cứ nghĩ nhà văn, nhà thơ là phải cảm hứng dạt dào nhưng thực sự không phải mà là cảm hứng đã hiểu biết tất cả những điều gì mình định viết, mình biết rõ thì trở thành cảm hứng. Ví dụ như khi tất cả câu chuyện nó đã ở trong đầu mình rồi, nó chất chồng lên rồi thế thì đến khi mình khơi ra một cái mạch. Cái mạch đấy nó trào ra không phải vì bản thân cái đó mà vì dung lượng của nó, nó đầy ắp và trào ra. Hai nữa là sức căng của nó, sức căng của toàn bộ chất liệu mình có nó không phải thứ hiểu biết theo kiểu chết cứng.

Viết văn không phải cái thứ lãng mạn, một chút thơ thẩn. Không phải như thế, như anh thấy trời mưa hứng lên làm bài thơ về mưa nhưng anh không thể nào một tháng làm đến 30 bài thơ về mưa được. Huống hồ câu chuyện tiểu thuyết không phải là câu chuyện của văn hay đêm mưa, là thân phận của biết bao nhiêu người mà nó quy tụ bởi một chủ đề lớn thì nó càng lắt léo, phức tạp…

Nhiều người bảo nhìn khối lượng sách của tôi như vậy thì có lẽ là do tôi thức suốt đêm. Nói như vậy cũng chả đúng đâu. Thức suốt đêm thì tôi chết lâu rồi. Nhưng nghề viết cũng thúc giục ghê gớm lắm. Chúng ta không thể đếm giờ này làm việc này, giờ khác làm việc kia, như nghề của tôi, đêm nào ngủ cũng nói mê. Tức là những gì mình tỉnh, mình chưa kịp nói, hoặc chưa kịp diễn đạt hết nó ám ảnh đến nỗi đêm ngủ nói tiếp. Nhiều khi tôi vừa nằm xuống, chợp mắt là nói mê.

Nhà văn Lê Lựu: “Nghề viết nó vận vào đời tôi”

Nhà thơ có thể ít phải ngồi vào bàn chứ nhà văn như con trâu cày. Cả cuốn tiểu thuyết hay như cuốn sách  nó như cánh đồng ruộng mênh mông không biết đâu là chân trời thì anh cày bao giờ cho hết cánh đồng.

Cái anh nhà văn như con trâu, kéo cày suốt ở cánh đồng mênh mông nên vất vả lắm. Trước đây  có những đợt 6 tháng liền cả ngày lẫn đêm tôi không ngủ được, cố viết cho xong. Nghề viết là nghề vất vả…

Nhưng rồi những người cầm bút viết văn, có những người như tôi, văn chương nó vận vào người mình.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Âm nhạc là cuộc chơi của những người tài năng”

Người nhạc sĩ có thể viết hay bất cứ chủ đề gì từ phân bón, gạch ngói, kể cả thuốc trừ sâu, về bia, rượu. Như nhạc sĩ Trần Tiến là ông hoàng số một viết về ngành nghề. Sung sướng. Chủ đề người có tài năng viết về cái gì mà chả được. Âm nhạc và văn học cũng có những cái rất gần, gắn bó với nhau.

Nhiều người nói, nghệ thuật là trời cho. Nhưng tôi bảo nghệ thuật là trời cho và cả người cho nữa chứ. Trời cho mình chỉ 1% cái sự nhạy cảm. Còn người cho mình cảm giác. Người cho mình cảm xúc. Người cho mình đau đớn. Người cho mình thăng hoa. Cuộc sống 99% là người cho. Trời chỉ cho 1% thôi nhưng không thể tách rời được.

Nghệ thuật nói là trời cho thôi không đủ. Tại sao chỉ có 7 nốt nhạc đồ, rê, mi, pha, son, la, si, đố mà có những bản nhạc tuyệt tác, nhạc sĩ vĩ đại.  Có năng lực, cảm thụ đến mấy mà không hành động thì cũng chỉ là một ông ngồi nói dóc. Nói mà không làm hoặc có làm thì lại tỉ lệ nghịch với lời nói của mình thì là cái thứ không thể tôn trọng được. Và cũng không thể nói mình là một người bình thường được. Đấy là một sự giả dối. Mình là người có khả năng. Cái khả năng duy nhất là mình rất nhạy cảm  trong công việc của mình. Nhạy cảm để hiểu sân khấu ca nhạc hiện nay đang cần cái gì?

