Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc: Kiệt cùng với đam mê sân khấu

Thứ Năm, 27/10/2016, 12:35
Quảng giao là ấn tượng đầu tiên của bất cứ ai khi tiếp xúc đều dễ nhận ra nơi NSND Lệ Ngọc. Từ người thân cho đến bạn bè, đồng nghiệp đều chung nhận xét, Lệ Ngọc có năng khiếu ngoại giao.

Bố chị, nhà văn Việt Hoài muốn Lệ Ngọc phát triển năng khiếu này. Ông không muốn con gái dấn thân vào nghệ thuật. Nhưng, Lệ Ngọc lại ấp ủ giấc mộng nghệ sĩ. Chị tâm sự, có lẽ, nghệ thuật đã nằm trong máu từ ngày còn nhỏ. Sân khấu, với chị là đam mê, đã yêu thì rất khó bỏ, dù rằng có thể, vì nó chị phải sức cùng lực tận.

Nhìn Lệ Ngọc xuất thần trên sân khấu, ít ai biết nữ nghệ sĩ đang phải đối diện hàng ngày với nỗi đau thể xác do bệnh tật.

NSND Lệ Ngọc kể rằng, chị được tiếp xúc với sân khấu là nhờ vở diễn "Một thời để yêu" của bố. Vở diễn này, ông viết cho nhà hát cải lương của Hà Nội. Lệ Ngọc xem rồi yêu thích sân khấu luôn từ đó. Mới hơn 10 tuổi đầu, chị đã mê Nguyệt Ánh, Thanh Tú. 15 tuổi, Lệ Ngọc cứ mò mẫm ra xem diễn, tập diễn hết sân khấu này đến sân khấu khác, hết Nhà hát Lớn lại ra rạp Hồng Hà… Bố mẹ phản đối nhưng không thể ngăn nổi tình yêu của con gái dành cho sân khấu. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. 16 tuổi, Lệ Ngọc thi tuyển vào nhà hát.

Không tự tin lắm nên Lệ Ngọc đăng ký và thi tuyển đến 4 nơi, gồm cả Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát múa rối và điện ảnh. Kết quả, chị trúng tuyển cả 4 nơi. Lệ Ngọc chọn Nhà hát Kịch Việt Nam vì rất nhiều nghệ sĩ chị yêu mến như Đoàn Dũng, Thế Anh, Nguyệt Ánh… đều đang làm ở đây. Họ cũng là thế hệ học trò của bố chị.

 Có thế mạnh vì ngoại hình xinh xắn và bố có sức ảnh hưởng nhất định trong giới, nhưng con đường vào nghề của Lệ Ngọc không chỉ toàn thuận lợi. Chị không muốn sử dụng ảnh hưởng của bố mình, bởi mới vào nghề, chị muốn đi bằng đôi chân của mình. Chị hiểu, nghệ thuật rất khắc nghiệt. Nếu không giỏi thực sự thì không thể tồn tại với nghề. Nếu diễn giỏi, lần sau đạo diễn sẽ tìm đến mình…

NSND Lệ Ngọc trong "Ngũ biến" - màn diễn đặc biệt giúp chị mang về giải thưởng Hoa dâm bụt - giải thưởng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan sân khấu ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc tháng 9-2016.

Thế nên, phải trải qua rất nhiều vai phụ, kể cả các "vai rất bé", nhiều nhất là các vai trẻ con, Lệ Ngọc mới chạm đến vai chính. Sau Ngọc Chi trong "Người đá lạc đội hình", Lệ Ngọc được các đạo diễn quan tâm nhiều hơn. Ngay các đạo diễn nổi tiếng và có tiếng khắt khe với  nghề như đạo diễn Xuân Huyền, Đình Nghi… cũng tỏ ý hài lòng. Cô gái nhỏ bé của Nhà hát Kịch Việt Nam đã trở thành nữ diễn viên chính của nhiều vở diễn như thế.