Người nghệ sĩ cũng cần phải biết đến thể thao. Thể thao rất quan trọng. Thậm chí quan trọng hơn cả âm nhạc. Cái tinh thần của một ngày tập luyện nó khác với ngày không tập luyện.  Khỏe mạnh làm cho mình sung mãn trong cuộc sống. Người lúc nào cũng cuồng nhiệt. Và cuồng nhiệt lắm thì cảm nhận rất tốt. Tôi không tin một người ốm yếu thở chẳng ra hơi nói là đang sáng tác. Không có đâu. Người nghệ sĩ đầu tiên phải đẹp ở tinh thần, sức khỏe dồi dào sung mãn…

NSND Lê Khanh: “Nghề diễn và nghề y có một đặc điểm chung”

Nghề này cần phải nhạy cảm, nhưng nhạy cảm thì lại hay đau đớn, hay chạnh lòng, hay day dứt, băn khoăn. Buồn rầu là đương nhiên. Vui quá cũng có thể mất ngủ. Yêu nhiều lúc nào cũng muốn chia sẻ. Lúc nào cũng muốn làm điều gì đấy nếu không sẽ day dứt. Lúc nào cũng ở trong tâm trạng quá lên cả. Không điều chỉnh được sự nhạy cảm thì hành lại chính mình. Thế thì làm sao mà lạc quan, hồn nhiên được.

Khi mình đi ra đường thấy chuyện gì đó không đẹp, không hay, người khác có thể bỏ qua nhưng người nghệ sĩ còn neo lại mãi. Đặc biệt là cách ứng xử con người với con người, thế nhưng rồi cuối cùng để thoát ra những nỗi buồn phiền đeo bám, chính là người ta tìm ra câu trả lời "vì sao?".

Tại sao người này phải đi móc túi, người kia ăn nói bậy bạ, tại sao có người bụng dạ lại hẹp hòi đến vậy? Có thể những người khác không tìm ra lý do vì sao. Họ không có thói quen có những câu trả lời đấy, nhưng nghề diễn viên và nghề y học có một điểm chung chắc chắn phải tìm ra nguyên nhân thì mới chữa được bệnh. Một đằng thì chữa bệnh thể xác, một đằng là chữa bệnh tâm hồn. Trong tất cả nỗi buồn người nghệ sĩ tìm ra câu trả lời chỉ trong vòng một câu. Không đao to búa lớn. Cũng chẳng có triết lý gì sâu xa, chẳng qua chỉ vì cuộc sống họ vất vả quá thôi. Thế cho nên họ hơi hẹp hòi, rồi họ không cởi mở, hoặc phải làm những điều gì không phải. Mình chỉ có một câu nghe đơn giản nhưng tác dụng lại hiệu quả lắm: Đó là yếu tố thiền trong tâm.

Những câu hay nghe to tát mình lại không bao giờ nhớ được. Tự mình đi tìm ra những câu trả lời đơn giản, dung dị nhất để mình nhớ được và ứng dụng vào cuộc sống.  Nhiều khi mình cũng tự giải thoát cho mình bằng những câu nói giản dị nhất…

Nghệ sĩ Lan Hương: “Nghề này phải tự cứu lấy mình không thì chẳng có ai giúp”

Nghề diễn viên đôi khi khó hơn nghề khác vì đôi khi họ phải vượt qua chính bản thân họ, những nghề khác nó đơn giản hơn, ít bị tác động về tâm lý chứ nghề của tôi, người nghệ sĩ bị tác động tâm lý, mà nghề này lại phải sử dụng tâm lý rất nhiều. Người nghệ sĩ phải chịu áp lực tâm lý rất lớn và phải biết vượt qua bản thân. Tự mình phải cứu lấy mình không thì cũng chẳng có ai giúp.

Trong lao động sản xuất chẳng hạn, nếu bạn mệt bạn có thể nghỉ ngơi, người ta có thể giúp bạn nhưng nghề diễn viên khó ai có thể giúp được. Có chăng người ta có thể chia sẻ với mình để mình vơi đi nỗi buồn, từ từ tìm ra lối thoát, tự vượt qua bản thân mình. Ví dụ: Như bây giờ tôi đang rất vui, nhưng tối đến phải diễn một vai thật buồn hoặc ngược lại.  Vậy mà nếu tôi không vượt qua thì chắc chắn tôi sẽ thất bại.

So với các ngành nghề khác thì nghề của mình khó khăn hơn rất nhiều. Mình chỉ có công cụ sáng tạo làm việc duy nhất là chính bản thân mình. Nghề diễn bày ra trước mắt khán giả, nên cố gắng làm sao cho hình ảnh của mình đừng bao giờ bị xấu.

Nhiều người nghệ sĩ không có đủ tự tin nên hay do những lỗ hổng kiến thức trong cuộc sống, thiếu kỹ năng sống, là người không có bản lĩnh và chính điều đó bộc lộ sự yếu đuối của người nghệ sĩ. Những người như thế ít được gọi là nghệ sĩ lắm. Đã là nghệ sĩ phải có tâm hồn bao dung  và phải biết yêu cái đẹp, ghét cái xấu. Và những người không biết yêu thì không thể là nghệ sĩ được. Biết yêu đúng cách chứ không phải phát biểu bừa mà nói tôi là nghệ sĩ nên tôi thế.

Không phải là một diễn viên, một ca sĩ nổi tiếng mà gọi là nghệ sĩ. Chữ nghệ sĩ rất đẹp, rất đáng trân trọng. Cũng không phải là "sao" mà được gọi là nghệ sĩ và rất khó để vươn tới. Chứ cứ nổi tiếng mà gọi là nghệ sĩ thì dễ quá!

Mỹ Trân
.
.