NSND Lệ Ngọc tâm sự, khi chị quyết định gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, sân khấu đã qua thời hoàng kim, nếu không muốn nói đã dần bắt đầu đi xuống. 40 năm gắn bó với sân khấu, 40 năm đã chị sống với những thăng trầm của Nhà hát, đã có lúc khó khăn mà nản lòng nhưng kể cả trong những lúc bĩ cực nhất của cuộc đời, chưa bao giờ Lệ Ngọc muốn rời xa nhà hát, xa ánh đèn sân khấu. Ngược lại, trong khó khăn, chị càng muốn tìm tòi, càng dốc sức cho sân khấu.

Khúc quanh khó khăn lớn đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Lệ Ngọc là thời điểm Phương Anh - con gái đầu lòng của chị chào đời. 3 tháng tuổi, Phương Anh đã phải rong ruổi theo mẹ lưu diễn từ Bắc đến Nam. Diễn xong mỗi màn, chị lại tranh thủ vào sau cánh gà cho con bú. Món bồi dưỡng duy nhất của chị thời điểm ấy là cháo lòng.

Bù đắp lại, mẹ con Lệ Ngọc nhận được sự chăm sóc, tình cảm ấm nồng của các anh chị, cô chú trong đoàn, sự yêu mến của khán giả. Khó khăn, sức chị chịu được. Nhưng con chị còn quá nhỏ, bắt đầu ốm yếu. Thương mình, thương con, nhiều lúc, Lệ Ngọc nuốt nước mắt để vai diễn được trọn vẹn. Chỉ đến khi, con ốm quá, chị mới quyết liệt bỏ ngang chuyến lưu diễn trở về. Lần bỏ đoàn đột ngột ấy, Lệ Ngọc suýt "dính án" kỷ luật. May là sau đó mọi chuyện ổn.

Những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước, cuộc sống của nghệ sĩ sân khấu, trong đó có gia đình Lệ Ngọc khó trăm bề. Chồng chị, nghệ sĩ Văn Hải cũng là diễn viên chính của nhà hát. Xác định mình không hợp với làm doanh nghiệp nhưng lương tháng ba cọc ba đồng không đủ nuôi mình, nuôi con, hai vợ chồng chị nghĩ cách làm kinh tế. Năng khiếu ngoại giao của bản thân lúc này mới bắt đầu phát huy.

Ban đầu trầy trật, sau nhiều va vấp, rút kinh nghiệm, làm rồi quen. Lĩnh vực kinh doanh nhiều, chỉ có điều, không công việc nào gắn với nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu. Năm 2001, đời sống sân khấu đã rất khó khăn. Vợ chồng đều yêu nghề nhưng bàn đi tính lại, anh quyết định hy sinh nghiệp diễn để về làm hậu phương cho vợ. Lệ Ngọc nói, chị coi đây là sự hy sinh của anh cho chị và gia đình bởi đã làm người nghệ sĩ, không ai không muốn mình được gắn bó sàn diễn. Đã yêu thì rất khó bỏ…

NSND Lệ Ngọc và bạn diễn trong "Cải lão hoàn đồng" - vở diễn tham gia liên hoan sân khấu cấp khu vực tại Hàn Quốc năm 2014.

Khi Lệ Ngọc chín muồi cả về kinh tế và diễn xuất, muốn dồn toàn bộ sức lực cho nghệ thuật lại là thời điểm sân khấu lao đao nhất. Khán giả quay lưng với sân khấu, với kịch nghệ. Vào khoảng năm 2004, nhà hát không có đêm diễn. Kịch bản hay không có, tác phẩm sân khấu hay càng hiếm. Đạo diễn chán, vở dựng không có người xem.

Lệ Ngọc đang là trưởng đoàn của Nhà hát Kịch Việt Nam. Không đành lòng nhìn sân khấu tuột dốc, không cam lòng để tình yêu mình nâng niu, trân quý chết dần mòn, Lệ Ngọc dốc sức mình tìm tòi hướng đi mới. Chị chạy khắp nơi, gõ các cửa. Hết thuyết phục, mời các đạo diễn giỏi như Xuân Huyền, Lê Hùng… dựng vở, chị lại cạy cục tìm người am hiểu chuyên môn và báo chí để làm công tác truyền thông.

Cùng với ban giám đốc mất rất nhiều công sức xây dựng kịch mục nhưng với Lệ Ngọc, khổ nhất là đi tìm khán giả. Chính lúc này, kinh nghiệm 35 năm làm doanh nghiệp của chị được phát huy tối đa. Để chiêu lại khán giả cho nhà hát, cho sân khấu, Lệ Ngọc tận dụng tất cả các mối quan hệ. Chị đến từng doanh nghiệp, từng lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, thuyết phục mọi người cùng chung tay đẩy mạnh phong trào.

Tìm tài trợ, mang quân đi biểu diễn ròng rã Bắc, Nam, đến đâu, chị cũng cố gắng mời, tập hợp bằng được những người cùng chí hướng đến xem các tác phẩm, kịch mục dựng mới để đóng góp ý kiến rồi tiếp tục điều chỉnh, tìm hướng đi khả thi nhất.

Không nhiều nghệ sĩ thích, thậm chí bài xích hài kịch, nhưng sau những tìm tòi, Lệ Ngọc quyết định mời NSND Lê Hùng làm hài kịch. Chùm hài kịch "Chuyện vặt", Lệ Ngọc diễn đến 5 vai mang về doanh thu cho đơn vị. Với chính kịch, Lệ Ngọc ghi dấu ấn với "Bến mê"… Sau thời gian này, khán giả cũng bắt đầu tìm lại về với sân khấu.

Dường như trời chưa hết thử thách lòng người. Ở đỉnh cao của sự nghiệp, Lệ Ngọc phát hiện mắc trọng bệnh. Chị không thể nào quên, đêm diễn "Mỹ nhân và anh hùng" tại TP Hồ Chí Minh năm 2009. Đây là vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến tranh tài cùng các đồng nghiệp trong cuộc thi sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc. Chị vào vai bà lớn. Theo kịch bản, bà lớn ngồi trên kiệu.

Đêm đó, Lệ Ngọc xây xẩm mặt mày, thấy kiệu lắc ghê quá. Chị ứng biến, kêu: "Hôm nay không muốn ngồi kiệu, bà muốn cõng". Diễn viên Hồng Quang vào vai chồng bà lớn cõng chị vào đến cánh gà thì Lệ Ngọc cũng lăn ra… ngất!

Từ bệnh viện trong nước đến Singapore, Lệ Ngọc nhận kết quả giống nhau. Khủng hoảng, đau đớn nhưng Lệ Ngọc giấu biệt. Chị sợ nhất là phải nhận sự thương hại của người đời. Đến tận bây giờ, đã 8 năm trôi qua, chị vẫn thế. Nữ nghệ sĩ cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi, chị không muốn công bố bệnh tình của mình. Vừa âm thầm chiến đấu với bệnh tật, chị vừa đi làm, đi diễn. Bi kịch, chị gói gọn trong 4 chữ "tối tăm khủng khiếp".

Mặc dù được các bác sĩ làm công tác tư tưởng trước đó nhưng một đêm, sau khi diễn về, đổ nước gội đầu, tóc rụng từng mảng, không còn cọng nào, chị ngất ngay trong nhà tắm. Cú sốc vì hình hài thay đổi, kiệt sức vì bệnh, vì công việc khiến chị ngã quỵ Nhưng mặc bệnh tật, chị vẫn lao vào công việc. Sân khấu như liều thuốc giảm đau tinh thần hiệu quả nhất, dù rằng, sau mỗi xuất diễn, có thể sức khỏe chạm đến đáy, kiệt cùng.

Để đảm bảo ngoại hình, Lệ Ngọc viện đến công nghệ làm đẹp. Một mái tóc được đặt giống như tóc thật của chị ngoài đời được mang từ Nhật mang về. Khán giả, đồng nghiệp vẫn thấy chị đi làm bình thường. Không ai biết, suốt khoảng thời gian ấy, chị đấu tranh từng ngày với nỗi đau thể xác, những cuộc sinh hóa triền miên.

Ước chừng, đã có 36 lần truyền hóa chất, xạ trị chị phải thực hiện. Xót vợ, rất nhiều lần, nghệ sĩ, nay là doanh nhân Văn Hải khuyên vợ: công việc quan trọng nhưng tính mạng còn quan trọng hơn. Lệ Ngọc không đồng ý. Với chị, quanh quẩn ở nhà, nghĩ về bệnh chỉ khiến bệnh thêm nặng. Mãi rồi anh cũng phải xuôi theo.

NSND Lệ Ngọc chia sẻ rất thật rằng, nếu những ngày qua, không có chồng, không có các con bên cạnh, yêu thương, có lẽ, chị đã không qua được cơn bạo bệnh. Mấy năm gần đây, khán giả, đồng nghiệp vẫn chỉ biết Lệ Ngọc với rất nhiều những vinh quang từ nghề diễn. Sau danh hiệu NSND là hàng loạt các giải thưởng kịch nghệ mang tầm quốc gia và khu vực.

Năm 2015, cuộc thi Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc, chị có giải Nữ diễn viên xuất sắc. Năm 2016, Lệ Ngọc có giải thưởng Hoa dâm bụt cho nữ diễn viên xuất chúng của Liên hoan sân khấu ASEAN - Trung Quốc. Vở diễn từng mang lại giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc 2015 - "Lâu đài cát" cũng được vinh danh là vở diễn xuất sắc tại liên hoan.

Công chúng có thể biết đến các danh vọng chị đã mang về nhưng ít người biết, để thực sự sống các nhân vật ấy trên sân khấu, với một cơ thể mang trọng bệnh như Lệ Ngọc, chị đã mệt mỏi, nhiều lúc muốn kiệt sức. Nhưng, chỉ là kiệt sức sau sân khấu, khi vai diễn đã kết thúc. Lên sân khấu, Lệ Ngọc lại như người nhập đồng, quên hết tất thảy.

Cho đến tận giờ phút ngồi trò chuyện với chúng tôi, căn bệnh mà chị gọi là đại bệnh ấy vẫn chưa thôi đeo bám nữ nghệ sĩ. Chị cũng bảo rằng, nhiều y bác sĩ cũng rất ngạc nhiên về tình trạng sức khỏe của chị. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến còn đề nghị chị xuất hiện trong một số chương trình giao lưu nhưng chị từ chối. Chị vẫn giữ quan điểm không muốn ai thương hại. Và rằng, còn quỹ thời gian đến đâu, Lệ Ngọc vẫn dồn hết sức mình cho sân khấu đến đấy.

Vẫn nhiều dự định dành cho sân khấu chị vẫn đang ấp ủ. Một số khác đang được riết róng triển khai. Nữ nghệ sĩ còn tiết lộ một chương trình rất độc đáo nhưng cũng là thử thách nhiều khó khăn cho cá nhân chị: Lệ Ngọc được một đạo diễn nước ngoài mời tham gia vào vở "Kim tử", một vở diễn rất nổi tiếng của Trung Quốc nhưng hồn cốt rất gần với Việt Nam.

Với vở này, Lệ Ngọc sẽ vào vai một bà mẹ mù, độc thoại và một mình một sân khấu trong suốt một giờ đồng hồ. Sở dĩ Lệ Ngọc được tin tưởng giao vai này vì chị đã từng liên tiếp 3 lần dành giải thưởng Diễn viên xuất sắc Liên hoan sân khấu ASEAN - Trung Quốc, nếu tính cả giải thưởng mới nhất trong tháng 9 vừa qua.

Với chị, sân khấu vẫn luôn là đam mê cháy bỏng. Sống hết mình với đam mê của bản thân, đốt đến năng lượng cuối cùng cho sân khấu cũng chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để chống lại bệnh tật của người phụ nữ - nghệ sĩ quả cảm, hết lòng với nghiệp đời nghệ sĩ.

Minh Hải
.
.